Tại sao làm việc kiệt sức là vấn nạn ở Thụy Điển

  • Maddy Savage
  • BBC Worklife

Other

Nguồn hình ảnh, Other

Nếu bạn ý thức được những định kiến toàn cầu về Thụy Điển thì cuộc sống nơi công sở ở quốc gia Bắc Âu này có thể gợi lên hình ảnh của các văn phòng làm việc thoải mái bóng loáng, nhiều giờ nghỉ để nhấm nháp cà phê và bánh quế hoặc nghỉ sớm vào thứ Sáu để biến đi đến một ngôi nhà ven hồ.

Mặc dù không phải tất cả nhân viên đều được hưởng những thứ xa xỉ như vậy, nhưng các con số liệu cho thấy chưa đến 1% người Thụy Điển làm việc từ 50 giờ một tuần trở lên, trong lúc người dân được đảm bảo ít nhất năm tuần nghỉ phép mỗi năm.

Thuỵ Điển có văn hóa làm việc rất linh hoạt, cùng các chính sách nghỉ sinh con và trợ cấp nuôi con hào phóng nhất trên thế giới.

Vì vậy, Thụy Điển không phải là nơi ta có thể nghĩ mình sẽ thấy có nhân viên kiệt sức đang phải vật lộn để hoàn thành công việc, hoặc về đến nhà rồi vẫn không rời được khỏi công việc.

Nhưng số người được chẩn đoán mắc các bệnh mãn tính liên quan đến áp lực công việc - bao gồm kiệt sức, một tình trạng còn được gọi là 'kiệt sức lâm sàng' - đã tăng nhanh trong những năm gần đây.

Loại bệnh này là lý do phổ biến nhất khiến người Thụy Điển nghỉ ốm vào năm 2018, theo Cơ quan Bảo hiểm Xã hội Thụy Điển - chiếm hơn 20% các trường hợp trợ cấp ốm đau ở tất cả các nhóm tuổi.

Tỷ lệ này đã thay đổi đáng kể ở những nhân viên trẻ, với các ca bệnh tăng 144% cho những người 25-29 tuổi kể từ năm 2013.

Nữ nhiều khả năng nghỉ ốm vì kiệt sức hơn nam giới - các chuyên gia nói rằng phụ nữ dành nhiều thời gian hơn cho việc nhà hơn, bất kể là họ có con hay không, và số lượng phụ nữ làm việc trong các công việc căng thẳng như chăm sóc người ốm, điều dưỡng và công tác xã hội, thì cao hơn hẳn so với nam giới. Tuy nhiên, sự gia tăng thể hiện rõ trên cả hai giới và trong các ngành nghề khác nhau.

'Mức độ căng thẳng cao, liên tục'

Natali Suonvieri, 27 tuổi, sống ở Gothenburg trên bờ biển phía tây của Thụy Điển, là một trong những người bị ảnh hưởng.

Cô nói bản thân đã 'chạm đến chân tường' và phải nghỉ việc vì kiệt sức vào năm 2017 khi đang làm quản lý tiếp thị cho một công ty khởi nghiệp nhỏ. Giờ làm việc chuẩn của cô là 8h-17h mặc dù đôi khi cũng cô làm việc ngoài giờ và kiểm tra email vào buổi tối.

"Tôi bị căng thẳng cao, rất cao, liên tục," cô giải thích. "Tôi thực sự đã nghỉ ốm hơn một năm. Trong khoảng ba, bốn tháng năm đó, tôi thường nằm co quắp người trên giường." Cô nói cô vẫn gặp vấn đề về nhận thức. "Tôi gặp khó khăn trong việc tập trung... Tôi gặp khó khăn trong việc ghi nhớ các vấn đề."

Mặc dù nhiều quốc gia không chính thức công nhận kiệt sức hoặc kiệt sức lâm sàng là một chứng bệnh về sức khỏe, nhưng các bác sỹ được phép chẩn đoán hợp pháp chứng bệnh này ở Thụy Điển kể từ năm 2003.

Giáo sư Marie Åsberg, bác sĩ tâm thần tại Viện Karolinska, trung tâm nghiên cứu y học lớn nhất Thụy Điển, giải thích rằng điều quan trọng là phải nhận ra rằng hội chứng này mạnh hơn nhiều so với 'có cảm giác của việc bị quá tải' trong công việc, vốn là phản ứng phổ biến trong giai đoạn bị căng thẳng và thường biến mất khi mọi thứ dịu đi.

Mặc dù các triệu chứng của kiệt sức lâm sàng có thể đa dạng, nhưng bà nói rằng chúng thường bao gồm 'căng thẳng triền miên mãn tính', mà biểu hiện là mệt mỏi và lo lắng nghiêm trọng, khó tập trung và các rối loạn nhận thức khác.

"Một khi bạn có hội chứng đó, phải mất một thời gian rất lâu để phục hồi. Nếu não của bạn không hoạt động bình thường, sẽ cực kỳ khó để tới công sở và làm những công việc bình thường," bà nói. Asberg tin rằng những năm gần đây đã chứng kiến sự lan tràn của tình trạng này ở Thụy Điển.

Vấn đề của Thụy Điển?

So sánh quốc tế là không đơn giản, bởi vì các định nghĩa về kiệt sức giữa các nước khác nhau là khác nhau, và không phải tất cả các quốc gia đều công nhận những dấu hiệu chẩn đoán này.

Nguồn hình ảnh, Benoît Derrier

Chụp lại hình ảnh,

Làm việc trong lĩnh vực marketing cho một doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ, Natali Suonvieri kiệt sức vào năm 2017 do làm việc với thời biểu hàng ngày 08:00-17:00 và rất nhiều thời gian làm thêm

Nhưng khi nói đến con số mắc bệnh cao ở Thụy Điển, có một lập luận được nêu ra, đó là vì người Thụy Điển đã sớm hình thành chẩn đoán y tế cho tình trạng này, dẫn đến giúp phá vỡ những điều cấm kị, khuyến khích nhiều người bước ra và khiến chủ lao động có ý thức cao hơn và sẵn sàng chấp nhận vấn đề.

"Người ta từng nghĩ rằng đó là điều rối rắm... nhưng các cuộc tranh luận về sức khỏe tâm thần nói chung và sự kiệt sức thì ngày càng phổ biến, và điều này tất nhiên cũng làm tăng xu hướng tìm kiếm sự giúp đỡ và nói về nó," bà Selene Cortes, người phát ngôn về kiệt sức lâm sàng cho Mind, tổ chức từ thiện về sức khỏe tâm thần của Thụy Điển, nói.

Giáo sư Marie Åsberg cũng chỉ ra rằng hệ thống phúc lợi hào phóng của Thụy Điển cũng đóng một vai trò trong chuyện này: những người được chẩn đoán bị kiệt sức thường có thể nhận được khoảng 80% tiền lương của họ, giới hạn ở mức tối đa là 774 krona Thụy Điển (83 đô la Mỹ) mỗi ngày.

"Nhà nước chi trả, vì vậy bạn không phải bị thiệt hại về kinh tế nếu bạn ốm," bà giải thích. "Chính vì vậy, nhà nước đã tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu rất tốt về những người đang nghỉ ốm và tại sao."

Nhưng ngay cả khi người Thụy Điển có xu hướng hoặc khả năng kinh tế lớn hơn để tìm kiếm sự giúp đỡ, làm thế nào chúng ta có thể giải thích được sự không liên quan giữa thời gian làm việc ngắn của Thụy Điển cũng như nỗi ám ảnh về cân bằng công việc - cuộc sống với mức độ phổ biến của chứng bệnh về mức độ căng thẳng mãn tính?

"Tôi có thể thấy tại sao những người bên ngoài Thụy Điển có thể khó mà tin rằng chúng tôi đang đuối trong khi chúng tôi có sẵn mọi thứ được bày lên đĩa," Pia Webb, nhà tư vấn về cuộc sống và sự nghiệp của Thụy Điển, nói.

Bà tin rằng Thụy Điển có một vấn đề là mặc dù nhiều người kết thúc ngày làm việc vào lúc 17h hoặc thậm chí sớm hơn nhưng lại 'rất dở trong việc ở không'.

Bà nói rằng có áp lực xã hội mạnh mẽ trong việc thúc đẩy mọi người đầu tư thời gian vào việc 'giữ cho cơ thể khoẻ đẹp, giữ cho mình bận rộn và giữ ngoại hình hoàn hảo', điều mà bà tin rằng đã tăng trong những năm gần đây.

Người Thụy Điển tập thể hình nhiều hơn bất kỳ người dân nước châu Âu nào khác, trừ Phần Lan, theo một cuộc thăm dò gần đây của Eurobarometer; gần một phần ba người Thuỵ Điển tập thể dục năm lần một tuần trở lên.

Mặc dù nhiều nghiên cứu đã xác nhận lợi ích của việc tập thể thao trong việc tăng cường sức khỏe tâm thần, Webb lập luận rằng có những nguy hiểm khi tranh tài trong 'những cuộc đua ngày càng đòi hỏi và khắc nghiệt', hoặc tập luyện với mục tiêu đạt được dáng người nào đó. Những áp lực này có thể giúp giải thích tại sao những người trẻ thường xuyên bị kiệt quệ hơn, bà nói.

Đó là quan điểm mà Cecilia Axeland, 25 tuổi, đến từ Stockholm đồng ý. Cô đã làm việc với thời gian trên mức trung bình và "đi đó đây rất nhiều" trong công việc kinh doanh bán hàng cho đến khi cô bị kiệt sức lâm sàng hai năm trước, nhưng cô cũng nói rằng áp lực phải tập thể thao và 'đạt được thành tích' trong lúc rảnh rỗi cũng là một tác nhân chính khiến cô kiệt quệ.

"Tôi cảm thấy áp lực ... bạn cần phải khỏe mạnh, bạn cần ăn uống lành mạnh, bạn cần thư giãn nhưng bạn cũng cần phải 'ra ngoài kia'," cô giải thích. "Do tôi cũng dành thời gian cho âm nhạc... về cơ bản tôi chưa bao giờ nghỉ ngơi và điều đó rút cạn sức lực của tôi."

Áp lực đương đại

Giáo sư Marie Åsberg nói rằng bà nghi ngờ liệu những loại áp lực này ở Thụy Điển có mạnh hơn các nước phương Tây khác hay không. Tuy nhiên, bà đồng ý rằng việc không sắp xếp thời gian thư giãn đúng đắn là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến kiệt sức lâm sàng và giải thích tại sao kiệt sức không chỉ là một phản ứng trước việc làm việc nhiều.

Bộ não, Åsberg giải thích, không thể phân biệt giữa công việc và các hành động khác giống như công việc, chẳng hạn như lên kế hoạch rất nhiều hoạt động trong thời gian rảnh rỗi, có sở thích cạnh tranh hoặc thức khuya để cập nhật tài khoản mạng xã hội của bạn.

"Tôi đoán bộ não không quan tâm liệu bạn có được trả tiền khi làm việc đó hay không," bà nói và cho rằng hầu hết những người 'chạm đến chân tường' đều là những người 'rất tham vọng' và 'không ngủ đủ giấc'.

"Họ muốn thành công và cho thế giới thấy họ giỏi như thế nào, do đó họ đã khiến sức mạnh và sức chịu đựng của mình bị quá tải."

Nguồn hình ảnh, Benoît Derrier

Bà lập luận rằng bên cạnh mạng xã hội và điện thoại thông minh, có những áp lực đương đại khác có thể ảnh hưởng đến sự gia tăng chứng kiệt sức ở Thụy Điển và các nước khác.

Trong thị trường việc làm cạnh tranh ngày nay, nơi những người trẻ tuổi phải vật lộn để đảm bảo việc làm lâu dài trong các lĩnh vực được ưa chuộng, bà tin rằng nhiều người rất 'hăng hái và hăm hở muốn chứng tỏ rằng họ là người giỏi' và rằng họ làm việc chăm chỉ hơn cần thiết.

Những câu châm ngôn thời hiện đại vốn khuyến khích chúng ta thực hiện ước mơ của mình cũng có thể làm tăng áp lực và đem đến thất vọng khi mọi thứ không như kế hoạch.

"Ngày nay, bạn được dạy từ thời thơ ấu rằng bạn chỉ cần làm việc một chút, bạn có thể đạt được bất cứ điều gì - tất cả các cơ hội đều mở ra với bạn - nhưng không phải ai cũng vậy."

Vấn đề cá nhân hay tập thể?

Một số chuyên gia cho rằng cách cấu trúc của xã hội Thụy Điển cũng tạo ra áp lực đặc biệt lên sức khỏe tâm thần của thanh niên.

Selene Cortes, thuộc tổ chức từ thiện về sức khỏe tâm thần Mind, phản ánh rằng Thụy Điển là một trong những quốc gia cá nhân nhất và thế tục nhất thế giới, theo dự án nghiên cứu toàn cầu có tên Khảo sát Giá trị Thế giới (WVS).

Có một chuẩn mực văn hóa cho rằng người Thụy Điển nên độc lập từ khi còn nhỏ. Cortes nói điều này có thể đem đến cảm giác gánh nặng, hoặc có nghĩa là một số người không muốn nói về sự vật lộn của mình vốn có thể là dấu hiệu cảnh báo bị kiệt sức lâm sàng. "Những người trẻ tuổi khá cô đơn trên hành trình tạo dựng tương lai," bà nói.

Bà Pia Webb, người đã sống ở Anh và làm việc với các khách hàng từ khắp châu Âu cũng như Thụy Điển, cũng đưa ra lời giải thích tương tự.

Nguồn hình ảnh, Benoît Derrier

Chụp lại hình ảnh,

Thụy Điển nổi tiếng về sự uy trì cân bằng giữa cuộc sống và công việc, với chế độ làm việc linh hoạt, hỗ trợ trông trẻ và có nhiều ngày nghỉ, nhưng tình trạng kiệt sức lâm sàng đang tăng ở mức đáng lo ngại

"Các nền văn hóa khác mang tính gia đình nhiều hơn... mọi người giúp đỡ nhau nhiều hơn," bà nói. "Tôi nghĩ rằng điều đó cũng đem đến nhiều thời gian thư giãn hơn, và giúp cho mọi người chỉ 'ở đây và vào lúc này', cho dù đó là một bữa tối sum họp tuyệt vời, hay chỉ ngồi xuống uống một tách trà như ở Anh."

Khi nói đến đối phó kiệt sức lâm sàng ở Thụy Điển và các nơi khác, có sự chia rẽ giữa những người tin rằng mỗi cá nhân phải tự xử lý vấn đề của mình và những người lập luận rằng đó là vấn đề mang tính xã hội nhiều hơn.

"Thật dễ dàng để nói rằng 'là do lỗi của xã hội mà tôi kiệt sức' và 'tôi chỉ là một người nữa', hoặc thậm chí cảm thấy có 'sự đáng nể' vì đã làm việc rất chăm chỉ," Webb nói. Nhưng bà cũng nói rằng nhiều người kiệt sức sau ngày làm việc đã không giải quyết được các vấn đề cá nhân như sự cầu toàn, lo lắng hoặc thiếu tự tin.

"Bận bịu là cách dễ dàng để không phải đối phó với những vấn đề này," bà nói. "Dĩ nhiên, làm việc nhiều giờ hoặc không có người sếp tạo điều kiện có thể bào mòn bạn nữa, nhưng nếu bạn vẫn không giải quyết được vấn đề của chính mình, bạn sẽ không bao giờ cân bằng tốt như bạn có thể."

"Bất cứ ai cũng có thể bị kiệt sức," bà Suonvieri, người điều hành cộng đồng Facebook lớn nhất của Thụy Điển cho phụ nữ gặp căng thẳng, nói. "Đó không phải là mức độ thời gian bạn làm việc, mà là về sự kiểm soát và tài nguyên bạn có ở nơi làm việc để bạn biết bạn có thể làm việc đầy đủ với chất lượng cao," bà nói. "Đây là một vấn đề phức tạp, liên quan đến mọi thứ, từ lãnh đạo đến loại môi trường làm việc nói chung."

Nguồn hình ảnh, Benoît Derrier

Suonvieri cũng nói rằng ba nghi ngờ tính chính xác của các số liệu chính thức theo đó nói chưa tới 1% người Thuỵ Điển thường xuyên làm việc nhiều giờ. Bà nói rằng nhiều nhân viên và chủ lao động không ghi chép đầy đủ thời gian dành cho các việc như kiểm tra thư điện tử hoặc tin nhắn các loại một khi giờ làm việc chính thức đã hết.

Giải pháp

Mặc dù phương pháp điều trị tốt nhất là phòng ngừa, nhưng Giáo sư Marie Åsberg nói rằng hệ thống y tế của Thụy Điển cung cấp một loạt các phương pháp điều trị được trợ cấp hào phóng cho những người kiệt sức mà các quốc gia khác có thể học hỏi.

Chúng bao gồm các khóa học nhóm về căng thẳng, trong đó người học được hướng dẫn lời khuyên và bài tập để giúp xử lý căng thẳng.

"Nó giúp bạn vượt qua cảm giác xấu hổ," Åsberg nói. "Họ (những học viên khác trong nhóm) cũng bị y chang như bạn, và bạn thấy họ là những người tốt, thú vị và khi đó về mặt logic thì không có lý do gì phải xấu hổ cả."

"Có một mạng lưới những người cũng gặp vấn đề tương tự," Cecilia Axeland, người đã tham gia vào một khóa học căng thẳng cũng như chương trình giấc ngủ được nhà nước trợ cấp sau khi kiệt sức lâm sàng, đồng ý. "Đó là điều mà tôi cảm thấy có ích cho tôi, vì tôi hiểu rằng tôi không đơn độc."

Dành thời gian để thư giãn hoàn toàn cũng là lời khuyên của Cecilia Axeland dành cho những người đồng cảnh ngộ.

Sau khi nghỉ ngơi nhiều trong bốn tháng nghỉ ốm, cô đã đi học một năm và hiện có một công việc mới trong ngành công nghệ. Nhưng cô đã ý thức hơn rất nhiều về việc dành thời gian để dừng công việc so với trước khi bị ốm.

"Tôi thường đi dạo để giải tỏa đầu óc và để điện thoại ở nhà. Không ai có thể gọi tôi được," cô nói. "Trước khi kiệt sức, tôi thực sự cần phải chứng tỏ bản thân... và giờ đây tôi có thể nói rằng tôi tử tế với bản thân mình hơn rất nhiều... đó là điều quan trọng nhất."