Người kém hiểu biết thường tự tin?

Chủ Nhật, 28 Tháng Giêng 20183:00 SA(Xem: 7044)
Người kém hiểu biết thường tự tin?
bbc.com
Tom Stafford BBC Future

Hình minh họa Bản quyền hình ảnh Getty Images

Con người thường xuyên đánh giá sai khả năng của mình, các nhà tâm lý học cho biết.

Bạn nghĩ mình khá thông minh và hài hước? Tất nhiên, tôi cũng nghĩ vậy về mình.

Nhưng liệu chúng ta có sai lầm?

Các nhà tâm lý học đã chứng minh chúng ta thường xuyên không nhìn thấy nhược điểm của mình.

Thử nghiệm năm 1999 của Justin Kruger và David Dunning, từ Đại học Cornell, New York, cho thấy những người thiếu năng lực cũng là những người không hay biết về sự yếu kém của mình.

Mở đầu bản kết luận nghiên cứu, họ dẫn trường hợp một kẻ cướp ngân hàng tên McArrthur Wheeler, người bị bắt giữ vào năm 1995 sau khi cướp hai ngân hàng giữa thanh thiên bạch nhật mà không hề đeo mặt nạ hoặc bất cứ hình thức cải trang nào khác.

Khi được cảnh sát cho xem đoạn ghi hình trên camera an ninh, người này nói: "Nhưng tôi đã bôi nước trái cây lên mặt mà".

Người này thực sự tin rằng nếu quệt nước chanh lên mặt, anh ta sẽ trở nên vô hình trước hệ thống camera an ninh.

Kruger và Dunning cũng thực hiện nhiều nghiên cứu với kết quả dở khóc dở cười khác.

Trong một thử nghiệm, họ yêu cầu các danh hài chấm điểm đối với 30 câu chuyện tiếu lâm.

Sau đó họ yêu cầu 65 sinh viên chấm điểm những câu chuyện này và tự đánh giá xem khả năng chấm điểm của mình chính xác tới đâu so với các danh hài.

Kết quả cho thấy những người có năng lực trung bình thường nghĩ rằng mình chấm điểm các trò đùa rất chính xác, trong khi những người thực sự chấm rất chính xác lại cho rằng mình chỉ ở mức trung bình.

Trong một thử nghiệm khác, các sinh viên được yêu cầu trả lời các câu hỏi về lập luận và ngữ pháp.

Những người yếu kém nhất, một lần nữa, đánh giá khả năng của mình cao hơn thực tế rất nhiều.

Thế nhưng ngay cả khi được giải thích về tiêu chuẩn chấm điểm và kết quả của những người khác, họ cũng không biết mình nằm trong hàng yếu kém.

Kruger và Dunning cho rằng khả năng nhận biết về năng lực của bản thân phụ thuộc vào khả năng thực hiện chính năng lực đó.

Điều này giải thích vì sao những người không có năng lực cũng không có khả năng nhận thấy sự yếu kém của mình.

Tình trạng 'thiếu năng lực và không nhận thức được điều đó' không chỉ tạo ra những tình huống trong phòng thí nghiệm, mà còn trong đời sống thật.

Các thợ săn không hiểu rõ về súng cũng không nhận thức được sự kém hiểu biết về súng của mình.

Các bác sỹ yếu kém trong việc phỏng vấn các bệnh nhân cũng ít khi nhận ra điều đó.

Kruger và Dunning đã gọi đây là ví dụ của việc 'suy nghĩ về việc suy nghĩ'.

Và có lẽ trước khi cảm thấy tự mãn về bản thân mình, chúng ta cần tự hỏi liệu mình có đang thiếu hiểu biết về sự thiếu hiểu biết của bản thân hay không?

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn