• Christian Jarrett
  • BBC Worklife

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Có lẽ bạn đã được yêu cầu chủ trì cuộc họp phòng vào sáng thứ Hai - thật sự là gặp trực tiếp ở cơ quan - và bạn cảm thấy bụng đánh lô tô một cách bất thường.

Hơn nữa, bạn đặt báo thức để lên kịp chuyến tàu vào lúc 7h sáng vào thành phố. Đêm trước bạn lăn qua lộn lại trên giường, cứ băn khoăn về việc phải dậy sớm.

Nếu bạn tự hỏi chuyện gì đang xảy ra với mình, không chỉ mình bạn bị như vậy.

Thời gian vừa qua đã buộc nhiều người trong chúng ta lui về ẩn dật với lịch trình tùy tiện. Bạn có thể cảm thấy mình đã thay đổi sâu sắc trong đại dịch, và tự hỏi làm sao mình có thể thích nghi với đời sống công sở trở lại.

Nhưng bạn có thể làm được.

Bạn có thể cho những nét tính cách của mình - chẳng hạn như táo bạo, thân thiện và tham vọng - là chiến lược có sẵn trong người để đương đầu với cuộc sống cũng như để giao tiếp với người khác.

Trong phần lớn thế kỷ qua, hiểu biết đạt được trong tâm lý học là những nét tính cách này đã trở nên cố định từ khi còn trẻ: nhiểu người biết nhà tâm lý học và triết gia Mỹ William James đã chốt thời điểm định hình tính cách ở tuổi 30.

Tuy nhiên, quan điểm của hầu hết các chuyên gia nhân cách ngày nay rất khác nhau.

Về bản chất con người cực kỳ dễ thích nghi. Chúng ta luôn học hỏi và thay đổi, và điều này đúng với tính cách chúng ta. Một loạt phát hiện mới, bao gồm các nghiên cứu theo chiều dọc đã theo dõi cùng một người suốt cuộc đời, cho thấy mặc dù nhân cách tương đối ổn định, nhưng cũng dễ uốn nắn ở mức độ nào đó, ngay cả sau này trong cuộc sống.

Điều này có ý nghĩa lớn đối với cách chúng ta suy nghĩ về tác động cá nhân của đại dịch Covid-19 và làm thế chúng ta có thể chuẩn bị tốt nhất cho việc hòa nhập sau nhiều tháng phong tỏa tới lui.

Rất may, bây giờ bạn có thể khai thác tính dễ uốn nắn của tính cách để giúp mình có được vị thế tâm lý tối ưu để tái hòa nhập thế giới công việc.

Thay đổi mô hình rộng khắp

Trong khi gene di truyền tạo nền móng cho tính cách cụ thể - lập trình chức năng làm việc của chúng ta - đó không phải tất cả.

Các sự kiện trong đời, vai trò và quan hệ xã hội có thể và thật sự định hình chúng ta. Và, đối với nhiều người, rất ít sự kiện trong đời dẫn đến thay đổi triệt để hay gây hỗn loạn như đại dịch.

Chúng ta sẽ không thay đổi một cách đồng nhất. Không có biến chuyển thành nhân cách đơn nhất vì phong tỏa, bởi vì mọi người cảm nhận đại dịch khác nhau.

Tuy nhiên, đối với nhiều người chúng ta, sẽ có một số mô hình thay đổi rộng lớn đặt ra những thách thức đặc trưng khi các hạn chế nới lỏng.

Chẳng hạn, như hầu hết mọi người, nếu bạn không thể giao lưu nhiều, nhất là mặt đối mặt, và phần lớn thời gian bạn ở một mình, thì có khả năng tính cách hướng ngoại của bạn sẽ giảm đáng kể.

Theo thời gian, bạn có thể trở nên ít năng nổ và ít hòa đồng hơn. Những thách thức mà trước đây cảm thấy nhẹ nhàng bây giờ có vẻ cam go.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự cô đơn làm giảm tính hướng ngoại, và thúc đẩy một loạt thay đổi tâm lý mà sau đó làm tình hình xấu hơn nữa, chẳng hạn nỗi sợ bị coi thường và bị từ chối sẽ tăng cao hơn so với trước.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Tương tự, nếu bạn thất nghiệp trong đại dịch, hoặc công việc của bạn bị ngưng trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng vào lúc nào đó, bạn cũng có thể bị giảm tận tâm (mức độ kỷ luật tự giác và tham vọng).

Nghiên cứu chỉ ra rằng thất nghiệp có tác động như vậy do thời gian trong ngày của chúng ta không còn được tổ chức, cũng như không còn tưởng thưởng cho sự siêng năng, đúng giờ và nỗ lực.

Điều này có thể hiện ở sự suy giảm động lực, và bị trượt vào cuộc sống ít tổ chức hơn.

Khi các chương trình tiêm chủng tăng tốc và các giới hạn hy vọng sẽ tiếp tục được nới lỏng ở nhiều quốc gia trên toàn cầu, các nhà bình luận kinh tế dự đoán rằng thế giới sẽ không trở lại như trước đại dịch.

Thay vào đó, nó sẽ phục hồi mạnh mẽ - nền kinh tế và cơ hội việc làm sẽ gia tăng với tốc độ chưa từng thấy trong một thế hệ.

Có thể đó là thời gian lý thú cho sự nghiệp của nhiều người, nhưng nó cũng có thể cảm thấy gian truân, nhất là khi đại dịch đã định hình bạn trở nên hướng nội hơn và ít tận tâm hơn.

Khơi gợi trở lại tính hướng ngoại

Tất nhiên, hướng nội không có gì sai. Nhưng nếu công việc bạn chọn cần giao tiếp xã hội, sự lãnh đạo và năng nổ, thì bằng cách thúc đẩy sự hướng ngoại, bạn sẽ hòa nhập vào đội ngũ, kết nối, và nắm bắt cơ hội dễ dàng hơn.

Tương tự, bằng cách khôi phục hoặc thậm chí tăng cường sự tận tâm, bạn sẽ ở tâm thế tốt hơn để đáp ứng thời hạn, tổ chức khối lượng công việc và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong cuốn 'Be Who You Want', tôi giải thích làm sao chúng ta có thể chủ ý thay đổi tính cách của mình cả từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong.

Chẳng hạn, khi bạn chuẩn bị tái hòa nhập, để tăng cường hướng ngoại từ trong ra ngoài, bạn có thể cố trở nên lạc quan hơn.

Những người hướng ngoại mạnh mẽ lạc quan hơn trung bình, và đây là điều thúc đẩy họ tìm kiếm sự đền đáp - họ hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp.

Một trong những bài tập được chứng minh thực nghiệm nhiều nhất để thúc đẩy sự lạc quan là cái gọi là 'Tự can thiệp tốt nhất'.

Dành nửa giờ hoặc lâu hơn mỗi tuần để hình dung ra bản thân trong tương lai, sau khi mọi thứ đã diễn ra tốt nhất có thể.

Bạn đã làm việc chăm chỉ và đạt được tất cả các mục tiêu trong đời. Lặp lại bài tập này và theo thời gian bạn sẽ thấy mình càng thêm sẵn sàng can dự và chấp nhận rủi ro.

Đồng thời, có nhiều cách để hồi sinh sự hướng ngoại từ ngoài vào trong - chẳng hạn, nếu bạn có người thương, bạn bè hoặc người bạn giúp đưa bạn ra khỏi vỏ ốc, hãy dành nhiều thời gian hơn với họ nếu có thể.

Các mối quan hệ thân thiết của chúng ta có ảnh hưởng quan trọng đến đặc điểm nhân cách.

Quan trọng nhất, những người khác nhau có xu hướng làm bật ra các khía cạnh khác nhau trong nhân cách chúng ta.

Bằng cách có đầu óc chiến lược hơn trong chuyện sẽ dành thời gian với ai, bạn có thể tìm lại khía cạnh hướng ngoại hơn trong nhân cách của mình.

Tăng mức tận tâm

Tương tự, có nhiều cách để khôi phục sự tận tâm từ trong ra ngoài, chẳng hạn bằng kiểm tra niềm tin về ý chí.

Bạn có thấy nó giống nhiên liệu bị nhu cầu rút cạn, hay như máy phát điện tạo ra điện năng khi sử dụng không?

ố gắng tập xem nỗ lực sẽ là thức sẽ được đền đáp và tự nuôi dưỡng. Những người có quan điểm này có xu hướng được bao bọc khỏi sự mệt mỏi và mất tập trung, khi làm việc lâu hơn sẽ thể hiện hiệu suất công việc tăng.

Bạn cũng có thể xem xét cách cảm xúc khiến bạn phải tránh né. Lần lữa từng được coi là vấn đề quản lý thời gian, nhưng các nhà tâm lý học ngày nay nhận ra rằng đó là vấn đề cảm xúc. Giải quyết nỗi sợ về một công việc (đừng quên nhờ giúp đỡ nếu cần) và sau đó xác định bước tiếp theo cần để tiến tới.

Bạn cũng có thể sửa đổi sự tận tâm từ ngoài vào, bằng cách cải biến môi trường tạo thuận lợi để thực hiện mục tiêu; chẳng hạn có thói quen chuẩn bị vào buổi tối những gì bạn sẽ cần cho công việc vào sáng hôm sau, đeo tai nghe trong văn phòng thiết kế mở để tránh bị phân tâm, và sử dụng các ứng dụng để giới hạn thời gian lên mạng xã hội.

Những người rất tận tâm ý chí không hề mạnh hơn. Thay vào đó, họ rành hơn trong việc tránh cám dỗ ngay từ đầu.

Khi chuẩn bị tái hòa nhập, bạn có thể hình thành thói quen hỗ trợ để giúp bạn tìm lại tính tự giác kỷ luật của mình trước đại dịch. Theo thời gian, nó sẽ trở thành bản chất một lần nữa.

Tiến triển tốt đẹp

Tin tốt là chỉ đơn giản bằng cách nhận ra bạn có thể đã bị thay đổi như thế nào bởi các sự kiện gần đây, bạn đã thực hiện bước đầu tiên quan trọng để chuẩn bị tái hòa nhập.

Do đó, hãy trung thực về con người hiện tại của bạn, và sau đó hãy ghi tâm rằng thay đổi diễn ra theo hai cách: chỉ vì đại dịch thay đổi bạn theo những cách phản tác dụng đối với công sở hiện đại không có nghĩa là bạn không thể thực hiện các bước cải thiện để thích nghi.

Kế đó, kế hoạch thay đổi cá nhân càng cụ thể chừng nào, bạn càng có nhiều khả năng thành công. Chỉ mong ước điều tốt nhất không giúp ích được gì. Có kế hoạch rõ ràng và sau đó giữ lấy nó - chìa khóa là kiên trì.

Ngoài ra, kêu gọi sự giúp đỡ của người khác nếu có thể. Nói với họ là bạn đang cố gắng đạt điều gì. Tốt hơn nữa là thử xem họ có muốn tham gia cùng hay không.

Trách nhiệm giải trình trước người khác sẽ giúp bạn có động lực thúc đẩy, và làm quá trình thay đổi tính cách thú vị hơn nhiều.

Cuối cùng, người quản lý cũng có vai trò trọng yếu ở đây - nếu có thể, đáng cho họ biết rằng bạn và các thành viên khác trong nhóm có thể đã bị thay đổi bởi những gì mọi người đã trải qua.

Chúng ta cần các nhà lãnh đạo phải kiên nhẫn: sẽ mất một chút thời gian để tìm lại bản thân mình trước đây, nhưng chúng ta sẽ làm được.

Và các nhà quản lý - hãy hỗ trợ và truyền đạt rõ ràng những gì các nhân viên được mong đợi khi họ trở lại với công việc.

Chúng ta đã trải qua rất nhiều. Hãy giúp nhau trở lại công việc.