• Loizos Heracleous và David Robson
  • BBC Worklife

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Nếu như lịch sử sáng tạo có dạy chúng ta điều gì, thì đó chính là ý tưởng tuyệt vời thường nảy ra vào những lúc ít mong đợi nhất.

Wolfgang Amadeus Mozart nói rằng những giai điệu mới thường xuất hiện khi ông ăn trong nhà hàng, đi bộ sau bữa ăn hoặc chuẩn bị đi ngủ vào ban đêm.

"Những giai điệu khiến tôi hài lòng thì tôi giữ lại, và thậm chí là ngân nga; ít nhất là người ta đã nói với tôi như thế," ông viết. "Dường như tôi không thể nói khi nào chúng xảy đến với tôi và làm sao chúng xảy đến; điều chắc chắn là tôi không thể khiến cho chúng bật lên khi tôi muốn."

Không chỉ Mozart mới gặp hiện tượng này; nhà toán học người Pháp Poincare đã mô tả những đột phá của ông nảy ra khi ông đang trên xe buýt hoặc đi dạo bên bờ biển, còn nhà văn Agatha Christie cho biết ý tưởng cho những cốt truyện trinh thám của bà thường đến khi bà rửa chén bát hoặc đang tắm.

"Tôi không nghĩ sự cần thiết là mẹ của phát minh," bà viết trong cuốn tự truyện của mình. "Phát minh, theo ý tôi, đi ra trực tiếp từ sự nhàn rỗi, mà có thể cũng là sự lười biếng."

Các nhà tâm lý học dường như đồng ý, và có những bằng chứng mạnh mẽ rằng những hiểu biết sáng tạo nhiều khả năng sẽ xảy ra sau một thời gian 'ấp ủ' - khi bạn tập trung vào một cái gì đó hoàn toàn khác với công việc đang làm, để cho bộ não của bạn nghĩ mông lung.

Các công việc này có thể bao gồm đi dạo, làm việc nhà hoặc tắm. Ngay cả việc lần lữa trong công việc - chẳng hạn như xem video hài trên YouTube - cũng có thể hữu ích cho việc giải quyết vấn đề, miễn là việc đó xảy ra ở mức độ vừa phải.

Tư duy tự do

Có nhiều lý do tại sao thời gian ấp ủ có thể dẫn đến những hiểu biết sáng tạo mới.

Theo một trong những giả thuyết hàng đầu, nó phụ thuộc vào sức mạnh của tâm trí vô thức: khi chúng ta rời khỏi công việc, bộ não tiếp tục tìm kiếm các giải pháp mà chúng ta không ý thức, cho đến khi giải pháp bật ra.

Cũng quan trọng không kém, giai đoạn ấp ủ cho phép chúng ta có được khoảng cách tâm lý nào đó với công việc.

Khi bạn bỏ một khoảng thời gian dài để tập trung vào một vấn đề, bạn có thể trở nên chăm chăm vào một số giải pháp rõ ràng nào đó.

Thời gian ấp ủ sẽ giúp bạn mở rộng sự tập trung đầu óc để có thể kết nối và quay trở lại vấn đề từ một góc nhìn mới.

Điều lý thú là việc ấp ủ có hiệu quả nhất khi đầu óc bạn bị phân tâm với một nhiệm vụ cuốn hút nhưng tương đối dễ dàng, cho nó có đủ không gian để tha hồ đi lan man.

Vào năm 2012, nhà tâm lý học Benjamin Baird và các đồng nghiệp đã thử nghiệm ý tưởng này với một thí nghiệm tài tình.

Những người tham gia được yêu cầu giải quyết một bài kiểm tra sáng tạo theo cách kinh điển, gọi là 'Nhiệm vụ sử dụng bất thường'.

Như cách gọi này cho thấy, mục đích của nó là cần tìm ra càng nhiều công dụng bất ngờ càng tốt cho một đồ vật phổ biến, chẳng hạn như cục gạch hoặc móc áo.

Sau một vài phút động não là đến giai đoạn ấp ủ. Một số sinh viên được cho nghỉ xả hơi trong 12 phút.

Những sinh viên khác được cho một bài kiểm tra không đòi hỏi động não gì mấy: họ được hiển thị một chuỗi chữ số và thi thoảng phải nói đó là số chẵn hay số lẻ. Điều đó giống như làm việc nhà như rửa chén - nó đòi hỏi tập trung một chút nhưng vẫn còn 'đất dụng võ' để đầu óc nghĩ lan man.

Nhóm thứ ba đã được giao nhiệm vụ khó hơn: họ phải để các con số này trong bộ nhớ xử lý trong một lúc, trước khi đưa ra câu trả lời. Xét về vận dụng đầu óc cần thiết, hoạt động này gần gũi hơn với tư duy tập trung thường gặp trong công việc; nó không cho phép có nhiều không gian cho đầu óc đi lan man.

Sau khi thời gian ấp ủ dài 12 phút kết thúc, tất cả những sinh viên này trở lại bài trắc nghiệm về các cách dùng sáng tạo bất thường - và được cho điểm dựa trên tính độc đáo của giải pháp.

Lợi ích của việc thực hiện nhiệm vụ không yêu cầu cao trong giai đoạn ấp ủ rất ấn tượng, với những sinh viên trong nhóm này có tính sáng tạo trong các ý tưởng của họ tăng 40% cho các câu hỏi mà họ đã nghiền ngẫm trước đây.

Quan trọng là, không có lợi ích gì cho nhóm sinh viên không làm gì cả trong giai đoạn ấp ủ, hoặc những sinh viên mà đầu óc bận bịu hơn với thử thách trí nhớ xử lý; cả hai nhóm này đều không làm tốt hơn nhóm sinh viên tiếp tục động não mà không có thời gian ấp ủ.

Bạn có thể thấy ngạc nhiên khi thời gian chỉ thuần nghỉ ngơi không kích thích nhiều sáng tạo hơn, nhưng Baird ngờ rằng chúng ta cần có sự lơ đễnh để kích thích đầu óc miên man một cách tối ưu.

Nếu chúng ta thực sự không có gì để làm, suy nghĩ của chúng ta có thể trở nên quá tuần tự theo logic, ông giải thích (giống như khi suy nghĩ chi tiết về một chủ đề cụ thể).

Đối với sự sáng tạo, điều thực sự cần là suy nghĩ lỏng lẻo hơn, phân tán hơn - và điều này dường như xảy ra trong trường hợp thực hiện một cách hờ hững công việc không đòi hỏi cao.

Sự trì hoãn có kết quả

Đó là tin tốt cho những người hay lần lữa, vì nhiều hoạt động 'phí thời gian' của chúng ta có thể tạo ra mức độ phân tâm tối ưu, dẫn đến khả năng sáng tạo cao hơn.

Chìa khóa là xao nhãng trong chừng mực, bằng chứng là một nghiên cứu hoàn toàn mới từ các giáo sư quản lý người Mỹ Jihae Shin và Adam Grant.

Các nhà nghiên cứu trước hết yêu cầu người tham gia suy nghĩ những cách hay nhất mà một sinh viên có hoài bão kinh doanh có thể bỏ ra 10.000 đô la để thành lập một công ty mới, sau đó họ phải viết ra một đề xuất kinh doanh.

Để dụ dỗ họ trì hoãn, những người tham gia cũng được cho các liên kết đến các video hài hước từ kênh Jimmy Kimmel Live trên YouTube, mà họ có thể dễ dàng xem trong suốt quá trình.

Các nhà nghiên cứu sau đó đã so sánh mức độ họ trì hoãn với tính độc đáo trong các đề xuất của họ.

Kết quả là một biểu đồ trông giống như một chữ 'U' lộn ngược.

Những ai có vài lúc nghỉ xả hơi để xem các video có xu hướng đưa ra những ý tưởng sáng tạo hơn nhiều so với những người trì hoãn, kể cả người trì hoãn ít lẫn người trì hoãn nhiều - điều này củng cố ý tưởng rằng mức độ phân tâm vừa phải có thể giải phóng tư duy sáng tạo.

Để thử nguyên tắc này trong môi trường làm việc, Grant và Shin đã hỏi chuyện các nhân viên và quản lý của một công ty thiết kế Hàn Quốc về thói quen làm việc và khả năng sáng tạo của họ.

Đồng nhất với kết quả trong phòng thí nghiệm, những người trì hoãn vừa phải đã đưa ra nhiều ý tưởng độc đáo hơn các đồng nghiệp vẫn chăm chăm tập trung vào các công việc trong ngày.

Lãng phí thời gian một cách sáng tạo

Cho dù bạn là tiểu thuyết gia đầy triển vọng, nhà viết quảng cáo sáng tạo, chiến lược gia hay giáo viên muốn soạn ra nhiều giáo án độc đáo hơn, những kết quả này rất đáng để ghi nhớ.

Đối mặt với một thời hạn sắp tới, chúng ta có thể sợ mất bất kỳ thời gian nào để thực hiện công việc trong tay.

Nhưng điều này sẽ phản tác dụng, và không nên cảm thấy tội lỗi khi có vài khoảnh khắc xao nhãng thoải mái, hoặc hoàn toàn bỏ công việc qua một bên trong lúc chúng ta để cho giải pháp trồi lên bề mặt.

Giới lãnh đạo công ty cũng cần lưu ý. Thay vì khiển trách nhân viên có thời gian xao lãng công việc thì họ nên chủ động khuyến khích.

Có nhiều cách có thể làm điều này. Ví dụ, các nhà nghiên cứu Stanford Marily Oppezzo và Daniel Schwartz đã phát hiện ra rằng đi bộ làm tăng tư duy khác biệt, đem đến góc nhìn mới về bất kỳ vấn đề nào đang chiếm lấy tâm trí.

Điều thú vị là các hiệu ứng kích thích sáng tạo của đi bộ cũng tương tự cho dù là trong nhà hay ngoài trời. Do đó, các lãnh đạo có thể thiết kế không gian làm việc theo cách thúc nhân viên đi bộ nhiều hơn.

Trụ sở công ty mới của Apple, khai trương vào tháng 5/2017, có thể là ví dụ hoàn hảo về điều này.

Apple Park có hình tròn và có chu vi một dặm và đường kính 461m; trong khuôn viên là một công viên cảnh quan rộng 30 mẫu, nơi các nhân viên có thể lang thang khi họ không đến căn tin, trung tâm tập thể dục hoặc rạp hát.

Như một phần thưởng, cách thiết kế này thúc đẩy các cuộc gặp gỡ và trò chuyện ngẫu nhiên với đồng nghiệp, mà tự thân nó có thể là sự xao lãng sáng tạo, và cũng có thể dẫn đến trao đổi các ý tưởng bổ sung và kết hợp chéo các dự án nghiên cứu.

Không hề đưa ra lệnh rõ ràng nào, Apple khuyến khích áp dụng các hành vi được biết là giúp tăng cường sáng tạo - mục tiêu trung tâm trong tầm nhìn của Steve Jobs về trụ sở này.

Và nó dường như có hiệu quả: Apple là công ty có giá trị nhất thế giới với giá trị 2 nghìn tỷ đô la Mỹ và thường xuyên được nêu danh là công ty sáng tạo nhất thế giới.

Tất nhiên, không phải công ty nào cũng có khả năng xây không gian làm việc mới - và nhiều nhân viên hiện đang làm việc từ xa.

Nhưng các nhà quản lý có thể thúc đẩy sự trì hoãn vừa phải bằng những cách khác, chẳng hạn sắp xếp giờ nghỉ giải lao uống cà phê thường xuyên trong các cuộc họp hoặc thậm chí đầu tư vào buồng ngủ trưa, như trong các văn phòng của Google. (Có bằng chứng thuyết phục cho thấy giấc ngủ ngắn cũng có thể thúc đẩy sự sáng tạo nếu bạn đang suy ngẫm về một vấn đề theo cách tương tự như trì hoãn trong lúc thức.)

Ít nhất thì họ cũng nên tránh chửi mắng nhân viên vì những lúc mất tập trung khó hiểu.

Tại nơi làm việc ngày càng cạnh tranh, chúng ta cần có tư duy sáng tạo hơn bao giờ hết. Nhưng điều đó sẽ chỉ có thể có được, nếu chúng ta để cho tâm trí thỉnh thoảng được thư giãn và nghĩ lan man.