• Christine Ro
  • BBC Worklife

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Là người dẫn chương trình podcast Dear Prudence, Daniel M Lavery chủ yếu đưa ra lời khuyên từ nơi làm việc của ông ở New York.

Nhưng đôi khi ông cũng tiết lộ sự lo lắng của chính mình, như trong một tập phát sóng gần đây khi ông trả lời một sinh viên mới tốt nghiệp đại học, đang cô đơn và e ngại việc tiếp xúc xã hội trong đại dịch Covid-19. Lavery thấy câu trả lời này đúng với hoàn cảnh:

"Thực sự rất, rất khó để nghĩ tới việc đến gần mọi người trở lại."

"Một trong những điều khiến tôi trăn trở khi nghĩ về chuyện một ngày nào đó tôi sẽ lại ở trong một căn phòng đông đúc, trong đó có những người không đeo khẩu trang, đó là sau khi đã trải qua một thời gian quá dài mong mỏi khao khát một ngày như vậy thì giờ đây đôi khi tôi thấy mình lại cảm thấy hoảng hốt."

"Tôi không muốn sợ điều đó, đó là điều tôi muốn. Chưa hết, còn điều này nữa, bạn biết đấy, một phần trong tôi giờ đây phản ứng theo cách chưa từng trải qua: sự kinh hoàng."

Rất nhiều người trong chúng ta đang trong tâm trạng tương tự.

Chúng ta buộc phải trở nên phi xã hội, ít nhất về mặt vật lý, trong một năm nay. Kết quả là nhiều người nhận thấy rằng bất kỳ tương tác xã hội nào với người bằng xương bằng thịt đều rất kỳ cục - cảm giác như chúng ta phải học lại cách ngồi trong phòng với một người khác.

Ngay cả việc nằm mơ cũng đã biến chuyển theo những cách chưa từng thấy, theo xu hướng ác mộng về giãn cách xã hội.

Vậy thì, khi mọi thứ mở cửa trở lại, liệu việc học cách cảm thấy 'bình thường' sẽ theo một đường cong đồ thị? Liệu cơ bắp xã hội của chúng ta có bị hao mòn đi theo một cách nào đó và chúng ta có cần phải 'huấn luyện lại' nó không?

May mắn thay, những 'cơ bắp' này khá đàn hồi và các câu chuyện từ những nơi ít bị ảnh hưởng dịch Covid-19 cho thấy rằng không phải mất nhiều thời gian để trở lại một hình thức bình thường xã hội nào đó.

Dù vậy, trong quá trình sẽ có một số trúc trắc, cho nên sẽ có ích nếu ta có sự chuẩn bị sẵn sàng.

Bộ não bị cô lập

Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người trong chúng ta có thể cảm thấy 'rệu rã' về mặt xã hội.

Ở những mức độ khác nhau, tất cả chúng ta đều trải qua sự cô đơn và cách ly xã hội trong đại dịch, hai điều có thể liên quan đến suy giảm nhận thức theo những cách cụ thể.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chẳng hạn, ở những người có quan hệ xã hội ít và ít rối rắm, hạch hạnh nhân - trung tâm xử lý cảm xúc của não - có xu hướng nhỏ đi.

Cô đơn mãn tính có thể ảnh hưởng nồng độ hormone gắn với căng thẳng và gắn kết xã hội; điều này có thể gây tác động khiến cho khuynh hướng trầm cảm trở nên trầm trọng hơn. Nhìn chung, những người cô đơn có xu hướng hoang tưởng và tiêu cực hơn.

Sự cô lập kéo dài cũng ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng miêu tả mọi thứ bằng lời.

Các sinh vật xã hội, trong đó có cả con người, cần nhiều kích thích tương tác để giữ cho bộ não hoạt động tốt.

Vì vậy, nếu bạn thấy nhiều từ ngữ hơn phát ra từ miệng của mình vào những ngày này, thì phong tỏa có thể có vai trò nào đó.

Đối với tôi, giờ đây 90% thời gian tôi chỉ nói chuyện với bạn đời mình, bằng những khuôn mẫu hội thoại quen thuộc.

Tôi cảm thấy hơi run khi đến lúc trò chuyện với bạn, như thể tôi cần lục tìm lại ngôn ngữ quen thuộc một thời. Khi mọi người được phép bên nhau trở lại, có thể sẽ khó tìm được ngôn từ phù hợp.

Tất nhiên, do hoàn cảnh cá nhân rất khác nhau, sự chuyển đổi trở lại đời sống xã hội sau đại dịch cũng sẽ rất khác.

Một người thất nghiệp, dễ tổn thương về y tế suốt cả thời gian giãn cách xã hội sống chỉ một mình, có thể thấy mình bị mất phương hướng trong giai đoạn tiếp theo hơn là một người đảm bảo về tài chính, sống và làm việc trong một ngôi nhà chung lớn.

Nhìn chung, một số thay đổi về hành vi có thể đảo ngược nhanh chóng khi trở lại với các mô hình xã hội điển hình hơn.

Nhưng Daniela Rivera, nhà sinh vật học tại Đại học Mayor ở Santiago, tin rằng những thay đổi vật lý trong não, chẳng hạn như những thay đổi liên quan đến trí nhớ, sẽ không dễ dàng biến chuyển.

Với một số chỗ trong não bị teo lại, chức năng ghi nhớ có thể bị suy giảm trong nhiều năm sau thời kỳ cách ly xã hội - và suy giảm cùng nó là khả năng chúng ta kết nối dễ dàng với người khác.

Tuy nhiên, đó không chỉ là não bộ chúng ta thay đổi như thế nào. Nhìn chung, các nhà tâm lý đang thấy ngày càng có nhiều người trưởng thành cho biết họ bị căng thẳng trong các tương tác xã hội, từ việc không biết làm thế nào chấm dứt cuộc giao tiếp mà không cần bắt tay hoặc ôm, cho đến không còn chuyện để nói.

Nhưng một số nhóm nhất định lại đặc biệt đáng lo ngại.

Tình hình đặc biệt khó khăn đối với những người mắc chứng lo âu xã hội. "Tiếp tục duy trì được mức độ cải thiện tình hìnhh là điều thực sự rất quan trọng - bởi vì một khi không ở gần mọi người, như chúng ta đã trải qua gần một năm nay, thì họ rất dễ rơi trở lại trạng thái cũ," Marla Genova, người từng là nhà nghiên cứu tâm lý và huấn luyện cho những đối tượng mắc chứng lo lắng xã hội và gặp khó khăn trong giao tiếp, nói.

Cũng có quan ngại về việc học sinh không thể hòa hợp xã hội, do lệnh phong tỏa liên tục được áp dụng rồi gỡ bỏ.

"Ở tuổi này, não bộ vẫn đang phát triển và hoàn thiện kết nối tế bào thần kinh; do đó, đây là giai đoạn then chốt để hình thành các năng lực xã hội vốn sẽ định hình tương tác của chúng với bè bạn," Rivera giải thích.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Bà lo rằng sự cô lập kéo dài có thể khiến một số em mắc chứng sợ giao tiếp xã hội. Trong khi đó, người lớn tuổi nhiều khả năng sống một mình và có thể ít thoải mái hơn với các thiết bị công nghệ để duy trì liên hệ xã hội.

Rivera dự đoán rằng ở một số người dễ bị tổn thương, trong giai đoạn tái hòa nhập xã hội có thể sẽ xuất hiện những thay đổi, chẳng hạn như tăng động, không khoan dung, dễ bực tức, lo lắng, v.v...

Làm thế nào để quay lại suôn sẻ

Phong tỏa kéo dài và các văn hóa khác nhau sẽ đưa đến những trải nghiệm khác biệt khi các khu vực ra khỏi phong tỏa. Nhưng đang xuất hiện một số điểm chung và chúng ta có thể rút ra những bài học từ đó.

Tiếp xúc vật lý, một khía cạnh trước đây được coi là hiển nhiên của việc ở gần người khác, có thể đem lại cảm giác lạ lẫm một thời gian.

Đối với Andre Robles, người điều hành một công ty du lịch ở Quito, Ecuador, nơi đã cho mở cửa trở lại trong lúc các ca lây nhiễm vẫn hoành hành, thì "sẽ lạ lùng một chút khi thấy xã hội vốn nồng nhiệt lại có sự chào hỏi xa cách như vậy. Chạm cùi chỏ vào nhau đã trở thành cử chỉ chào hỏi mới". Những người khác cảm thấy luống cuống để quay lại với những cái ôm.

Yếu tố đòi hỏi Melanie Musson, chuyên gia bảo hiểm sống ở bang Montana, Mỹ, phải tính toán lại, là hình dung ra thái độ khác nhau của mọi người trước rủi ro. Số ca nhiễm đang giảm dần ở bang này, vốn bị chia rẽ sâu sắc về việc đeo khẩu trang.

"Mọi thứ thật kỳ lạ khi tôi đụng phải những người ý thức rõ rệt về Covid," Musson giải thích. "Vì xung quanh tôi chủ yếu là những người cùng sống trong một 'bong bóng' với tôi, tức là một nhóm ít người được phép tiếp xúc trực tiếp với nhau mà không phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, nên tôi sống theo cách thức như thời mọi thứ còn bình thường. Thế nhưng có rất nhiều người xung quanh không đồng ý với điều đó và họ không cảm thấy thoải mái với cách sống của chúng tôi. 'Bong bóng' của tôi vỡ ra khi tôi nhận ra rằng nhiều người vẫn chưa trở lại bình thường."

Trên thực tế, việc giao tiếp có đeo khẩu trang đang giúp mọi thứ trở nên bình thường hơn ở Singapore, Roger Ho, nhà tâm lý học từ Đại học Quốc gia Singapore, nói: "Cuộc sống diễn ra bình thường với việc 'đeo khẩu trang'."

Kinh nghiệm đeo khẩu trang trước đây, chẳng hạn như trong đại dịch Sars, và sự tuân thủ nghiêm túc lệnh chính phủ bắt buộc đeo khẩu trang đã có tác dụng. Ông Ho đề xuất rằng việc tăng cường giáo dục công chúng ở những nơi có sự phản đối khẩu trang sẽ giúp cho việc đeo khẩu trang trong lúc giao tiếp xã hội ít bị coi là lạ lẫm hơn.

Một cách để giảm bớt việc bị người khác đánh giá đối với việc đi chơi với bạn bè cũng như nỗi căng thẳng sợ đám đông là hạn chế phạm vi kết nối xã hội, và nhiều người cho biết đó chính là điều họ đang làm.

Cây viết phụ trách trang blog về văn hóa Pháp Matilda Marseillaise, hiện sống ở Adelaide, Úc, nói: "Đó có lẽ không phải là một năm mà bạn giới thiệu một số người bạn của mình với những người bạn khác mà họ không quen biết. Do đó, một phần của sự nhạy cảm và khó xử xoay quanh Covid là người ta không muốn kết bạn phạm vi quá rộng."

Thật vậy, một số người đã nói họ chọn lọc kỹ hơn đối tượng mà họ giao lưu, để làm sao thoải mái về cả vật chất và tâm lý.

Nghiên cứu của Richard Slatcher, nhà tâm lý học tại Đại học Georgia, và các đồng nghiệp của ông cho rằng sự mất mát to lớn trong giao tiếp xã hội thông thường đã được bù đắp một phần nhờ sức mạnh gia tăng của quan hệ gia đình và tình bạn thân thiết, điều mà mọi người thường coi trọng hơn.

Một phần của quá trình điều chỉnh xã hội có thể là học cách phân bổ lại thời gian và năng lượng khỏi gia đình để dành cho bạn bè, đồng nghiệp và người quen mà không làm mất đi sự gần gũi tạo dựng được với những người thân yêu.

Điều chỉnh lại từ từ

Trong suốt quá trình, điều quan trọng là phải kiên nhẫn và tử tế với bản thân. Như Trung tâm Lo lắng Xã hội Quốc gia Mỹ đã khuyên, "hãy nhớ rằng mỗi người chúng ta hiện đang vụng về về mặt xã hội ở mức độ nhất định".

Bạn cũng không cần phải vội vàng loại bỏ sự vụng về này. Một trong những mặt sáng của quá trình triển khai vaccine kéo dài là "sự chậm chạp của quá trình sẽ giúp ích cho việc tái điều chỉnh," Slatcher nhận định.

Ông nhấn mạnh sự bền bỉ của chúng ta và nói thêm: "Một số căng thẳng sẽ xảy đến, chẳng hạn như tiếp đãi khách lại đến chơi nhà, sẽ là căng thẳng đáng tận hưởng."

Và đối với những người nghĩ rằng họ có thể gặp khó khăn hơn khi tái hòa nhập xã hội, điều trị chứng rối loạn lo âu xã hội có thể gợi mở một số điều.

Cách điều trị này thường là liệu pháp tiếp xúc hoặc đối mặt dần dần với các tình huống không thoải mái để tăng khả năng chịu đựng.

Bất chấp các quy định giãn cách xã hội, vẫn có nhiều cách để thực hiện việc tiếp xúc đó, chẳng hạn như trao đổi bình luận trên mạng xã hội hoặc chia sẻ ý kiến để rèn luyện tính quyết đoán.

Né tránh các tình huống xã hội chỉ có thể dẫn đến tránh né nhiều hơn. Vì vậy, nhà tư vấn về lo âu xã hội Genova kêu gọi mọi người đừng tự cô lập quá một vài ngày liên tục, nếu có thể.

Trong khi đó, nhà sinh vật học Rivera khuyến nghị 'các cách làm đa dạng môi trường khác nhau' để giảm bớt căng thẳng của sự cô lập.

Nó có thể bao gồm những hoạt động thể chất như đạp xe, hoạt động xã hội như gặp gỡ uống cà phê ảo, hoạt động trí tuệ như trò chơi luyện trí óc cũng như hoạt động cảm xúc như trị liệu.

Cuối cùng, ngay cả khi chúng ta phải giữ cho mình sắt đá trong những ngày này để nhấc điện thoại lên nghe, lúng túng bắt chước một cái ôm hoặc suy nghĩ xem liệu mình có cảm thấy thoải mái hay không khi một người bạn đề nghị gặp mặt, có lẽ sẽ có ích khi nhớ lại tính xã hội đã được thể hiện ra sao ở một số nơi khắp thế giới.

Những bức ảnh ngay lập tức trở thành biểu tượng chụp một hồ bơi đông nghẹt người đến vui chơi ở Vũ Hán, Trung Quốc, nơi đại dịch bắt đầu, cho thấy làm thế nào thế giới cuối cùng cũng có thể quay trở lại với đời sống xã hội bình thường.