Thông minh nhưng không thành công: Chỉ số IQ, EQ là gì và ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của bạn ?

Chủ Nhật, 12 Tháng Bảy 20209:00 SA(Xem: 7423)
Thông minh nhưng không thành công: Chỉ số IQ, EQ là gì và ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của bạn ?

Chúng ta thường mặc định: Người thành công là những người thông minh. Và nếu bạn thông minh, chắc chắn bạn sẽ thành công.

Người viết xin được phép phản biện: Sở hữu trí thông minh không phải là chìa khoá vạn năng để thành công. 

Dĩ nhiên, thông minh sẽ là tấm bằng giúp bạn đi nhanh hơn trên con đường sự nghiệp, nhưng nó không phải là tất cả! 

Trên thực tế, có rất nhiều người thông minh mà vẫn chật vật đi tìm chỗ đứng trong công việc. Và mọi thứ đều có lý do!

Để bắt đầu, hãy xét tới định nghĩa cơ bản nhất của trí thông minh – một thước đo kinh điển đã tồn tại qua nhiều năm – chỉ số IQ.

IQ là gì?

Chỉ số IQ (intelligen quotient) là kết quả được tổng hợp từ một (hoặc nhiều hơn) bài trắc nghiệm, câu đố kiểm tra đánh giá trí thông minh của con người (bên cạnh câu trả lời đúng, một bài kiểm tra IQ còn cân nhắc thêm các yếu tố như: số tuổi của người làm bài, thời gian họ hoàn thành bài kiểm tra…). 

Mức điểm thường thấy của chỉ số IQ hiện nay là 100. Có đến 2/3 dân số hiện nay có chỉ số IQ dao động từ 85 cho đến 115. 

Chỉ có 2,5% dân số có chỉ số IQ trên 130, và 2,5% dân số có IQ dưới 70. Chính vì vậy, khi một ai đó đạt được số điểm IQ trên 130, họ thường được mặc định là cực kì thông minh hoặc trường hợp có chỉ số IQ càng cao trên 150 thì sẽ được coi là thiên tài.

Những bài kiểm tra và khái niệm IQ đã tồn tại từ những thập niên đầu của thế kỷ 20. Dần dần qua thời gian, IQ trở thành một thước đo quy chuẩn giúp các tổ chức “phân loại” con người dựa vào mức độ thông minh của họ. 

Bởi vậy, trong những năm đi học đầu đời của tất cả chúng ta, IQ hay là những bài kiểm tra đố mẹo, điểm số đã trở thành nỗi ám ảnh tại trường lớp: điểm càng cao có nghĩa là thông minh, là “con nhà người ta” trong mắt xã hội; điểm thấp nằm ở vế ngược lại. 

Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện ngày xưa ta bé. Khi bước ra ngoài xã hội, IQ có phải là một thứ quà trí tuệ thiên bẩm giúp chúng ta sống sót và thăng tiến hay không thì có lẽ chưa chắc.

Thông minh nhưng mãi không thành công: Chỉ số IQ, EQ là gì và nó ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của bạn trong công việc? - Ảnh 1.

Thông minh không đồng nghĩa với… giỏi:

Theo giáo sư Keith Stanovich – thuộc khoa Phát Triển con người & Ứng dụng tâm lý tại ĐH Toronto, Canada: Những bài kiểm tra IQ có thể rất hữu hiệu khi cần đo đếm một số khả năng, phẩm chất của con người như logic, khả năng ghi nhớ, khả năng định lượng… 

Tuy nhiên, khi nhắc đến những phẩm chất liên quan tới sự thấu cảm, linh tính, khả năng kết nối con người... để từ đó đưa ra những phán đoán và quyết định đúng đắn thì IQ hoá ra lại chẳng nhằm nhò gì.

“Một chỉ số IQ cao cũng giống như chiều cao của vận động viên bóng rổ vậy” – David Perkins, nghiên cứu sinh tại Harvards cho hay. 

“Bạn càng cao thì bạn càng có lợi thế khi thi đấu trên sân. Nhưng chiều cao không giúp bạn chiến thắng trận đấu mà còn cần rất nhiều kĩ năng khác nữa. Cuộc chơi thực tế trong công việc và cuộc sống cũng vậy. 

Không phải cứ có IQ cao là bạn đã nắm chắc phần thắng”.

Cứ cho rằng bạn đã có chỉ số IQ cao đi chăng nữa, thì sẽ có hai trường hợp xảy ra khiến thành công trong công việc và tiền bạc mãi mãi chỉ là giấc mơ trì hoãn xa vời:

a, Thông minh nhưng không có động lực:

Trong cuộc đời bạn đã gặp bao nhiêu trường hợp những người thông minh nhưng… lười? Có lẽ là không ít.

Chúng ta đều biết, để đạt được đến thành công, người ta nhất định cần đến sự chăm chỉ. 

Câu nói "Cần cù bù thông minh" ra đời như sự minh chứng cho việc nỗ lực có thể đưa chúng ta đi xa đến đâu, dù không sở hữu trí tuệ và sự thông minh như những cá nhân xuất sắc từ lúc lọt lòng.

Vậy nếu nhìn về hướng ngược lại thì sao nhỉ, "Thông minh nhưng... không cần cù"? Sở hữu một tài năng nhưng không trui rèn, một tầm nhìn tuyệt vời nhưng không tham vọng, một trí tuệ sắc sảo nhưng lơ là,... 

Có lẽ không cần nói ra hẳn bạn cũng biết kết quả. Sẽ chẳng có thành công nào đến nếu bạn không quyết tâm, và dù bạn có thông minh đến mấy nhưng không muốn lao tâm khổ tứ vì sự nghiệp và công việc - bạn sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi vũng bùn của sự ảo tưởng đâu.

Có rất nhiều những lý do “ập đến” không báo trước có thể làm thoái lui động lực phát triển bản thân của một cá nhân trưởng thành: một cú sốc tâm lý, một bước ngoặt của cuộc đời (không biết tốt hơn hay xấu hơn), sự bất mãn với cuộc sống xung quanh… 

Nhưng có những người, họ đơn giản chỉ... lười mà thôi. Sự chủ quan vào trí óc của mình khiến họ không dành hết sức lực vào công việc, không chủ động tìm kiếm và nắm bắt những cơ hội mới. 

Và từ đó, thay vì lăn xả ra ngoài xã hội và tìm kiếm cơ hội, họ lại trở nên ì trệ ngày ngày xem Netflix và hão huyền về tương lai tươi sáng mà chỉ cần “động não” thôi là có thể dễ dàng đạt được.

Thông minh nhưng mãi không thành công: Chỉ số IQ, EQ là gì và nó ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của bạn trong công việc? - Ảnh 2.

b, Thông minh và chỉ … thế thôi:

Chắc rằng đây là câu chuyện mà bạn từng gặp không ít lần trong những bối cảnh văn phòng công sở những năm tuổi trẻ của mình: Hai nhân viên tương quan năng lực như nhau cùng vào công ty một thời điểm nhưng tiến độ “lên chức” lại không thể khác biệt hơn. 

Một người mải miết làm việc, thu mình và tập trung giải quyết đúng những gì được giao, nhưng sau một năm vẫn mãi chức vụ “executive”. 

Trong khi người còn lại, dù không nằm trong số những nhân viên mẫn cán nhất theo kiểu đi sớm về muộn nhưng lại thăng hạng cứ 6 tháng/ lần đều đều và nhanh chóng gia nhập vào hội nhóm các mầm non lãnh đạo của công ty.

Không có chiêu trò gì ở đây, chỉ là trong khi người thứ nhất mãi đâm đầu giải quyết các nhiệm vụ mang tính “kĩ thuật” hết lại đầy không khi nào vơi, thì người thứ hai dành thêm thời gian để kết nối thêm với đồng nghiệp ở các phòng ban khác, tìm hiểu về công ty, thử sức với một vài cơ hội mới, giao tiếp nhiều hơn và hoà mình vào văn hoá công ty hơn. 

Khi đi làm tại bất cứ tổ chức nào cũng thế, công việc của bạn không tồn tại độc lập mà sẽ luôn nằm trong nhiều mối quan hệ liên đới với nhiều bên khác nhau. 

Vô hình chung, bằng việc không-chỉ-tập-trung-vào-mỗi-công-việc-của-mình, người thứ hai không chỉ giải quyết công việc của mình hiệu quả mà còn xây dựng được sự tin tưởng, yêu mến từ những nhân sự khác. 

Giải quyết công việc “kĩ thuật” của chính mình thì cần tới IQ nhưng khi giải quyết công việc liên quan tới nhân sự nói chung thì bạn cần tới một chỉ số khác có tên là EQ.

