Virus corona có yếu dần đi không? ( Phải đi, đi luôn, không bao giờ quay lại )

Thứ Tư, 03 Tháng Sáu 20206:56 CH(Xem: 3999)
Virus corona có yếu dần đi không? ( Phải đi, đi luôn, không bao giờ quay lại )
voatiengviet.com

Virus corona có yếu dần đi không?

Jamie Dettmer

Một cuộc nghiên cứu do một bệnh biện lớn tại Milan, Ý, thực hiện, phát hiện là lượng virus có trong cơ thể các bệnh nhân dương tính với COVID đang giảm dần, cho thấy là việc lây nhiễm có thể yếu đi.

Bác sĩ Alberto Zangrillo, đứng đầu Bệnh viện San Raffaele ở Milan, nói virus corona có thể trở nên bớt ‘sát thương’ hơn và những người mới bị lây nhiễm gần đây có triệu chứng nhẹ hơn cách đây hai tháng. “Việc dùng que bông gòn để lấy virus xét nghiệm trong 10 ngày qua cho thấy số virus theo định lượng cực nhỏ so với các xét nghiệm cách đây một hay hai tháng,” ông Zangrillo, bác sĩ của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, nói với đài phát thanh công RAL ở Ý.

Vị chủ tịch của tổ chức khoa học cố vấn chính phủ về đại dịch nói ông “không thể hiểu nổi” về chuyện này. Ý có con số tử vong vì virus corona cao hàng thứ ba trên thế giới với 33.475 người chết kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 2 năm nay, theo cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý. Sau khi đóng cửa gắt gao trên toàn quốc, Ý hiện đã nới lỏng, con số lây nhiễm và tử vong đã giảm sút đều đặn.

Các giới chức chính phủ Ý yêu cầu cẩn thận về việc tuyên bố virus trở nên ít ‘sát thương’ hơn, cảnh báo việc nảy có thể làm người dân Ý hoang mang. “Thay vào đó chúng ta nên yêu cầu người Ý vẫn cẩn thận tối đa, vẫn giữ khoảng cách, tránh đám đông, thường xuyên rửa tay và mang khẩu trang,” bà Sandra Zampa, Thứ trưởng Y tế nói trong một tuyên bố.

Các nhà dịch tễ học bên ngoài Ý tỏ ra nghi ngờ.

Ông Oscar MacLean, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Virus Trường đại học Glasgow ở Scotland nói “Những tuyên bố này không được hỗ trợ bởi bất cứ điều gì trong các tài liệu khoa học, và dường như không được thuyết phục trên căn bản gen. Phần lớn biến chủng của SARS-CoV-2 cực kỳ hiếm hoi, và do đó trong khi một số lây nhiễm có thể giảm bớt vì một số biến đổi gen, nhưng không đủ nhiều để thay đổi bản chất của virus ở cấp độ quốc gia hay toàn cầu.”

COVID-19 gây ra bởi triệu chứng hô hấp cấp tính trầm trọng virus corona 2 (SARS-CoV-2).

Ông MacLean nói thêm “Đưa ra những tuyên bố này trên những quan sát từ việc xét nghiệm từ những que bông gòn là nguy hiểm. Trong khi virus yếu dầu do chuyển hóa trên lý thuyết có thể xảy ra, nhưng đây không phải là điều chúng ta nên kỳ vọng, và bất cứ tuyên bố nào theo loại này sẽ cần phải kiểm chứng theo phương cách có hệ thống.”

Dù vậy, trước cơn bão truyền thông về phát hiện này, bác sĩ và các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện San Raffaele vẫn giữ vững quan điểm.

Ông Massimo Clementi, giám đốc Phòng thí nghiệm Vi sinh học và Virus học tại bệnh viện, nói một cuộc phân tích trên 200 bệnh nhân cho thấy virus “yếu rất nhiều.”

Những người nghi ngờ đặt nghi vấn về động cơ của ông Zangrillo. Ông đã vấp phải những chỉ trích khi nói rằng việc lo sợ có một đợt lây nhiễm virus corona thứ hai là không đúng chỗ, theo báo chí Ý.

“Chúng ta phải trở lại là một quốc gia bình thường. Người nào đó phải chịu trách nhiệm vì gieo rắc sợ hãi cho đất nước,” ông nói hôm 31/5. Ông nói những dịch bệnh trước đây như MERS và SARS “tự mất dần.” Ông cũng nói “Chúng ta phải lo ngại, vâng, nhưng chúng ta chớ tự giết mình không cần thiết. Những khu chữa bệnh của chúng ta đang dần bớt bệnh nhân.”

Hiện nay có gần 6.400 người đang nằm bệnh viện với 435 người được chăm sóc đặc biệt tại Ý. Hơn 32.250 người tự cách ly tại nhà với những triệu chứng lây nhiễm virus.

Bệnh viện San Raffaele cũng nhận được sự ủng hộ của một số chuyên gia khác. Người đứng đầu khu bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện San Martino ở thành phố Genoa, ông Matteo Bassetti, nói với hãng tin Ý ANSA là đang thấy khuynh hướng như vậy. “Sức mạnh của virus cách đây hai tháng không cùng sức mạnh như bây giờ,” ông nói, “Rõ ràng hiện nay bệnh COVID-19 khác trước.”

Ông Franco Locatelli, chủ tịch Hội đồng Y tế Quốc gia, cố vấn cho chính phủ Ý, nói ông chỉ có thể bày tỏ “hết sức ngạc nhiên và hoàn toàn bối rối” về những tuyên bố này.

“Bạn cần nhìn vào con số những ca dương tính mới được xác nhận mỗi ngày để xem sự luân chuyển bền vững của virus tại Ý,” ông nói với ANSA.

Ông Allan Cheng, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Alfred ở Melbourne, Úc, cho rằng “Chúng tôi không thấy bất cứ sự khác biệt nào trong số lượng virus trong những người chúng tôi xét nghiệm.”

Ông nói với truyền thông Úc: “Chúng tôi khá ngạc nhiên, nếu đó là trường hợp xảy ra. Đây không là loại virus biến đổi nhanh chóng như vậy.”

Ông nói sự khác biệt trong số lượng virus tại bệnh viện Milan có thể được giải thích là do sự gia tăng xét nghiệm những người không lâm bệnh nặng vì COVID.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn