• Krystin Arneson
  • BBC Worklife

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Khi thế giới xã hội của chúng ta bị thu hẹp do hậu quả của đại dịch, cuộc sống những người khác chưa bao giờ trở nên hấp dẫn đến thế.

Chúng ta lướt qua những hình ảnh ghi lại ngày làm việc của các nhân viên y tế bị căng thẳng quá mức, ngấu nghiến tin tức về các chính trị gia vi phạm lệnh phong tỏa và những người nổi tiếng bay đến các hòn đảo tư nhân.

Một số người trong chúng ta nhìn ra bên ngoài để xem người hàng xóm có đeo khẩu trang khi đi đổ rác hay không.

Chúng ta cũng bỏ một lượng thời gian kỷ lục để lên mạng: Cơ quan giám sát Ofcom của Anh hồi tháng Sáu năm ngoái phát hiện rằng người trưởng thành trung bình đang bỏ 1/4 thời gian thức dậy trong ngày của họ để lên mạng Internet, trong khi một khảo sát toàn cầu thời gian đầu đại dịch cho thấy 40% người tiêu dùng dành thời gian lên mạng xã hội lâu hơn.

Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta đang tiếp nhận thông tin, tin tức và cập nhật về cuộc sống người khác.

Loài người chúng ta luôn tò mò; những câu chuyện đời của chúng ta được tạo thành từ những trao đổi của chúng ta với cuộc đời và câu chuyện của người khác, giảng viên cao cấp Anne Chappell từ Đại học Brunel London, người gần đây đã nghiên cứu hành vi này cùng với Phó Giáo sư Julie Parsons từ Đại học Plymouth, cho biết.

Tuy nhiên, trong thời kỳ đại dịch, sự quan tâm của chúng ta đối với cuộc sống của người khác dường như đang đạt đỉnh mới.

Dẫu có vẻ là hơi tọc mạch - hoặc thậm chí là hỉ hả - khi nhòm ngó người khác, nhưng sự thôi thúc này không hẳn là điều xấu.

Trong những thời điểm như thế này, khi các hành vi và chuẩn mực đang được định ra và tiến hoá ở những mức chưa từng thấy, thì việc quan sát người khác có thể giúp chúng ta xử lý từng biến động trong đại dịch - thậm chí học cách tự thích ứng.

Chia sẻ hiểu biết

Dĩ nhiên, thị dâm không phải là gì mới. Chúng ta đã có những trang báo xã hội thuật lại câu chuyện của những kiểu Kim Kardashian đầu tiên trên các tờ báo của thế kỷ 19 rất lâu trước khi xuất hiện tạp chí People, vốn ra đời rất lâu trước Instagram.

Tuy nhiên, ngày nay, chúng ta có nhiều cách hơn nhiều để nhìn tọc mạch so với cách đây một thập kỷ.

Các trang tin tức nở rộ như nấm, đem đến các bài phân tích và câu chuyện hình ảnh để thêm chiều hướng và góc độ con người vào các tin tức trong ngày.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Trên mạng xã hội, chúng ta không chỉ có Facebook, mà còn có Instagram, Snapchat, TikTok và bây giờ là Clubhouse - vô vàn nền tảng đa dạng đem lại những cách khác nhau để nhòm ngó người khác.

Tuy nhiên, mong muốn nhòm ngó cuộc sống người khác không chỉ là thị dâm: thuật ngữ này, Chappell giải thích, thường ngụ ý hành vi bất chính hoặc tình dục - người quan sát thụ động, nhìn người khác chủ động hành động, mà không phải lúc nào cũng được sự đồng ý của những người bị quan sát.

Tuy nhiên, những gì chúng ta nhận được từ nhòm ngó việc của người khác - một hành động mà như Chappell nói, thường là chúng ta làm một cách vô thức - không phải là "sự say mê bệnh hoạn".

Đúng hơn, đó là sự trao đổi tích cực hơn, nỗ lực để hiểu thế giới xung quanh chúng ta.

Chappell nhắc tới cuốn nhật ký mang tính lịch sử của những người như Anne Frank, và nói rằng chúng không chỉ là suy nghĩ của một người - chúng cho ta biết về cả cuộc sống cá nhân lẫn cách xã hội vận hành xung quanh họ.

Mong muốn quan sát của chúng ta dường như phát xuất từ mong muốn trao đổi thông tin về con người qua những câu chuyện chúng ta kể về bản thân.

"Tất cả những câu chuyện mà chúng ta trực tiếp gặp - và những câu chuyện ta đọc, thấy, nghe biết và can dự - đều có tác động nào đó trong việc hình thành những hiểu biết chung của chúng ta về xã hội," Chappell nói.

Tìm hiểu và xử lý

Kể từ khi đại dịch Covid-19 quét qua toàn cầu, chúng ta thậm chí còn quan tâm hơn đến những câu chuyện này; việc chúng ta mong muốn mãnh liệt hơn trong việc tiếp nhận tất cả các loại thông tin phần nào phản ánh cuộc sống hàng ngày bị bó buộc của chúng ta.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Cho dù là đồng nghiệp ở cơ quan mà chúng ta nhớ hay các phụ huynh từ đội bóng đá của con bạn, "với sự cô lập xã hội ngày càng tăng trong đại dịch, chúng ta càng tò mò và quan tâm hơn đến cuộc sống của những người xung quanh", Sabrina Romanoff, nhà tâm lý học lâm sàng tại Bệnh viện Lenox Hill của New York, cho biết.

Mạng xã hội, một thứ mang đến yếu tố thoát ly khỏi bốn bức tường đơn điệu, cho phép chúng ta nhìn vào cuộc sống của người khác trên một bình diện ảo - từ việc ta phân tích kệ sách của những người được phỏng vấn hay trăn trở về công thức nấu ăn chóng lan truyền mà ai đó giới thiệu trong bếp của họ.

Laura Tarbox, chuyên gia về chiến lược văn hóa và thương hiệu, vốn nghiên cứu những thay đổi và hành vi đang xuất hiện trên mạng xã hội cho khách hàng, cho biết nó đem đến giả dược cho cơ hội kết nối trong thế giới thực vốn đã bị mất đi.

Mặc dù những tương tác này có thể không thỏa mãn như những cuộc gặp ngoài đời thực, nhưng các nền tảng mạng xã hội là một trong số ít những cách chúng ta còn để kết nối một cách bộc phát với những người khác, Romanoff nói.

Các nền tảng như TikTok, Instagram và Snapchat đều giúp chúng ta chạm mặt trong thế giới ảo với những người mà chúng ta có thể sẽ không bao giờ gặp được trong khi phong tỏa, Tarbox nói thêm.

Mạng xã hội cũng có vai trò trong việc nhanh chóng thiết lập các chuẩn mực mới, xu thế đã trở nên rõ ràng khi chúng ta co rúm lại trước những bức ảnh chụp những vị khách không đeo khẩu trang ở một đám cưới hoặc đưa ra phán xét về những bức ảnh chụp hàng cọ trên bãi biển đăng trên Instagram cho thấy việc du lịch rõ ràng là không cần thiết của người nổi tiếng.

"Chúng ta đang giám sát mạng xã hội, cả có ý thức và vô thức, để hiểu được 'các chuẩn mực' mới về những gì được chấp nhận trong đại dịch - nói ngắn gọn là để tiếp nhận quy tắc xã hội mới đang được tạo ra trong thời gian thực," Tarbox nói. "Điều gì có thể chấp nhận được, chúng ta nên xử sự như thế nào, ở cạnh ai thì được và cái gì an toàn để chia sẻ? Mạng xã hội là nơi chúng ta thu thập tín hiệu và học các quy tắc."

Các nguồn thông tin khác cũng đổ vào, từ việc đọc báo, xem phim tài liệu hay quan sát người qua lại và chúng trở thành cẩm nang của chúng ta về thời đại đang thay đổi nhanh chóng.

"Chúng ta nhìn vào người khác như là những điểm số về dữ liệu," Romanoff nói. "Mọi người dùng dữ liệu này để phán đoán đưa ra đánh giá và nhận định như thế nào về cuộc sống của chính họ. Chúng ta là những sinh vật xã hội vốn dựa vào người khác trong nhóm và cộng đồng của mình để tham khảo khi đưa ra phán đoán dựa trên so sánh tương đối."

Cuộc sống của người khác - cho dù là bộ phim tài liệu y khoa truyền hình tỉ mỉ từng chi tiết, được đăng tải trên Facebook của một người bạn về người bà mắc Covid-19 hay phần bình luận dưới tin tức về con số tử vong kỷ lục - đem lại một điểm tựa để cùng nhau ứng phó với tình huống chưa từng có này.

Romanoff cho biết việc nhìn thấy nỗi sợ của người khác được thể hiện trần trụi trên mạng xã hội hoặc được chứng thực bằng những lượt thích hoặc bình luận, có thể có tác dụng xoa dịu.

Bà nói thêm đây là quá trình được gọi là "bản sắc được phản chiếu".

"Các khía cạnh của bản ngã, như sợ hãi và kinh khiếp, được phân tách và gán cho nguồn bên ngoài, chẳng hạn như trạng thái của một người bạn trên Facebook hoặc một bài báo thảm khốc với hàng trăm lượt chia sẻ," bà nói.

'Sinh vật nhiều chuyện'

Tất nhiên, việc tiếp nhận dồn dập tin tức, mạng xã hội hoặc thậm chí nhìn trộm qua hàng rào có thể là hơi quá nhiều; Romanoff nói rằng khi các chu trình nhận thức của chúng ta bị quá tải khi cố gắng tích hợp thông tin đau buồn vào thế giới nội tâm chúng ta, nó "cộng dồn và tăng cường nỗi căng thẳng và lo lắng mọi người trải qua".

Nhưng nếu bạn lướt Instagram để xem bạn bè đang làm gì, xem các chương trình về nhân viên tuyến đầu chống dịch hoặc đọc các bài báo về tác động tâm lý của đại dịch, thì đó không phải là thú vui giết thời gian.

Ngay cả khi vô thức, đó là một cách để ứng phó với những trở ngại của giai đoạn này, xử lý những lo lắng cá nhân và cảm nhận thế giới mới lạ lùng.

"Chúng ta luôn hướng tới người khác bởi vì chúng ta là những sinh vật nhiều chuyện - vì chúng ta cảm nhận cuộc sống của mình trong mối tương quan với người khác," Chappell nói.