EQ là khả năng nắm bắt được sự chuyển biến tâm lý của người khác, khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân, khả năng kết nối, khả năng điều tiết cảm xúc và ứng dụng cảm xúc trong giao tiếp thông thường.

EQ có thể hiểu là sự nhạy cảm, tinh tế trong tính cách của mỗi người. Bạn vẫn hay nghe tới những lời bình luận, chê bai: Sao vô duyên thế, nghĩ gì mà làm thế nhỉ… dành cho những hành động không được điều chỉnh theo những quy chuẩn đạo đức, thuần phong mỹ tục thông thường. 

Nói cách khác, EQ là thứ khả năng điều hướng, cân chỉnh những quyết định, hành động của bạn sao cho tương thích với những thứ quy tắc bất thành văn của xã hội đương đại.

EQ là một khái niệm sinh sau đẻ muộn so với IQ. Phải đến năm 1995, EQ mới được nhắc đến trong cuốn sách Emotional Intelligence (trí thông minh cảm xúc) của tác giả Daniel Goleman – một trong những cuốn sách gây tiếng vang lớn vào thời điểm bấy giờ. 

Kể từ đó cho tới nay, EQ đã trở thành một thước đo mang tính đương đại hơn cho các tổ chức khi muốn tìm kiếm, kết nạp nhân tài. 

Thậm chí, khi thử Google sự liên hệ giữa EQ và thành công của một người bạn sẽ thấy được rằng: chính EQ (chứ không phải là IQ) mới là nhân tố X đảm bảo một tương lai rạng rỡ với quả ngọt không chỉ trong công việc, các mối quan hệ mà còn cả trong cuộc sống cá nhân của một người nữa. 

Chỉ số EQ cao giúp một người có khả năng liên hệ và thấu cảm với những người xung quanh, giúp họ biết được lúc nào nên lùi bước lúc nào nên tiến lên trong những cuộc nói chuyện giữa các cấp.

Chỉ số EQ cao cũng giúp con người giải phóng được các cảm xúc tiêu cực khi vấp phải sự phản đối, phê bình mà tiến lên, phát triển bản thân hơn. 

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà người ta vẫn hay nói: Nhất quan hệ, nhì tiền tệ. 

Nên chẳng có gì khó hiểu khi một cá thể có EQ cao lại có thể thâu tóm được những cơ hội tiềm năng trong việc thăng tiến, kiếm tiền hay thậm chí cả tình ái. 

Còn với những người không may mắn có chỉ số EQ thấp, bản thân họ sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển các mối quan hệ cũng như tinh ý nắm bắt được những cơ hội thăng tiến không phô ra trên giấy trắng mực đen.

Thông minh nhưng mãi không thành công: Chỉ số IQ, EQ là gì và nó ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của bạn trong công việc? - Ảnh 3.

“Những nhà tuyển dụng ngày nay họ đánh giá cao trí thông minh cảm xúc của nhân sự thay vì chỉ số IQ trong quá khứ. 

Ngay cả với những tập đoàn khổng lồ như Google, Apple, FedEx… thì EQ cũng là một phẩm chất được đề cao khi họ muốn sàng lọc nhân sự” Steven Stein – CEO của hệ thống Chăm sóc Sức khoẻ Đa Khoa – một công ty đã xuất bản nhiều bài kiểm tra chỉ số EQ cho nhiều tập đoàn lớn.

Một nghiên cứu của Học viện công nghệ Carnegie cho thấy có đến 85% thành công về mặt tài chính của con người được tạo nên bởi những kĩ năng “liên quan đến con người”, và chỉ có 15% thành công là phụ thuộc thuần tuý về mặt kĩ thuật, trí tuệ, thông tin mà thôi. 

Nói cách khác, có đến 85% những người thuộc tầng lớp tài chính dư dả đạt được vị trí của mình nhờ vào những kĩ năng có mối quan hệ mật thiết với EQ thay vì IQ.

Lời cuối

Có nhiều cách để thành công, và nhiều phẩm chất có thể giúp bạn trở nên thành công. Sự thông minh chỉ là một trong số đó. 

Bạn có thể không phải là một người thông minh nhất, nhưng tin rằng nếu bạn là người chăm chỉ nhất, nhẫn nại nhất, hoặc là một người biết cách xây dựng và nắm bắt những cơ hội từ cuộc sống, từ những mối quan hệ xung quanh - chắc chắn, con đường của bạn đến với cái đích chiến thắng sẽ vững vàng và rộng mở hơn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn