Căn bệnh ở cổ, chị em mắc nhiều hơn nam giới: Rụng tóc, giảm ham muốn hãy coi chừng

Thứ Năm, 29 Tháng Mười 20201:00 SA(Xem: 3595)
Căn bệnh ở cổ, chị em mắc nhiều hơn nam giới: Rụng tóc, giảm ham muốn hãy coi chừng
benh-ly-tuyen-giap

Hiện nay ngày càng nhiều người mắc phải các bệnh lý tuyến giáp, bác sĩ Lê Thị Việt Hà – Trưởng khoa Bệnh lý tuyến giáp (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết có đến 30% người từ 18 đến 65 tuổi mắc các bệnh liên quan đến tuyến giáp, trong đó phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới.

Trong số các bệnh lý tuyến giáp, các bệnh cường giáp, suy giáp, viêm giáp, bướu giáp (đơn nhân và đa nhân)… là những bệnh thường gặp nhất. Tuy nhiên, mỗi bệnh lại có biểu hiện và mức độ nguy hiểm khác nhau nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Dưới đây là những biểu hiện của các bệnh lý tuyến giáp thường gặp:

  • Bệnh cường giáp (hay còn gọi là basedow): Đây là bệnh khá phổ biến và thường gặp ở độ tuổi từ 18 đến 60. Bác sĩ Hà cho biết, biểu hiện của bệnh này cả nam và nữ thường có bướu cổ, cổ to ra, mắt lồi (có thể có hoặc không), nhịp tim nhanh, hồi hộp trống ngực, tay run, sút cân, huyết áp thay đổi… Riêng đối với phụ nữ còn có biểu hiện rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn.
Bác sĩ Hà cho rằng khi thấy cổ to, giảm ham muốn tình dục nên nghĩ ngay đến bệnh lý tuyến giáp.


Bác sĩ Hà cho rằng khi thấy cổ to, giảm ham muốn tình dục nên nghĩ ngay đến bệnh lý tuyến giáp.

  • Bệnh suy giáp: Nguyên nhân gây bệnh có thể gặp phải sau khi phẫu thuật tuyến giáp hoặc do viêm giáp tự miễn gây nên. Biểu hiện của bệnh thường gặp là chán ăn, mệt mỏi, tóc khô rụng, sợ lạnh, táo bón, hay nhớ nhớ quên quên. “Với những người mắc suy giáp, việc bù hóc môn tuyến giáp là vô cùng quan trọng, nếu được bù với lượng vừa đủ thì người bệnh vẫn bình thường, không có các biểu hiện bất thường như đã nói trên”, bác sĩ Hà chia sẻ.
  • Bệnh bướu giáp đơn nhân, đa nhân: Với những bệnh nhân mắc bệnh này, biểu hiện thường gặp là nuốt nghẹn, nuốt vướng, có khối lồi ở cổ gây mất thẩm mỹ. Đối với khối giáp đơn nhân nếu là lành tính, khối u nhỏ thì không cần phải phẫu thuật, nhưng cần theo dõi từ 3 đến 6 tháng/1 lần. “Trong trường hợp khối u to lên, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây chèn ép khó thở, nuốt nghẹn, nuốt vướng thì cần phải xử lý bằng cách phẫu thuật hoặc đốt bằng sóng cao tần. Phương pháp đốt bằng sóng cao tần bệnh nhân sẽ ít bị xâm lấn, thực hiện nhanh, đảm bảo thẩm mỹ, bảo tồn chức năng tuyến giáp và không phải điều trị bằng hormone cả đời”, bác sĩ Hà cho hay.
Bác sĩ Việt Hà thăm khám cho một bệnh nhân bị nang giáp gây chèn ép cổ.


Bác sĩ Việt Hà thăm khám cho một bệnh nhân bị nang giáp gây chèn ép cổ.

  • Bệnh nang giáp: Biểu hiện của bệnh là có khối lồi ở cổ, bên trong có chứa dịch. Có trường hợp bệnh nhân xuất hiện nang có chứa 50% dịch, 50% là đặc. Nhưng cũng có người nang đó chứa 100% dịch. “Bệnh nhân mắc bệnh nang giáp lành tính trước đây phải điều trị bằng cách hút dịch nhiều lần. Còn hiện nay, bệnh nhân có thể điều trị bằng cách tiêm cồn ethanol (loại cồn chuyên dụng) qua da dưới sự hướng dẫn của siêu âm. Phương pháp điều trị này an toàn cho người bệnh, không để lại sẹo, tiết kiệm chi phí và không phải dùng thuốc sau khi tiêm cồn”, bác sĩ Hà chia sẻ.
  • Viêm giáp: Bác sĩ Lê Thị Việt Hà cho biết, viêm giáp có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ nhỏ (khoảng 5-7 tuổi) là đối tượng hay bị viêm giáp cấp nhất. Biểu hiện của bệnh là đau tuyến giáp, có khối lồi ở cổ, đau cổ, sưng đau 1 hoặc 2 bên tuyến giáp, đau hai bên mang tai, có sốt nhẹ, khó quay đầu…
Trẻ nhỏ cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm giáp nhưng hay bị nhầm lẫn với các bệnh khác.


Trẻ nhỏ cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm giáp nhưng hay bị nhầm lẫn với các bệnh khác. (Ảnh minh họa)

Với bệnh này, bệnh nhân này ngoài điều trị bằng kháng sinh, chống viêm thì bệnh nhân còn phải khám chuyên khoa tai mũi họng để nội soi xem có lỗ dò xoang lê hay không. “Trong trường hợp người bệnh có lỗ dò xoang lê, chỉ cần bịt lỗ dò đó, rồi điều trị kết hợp là có thể khỏi được hoàn toàn”, bác sĩ Hà cho hay.

Cuối cùng, bác sĩ Hà khuyến cáo khi người dân xuất hiện các biểu hiện như đã nói trên cần đến các cơ sở y tế để kiểm tra càng sớm, càng tốt. “Hiện nay, các bệnh về tuyến giáp có thể được chữa khỏi nếu như được phát hiện kịp thời”, bác sĩ Hà chia sẻ.

Các biện pháp phòng bệnh lý tuyến giáp

  • Có chế độ ăn uống hợp lý, ăn nhiều chất xơ như rau xanh, hoa quả để tăng cường hóc môn tuyến giáp.
  • Bổ sung đầy đủ i ốt cho cơ thể, qua muối ăn hàng ngày hoặc các loại thực phẩm… Tuy nhiên chỉ sử dụng vừa đủ không thừa không thiếu. Với người trưởng thành là 150mg, còn phụ nữ có thai là 200mg.
  • Tập luyện để tăng sức đề kháng đẩy lùi bệnh tật nói chung và bệnh lý tuyến giáp nói riêng.
  • Không hút thuốc lá.
  • Khám sức khỏe định kỳ.

 Theo khampha

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn