Nghiên cứu mới giúp chuột bị liệt đi lại được, mở ra hi vọng cho người

Thứ Hai, 01 Tháng Hai 20219:00 SA(Xem: 3992)
Nghiên cứu mới giúp chuột bị liệt đi lại được, mở ra hi vọng cho người

Nghiên cứu mới giúp chuột bị liệt đi lại được, mở ra hi vọng cho người - Ảnh 1.

Chú chuột bị liệt (ảnh trái) và chú chuột đã có thể đi lại được (ảnh phải) tại phòng thí nghiệm của Đại học Ruhr ở Bochum, Đức, ngày 21-1-2021 - Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin Reuters, nhóm nghiên cứu đã thiết lập lại một liên kết thần kinh được coi là không thể sửa chữa ở động vật có vú, bằng cách tiêm một protein nhân tạo vào não chuột.

Chấn thương tủy sống, thường do chơi thể thao hoặc tai nạn giao thông, khiến nhiều người bị liệt do một số sợi thần kinh mang thông tin giữa cơ và não không thể phát triển trở lại.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ Đại học Ruhr ở Bochum, Đức đã tìm cách kích thích để tái tạo các tế bào thần kinh của những con chuột bị liệt bằng cách sử dụng một loại protein được thiết kế ra trong não chuột.

Dietmar Fischer, trưởng nhóm nghiên cứu, chia sẻ với Reuters: "Điều đặc biệt của nghiên cứu này là protein không chỉ được sử dụng để kích thích các tế bào thần kinh tự tái tạo mà protein còn được đưa đi xa hơn (qua não). Bằng cách này, với một sự can thiệp tương đối nhỏ, chúng tôi kích thích sự tái tạo của một số lượng rất lớn các dây thần kinh và đó là lý do những con chuột có thể đi lại trở lại".

Nghiên cứu mới giúp chuột bị liệt đi lại được, mở ra hi vọng cho người - Ảnh 2.

Một chú chuột (từng bị liệt) đã có thể đi lại được tại phòng thí nghiệm của Đại học Ruhr ở Bochum, Đức, ngày 21-1-2021 - Ảnh: REUTERS

Ông Fischercho biết những con chuột bắt đầu đi lại sau hai đến ba tuần điều trị. Họ đã tạo ra một loại protein gọi là hyper-interleukin-6 bằng cách tiêm chất mang thông tin di truyền vào não chuột.

Nhóm đang nghiên cứu để cải thiện phương pháp điều trị này và ứng dụng nó với động vật có vú lớn hơn như lợn, chó và khỉ. 

Nếu có hiệu quả với các động vật có vú lớn hơn, phương pháp này có thể an toàn cho con người. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, cần rất nhiều năm mới có thể chứng minh phương pháp có hiệu quả trên người hay không.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn