Tại sao thai nhi không quay đầu phải đẻ ngược?

Thứ Năm, 15 Tháng Hai 20184:00 CH(Xem: 6164)
Tại sao thai nhi không quay đầu phải đẻ ngược?

Bác sĩ chưa xác định nguyên nhân em bé không quay đầu, song thường liên quan đa thai, ối quá nhiều hoặc quá ít, tử cung mẹ bất thường...

Em bé ngôi mông, hay ngôi ngược là gì?

Vào những tuần cuối của thai kỳ, thai nhi thường quay đầu xuống phía dưới của tử cung để chuẩn bị chào đời. Khi mẹ chuyển dạ, đầu em bé ra trước, dân gian hay gọi ngôi thuận. Còn ngược lại, đầu em bé phía trên, chân hoặc mông ở dưới gọi là ngôi mông, dân gian hay gọi ngôi ngược. Khi thai đủ tháng thì tỷ lệ ngôi mông khoảng 3-4%.

Thai nhi bình thường và thai ngôi mông (bên phải).
Thai nhi bình thường và thai ngôi mông (bên phải). (Ảnh: uofmhealth).

Tại sao em bé không quay đầu?

Bác sĩ hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân. Một số yếu tố có thể liên quan:

  • Đa thai.
  • Ối quá ít hay quá nhiều.
  • Tử cung mẹ có hình dạng bất thường hay có nhân xơ tử cung.
  • Nhau tiền đạo, bánh nhau bám vị trí bất thường.
  • Sinh non.

Làm sao để biết em bé ngôi mông?

Vào những tuần cuối của thai kỳ, bác sĩ khám sẽ biết và sau đó xác định bằng siêu âm thai.

Em bé ngôi mông sinh thường được không?

Em bé ngôi mông vẫn có thể sinh thường. Ngày nay hầu hết thai ngôi mông thường được chọn mổ chủ động. Cả sinh thường hay sinh mổ đều có nguy cơ nhưng đối với thai ngôi mông, sinh thường có nhiều tai biến hơn sinh mổ. Một số trường hợp không thể sinh thường.

Bác sĩ sẽ làm gì khi thai ngôi mông?

Quá trình theo dõi thai vẫn tiếp tục cho đến khi thai nhi trưởng thành đủ ngày đủ tháng. Khi thai 36-38 tuần tuổi, bác sĩ có thể tư vấn thai phụ về ngoại xoay thai. Đây là thủ thuật hỗ trợ xoay bé về ngôi đầu, tuy nhiên không thể áp dụng cho mọi trường hợp. Chưa kể một số tai biến có thể xảy ra khi thực hiện thủ thuật ngoại xoay thai như vỡ ối non, sinh non, nhau bong non…

Thủ thuật này không thực hiện nếu bà bầu mang đa thai, nhau tiền đạo, nguy cơ sinh non hoặc có ra huyết âm đạo. Bắt buộc thực hiện ở nơi có điều kiện gây mê hồi sức tốt, có thể mổ lấy thai cấp cứu và đội ngũ bác sĩ nhi khoa sơ sinh luôn sẵn sàng.

Nếu thai ngôi mông và người mẹ có nguyện vọng sinh thường thì sao?

Thai phụ nên thảo luận với bác sĩ những lợi ích và nguy cơ của ca sinh thường trong tình huống này. Bác sĩ sẽ giải thích nguyện vọng này có thực hiện được hay không, tùy theo điều kiện cơ sở y tế và tình trạng thai kỳ của người mẹ. Kinh nghiệm, kỹ năng của bác sĩ sản khoa là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với theo dõi thai, theo dõi chuyển dạ sinh ngôi mông nên thai phụ cần lắng nghe.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn