bbc.com

Cách Ấn Độ tính toán giá trị việc nội trợ của phụ nữ

An Indian housewife reads an election pamphlet distributed by Bharatiya Janata Party (BJP) supporters outside her house during a campaign rally in Mumbai on April 10, 2014

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh,

Một phần tư đàn ông Ấn Độ làm việc nhà không công, so với bốn phần năm phụ nữ

Một đảng chính trị mới được thành lập ở Ấn Độ, do một ngôi sao điện ảnh khởi xướng, hứa trả lương cho các bà nội trợ nếu được bầu lên nắm quyền.

Một nghị sĩ nổi tiếng hoan nghênh ý tưởng đó, nói rằng nó sẽ "tính tiền các dịch vụ do phụ nữ nội trợ cung cấp, nâng cao quyền lực và quyền tự chủ của họ" và cơ bản gần như tạo ra thu nhập phổ thông.

Đây là một cuộc tranh luận hấp dẫn, đặc biệt là vào thời điểm phụ nữ đang mất dần vị thế trong công việc được trả lương.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, trên khắp thế giới, phụ nữ dành thời gian cho công việc không được trả lương - từ tối đa 345 phút mỗi ngày ở Iraq đến 168 phút mỗi ngày ở Đài Loan. Trung bình, đàn ông dành 83 phút cho công việc chăm sóc không được trả công trong khi phụ nữ dành nhiều hơn gấp ba lần với 265 phút.

Vậy các bà nội trợ có nên được trả lương khi làm những việc gia đình phần lớn không được biết ơn không?

160 triệu người nội trợ của Ấn Độ, giống như nhiều đối tác của họ ở phần còn lại của thế giới, dọn dẹp, ngăn nắp, nấu nướng, giặt giũ và quản lý tài chính gia đình. Họ lo thức ăn, nước uống, củi lửa, chăm sóc con cái và lo cho chồng. Họ dành 297 phút mỗi ngày để làm việc nhà, so với 31 phút của nam giới. Một phần tư nam giới làm những công việc không được trả lương, so với bốn phần năm phụ nữ.

Học giả pháp lý Gautam Bhatia cho rằng làm việc nhà không lương là một dạng "lao động cưỡng bức".

Điều mà người ta không biết là trong hơn nửa thế kỷ qua, các tòa án Ấn Độ đã thực sự tuyên mức bồi thường cho những công việc không được trả công của người nội trợ. Nhưng chỉ sau khi họ đã chết.

Prabha Kotiswaran, giáo sư luật và tư pháp tại Đại học King's College London, đã xét khoảng 200 trường hợp từ năm 1968 đến năm 2021 được nộp theo luật của Ấn Độ, quy định tất cả các phương tiện giao thông đường bộ và áp dụng hình phạt đối với hành vi lái xe ẩu, cùng những điều khác.

Bà nhận thấy các tòa án Ấn Độ đã phát triển một khung pháp lý "phá vỡ lối mòn" liên quan đến "mức lương cao cho công việc nội trợ": các thẩm phán đã đánh giá cao công việc không được trả công của những phụ nữ bị chết trong tai nạn giao thông và bồi thường cho người phụ thuộc của họ.

Khi tính giá trị của công việc nội trợ, các thẩm phán xem xét chi phí cơ hội - một thứ phải từ bỏ để làm việc khác - của quyết định làm việc tại nhà của phụ nữ, được coi là mức lương tối thiểu cho lao động có tay nghề và không có kỹ năng, có tính đến trình độ học vấn trình độ của người phụ nữ đã qua đời, và các khoản bồi thường đã được điều chỉnh sau khi tính đến tuổi và xem xét liệu phụ nữ ấy có con hay không.

Vào tháng 12, một tòa án đã trao khoản bồi thường 1,7 triệu rupee (23.263 đôla) cho gia đình của một người nội trợ 33 tuổi chết trong một tai nạn trên đường, sau khi ấn định mức lương của bà là 5.000 (70 đôla) một tháng.

Tòa án tối cao đã một lần trao số tiền tới 9.000 rupee (124 đôla) một tháng như một khoản thu nhập cho một bà nội trợ đã qua đời trong độ tuổi từ 34-59 với một khoản tiền thấp hơn cho phụ nữ cao tuổi, từ 62-72. Mức bồi thường giảm dần theo độ tuổi vì các tòa án tin rằng bà sẽ ít chăm sóc trẻ hơn khi các con lớn lên.

Bất cứ khi nào có thể, các thẩm phán cố gắng theo kịp với lạm phát. Trong một phán quyết, các thẩm phán coi hôn nhân như một "quan hệ đối tác kinh tế bình đẳng" tính lương của người nội trợ bằng một nửa lương của người chồng.

Hồ sơ tòa sớm nhất về khoản bồi thường như vậy được Giáo sư Kotiswaran đưa ra là phán quyết từ năm 1966. Trong trường hợp đó, tòa án phán quyết rằng chi phí cho người chồng "duy trì" vợ của anh ta sẽ bằng mức lương tưởng tượng của cô ấy, vì vậy không có khoản bồi thường nào được trao cho anh ta.

Giáo sư Kotiswaran nói rằng một số khoản tiền bồi thường được tòa tính là khá "nhỏ", nhưng "bản thân nguyên tắc về việc công nhận công việc không được trả lương ngang bằng với một nghề nghiệp là điều khá đáng chú ý".

Nó đặt ra câu hỏi: nếu một gia đình có thể được bồi thường cho những công việc không được trả công của một người phụ nữ sau khi cô ấy chết đi, tại sao lại không trả tiền cho những người phụ nữ khi họ còn sống?

Các luật sư có thể sử dụng những phán quyết này để "kích hoạt sự phát triển của luật hiến pháp và luật gia đình để công nhận công việc không được trả công của các bà nội trợ trong thời gian bình thường, thay vì chỉ vào những lúc gián đoạn", Giáo sư Kotiswaran nói. Trả lương cho phụ nữ làm công việc không công ở nhà cũng sẽ thúc đẩy tỷ lệ tham gia lao động nữ đang giảm ở Ấn Độ.

"Tôi không chỉ tranh luận về tiền lương cho các bà nội trợ, mà còn về phong trào trả lương cho việc nhà. Các tổ chức như UN Women quá tập trung vào việc công việc không được trả lương là trở ngại cho công việc được trả lương," Giáo sư Kotiswaran nói. ''Trọng tâm dường như là làm thế nào để có nhiều phụ nữ đi làm ăn lương. Phong trào phụ nữ Ấn Độ tập trung vào nhiều vấn đề đáng khen ngợi nhưng không đặt ra câu hỏi lớn ở đây về lao động được thực hiện trong hôn nhân."

Cũng không có sự huy động đông đảo các bà nội trợ về vấn đề này, bà nói.

"Hầu hết giới tinh hoa Ấn Độ cho rằng tính mức lương cho các bà nội trợ hoặc là điều không thể làm được hoặc là một bước thụt lùi, nhưng có một lập luận chính trị rộng rãi hơn về việc công nhận việc nội trợ. Tôi nghĩ rằng phụ nữ trong hàng triệu hộ gia đình Ấn Độ, phải chịu sự vất vả của việc duy trì tổ ấm, sẽ hoan nghênh một đề xuất về tiền lương."

Có rất nhiều câu hỏi về cách có thể đạt được điều này.

Tiền trả lương có nên đến từ chuyển tiền mặt, trợ cấp của nhà nước hay thu nhập cơ bản chung? Có nên thay đổi luật gia đình để công nhận việc làm không công của phụ nữ? Đàn ông làm việc nhà cũng được trả công? Phụ nữ chuyển giới có nên được đưa vào các chương trình thanh toán này không? Những hậu quả khôn lường của việc trả lương cho các bà nội trợ là gì?

"Chúng ta cần một cuộc trò chuyện lâu dài hơn về tất cả các khía cạnh này trước khi huy động tiền lương cho các bà nội trợ.'' Giáo sư Kotiswaran nói.