• Maddy Savage
  • BBC Travel

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Huấn luyện viên leo núi băng người Thụy Điển Markus Nyman khởi động cho các học viên của mình bằng một tua trượt tuyết ngoài đường trượt, đi ngoằn ngoèo qua những cây thông phủ lớp tuyết dày đến nỗi dân địa phương gọi chúng là 'ma tuyết'.

Từ những cây thông này chỉ cần trượt xuống vài phút là đến ghế nâng chính để đưa các nhà thám hiểm núi tuyết lên đỉnh dốc Duved, một ngôi làng thế kỷ 17 cách thủ đô Stockholm 640 km về phía bắc.

Nhưng chẳng lâu sau họ đổi ván trượt sang giày đế nhọn và đổi gậy lấy cuốc khi họ chuẩn bị leo một thác nước đóng băng ở giữa rừng.

Cho trẻ em ra ngoài trời

"Cảm giác đầu tiên thật kỳ lạ vì bạn có thể đi trên lớp băng trơn trượt như vậy mà vẫn có độ bám hoàn hảo như vậy," Nyman giải thích.

Nhiều khách hàng của ông, ông cho biết, là những gia đình muốn "kết hợp trượt tuyết trong khu du lịch với việc thử điều gì đó thách thức và mới mẻ".

Những tay ngang từ 12 tuổi đặt mục tiêu lên đến đỉnh của bức tường băng dày gần như thẳng đứng cao 8 mét, dùng cuốc để bấu vào lớp băng đông cứng và từ từ kéo mình lên vách núi trơn trượt.

Trên cơ thể đeo dây thừng và bộ nịt giữ cho họ được an toàn nếu họ không bám được.

Những học viên xuất sắc có thể leo tiếp đến một vách băng cao 18 mét, nếu cơ bắp của họ có thể chịu được căng thẳng trong khi chịu đựng mức nhiệt độ có thể giảm sâu xuống -20 độ C.

Mức cầu đối với dịch vụ của Nyman đạt đỉnh điểm trong tháng 2 và đầu tháng 3, khi ngày dài hơn và băng vẫn chưa bắt đầu tan.

Nhưng lý do chính khiến ông quá bận rộn là một truyền thống hàng năm của Thụy Điển được gọi là sportlov, một kỳ nghỉ cho học sinh trên toàn quốc nhằm để cho trẻ em Thụy Điển ra ngoài trời và chơi các môn thể thao mùa đông.

Các trường học trên cả nước đóng cửa một tuần một lần, trên thực tế kéo dài trong một tháng để đảm bảo các khu nghỉ dưỡng không quá đông.

Và với việc hầu hết người Thụy Điển được hưởng ít nhất năm tuần nghỉ phép mỗi năm, nhiều phụ huynh dành thời gian nghỉ để tham gia cùng con cái.

Những người độc thân 20 và 30 tuổi cũng tiếp tục thói quen này cho đến tuổi trưởng thành, thuê nhà gỗ trên núi để ở với bạn bè.

Sportlov bắt nguồn từ Đệ nhị Thế chiến, khi ủy ban năng lượng do chính phủ điều hành khuyến nghị đóng cửa các trường học trong một tuần để tiết kiệm tiền sưởi ấm trong bối cảnh châu Âu bị thiếu than.

Để giữ bọn trẻ bận rộn trong khi cha mẹ làm việc, các hoạt động ngoài trời do nhà nước đài thọ được đưa ra.

"Khi mọi thứ trở lại bình thường và chiến tranh kết thúc, các quan chức đã thấy tác động tốt đối với những đứa trẻ và đã có ý tưởng rằng đây là điều tốt cần phải giữ," bà Emelie Thorngren, người tổ chức các hoạt động dành cho trẻ em cho Hiệp hội ngoài trời Thụy Điển, tổ chức thể thao ngoài trời phi lợi nhuận lớn nhất của đất nước, giải thích.

"Họ muốn trẻ em có nhiều hoạt động thể chất hơn và đặc biệt đảm bảo trẻ em thành thị có thể vào rừng hay lên núi."

Nguồn hình ảnh, Getty Images

'Quyền đi đây đó'

Ngày nay, một số địa phương vẫn cho mượn giày trượt băng hoặc xe trượt tuyết hoặc đài thọ các chuyến đi trong ngày đến các khu bảo tồn thiên nhiên trong kỳ nghỉ kéo dài một tuần.

Một loạt các tổ chức phi lợi nhuận cũng đưa ra các trải nghiệm ngoài trời miễn phí hoặc giá rẻ trong suốt thời gian sportlov và ngoài thời gian đó, trong đó có Hiệp hội Ngoài trời Thụy Điển, vốn bao gồm 300 câu lạc bộ địa phương.

"Chúng tôi có các hoạt động cho các độ tuổi từ 0 đến 100 tuổi và các hoạt động không bao giờ là để ganh đua," Thorngren nói. "Chúng tôi chào đón [tất cả mọi người] hòa mình vào thiên nhiên cùng với chúng tôi, tham gia vào tất cả các trải nghiệm và được tất cả các lợi ích sức khỏe tốt."

Việc đưa phương diện thể thao vào kỳ nghỉ xuân đánh vào tình yêu thiên nhiên ở đất nước này vốn từ lâu có vị trí đặc biệt trong trái tim dân tộc Thụy Điển. Kể từ thời Trung cổ, người Thụy Điển đã đón nhận một khái niệm được gọi là allemansrätten (quyền đi đây đó) vốn thuộc về phạm vi cảnh quan ngoài trời của đất nước.

Chính thức được ghi trong Hiến pháp vào những năm 1990, bộ luật quốc gia thật sự này về 'đam mê xê dịch' có nghĩa là cả người Thụy Điển và du khách nước ngoài đều có thể trượt tuyết, đạp xe, trượt băng, bơi lội, cắm trại và - vâng - thậm chí bấu cuốc để leo thác nước đóng băng bất cứ nơi đâu ở Thụy Điển mà không thuộc về hoặc ở gần đất tư.

Và do 97% diện tích đất nước không có người ở và có rất ít đường mòn hoặc bãi biển là sở hữu riêng, không thiếu những địa điểm đẹp để khám phá: hai phần ba đất nước được rừng bao phủ; quốc gia này có 30 công viên quốc gia và hơn 4.000 khu bảo tồn thiên nhiên (cộng lại có diện tích lớn hơn cả nước láng giềng Đan Mạch); gần 270.000 hòn đảo và hàng ngàn km đường xe đạp.

Đón nhận cảnh quan ngoài trời của Thụy Điển cũng là xu hướng ngày càng tăng đối với du khách nước ngoài trong những năm gần đây, với các cuộc khám phá và sự kiện thiên nhiên nằm trong số năm hoạt động hàng đầu của du khách quốc tế trong năm 2019, theo Visit Sweden, cơ quan du lịch quốc gia Thụy Điển.

Trong 10 tháng trước đại dịch, khoảng 60% khách quốc tế lưu trú qua đêm là đến các địa điểm đến bên ngoài thủ đô Thụy Điển.

Phong trào tẩy chay đi máy bay toàn cầu - do nhà hoạt động người Thụy Điển­ Greta Thunberg khởi xướng - cũng thúc đẩy du lịch khu vực trước khi có những hạn chế đi lại do Covid-19, với nhu cầu cao về các kỳ nghỉ ở miền quê hay ở vùng biển từ du khách Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Đức vốn háo hức muốn khám phá vùng quê Thụy Điển bằng tàu hỏa, phà hoặc xe hơi, thay vì đi xa hơn vào nội địa.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Truyền thống lịch sử

"Allemansrätten cũng là về quyền và nghĩa vụ tức là bạn nên có trách nhiệm và thể hiện sự quan tâm đối với chủ đất và các du khách khác," Thorngren giải thích.

"Chúng tôi có câu này 'đừng làm phiền, đừng phá hoại' [thần chú] và chúng tôi dạy tất cả con cháu mình câu nói đó... vì vậy chúng tôi lớn lên với điều này, và chúng tôi thấy được lợi ích của điều đó."

Tại Đại học Mid Sweden ở Östersund, thành phố nhỏ ven hồ cách đồi trượt tuyết và thác nước của Duved 90 phút về phía đông, bà Lusine Margaryan - phó giáo sư chuyên về du lịch thiên nhiên vốn xuất thân từ Armenia - đã nghiên cứu sự ám ảnh với các thú vui ngoài trời ở đất nước mà bà được nhận vào.

Bà nói đam mê dành thời gian ngoài tự nhiên của người Thụy Điển có liên quan chặt chẽ đến thực tế là 'công nghiệp hóa đã xảy ra ở bán đảo Scandinavia tương đối muộn so với hầu hết châu Âu đại lục.'

Từng là đất nước nông nghiệp, tại Thụy Điển cho đến cuối thế kỷ 19 có rất ít khu vực đô thị.

Ngay cả ngày nay, không có thành phố Thụy Điển nào có hơn một triệu người, và nhiều người Thụy Điển vẫn sống trong các khu vực dân cư thưa thớt được ngăn cách bởi những vùng hoang dã rộng lớn.

Điều này có nghĩa là 'truyền thống sống nơi thôn dã và sống xa đất liền' cuối cùng vẫn tồn tại. "Săn bắn và câu cá, hái quả, kiếm gỗ... những kỹ năng này vẫn còn ở các nước Scandinavia," Margaryan giải thích.

Ngay cả thủ tướng của đất nước, Stefan Löfven, cũng nói rằng ông thích làm thoải mái đầu óc bằng cách đốn gỗ, hái quả mâm xôi hoặc ném đá trong các hồ xung quanh Örnsköldsvik, quê hương của ông trên bờ biển phía bắc của Thụy Điển.

Website du lịch chính thức của đất nước tuyên bố đầy tự hào: "Thụy Điển không có tháp Eiffel. Không có thác Niagara hay tháp đồng hồ Big Ben. Thậm chí còn có được tượng Nhân sư nhỏ. Thụy Điển có cái gì đó khác - tự do đi khắp nơi. Đó là tượng đài của chúng tôi."

Các ngôi nhà tranh thôn quê được truyền qua nhiều thế hệ cũng là việc phổ biến, Margaryan nói, và việc này cho phép nhiều người Thụy Điển thành thị trải qua kỳ nghỉ ở thôn quê nơi ông bà cha mẹ của họ lớn lên.

Ngày nay, khoảng một trong số năm người dân Thụy Điển sở hữu một ngôi nhà tranh như vậy, trong khi hơn một nửa dân số Thụy Điển có thể đến ở nhà thôn quê thông qua gia đình hay bạn bè, theo cơ quan thống kê Statistics Sweden.

'Hòa mình vào tự nhiên'

Trong đại dịch, giá trị của việc dành thời gian ngoài trời để giảm căng thẳng và tăng cường sự an lạc (thay vì chỉ để giữ vóc dáng) đã trở thành châm ngôn của các chính phủ và tổ chức từ thiện y tế công cộng trên toàn thế giới.

Nhưng chủ đề này đã có từ nhiều thế kỷ trước ở Scandinavia và tạo thêm bối cảnh cho tình yêu thiên nhiên của người Thụy Điển.

Một khái niệm được gọi là friluftsliv, có nghĩa là 'sống ngoài trời', đã được phổ biến trên toàn khu vực vào những năm 1850, sau khi nhà viết kịch và nhà thơ Na Uy Henrik Ibsen cổ súy dành thời gian ở những nơi xa xôi như một hình thức thư giãn.

"Nó rất gần với ý nghĩa chánh niệm của chúng ta ngày nay," Margaryan giải thích. Vì vậy, đó là sự tìm kiếm sự gắn kết sâu sắc hơn với cảnh vật, hòa vào tự nhiên và chìm vào trạng thái thiền định, tự quán tưởng này.

Nyman đồng ý rằng niềm đam mê leo núi băng của ông (trong tiếng Thụy Điển gọi là isklättring) là để giữ cho sức khỏe tinh thần của ông được mạnh mẽ cũng như là để thúc đẩy giới hạn thể chất của bản thân ông.

"Bạn không thể - ngay cả khi muốn - nghĩ về điều gì khác chẳng hạn những rắc rối hàng ngày của bạn, bởi vì bạn thực sự phải tập trung," ông cho biết.

"Và [từ Duved] bạn có thể nhìn xuống thung lũng; có thể nhìn thấy những ngọn núi ở phía xa... thực sự điều mà hầu hết mọi người nghĩ khi họ đến đỉnh là 'Ái chà!'"

Đối với Margaryan, vốn lớn lên ở thủ đô Jerevan của Armenia, việc chuyển đến Thụy Điển đã giúp cô dễ dàng hơn để tận hưởng niềm đam mê trọn đời của cô là dành thời gian ngoài trời.

"Nó ăn sâu vào văn hóa địa phương... và thực sự không cần phải bỏ công để tìm ra thiên nhiên, bởi vì ngay cả các ở thành phố vẫn luôn có rừng và công viên lớn.

Giúp di dân hòa nhập

Tuy nhiên, cô lưu ý rằng cô là di dân duy nhất trong câu lạc bộ chạy bộ địa phương mà cô sinh hoạt, và cô tin rằng việc cải thiện khả năng tiếp cận các hoạt động ngoài trời cho dân số ngày càng đa dạng của Thụy Điển là một thách thức quan trọng.

Một trong năm người sống ở Thụy Điển sinh ra ở nước ngoài hoặc có cha mẹ đến từ nước khác, nhưng nghiên cứu định tính của Đại học Mid Sweden chỉ ra rằng nhiều người ít tham gia vào các truyền thống hàng năm như khái niệm sportlovor chẳng hạn như allemansrättenfriluftsliv.

Điều này bắt nguồn từ một loạt các yếu tố, như thông tin hạn chế về các hoạt động ngoài trời bằng các thứ tiếng khác ngoài tiếng Thụy Điển, di dân thường có ít thu nhập khả dụng hơn để chi cho trang bị thể thao, không quen thuộc với khí hậu lạnh và các lý do văn hóa ảnh hưởng đến quan hệ của họ với tự nhiên.

"Nếu chúng ta không lớn lên với ý tưởng rằng mình nên đi vào rừng... thì rừng rậm sẽ được coi là nơi nguy hiểm chứ không phải là nơi có thể đi dạo một mình vào buổi tối," Margaryan nói.

Nhưng đã có những nỗ lực để hòa nhập người nhập cư và các nhóm dễ bị tổn thương khác tốt hơn vào lối sống ngoài trời của Thụy Điển và cải thiện khả năng họ tiếp cận với thiên nhiên.

Các sáng kiến gần đây bao gồm Fritidsbanken (ngân hàng giải trí), một tổ chức phi lợi nhuận trên toàn quốc hoạt động như thư viện công cộng, cho mượn các thiết bị thể thao được quyên góp trong tối đa 14 ngày.

Tổ chức 'Hej Främling!' ('Này Người lạ!) nhóm kết nối di dân và dân địa phương để họ có thể tham gia các hoạt động ngoài trời miễn phí như đi bộ đường dài hoặc chạy cùng nhau.

Đại học Mid University Sweden đã khảo sát hàng ngàn câu lạc bộ thể thao để xác định các chỗ cần cải tiến, và nó cũng có trong một dự án du lịch bền vững mới trị giá 56 triệu kronor, mà trong tám năm tới sẽ thử nghiệm những cách làm mới để làm sao cho mọi người dễ tiếp cận hơn với các thiết bị thể thao và giao thông, đồng thời cũng bảo vệ môi trường.

Hiệp hội Ngoài trời Thụy Điển - vốn từ lâu đã vận động hành lang những người hoạch định chính sách và các chính trị gia tăng ngân sách để thúc đẩy công chúng tham gia nhiều hơn nữa vào các hoạt động ngoài trời - là một trong những bên tham gia chương trình.

"Điều quan trọng là tất cả mọi người đều có cơ hội giống nhau để hòa mình vào tự nhiên và tiếp cận với cuộc sống ngoài trời." Thorngren nói.

"Càng nhiều người có được cơ hội hòa mình vào tự nhiên, thì họ càng muốn bảo vệ thiên nhiên."