Sự buồn bực làm thay đổi não bộ thế nào

Thứ Sáu, 23 Tháng Hai 201810:00 SA(Xem: 6095)
Sự buồn bực làm thay đổi não bộ thế nào
bbc.com
Mellissa Hogenboom BBC Future

Những cảm xúc tiêu cực làm thay đổi mức đồng cảm của chúng ta đối với những người đang đau khổ Bản quyền hình ảnh Getty
Image caption Những cảm xúc tiêu cực làm thay đổi mức đồng cảm của chúng ta đối với những người đang đau khổ

Cảm xúc của chúng ta có thể có một nhược điểm bất ngờ về cách mà chúng ta đối xử với người khác đang trong đau khổ, theo tác giả Melissa Hogenboom.

Trong cuốn tiểu thuyết kinh hãi 'Câu Chuyện Người Hầu Gái' của Margaret Atwood, nhiều điều đau khổ xảy ra với cô Offred đã làm rung động tình cảm hầu hết độc giả. Khi cô bị đánh bằng roi để đánh xúc vật, chúng ta có thể cảm nhận gần hết sự đau đớn của cô, và sững sờ trước sự bất công khủng khiếp của việc giam cầm cô.

Điều đó gây lo lắng vì chúng ta biết rằng mỗi kịch bản trong tác phẩm hư cấu này đều bị ảnh hưởng bởi một yếu tố lịch sử. "Nếu tôi phải tạo ra một khu vườn ảo tưởng thì tôi muốn các con cóc ở đó là thật," Atwood viết về tác phẩm của mình trong tờ New York Times.

Vì vậy, chúng ta dễ dàng tự đặt mình vào trong hoàn cảnh của cô Offred và thấu cảm với cô. Nó xuất phát từ khả năng rất nhân tính của ta để chia sẻ với cảm giác của người khác. Thực tế, khi chúng ta nhìn thấy người khác đau khổ, các vùng não liên quan đến đau khổ của chúng ta cũng hoạt động mạnh.

Nhưng hóa ra tình trạng cảm xúc của ta có ảnh hưởng đến mức độ đồng cảm. Cảm xúc của ta làm thay đổi cách mà não ta đáp ứng lại với người khác, ngay cả khi họ đang đau khổ. Đặc biệt, khi chúng ta cảm thấy điều không tốt là nó có thể có hậu quả đối với thế giới xã hội của ta.


Rõ ràng là tâm trạng của ta có thể ảnh hưởng đến cách cư xử của ta theo vô số cách thức, từ sự lựa chọn thức ăn (khi chúng ta ở tâm trạng xấu, ta ăn ít lành mạnh hơn) cho đến tình bạn. Khi bạn bè ta buồn rầu, thì cảm giác này có thể lây truyền và làm ta thấy cũng khổ sở hơn. Tâm trạng xấu thậm chí có thể lan truyền trên truyền thông xã hội, một nghiên cứu năm 2017 cho thấy.

Bản quyền hình ảnh Getty
Image caption Tâm trạng xấu của ta thực sự làm ta ít thông cảm những cảm xúc của người khác.

Thực tế, cảm xúc của chúng ta mạnh đến mức là khi chúng ta đang trong tâm trạng vui, nó có thể làm giảm cảm giác đau khi ta bị thương. Nó có tác động giảm đau. Còn đối với cảm xúc tiêu cực thì điều ngược lại xảy ra: cảm giác của ta đối với sự đau đớn được phóng đại lên.

Tệ hơn, một nghiên cứu gần đây được xuất bản tháng 12/2017 đã cho thấy rằng khi ta cảm thấy buồn bực thì nó ảnh hưởng đến khả năng bên trong ta để đáp ứng lại những người khác đang bị đau khổ. Đúng là nó làm giảm sự thấu cảm của ta. Emilie Qiao-Tasserit tại Đại học Geneva và nhóm của cô muốn tìm hiểu tình cảm của ta ảnh hưởng thế nào đến cách chúng ta đáp ứng lại những người khác trong khi họ đang đau khổ. Những cá nhân thử nghiệm đã được gây cảm giác đau ở đùi bằng một máy tăng dần nhiệt độ. Nhóm nghiên cứu cũng cho những người tham gia xem những đoạn phim có tính tiêu cực hoặc tiêu cực khi máy đang quét cắt lớp (scan), ngoài việc làm cho họ có cảm giác đau, hoặc khi xem các clip của những người khác đang bị đau. Đội nghiên cứu không biết rằng liệu những người tham gia có thấu cảm hay không với những người mà họ biết rằng đang bị làm đau.


Hóa ra là ở những người xem một đoạn phim tiêu cực và sau đó xem những người khác bị đau khổ thì thấy ít có hoạt động não ở những vùng có liên quan đến đau đớn: thùy nhỏ ở não trước và vỏ não giữa có đai. Các vùng này thường hoạt động khi ta nhìn thấy những người khác đang bị đau khổ cũng như khi chúng ta bị đau khổ. "Nói cách khác, những cảm xúc tiêu cực có thể chặn khả năng của não để nó nhạy cảm với những nỗi đau của người khác," Qiao-Tasserit giải thích.

Nghiên cứu này bộc lộ nhiều điều. Nó cho thấy cảm xúc có thể làm thay đổi "tình trạng của não", và do vậy nó thay đổi sự nhận biết của ta về người khác.

Theo đường hướng tương tự, một nghiên cứu khác của Qiao-Tasserit và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng sau khi xem một clip tiêu cực, người ta có khuynh hướng đánh giá khuôn mặt ít cảm xúc là tiêu cực hơn.

Những kết quả này rõ ràng là có những liên quan đến thực tế. Nếu một người có quyền lực, thí dụ một chủ hãng, đã bị trải nghiệm điều gì đó tiêu cực trong cuộc sống (thậm chí một điều đơn giản như một bộ phim tiêu cực) thì người đó có thể sẽ ít nhạy cảm hơn với một đồng nghiệp đang đau khổ và thậm chí đánh giá người đó xấu hơn. Tâm trạng xấu của ta thực sự làm ta ít thông cảm những cảm xúc của người khác.

Sự thiếu thấu cảm cũng có những hàm ý khác. Những phát hiện cho thấy sự giảm thấu cảm sẽ dẫn đến việc ít đóng góp tiền hơn cho từ thiện. Việc quét não tiết lộ rằng ta cũng ít cảm thông với những người không ở trong môi trường xã hội gần gũi với mình (như là bạn đồng đội trong câu lạc bộ thể thao).

Vậy tại sao cảm xúc tiêu cực lại làm giảm sự thấu cảm? Có thể là một loại thấu cảm đặc biệt, gọi là sự đau khổ thấu cảm, đã tham gia vào. Điều này, Olga Klimecki (cũng tại Đại học Geneva) giải thích, là "cảm giác bị choáng ngợp" khi một điều xấu xảy ra với người khác, mà nó khiến bạn muốn tự bảo vệ mình thay vì để những cảm giác tiêu cực lấn át. Loại thấu cảm này thậm chí cho thấy những kích hoạt não rất khác so với sự thấu cảm điển hình. Loại đau khổ thấu cảm này tất nhiên cũng có thể làm giảm lòng thương cảm.

Cũng có thể là bất kỳ tình huống nào gợi lên cảm xúc tiêu cực đều khuyến khích ta tập trung nhiều hơn vào bản thân và vào bất kỳ vấn đề nào mà ta phải đối mặt. "Các bệnh nhân lo lắng và trầm cảm, những người phải chịu những cảm xúc tiêu cực quá mức thì thường dễ tập trung vào các khó khăn của mình và dễ bị cô lập," Qiao-Tasserit nói.

Một nghiên cứu năm 2016 của Klimecki và các đồng nghiệp thậm chí còn phát hiện rằng đau khổ thấu cảm làm tăng việc gây sự. Tại đây những người tham gia đã phải đối mặt với tình huống không công bằng và sau đó có cơ hội để trừng phạt hoặc tha thứ đối thủ cạnh tranh với mình. Hơn nữa, những người tham gia vào nghiên cứu đã được yêu cầu thử nghiệm tính cách trước khi vào phòng thí nghiệm. Bà phát hiện ra rằng những người có sự từ bi tự nhiên hơn đã phản ứng lại với hành vi ít xúc phạm hơn.

Đối với Klimecki, việc này nói lên nhiều điều . Trong nghiên cứu sâu rộng của bà về sự thấu cảm, bà đã chứng minh rằng có thể rèn luyện để có cách cư xử thương người hơn. Do đó phản ứng cảm xúc của chúng ta đối với người khác rõ ràng là không bất biến.

Điều này cho thấy rằng tất cả chúng ta có thể điều chỉnh lại sự thấu cảm nội tại, ngay cả khi đối mặt với nỗi đau của người khác. Và khi chúng ta suy nghĩ tích cực hơn một chút thì nó sẽ giúp mở rộng sự quan tâm của ta đối với nhu cầu của người khác. "Điều này có thể đóng góp vào mối quan hệ lớn hơn, một nhân tố quan trọng của hạnh phúc," Qiao-Tasserit nói.

Vì vậy, lần tới nếu bạn đang ở trong trạng thái xấu, hãy dè chừng tác động của nó đối với những người mà bạn giao tiếp hàng ngày. Bạn cũng có thể muốn định thời gian đọc các cuốn tiểu thuyết ghê rợn hoặc phim kinh dị một cách khôn ngoan. Nếu bạn đọc hay xem chúng trong tâm trạng không vui thì đó là thời điểm hoàn hảo để bạn ít có sự thấu cảm nhất, và cảm thấy ít đau khổ hơn (trong thực tế hay viễn tưởng) với người khác.

Bài tiếng Anh trên BBC Future

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn