• Ella Davies
  • BBC Earth

Other

Nguồn hình ảnh, Other

Được coi là vua của các loài cá, cá hồi Đại Tây Dương (Salmo salar) từ lâu đã được ngưỡng mộ. Trong hang động ở Pháp có một bức tranh khắc về loài cá này với niên đại khoảng 25.000 năm.

Trong tiểu thuyết Salar the Salmon của Henry Williamson, đó là loại cá 'có đặc tính như chì mới cắt và đồng mới cắt', còn nhà thơ Ted Hughes thì mô tả đó là 'cực quang Bắc Cực trên biển của cơn phẫn nộ tháng Tư'.

Cá hồi khổng lồ có thể đạt chiều dài hơn một mét, và con trưởng thành kích thước trung bình có thể nặng hơn 5kg.

Đằng sau hình dáng ấn tượng này là vòng đời ấn tượng - nở trong lớp sỏi dưới đáy sông nước ngọt, nó có hành trình kéo dài hàng trăm, thậm chí hàng ngàn dặm ra biển để lớn lên trước khi về lại nơi sinh để sinh sản và bắt đầu lại chu kỳ.

Người La Mã gọi nó là 'cá nhảy', ý muốn nói đến sức mạnh của nó để phóng qua các chướng ngại vật khi đi từ biển trở về khu vực đẻ trứng ở thượng nguồn.

Loài cá vương giả này hiện thường được gắn với môi trường sống nguyên sơ ở các con sông của Cao nguyên Scotland hoặc tỉnh Nova Scotia, Canada, vì vậy bạn có thể ngạc nhiên nếu biết các tuyến đường di cư của cá hồi Đại Tây Dương băng qua nhiều thành phố châu Âu.

Ví dụ, từ tường thành phố cổ của thị trấn Chester, Anh, nhìn xuống Sông Dee trong những tháng mùa hè bạn có thể thấy một cái bóng di chuyển dưới mặt nước.

Mức thấp kỷ lục

Chester là nơi có bẫy cá khoa học lâu đời nhất của Anh, nằm trong một tòa nhà nhỏ bằng gạch cạnh đập nước.

Nó tạo ra một lối tắt giúp tiết kiệm sức lực cho cá hồi bằng cách bỏ qua đập nước dốc, đồng thời cho phép các nhà khoa học bắt giữ chúng tạm thời.

Để theo dõi sức khỏe cá hồi và ước tính số lượng cá trên, các nhà nghiên cứu đem cân chúng, lấy mẫu vảy và gắn thẻ trước khi thả chúng ra để tiếp tục cuộc hành trình.

Đáng buồn thay, số liệu thống kê gần đây vẽ lên một bức tranh ảm đạm: năm 2018, các dòng sông ở Anh đã ghi nhận mức tỷ lệ cá hồi trở lại thấp nhất trong lịch sử.

Ian Davidson, Cố vấn Kỹ thuật Cao cấp của tổ chức Salmonids for Natural Resources ở xứ Wales, đã làm việc tại bẫy cá ở Chester kể từ khi dự án bắt đầu vào năm 1991.

Ông giải thích rằng trong khi chúng ta vẫn chưa rõ chính xác điều gì đã khiến cho số lượng cá hồi suy giảm, thì có bằng chứng cho thấy vấn đề nằm ở ngoài biển.

"Các nghiên cứu gắn thẻ cho cá hồi non ở hạ lưu Sông Dee cho thấy tỷ lệ cá sống sót sau hành trình ra biển và trở về sau khi đã trưởng thành đã giảm từ khoảng 6% vào giữa những năm 1990 xuống còn 2% trong những năm gần đây," ông giải thích.

Trong môi trường biển, cá hồi phải đối mặt với các mối đe dọa từ việc đánh bắt quá mức, ô nhiễm, dịch bệnh lây lan từ các trang trại nuôi cá và tác động của biến đổi khí hậu như nhiệt độ nước biển tăng.

Năm quốc tế Cá hồi

Tổ chức bảo tồn cá hồi Bắc Đại Tây Dương (NASCO) đã phát động Năm quốc tế Cá hồi, trong chiến dịch nhằm thúc đẩy các nỗ lực công khai nghiên cứu và khắc phục các vấn đề mà loài cá hồi gặp phải.

Được xem là 'thủ phủ của vùng cao nguyên', Inverness của Scotland không xa lạ gì với cá hồi.

Nằm ở cửa Sông Ness, vốn chảy từ hồ Loch Ness nổi tiếng đến Moray Firth, những người câu cá vẫn câu cá hồi cách nhà thờ của thành phố chưa đầy một cây số.

Sông Ness từ lâu đã được coi là một trong dòng sông sung túc cá hồi nhất ở Scotland, và giờ đây đã có những nỗ lực để duy trì số lượng của chúng.

Được Quỹ Cá hồi Đại Tây Dương điều phối, Dự án theo dõi Moray Firth nhằm xác định điểm trên con đường di cư nơi cá hồi bị chết, trước khi xác định nguyên nhân chính gây tử vong với 'Khung nghi vấn khả dĩ' và cuối cùng soạn ra và thực hiện kế hoạch nhằm đảo ngược tình hình.

Công việc bắt đầu vào mùa xuân năm 2019 để bắt cá hồi non, còn được gọi là 'smolts', trong hành trình chúng ra biển và gắn thẻ âm thanh lên người chúng.

Các trạm thu sóng được triển khai dọc bảy hệ thống sông, trong đó có sông Ness, và ở Moray Firth.

Các cư dân của Inverness có thể không biết gì về các đối tượng nghiên cứu khoa học bơi ngang qua suốt mùa hè, nhưng Tiến sĩ Colin Bull, điều tra viên chính của 'Khung nghi vấn khả dĩ', tin rằng có những cách trực tiếp mà người dân ở đây có thể giúp đỡ những con cá hồi đang gặp nạn:

"Họ sẽ phải suy nghĩ rất cẩn thận về các tác động có thể trước khi vứt bỏ những thứ gây ô nhiễm các dòng sông, chuyển sang loại bột giặt nhạy cảm với sinh thái để giảm bớt các tạp chất dồn ra dòng chảy và cắt giảm lượng nước chúng ta sử dụng hàng ngày," ông nói.

"Trong khi công nghiệp và nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong nhu cầu nước của con người, sử dụng nước sinh hoạt trong hộ gia đình vẫn trong nhóm có tỷ lệ cao nhất trong số các nước trên thế giới và ở Scotland, phần lớn lượng nước này đến từ các hệ thống sông ngòi," ông giải thích.

"Cá hồi không chỉ cần nước sạch, chúng cũng cần các dòng sông có đủ nước vào đúng thời điểm trong năm, để chúng có thể di chuyển được trên các dòng sông giữa nơi kiếm thức ăn và nơi sinh sản. Bằng cách cắt giảm sử dụng năng lượng và nước, có khả năng chế độ dòng chảy của các con sông sẽ ít bị ảnh hưởng bởi sự mất nước và các đập thủy điện, và chúng có thể tiếp tục đem đến môi trường sống chất lượng cao để cho phép loài cá tuyệt vời này sinh tồn."

Scotland là một thành trì cá hồi ở châu Âu, nhưng loài cá này phân bố trải dài từ Bồ Đào Nha ở phía nam đến Iceland ở phía bắc.

Để phối hợp các nỗ lực nghiên cứu, NASCO đã đưa ra một dự án có tên là SMOLTRACK hiện đang tập hợp các đối tác ở Đan Mạch, Anh, Ireland, Bắc Ireland, Tây Ban Nha và Thụy Điển nhằm chia sẻ kiến thức về các nghiên cứu gắn thẻ cá hồi non.

Các nghiên cứu cho đến nay đã vạch ra các điểm nghẽn trên các tuyến đường di cư và xác định các loài săn mồi chính của loài cá hồi.

Giao thông tắc nghẽn

Những điểm nghẽn này thường là kết quả của các rào cản như đập và nhà máy thủy điện nơi cá hồi phải tốn rất nhiều sức lực để thoát khỏi bế tắc, khiến chúng dễ thành con mồi của các loài chim và động vật có vú cơ hội vốn đang tìm kiếm thức ăn dễ có.

Đã có những nỗ lực để giải quyết những rào cản này: tin tức về 'khẩu đại bác cá hồi', được thiết kế để phóng cá hồi di cư qua đập thủy điện ở bang Washington, Mỹ, đã lan truyền chóng mặt vào đầu năm nay.

Các giải pháp châu Âu có thể không quá táo bạo nhưng có rất nhiều dự án đang cố gắng giảm thiểu việc con người nắn lại dòng nước tự nhiên: thang cá, kênh nước, dốc và thậm chí cả thang máy đã được lắp đặt trên khắp lục địa này.

Chẳng hạn, cá hồi trên Sông Taff ở xứ Wales phải đối mặt với một số chướng ngại vật nhân tạo, trong đó có Đập tràn Vịnh Cardiff.

Công trình dài 1,1km này vốn trên thực tế ôm trọn Vịnh có mở một lối đi cho cá hồi - được Cảng vụ Anh mô tả là 'tân tiến nhất ở châu Âu' - với máy quay dưới nước cũng như các thiết bị chuyển động và âm thanh và để ghi lại lượng cá hồi băng qua.

Người dân địa phương có thể vẫn còn nhớ những ngày mùa thu mà họ xem cá hồi nhảy trong Công viên Bute ở trung tâm thành phố, nhưng việc cho ra mắt một lối đi qua cho cá hồi ở Blackweir giờ đây đã cho phép những con cá trên hành trình quay về tiết kiệm sức lực cho hành trình tiếp theo của chúng.

Nhiều ví dụ về lối đi qua cho cá hồi ở đô thị có thể được tìm thấy trên Sông Dodder ở Dublin, Ireland và Sông Alster ở Hamburg, Đức.

Thành phố thân thiện với cá

Kể từ khi EU ban hành các đạo luật cứng rắn hơn về xử lý nước thải đô thị vào những năm 1990, chất lượng nước ở các thành phố châu Âu đã được cải thiện, và cá hồi đã quay trở lại những con sông trước đây được mô tả là cống rãnh.

Ngay cả các tuyến đường thủy nhộn nhịp như Sông Seine ở Paris, Pháp và Sông Rhine chảy qua 17 thành phố lớn của châu Âu cũng đã chào đón loài cá này trở lại.

Những người câu cá nghiệp dư và những ngư dân chuyên nghiệp cũng đóng một vai trò thiết yếu trong việc theo dõi tình hình của loài cá hồi trên khắp châu Âu.

Ví dụ như trên Sông Dee, những người câu cá ở thượng nguồn từ bẫy cá của Chester báo cáo bất kỳ con cá có đánh dấu nào mà họ bắt được - điều này cho phép các nhà khoa học ước tính có bao nhiêu con cá hồi trong hành trình di cư hàng năm bị bắt tại cái bẫy này.

Thế còn ở Bồ Đào Nha, việc các ngư dân chuyên nghiệp khẳng định rằng cá hồi vẫn còn ở đoạn cuối Sông Douro càng củng cố những phát hiện khoa học vốn có thể là tia hy vọng cho loài cá này ở rìa phía nam của phạm vi phân bố của chúng ở châu Âu.

Có lẽ với những nỗ lực đầy đủ để làm cho biển và sông của chúng ta thân thiện với cá hồi, hành trình của cá hồi chạy sẽ trở thành điểm nhấn tham quan thường xuyên ở các thành phố từ Porto cho đến Trondheim.