Có một câu nói rất hay: “Thông minh là một loại thiên phú nhưng thiện lương lại là một sự lựa chọn”. Lựa chọn lương thiện là một chuyện tốt, lựa chọn đối xử tốt với người khác là một chuyện vừa tốt vừa đúng đắn. Nhưng trong cuộc sống, có 5 trường hợp sau đây, dù có lương thiện đến mấy bạn cũng không nên giúp đỡ, nếu giúp đỡ tức là đang làm hại chính mình.

1. Việc vượt quá khả năng của mình, đừng miễn cưỡng giúp đỡ.

Trong cuộc sống cần phải biết tự lượng sức mình mà làm, đừng vì sĩ diện mà cố làm những việc không thể làm nổi, làm việc tốt cũng vậy, cũng cần phải cân nhắc cho kỹ.

Những việc nằm trong phạm vi khả năng của mình thì giúp được nên giúp, những việc vượt quá khả năng thì đừng miễn cưỡng giúp.Cương quyết muốn làm người tốt cho bằng được, đi làm những việc mình không thành thạo, không chỉ gây ra áp lực gấp đôi cho bản thân, tiêu tốn rất nhiều tinh thần và thời gian của mình mà còn có thể làm sự việc đi ngược với mong muốn ban đầu.

Miễn cưỡng giúp đỡ sẽ xuất hiện hai tình huống:

Tình huống thứ nhất: Bạn tốn rất nhiều công sức để giúp đỡ, người khác lại cho rằng đó chỉ là chuyện nhỏ không đáng nhắc đến, nên sẽ không biết ơn bạn, lần sau có chuyện tương tự như vậy vẫn sẽ tiếp tục làm phiền bạn.

Tình huống thứ hai: Đã nhận lời là giúp người khác, nhưng lại không hoàn thành tốt chuyện mà người khác nhờ cậy, vừa làm hỏng chuyện vừa làm sứt mẻ tình cảm, làm mất hết sự tin tưởng của người khác dành cho bạn.

Biết từ chối người khác cũng là một trong những biểu hiện của một người đã trưởng thành. Không giúp đỡ những việc quá sức mình, thật ra có nghĩa là đang đưa ra sự lựa chọn tốt nhất cho mình và người khác.

Vừa không làm khó bản thân mình lại vừa cho người khác có một lựa chọn mới. Đây mới là biểu hiện có trách nhiệm với chính mình và người khác. Đừng để tính sĩ diện làm lỡ việc của người khác, cũng đừng để sự ngại ngùng làm tổn thương chính mình.

Tự biết sức mình mà làm mới có thể thật sự giúp đỡ được người khác.

2. Không nên giúp đỡ những việc làm hại đến một người khác.

Trong cuộc sống, nếu việc giúp đỡ người khác được xây dựng trên cơ sở làm tổn hại đến một người thứ ba khác, thì không nên tùy tiện lao vào giúp đỡ.

Bởi vì, nhất thời nghĩa khí nhận lời giúp đỡ, chưa chắc đã thật sự giúp đỡ được người khác, nhưng chắc chắn sẽ có người bị tổn thương. Bạn không bao giờ có thể biết được rằng, cái mà bạn gọi là “ý tốt” đó có gây ra tổn hại cho người khác hay không. Nếu là như vậy, ý tốt của bạn, hành vi của bạn thật ra là đang làm việc ác, chứ không phải là đang giúp đỡ.

3. Không giúp người khác đưa ra quyết định trọng đại.

Sự hối tiếc lớn nhất trên đời này thật ra chỉ bao quát trong bốn chữ “tôi vốn có thể”.

Mà trong bốn chữ “tôi vốn có thể” này có một tình huống rất đáng tiếc là: Phán đoán của tôi là rất đúng, nhưng cuối cùng tôi vẫn nghe theo sự lựa chọn của người khác, kết quả hối hận không kịp.
Mỗi người đều nên có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình, nếu như lúc đầu đã nghe theo ý kiến của người khác, thì nên có sự chuẩn bị tâm lý là phán đoán của người khác có thể sẽ sai.

Đừng vội vàng giúp người khác đưa ra quyết định trọng đại. Đừng để sự nhiệt tình của mình dẫn dắt sai người khác, đừng để sự hạn chế của mình làm ảnh hưởng người khác.

Có rất nhiều quyết định có thể làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của một ai đó, vì vậy tuyệt đối đừng làm kẻ hành quyết giết chết khả năng sống của người khác.

Không nên giúp bất cứ ai đưa ra quyết định trọng đại, kể cả là bạn có nhiều kinh nghiệm hơn.
Bởi vì, bạn không thể hoàn toàn hiểu hết một người, không thể đứng ở góc độ của người đó để suy nghĩ đến tất cả các nhân tố một cách tổng hợp. Có lúc chỉ vì sự khác nhau về quan niệm giá trị, cũng sẽ khiến đối phương mất đi thứ mà anh ta muốn có nhất, từ đó hối hận cả đời.

Không giúp người khác đưa ra quyết định cuộc đời trọng đại, dù người đó là người thân thiết nhất của bạn đi nữa. Bởi vì, đó là cuộc đời của người đó, còn bạn dù sao vẫn không phải là người đó.
Nên thận trọng khi nói chuyện, đừng để sự hối tiếc lớn nhất trong cuộc đời của người khác lại có liên quan đến bạn.

4. Không giúp đỡ những việc liên quan đến lợi ích và tiền bạc

Người có lòng dạ lương thiện thuần khiết, nhiều lúc sẽ không đề phòng người khác, sự lương thiện của họ rất có thể sẽ bị một số người có ý xấu lợi dụng.

Dưới đây là trải nghiệm của một cô gái khi đến Bắc Kinh mưu sinh:

Khi cô vừa mới đến Bắc Kinh làm việc, cô thuê nhà trọ ở ghép cùng một cô gái, tính cách của hai người rất hợp nhau, lâu ngày trở nên rất thân thiết.

Có một ngày, bạn cùng phòng của cô hỏi cô mượn tiền, nói rằng người nhà của cô ấy đang bị bệnh, cần tiền gấp để làm phẫu thuật, cô rất kiên nhẫn an ủi bạn cùng phòng cả đêm, còn đem hết một tháng lương của mình cho cô ấy mượn.

Sau khi người bạn cùng phòng đi khỏi một tuần, thì xóa hết toàn bộ phương thức liên lạc của mình, sau đó cô đi báo cảnh sát mới biết là mình đã bị lừa.

Những trường hợp bị mắc lừa giống như vậy diễn ra rất nhiều và thường xuyên, thậm chí có một số kẻ lừa đảo lại còn là người thân bạn bè bên cạnh mình. Vì yêu, nên con người sẽ có nhược điểm và dễ mềm lòng. Vì tin tưởng nên trí khôn và lý trí của con người sẽ giảm đi một nửa.

Vì vậy, có người hết lòng hết dạ đi giúp đỡ người khác, nhưng lại khiến bản thân mắc nợ chồng chất, lại còn làm người nhà mình bị liên lụy theo.

Khi bạn bè người thân gặp phải chuyện khó khăn, thỉnh thoảng cứu giúp một lần cũng là lẽ thường tình. Nhưng mà, tục ngữ nói rất hay: “Tâm hại người không thể có, tâm phòng người không thể không có.”

Đừng bao giờ quá tin tưởng một người, vì lòng người dễ thay đổi, mà sự đời thì khó đoán, có một số chuyện giúp đỡ không đúng người đúng việc, sẽ khiến mình rơi vào bùn lầy.

Những việc liên quan đến tiền bạc và lợi ích, đừng giúp đỡ một cách mù quáng, những việc có rủi ro cũng nên cẩn trọng trước khi giúp đỡ. Luôn ghi nhớ là sau lưng bạn còn có cả một gia đình phải gánh vác.

5. Đừng để bản thân thiệt thòi khi giúp đỡ những việc không được cảm kích

Một đấu gạo nuôi một ân nhân, mười đấu gạo nuôi một kẻ thù. Bạn có thói quen giúp đỡ, người khác cũng có thói quen đón nhận. Thời gian lâu rồi, người khác sẽ không cảm kích bạn nữa.
Trên mạng có một câu chuyện như sau:

Có một gia đình rất có điều kiện, bên cạnh nhà họ có hai đứa bé thường xuyên chạy sang nhà họ chơi, đứa con trai trong nhà họ có đồ ăn hay đồ chơi gì là bà mẹ cũng đều đem chia cho hai đứa bé hàng xóm. Có một lần, bà mua cho con trai một món đồ chơi, đứa con trai cực kỳ thích nên không nỡ cho những đứa trẻ mượn chơi, bà còn chửi con trai mình một trận, nhưng con trai bà vẫn không nghe lời, hai đứa bé hàng xóm tỏ vẻ không vui rồi đi về nhà.

Buổi tối, bà định rằng sẽ đi xin lỗi hàng xóm và giải thích cho rõ. Nhưng lại vô tình nghe được hàng xóm nói bà keo kiệt, ngay đến một món đồ chơi cũng không nỡ cho mấy đứa trẻ mượn chơi. Người hàng xóm còn oán trách là ngày thường bà cho các con mình quá ít đồ ăn, bọn chúng không thể ăn no được.

Một người không hiểu được sự tốt bụng của bạn, và không có lòng biết ơn, cho dù bạn có cho đi bao nhiêu, người đó cũng cho rằng sự giúp đỡ của bạn là lẽ đương nhiên. Đến một ngày khi bạn không thể nào giúp đỡ nữa, ngược lại anh ta còn cho rằng bạn mắc nợ anh ta.

Lòng người tham lam không giới hạn, thiện ý cho sai người sẽ tự tổn thương chính mình. Bạn không bao giờ gọi dậy được một người đang giả vờ ngủ, cũng không bao giờ thỏa mãn được một linh hồn không biết cảm kích người khác.