Triệu chứng của ngộ độc thủy ngân và cách phòng tránh

Thứ Năm, 29 Tháng Mười 20205:00 CH(Xem: 3681)
Triệu chứng của ngộ độc thủy ngân và cách phòng tránh
thuy-ngan

Thủy ngân tồn tại dưới nhiều dạng, không tan trong nước và có thể bốc hơi tương đối dễ khi ở nhiệt độ phòng, thường được sử dụng nhiều trong các loại nhiệt kế, huyết áp kế và một số thiết bị khoa học khác. Trong tự nhiên, thủy ngân hiện diện trong một số loài cá nước mặn và nước ngọt, đặc biệt là các loài cá lớn ở đỉnh chuỗi thức ăn như cá kiếm, các vược, cá mập…

Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thủy ngân

Ngộ độc thủy ngân là một loại ngộ độc kim loại nặng từ môi trường, xảy ra khi cơ thể nuốt, hít hoặc chạm phải thủy ngân ở nhiều mức độ khác nhau và gây nên những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây ngộ độc thủy ngân ở người trưởng thành là do tiêu thụ quá nhiều thủy ngân hữu cơ hoặc thủy ngân dưới dạng muối methyl, thường liên quan đến việc tiêu thụ thủy hải sản.

Ngoài ra, trẻ em cũng là đối tượng rất dễ gặp phải tình trạng ngộ độc thủy ngân. Ngộ độc thủy ngân ở trẻ em phần lớn là do ngậm phải nhiệt kế bị vỡ. Thủy ngân có trong nhiệt kế là dạng thủy ngân nguyên chất khi vào cơ thể trẻ rất dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc.

Dấu hiệu ngộ độc thủy ngân và tác hại

Tùy thuộc dạng thủy ngân (Hg) gây ngộ độc, khoảng thời gian, cường độ tiếp xúc và một vài điều kiện cơ thể mà biểu hiện lâm sàng ngộ độc khác nhau. Hít Hg nguyên tố và nuốt Hg vô cơ gây ngộ độc cấp, trong khi tiếp xúc với dạng hữu cơ như ăn phải cá chứa Hg thường gây ngộ độc mãn tính.

  • Hít phải thủy ngân gây bệnh phổi nặng cấp tính. Triệu chứng đầu tiên là sốt do khói kim loại gồm: sốt, ớn lạnh, thở khó. Những triệu chứng khác gồm: viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Những triệu chứng này thường dịu đi trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, diễn tiến nặng hơn phù phổi cấp, suy hô hấp và tử vong.
  • Ngộ độc mãn do hít thủy ngân gây tam chứng kinh điển: viêm lợi và chảy nước miếng, run giật tay và rối loạn tâm thần kinh. Trẻ thường mất ngủ, hay quên, tâm lý không ổn định, kém ăn, vẻ buồn bã.
  • Nuốt phải thủy ngân vô cơ (điển hình là pin) gây phỏng niêm mạc miệng, đau bụng, buồn nôn, nôn ra máu. Diễn tiến sau đó vài ngày hoại tử ống thận cấp, gây suy thận, rối loạn nước và điện giải có thể gây tử vong.
  • Ăn thức ăn chứa thủy ngân hữu cơ như cá biển gây ngộ độc mãn tính, xuất hiện sau nhiều ngày đến nhiều tuần.
  • Biểu hiện thần kinh là dị cảm, thất điều, suy nhược thần kinh, giảm thính giác, loạn vận ngôn, thu hẹp thị trường, rối loạn tâm thần, run cơ, rối loạn cử động và có thể tử vong. Đặc biệt, rất độc đối với thai nhi có mẹ thường xuyên ăn cá biển chứa nhiều thủy ngân gây sẩy thai, khuyết tật thần kinh, chậm phát triển tâm thần, bại não, biến dạng chi.

Lưu ý: Do thủy ngân có độc tính cao nên các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên hết sức cẩn trọng khi sử dụng thiết bị y tế có chứa thủy ngân, đặc biệt khi dùng nhiệt kế thủy ngân cho trẻ nhỏ.

Phương pháp điều trị

Điều trị ban đầu ngộ độc Hg tương tự những ngộ độc khác, phải nhanh chóng đánh giá tình trạng hô hấp, tuần hoàn. Loại thải chất độc ở da bằng cách cởi bỏ quần áo bị nhiễm bẩn, rửa da, mắt nếu bị nhiễm.

Ngộ độc do nuốt không gây nôn và cũng không rửa dạ dày, do nguy cơ thủng dạ dày và thủng thực quản. Không dùng than hoạt do không có tác dụng hấp phụ kim loại.

Trường hợp ngộ độc Hg vô cơ cần được truyền dịch ngăn ngừa trụy tim mạch. Nếu tổn thương niêm mạc hầu họng gây phù nề nhiều, nên đặt nội khí quản để ngăn ngừa tắc nghẽn hô hấp.

Khi có triệu chứng toàn thân là chỉ điểm có sự chuyển đổi Hg hữu cơ thành vô cơ trong cơ thể, phải được dùng thuốc giải độc đặc hiệu ngay.

Biện pháp phòng tránh

Vì các ảnh hưởng nguy hiểm tới sức khỏe do phơi nhiễm Hg, cần có những qui định giới hạn chất thải chứa Hg ra môi trường sống, kiểm soát ngưỡng cho phép tiếp xúc với các dạng khác nhau của Hg để phòng chống ngộ độc Hg trong môi trường.

Những qui định hạn chế những sản phẩm chứa Hg dễ vỡ, các sản phẩm thuốc, phấn trong thành phần có chứa Hg để hạn chế nguy cơ trẻ tiếp xúc với Hg.

Để phòng tránh trẻ nuốt phải Hg tại nhà, các bậc phụ huynh cẩn thận với nhiệt kế Hg: không đặt trên bàn, kệ trong tầm nhìn, tầm tay của trẻ. Không cho trẻ chơi nghịch với nhiệt kế. Khi đo nhiệt độ cho trẻ, luôn bên cạnh trẻ và quan sát trong suốt thời gian đo, cho đến khi có kết quả nhiệt độ. Cất giữ nhiệt kế trong tủ cao có khóa hoặc chốt cài cẩn thận.

Nếu phát hiện trẻ nuốt Hg trong nhiệt kế, các bậc phụ huynh tuyệt đối không móc họng, gây ói vì sẽ gây biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. Nếu không hít sặc, chỉ cần theo dõi phân của trẻ trong vài ngày để xác định và đánh giá lượng Hg đã nuốt được bài tiết ra ngoài.

Lưu ý cho trẻ ăn uống đầy đủ để tránh táo bón.

 Tổng Hợp

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn