Phát hiện 'siêu virus corona' mang 2 đột biến Anh và Nam Phi, giới khoa học báo động

Thứ Ba, 16 Tháng Hai 20213:00 SA(Xem: 2563)
Phát hiện 'siêu virus corona' mang 2 đột biến Anh và Nam Phi, giới khoa học báo động

Phát hiện siêu virus corona mang 2 đột biến Anh và Nam Phi, giới khoa học báo động - Ảnh 1.

Tốc độ đột biến của virus SARS-CoV-2 nhanh hơn mọi dự báo của các chuyên gia hồi đầu dịch - Ảnh: AFP

"Hoạ vô đơn chí" là cụm từ Đài Deutsche Welle (DW) của Đức dùng để mở đầu một bản tin mới về virus corona (SARS-CoV-2).

Theo DW, các chuyên gia của Vương quốc Anh vừa phát hiện một chùm 11 ca bệnh COVID-19 nhiễm biến thể Anh mang cả đột biến gen của biến thể Nam Phi.

Các nhà khoa học hết sức lo ngại trước diễn biến này vì hai biến thể nguy hiểm nhất hiện nay (B.1.1.7 và 501Y.V2) kết hợp lại có thể tạo ra một "siêu virus" không chỉ lây mạnh mà còn kháng vắc xin và độc lực cao.

Biến thể 501Y.V2 của Nam Phi mang đột biến gen gọi là E484K, nó cũng được phát hiện trên 2 biến thể Brazil là B.1.1.33 và B.1.1.28. Và nay E484K xuất hiện trên cả biến thể B.1.1.7 ở Anh.

Các biến thể trên được đánh giá là rất dễ lây trong nhóm dân số trẻ dưới 20 tuổi. Chúng còn có thể vô hiệu hóa kháng thể của hệ miễn dịch thông qua lây nhiễm tự nhiên hoặc vắc xin.

Hệ quả là những loại vắc xin đang sử dụng hiện nay hiệu quả bảo vệ không còn cao. Không chỉ vậy, những người đã từng nhiễm bệnh và hồi phục cũng có nguy cơ tái nhiễm. Các trường hợp tái nhiễm đã được Brazil ghi nhận.

Phát hiện siêu virus corona mang 2 đột biến Anh và Nam Phi, giới khoa học báo động - Ảnh 2.

Dòng tweet cảnh báo của nhà dịch tễ học người Mỹ Eric Feigl-Ding - Ảnh chụp màn hình

"KHÔNG TỐT" là hai từ nhà dịch tễ học người Mỹ Eric Feigl-Ding, thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ mô tả tình hình trước mắt.

Còn ông Julian Tang, nhà virus học thuộc Đại học Leicester (Anh), gọi chùm ca COVID mới ở Anh là "một diễn biến đáng lo". Trả lời Đài BBC, ông nhận định nếu các biến thể trên lan rộng, nó sẽ càng tạo điều kiện lý tưởng cho các biến thể mới hơn xuất hiện.

Mối quan ngại chung của các chuyên gia là nếu biến thể mới xác lập chỗ đứng trong dân số, sẽ vô cùng khó khăn để kiểm soát đại dịch cho dù con người đã bào chế được nhiều loại vắc xin khác nhau.

Chẳng hạn, theo chuyên gia Feigl-Ding, vắc xin của Moderna hiệu quả với biến thể Anh nhưng lại kém hiệu quả hơn 6 lần trước biến thể Nam Phi.

Các hãng dược đang chạy đua cập nhật vắc xin trước thách thức mới từ virus nhưng quá trình phát triển, thử nghiệm, xin giấy phép, sản xuất hàng loạt và triển khai tiêm chủng không đơn giản và mất rất nhiều thời gian.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn