Vận động viên bơi lội hay chạy bộ: Ai có trái tim khỏe mạnh hơn?

Thứ Ba, 06 Tháng Mười 20201:00 CH(Xem: 4412)
Vận động viên bơi lội hay chạy bộ: Ai có trái tim khỏe mạnh hơn?
chay-bo-va-boi-loi

Kết quả cho thấy đúng là trái tim của họ có những sự khác biệt, dù ở mức độ nhẹ, sự khác biệt này cũng có thể xảy ra với bản thân bạn. Vậy bạn là mẫu người đi bơi hay đi chạy nhiều hơn? Điều đó sẽ quyết định một phần đến hình dáng và chức năng tim của bạn.

Từ lâu, các bác sĩ tim mạch đã biết rằng tập thể dục thường xuyên có thể làm thay đổi hình dáng và hoạt động của trái tim con người. Trong đó, tâm thất trái là vùng tim đặc biệt nhạy cảm với thể dục. 

Khoang tim này nhận máu giàu oxy từ phổi và bơm nó đến tất cả các phần còn lại của cơ thể. Khi tâm thất trái hoạt động, nó sử dụng một chuyển động xoắn rất mạnh và vất vả, như thể buồng tim này là một miếng bọt biển bị vắt ra nước, trước khi nó đàn hồi trở lại hình dạng ban đầu.

Tập thể dục, đặc biệt là các loại hình aerobic hiếu khí đòi hỏi một lượng lớn oxy phải được cung cấp đến cho cơ bắp làm việc. Bởi vậy, các bài tập aerobic chắc chắn sẽ khiến tâm thất trái của bạn hoạt động mạnh.

Như một sự thích nghi với nhu cầu ấy, tâm thất trái của các vận động viên thường trở nên to và khỏe hơn so với người bình thường ít vận động. Nó cũng có trữ lượng máu nhiều hơn, tốc độ làm đầy và giãn nở, giải xoắn nhanh hơn. Điều này cho phép tim bơm máu hiệu quả hơn khi vận động viên hoạt động.

Ngay cả đối với người bình thường, bất cứ loại hình thể dục nào cũng có thể giúp bạn phát triển tâm thất trái theo thời gian. Nhưng đúng là những các loại hình bài tập khác nhau sẽ gây ra các hiệu ứng khác nhau lên tim, theo cách rất tinh tế.

Chẳng hạn, một nghiên cứu năm 2015 phát hiện ra rằng các vận động viên chèo thuyền, môn thể thao kết hợp sức bền và sức mạnh, có khối lượng cơ tim ở tâm thất trái lớn so với vận động viên chạy bộ. Trái tim của vận động viên chèo thuyền vừa nhanh nhẹn lại vừa bền bỉ trong quá trình xoắn vặn để bơm máu giàu oxy.

Cả bơi lội và chạy bộ sẽ đều khiến trái tim bạn khỏe mạnh.


Cả bơi lội và chạy bộ sẽ đều khiến trái tim bạn khỏe mạnh.

Nhiều nghiên cứu trước đây cũng đã so sánh trái tim của các vận động viên điền kinh, nhưng ít có nghiên cứu nào kiểm tra điều này ở các vận động viên bơi lội. 

Thật sự mà nói, bơi là một hoạt động rất đặc biệt, đòi hỏi bạn nằm nghiêng trên mặt nước, nín thở để nổi. Tất cả những hoạt động này không thường thấy trong các môn điền kinh trên cạn, và nó ảnh hưởng đến trái tim theo một chiều hướng rất khác.

Để tìm hiểu điểm khác nhau đó, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Guelph, Canada đã tuyển chọn 16 vận động viên bơi lội quốc gia của họ để so sánh với 16 vận động viên chạy điền kinh khác, trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Frontiers in Physiology.

Mục tiêu là tìm hiểu cấu trúc và chức năng tim của họ sau quá trình huấn luyện và thi đấu, để xem những điểm khác nhau xảy ra ở những đâu. Các nhà khoa học yêu cầu các vận động viên nghỉ tập trong vòng 12 tiếng đồng hồ, trước khi ghé thăm phòng thí nghiệm của mình.

Ở đây, họ tiếp tục được cho nằm nghỉ ngơi, trong khi nhịp tim và áp lực bơm máu từ trái tim được ghi lại. Các nhà nghiên cứu sử dụng một máy siêu âm để nhìn vào cấu trúc và chức năng tim của các vận động viên.

Kết quả ban đầu cho thấy, cả các vận động viên chạy bộ hay bơi lội đều có trái tim rất khỏe mạnh. Nhịp tim của họ dao động trong khoảng 50 nhịp/phút. Nhịp tim của vận động viên chạy bộ sẽ thấp hơn vận động viên bơi lội một chút. 

Nhưng 50 nhịp/phút đã là con số thấp hơn rất nhiều nhịp tim của những người bình thường ít vận động – nhịp tim thấp là biểu hiện của một trái tim rất mạnh mẽ.

Tiếp đó, hình ảnh siêu âm tim tiết lộ tất cả các vận động viên đều có tâm thất trái lớn và hoạt động rất hiệu quả. Nhưng đúng là có một sự khác biệt thú vị trong tâm thất trái của những người bơi lội và những người chạy bộ.

Trong khi tất cả các vận động viên đều bơm máu vào tâm thất trái sớm hơn và giãn xoắn nhanh hơn mức trung bình, hiện tượng này được khuếch đại ở vận động viên chạy bộ. Tâm thất của họ lấp đầy máu nhanh hơn và giải xoắn dứt khoát hơn so với trái tim của vận động viên bơi lội.

Về lý thuyết, những khác biệt đó sẽ cho phép máu di chuyển ra khỏi và trở lại trái tim của người chạy bộ nhanh hơn so với những người bơi lội.

Vận động viên bơi lội


Vận động viên bơi lội nằm nghiêng trên mặt nước, do vậy trái tim của họ được lợi thế về mặt trọng lực so với vận động viên chạy bộ.

Nhưng khác biệt này không nhất thiết cho thấy trái tim của người chạy bộ hoạt động tốt hơn so với người bơi“, Jamie Burr, giáo sư tại Đại học Guelph và là tác giả chính của nghiên cứu nói.

Vì những người bơi lội tập luyện ở tư thế nằm ngang, trái tim của họ không phải chống lại trọng lực để hút máu về tim, không giống như những người chạy bộ ở tư thế thẳng đứng. Tư thế đã đem đến lợi thế và giúp một phần việc cho người bơi, và do đó, trái tim của họ chỉ đáp ứng đến mức đủ cho nhu cầu môn thể thao của họ”.

Không chỉ giải đáp một thắc mắc thú vị cho chúng ta, nghiên cứu của giáo sư Burr đã làm nổi bật được mức độ nhạy cảm của cơ thể con người, khi chúng ta tập luyện các loại hình thể dục hay vận động khác nhau.

Điều này cũng có ích cho khoa học thể thao, vì nó chứng minh rằng, các vận động viên bơi lội nếu muốn phát triển trái tim của mình hơn nữa thì nên kết hợp việc chạy bộ trên cạn vào lịch tập luyện. Điều này có thể giúp tăng cường trái tim của họ, và tạo ra những lợi thế mang tính quyết định khi họ trở lại mặt nước.

Đối với đa số những người bình thường như chúng ta, nghiên cứu của giáo sư Burr nhấn mạnh một điều rằng, tập thể dục dù ở loại hình nào cũng cải thiện cả hình dạng và chức năng tim. Ông hy vọng các thí nghiệm trong tương lai có thể cho chúng ta biết mỗi loại hình tập luyện nào sẽ tạo ra những phản ứng tinh tế nào, từ đó giúp từng cá nhân lựa chọn được hình thức tập luyện phù hợp riêng cho bản thân mình

 Theo Trí Thức Trẻ
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn