Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Khi mùa mưa năm nay ập đến Bangladesh thì nó không còn là lũ lụt bình thường nữa. Trong vòng vài tuần, một phần tư diện tích đất nước chìm trong nước.

"Chúng tôi đã xử lý các nỗ lực cứu trợ lũ lụt trong khu vực trong 10 năm," ông Ahmed Imtiaz Jami, chủ tịch Quỹ Obhizatrik, một tổ chức thiện nguyện ở Bangladesh, nói. Nhưng lũ lụt năm 2020 là một biến chuyển lớn. "Nó không giống như cũ."

Gần 1,3 triệu ngôi nhà bị hư hại. Hàng trăm ngàn người bị dời đi nơi khác và hàng trăm người thiệt mạng.

Tuy nhiên, bên cạnh hậu quả tàn phá, lũ lụt vào mùa mưa ngày càng được xem là quan trọng với quốc gia châu thổ này, và nó đặt ra một câu hỏi khó: làm thế nào để ta có thể khai thác được những tác dụng của lũ lụt trong việc phục hồi sự sống, qua đó khiến đất đai tiếp tục được bồi đắp màu mỡ phì nhiêu, đồng thời vẫn có thể bảo vệ người dân trước tình trạng lũ lụt tồi tệ hơn trong tương lai?

Bangladesh có một mạng lưới chóng mặt 230 con sông chạy chằng chịt khắp cả nước. Ba trong số đó là các hệ thống sông rộng lớn như Brahmaputra-Jamuna, sông Hằng (hay sông Padma, tên gọi của nó ở Bangladesh) và sông Meghna đổ vào Vịnh Bengal.

Cùng với nước, các hệ thống sông này chở theo từ 1 cho đến 1,4 tỷ tấn phù sa màu mỡ cho Bangladesh mỗi năm, tạo nền tảng cho phần lớn nền nông nghiệp của đất nước.

Đây cũng là lý do tại sao Bangladesh là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu trên thế giới.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Với tình trạng biến đổi khí hậu trong tương lai, lũ lụt ở Bangladesh được dự báo sẽ trở nên khắc nghiệt hơn do sóng bão dâng và mực nước biển dâng cao.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu 'vừa phải', lũ lụt sẽ trở nên dữ dội hơn, nhấn chìm nhiều diện tích hơn, và hậu quả là hai vụ thu hoạch quan trọng - lúa gạo và lúa mì - sụt giảm lần lượt là 27% và 61%.

Phần lớn diện tích đất nước bị ảnh hưởng, vì 80% diện tích Bangladesh là đồng bằng ngập lụt, với phần lớn diện tích đất trên cả nước chỉ cao hơn mực nước biển chưa tới một mét.

Sheikh Hasina, Thủ tướng Bangladesh, gọi nước biển dâng là 'tình trạng khẩn cấp của hành tinh' mà Bangladesh là nơi lãnh đủ.

Những con sông rắc rối

Nhiều biện pháp truyền thống đối phó lũ lụt ở Bangladesh đã tìm cách đối đầu với nguy cơ dễ bị lũ lụt của quốc gia châu thổ này.

Chẳng hạn, sau trận lũ lụt năm 1987 và 1988, đã có Kế hoạch Hành động Lũ lụt năm 1990 với ít nhất 26 nghiên cứu khả thi và các dự án thí điểm được thực hiện để tìm cách làm cho đất nước trở nên 'bất khả xâm phạm' trước nước lụt.

Ông Shafiul Azam Ahmad, chuyên gia về nước và vệ sinh tại Ngân hàng Thế giới và là nhà tư vấn khu vực cho Bangladesh, Sri Lanka và Nepal, mô tả giai đoạn này là một trong những giai đoạn đầu tư nhanh chóng nhằm can thiệp vào hệ thống cấu trúc. Thế nhưng chúng không có tác dụng như kế hoạch đề ra.

"Ngập úng nghiêm trọng diễn ra sau đó," Ahmad cho biết. "Nếu trời mưa [ở Dhaka], nước mưa không có chỗ thoát. Việc bơm nước ra rất khó và tốn kém."

Viễn cảnh những bức tường kiên cố để chặn các con sông có vẻ hấp dẫn, nhưng mực nước cao ở các vùng tây nam Bangladesh đang tăng nhanh hơn, một phần là do bị các bờ kè hạn chế dòng chảy khiến những khu vực này có nguy cơ cao hơn trong việc bị lũ lụt.

"Nó giống như giẫm lên một cái vòi nước tưới cây và sau đó nhấc chân lên vậy," ông Mohamad Khalequzzaman, nhà địa chất học và hải dương học ven biển tại Đại học Lock Haven, Pennsylvania, giải thích. "Nước vọt ra."

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Xây tường chắn cho các hòn đảo trũng bằng cách sử dụng bờ kè vĩnh viễn, tức vùng bao, là một biện pháp can thiệp phổ biến khác.

Một bờ kè có tên là Polder 32 - một trong 139 hòn đảo trũng được bảo vệ - đã sụt lở bất ngờ trong một cơn bão hồi năm 2009, khi nước lũ phá vỡ hàng rào bảo vệ. Vùng đất bên trong vùng bao, nơi sinh sống của hơn 10.000 người, đã bị ngập.

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng vùng bao có tác động lẫn lộn đối với lũ lụt - tuy làm cho lũ lụt vào mùa mưa trở nên tồi tệ hơn, nhưng chúng giúp bảo vệ trước sóng bão dâng cao.

Một trong những vấn đề chính là việc chúng chặn dòng lưu thông của trầm tích, theo nghiên cứu do Leslie Wallace Auerbach ở Đại học Vanderbilt, bang Tennessee, dẫn đầu.

Hồi năm 2015, vùng bao đã mất 1-1,5m độ cao so với các khu rừng ngập mặn xung quanh trong vòng 55 năm qua do phù sa và trầm tích bị ngăn không cho lan rộng ra. Hiệu ứng ngăn bùn đất xâm nhập trong quá trình nước dâng dần dần đã bất cẩn làm tăng nguy cơ xảy ra lũ lụt đột ngột.

Để cho chiến lược vùng bao có hiệu quả về lâu dài, "bạn phải tiếp tục xây dựng tường ngày càng cao," Khalequzzaman giải thích. "Cuối cùng, bạn sống trong một lâu đài. Bạn làm gì khi nó sụp?"

Như Dự án Polder 32 đã chứng minh, khi tường rào thất bại thì thảm họa sẽ xảy ra đối với những người dựa vào các hàng rào này.

"Các bờ kè chắc chắn sẽ bị tổn thương," ông nói. "Thiên nhiên có sức mạnh áp đảo. Mọi người, bị ru ngủ vào cảm giác an toàn giả tạo, xây dựng ngày càng gần các vùng dễ bị lũ lụt."

Một số nhà nghiên cứu lập luận rằng các can thiệp cấu trúc cũng đã gây trở ngại cho việc "tự điều chỉnh" mà nông dân bản địa đã quen thuộc. Điều đó dẫn đến việc một số người dân có phản ứng dữ dội, thù nghịch trước các biện pháp can thiệp quản lý nước, với một số cư dân vùng bao tranh đấu để dẹp bỏ đê hoặc cắt mở các bờ bao.

Vậy, nếu không dựa vào rào chắn thì giải pháp đối phó với tình trạng lũ lụt cực đoan hơn mà đất nước này sẽ phải đối mặt do biến đổi khí hậu sẽ là gì?

Can thiệp kiểu bản địa

Theo truyền thống, các khu định cư ở Bangladesh ưa chuộng xây trên những khu đất cao hơn, để những vùng thấp làm đất canh tác.

Một khu vực có thể được nâng lên bằng cách đào và nâng nền trước khi xây dựng - được gọi là phương pháp "đào, nâng, ở".

Về mặt lịch sử, điều này cho phép nhà cửa có thể đối phó với mọi tình huống, trừ những cơn bão tồi tệ nhất. Các ao nhỏ cạnh nhà là phổ biến, và ao nước đó thường được dùng làm nước dự trữ cho mùa khô. "Thực sự thì đó là một hệ thống đẹp," Khalequzzaman nói. "Tổ tiên chúng tôi kết hợp để sống chung với lũ lụt."

Tương tự, ngày nay, một số con đường ở Bangladesh được xây dựng bằng vật liệu có thể chịu được ngâm nước lâu dài.

Vào mùa mưa, người dân thường dùng thuyền để đi lại khiến cho đường sá trở nên không cần thiết cho đến mùa khô khi nước rút, đường hiện lên.

Và sự điều chỉnh các biện pháp phòng vệ hiện có do người địa phương dẫn đầu - chẳng hạn như xâm phạm có kiểm soát vùng bao để cho thủy triều và phù sa vào - dẫn đến an ninh lương thực, quản lý lũ lụt và phát triển đất đai tốt hơn.

Các nỗ lực quản lý thủy triều sông của chính phủ cũng đã thử cách tiếp cận tương tự.

Sức chịu đựng như vậy, bằng cách quy hoạch thay vì ngăn lũ lụt, cũng được khuyến khích cho các khu định cư. Các tổ chức cứu trợ như Obhizatrik Foundation đã báo cáo tính hiệu quả của các nền tảng cơ bản hoặc nhà trên cao ở các vùng như Bharisal và Bhola - những khu vực dễ bị bão vốn ứng phó tốt hơn trong trận lũ lụt năm nay.

Sự kết hợp giữa kiến ​​thức bản địa với nghiên cứu dựa trên bằng chứng là cách tiếp cận mà nhiều người hoan nghênh.

"Tất cả những gì mà chúng tôi làm trong những thập kỷ qua đều chống lại tự nhiên," Khondker Neaz Rahman, người đã làm việc với chính phủ Bangladesh và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc về quy hoạch khu vực và đô thị, cho biết. "Tôi không thấy có vấn đề gì với nước lụt. Tôi thấy có vấn đề khi chúng ta bắt đầu coi nước là kẻ thù."

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Việc dựa vào các biện pháp, vốn có tác dụng trước đây, trong thời kỳ trước biến đổi khí hậu có thể không thể đủ sức chống chọi với lũ lụt dữ dội hơn sắp xảy ra - nhưng chuẩn bị cho một thế giới không có biện pháp bảo vệ cấu trúc sẽ là cách để tiến về phía trước, Rahman, người đã làm việc trong kế hoạch tổng thể gần đây nhất cho Dhaka, nói.

Ông đang quy hoạch các khu dân cư không có bờ kè hoặc cửa xả lũ. Tuy nhiên, việc chuyển đổi khỏi cách làm thông thường là quá trình chậm chạp. "Căng thẳng giữa hiểu biết mới về nước và sức ì của việc tiếp tục đầu tư tạo áp lực đè nặng," ông nói.

Mặc dù ý tưởng kiềm chế những con sông hùng mạnh và đồng bằng năng động của Bangladesh đang tỏ ra không hiệu quả, ông cảnh báo rằng việc phá bỏ các công trình này bây giờ có thể sẽ còn gây tổn hại nhiều hơn.

"Nếu bạn phá hủy tất cả các bờ kè, mùa mưa kế tiếp sẽ rất tàn khốc," Rahman nhận định. Với hàng chục năm bị mất phù sa và nền đất lún xuống, dỡ bỏ các hàng rào bảo vệ sẽ làm các vùng bao và toàn bộ siêu đô thị như Dhaka bị ngập, có nguy cơ gây ra chết chóc, thương tích và mất mát khôn lường.

Giống như những dòng sông luôn biến đổi, khó định nghĩa và vạch ra lãnh thổ của riêng mình, Bangladesh có cơ hội định ra con đường trung dung giữa các công trình chống lũ hiện có và làm lại từ đầu.

Các giải pháp sẽ phức tạp và nhiều mặt, nếu chúng muốn phản ánh tính hai mặt trong mối quan hệ của Bangladesh với nước.

Suy cho cùng, như Rahman chỉ ra, nhiều gia đình theo truyền thống đặt tên con gái của họ là 'Bonna' - trong tiếng Bangladesh có nghĩa là lũ lụt.

Nó cho thấy lũ lụt, nếu kiểm soát được, đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với đất nước. "Liệu bạn có đặt tên cho con gái mình là hạn hán, đói kém hay động đất không?"