'Đòn tâm lý' giúp đạt thành tích cao hơn khi chơi thể thao

Thứ Sáu, 05 Tháng Sáu 20203:00 SA(Xem: 3186)
'Đòn tâm lý' giúp đạt thành tích cao hơn khi chơi thể thao
bbc.com

'Đòn tâm lý' giúp thành công hơn khi chơi thể thao

Anand Jagatia BBC Future

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Hiệu ứng giả dược từ lâu đã nổi tiếng trong y học với việc đem lại những hiệu ứng trị bệnh tích cực, nhưng có bằng chứng cho thấy nó cũng khiến vận động viên đạt đỉnh cao.

Pico Simón Bolíva là một trong những dãy núi cao nhất ở Colombia.


Gần đỉnh núi, lượng oxy chỉ bằng một nửa so với ở độ cao ngang mực nước biển, nằm thấp hơn khoảng 5.500m bên dưới.

Không khí ở đó khiến người ta vất vả dù chỉ đi bộ và nó gây mệt mỏi, nhức đầu, vì vậy cơ thể người cố gắng thích nghi: nhịp thở tăng lên, tim đập nhanh hơn và mạch máu mở rộng để có thể hấp thụ thêm khí oxy vào các mô.

Đúng như bạn nghĩ, đưa cho một người bình khí oxy để thở sẽ làm đảo ngược những thay đổi trên. Họ nhanh chóng cảm thấy đỡ mệt và đầu họ bớt ong ong hơn, nhịp tim và hơi thở trở lại bình thường.

Nhưng có lẽ điều bạn không ngờ, đó là ta có thể đạt được những hiệu quả y hệt như vậy khi đưa cho họ bình oxy là đồ giả - bình khí trống rỗng.

Fabrizio Benedetti là người thực hiện các thí nghiệm trên. Ông làm việc ở Đại học Turin ở Ý, và ông đã cho mọi người những bình oxy giả ở các dãy núi khắp Colombia, Alaska và phòng thí nghiệm của ông ở Dãy Alps, và ông quan sát thấy là việc đó đem lại cùng hiệu ứng - bình oxy giả có thể tạo ra hiệu ứng thật.

Hiệu ứng này chỉ có tác dụng nếu bình oxy thật từng được trao cho người tham gia thí nghiệm vài lần trước đó, và rồi nó bị tráo thành bình giả mà họ không hay biết. Bằng cách này, cơ thể họ kỳ vọng nhận được thêm lượng oxy.

Thật kinh ngạc, dù bình khí trống rỗng, nó vẫn có thể tăng cường khả năng vận động thể chất trong bài tập đi bộ ở độ cao trong phòng thí nghiệm.

Câu hỏi là - làm sao như vậy được?

"Đây là câu hỏi trị giá tỷ đô," Benedetti cho biết. "Không có oxy trong máu, không có oxy trong cơ thể, nhưng bạn vẫn có được hiệu ứng hệt như khi có oxy thật. Câu trả lời thật sự là chúng tôi không biết."

Khó hơn, nhanh hơn, khỏe hơn

Ta thường nghe nói về hiệu ứng giả dược trong lĩnh vực y khoa.

Đó là việc đạt hiệu quả trị bệnh tích cực do bệnh nhân có niềm tin rằng một phương thức điều trị nào đó mà họ đang được hướng dẫn thực hiện là có tác dụng, tuy trong thực tế thì chính phương thức đó không tạo ra tác dụng thực sự nào: Giả dược thường chẳng có gì đặc biệt mà chỉ là một viên thuốc làm bằng đường ngọt.

Hiệu ứng giả dược đã cho thấy nhiều triệu chứng được cải thiện ở mọi phương diện, từ ho đến cơn đau, đến trầm cảm và thậm chí cả bệnh Parkinson.

Gần đây, các nhà khoa học như Benedetti đã quan tâm đến cách hiệu ứng giả dược vận hành trong thế giới thể thao.

Bất cứ vận động viên chuyên nghiệp nào cũng sẽ kể cho bạn niềm tin của họ rằng chiến thắng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong thành công, và nghiên cứu cho thấy khi điều chỉnh kỳ vọng của họ, hiệu ứng giả dược có thể tạo ra tác động mạnh mẽ với tốc độ của họ hoặc khả năng sẽ đạt thành tích tốt tới mức nào.

Trong một nghiên cứu, các vận động viên đua xe đạp đã qua huấn luyện cẩn thận được thông báo là họ sẽ nhận được một liều caffeine cao, hoặc thấp, hoặc không có caffeine trước đợt thử nghiệm có tính giờ (nhưng thật ta, tất cả họ đều chỉ nhận được giả dược - thí nghiệm trong lĩnh vực này thường có yếu tố đánh lừa).


Các vận động viên nghĩ bản thân nhận được liều thấp thi đấu 1,5% tốt hơn mức chuẩn, trong khi nhóm tưởng mình nhận được liều cao cho thấy khả năng tăng hơn đến 3% trong cuộc đua dài 10km.

"Ba phần trăm nghe có vẻ không nhiều lắm," Chris Beedie từ Trường Tâm lý thuộc Đại học Kent, tác giả chính của nghiên cứu này, nói. "Nhưng trong giới thể thao đỉnh cao, đó là khác biệt giữa chiến thắng giành huy chương Olympic và vị trí không thể lọt vào nổi top 10. Bạn tập luyện cực kỳ vất vả để đạt được ba phần trăm đó."

Các nhà khoa học trong lĩnh vực này rất muốn hiểu bằng cách nào chỉ một viên thuốc giả dược lại có thể đem lại hiệu ứng đáng kể đến vậy với những người dành cả đời theo đuổi chế độ tập luyện cực kỳ khắc nghiệt, cố gắng cắt bớt vài phần trăm giây từ thành tích tốt nhất của chính họ.

Beedie cho biết bản thân các vận động viên thường có xu hướng báo cáo họ cảm thấy "tận lực hơn" hoặc "lâng lâng hơn".

Vì vậy, hẳn là có một giải thích đơn giản là chẳng phải việc một người được cho dùng giả dược sẽ khiến chính họ cố gắng hơn sao?

"Rất khó để tách biệt điều này trong các thử nghiệm," Beedie thừa nhận.

"Dữ liệu không phải là dữ liệu cuối cùng, nhưng những gì ta thấy là khả năng thể hiện tăng 2-3%, mà không thấy nhịp tim tăng cao hơn, cũng không thấy hiện tượng dồn tụ máu cao hơn hay lọc máu cao hơn - đây vốn là những yếu tố ta thường sẽ thấy nếu đơn thuần là vận động viên cố gắng hơn."

Nói cách khác, cứ như thể các vận động viên khi được cho dùng giả dược thì bằng cách nào đó họ đã tận dụng cơ thể họ tốt hơn, giống như chiếc xe hơi đi được nhiều dặm đường hơn với một gallon nhiên liệu.

Những thử nghiệm như trên chỉ ra một cơ chế tiềm ẩn trong cách thức mà giả dược tác động đến tăng cường vận động. Tất nhiê, vẫn còn một con đường dài các nhà nghiên cứu mới có thể chứng minh cơ chế đó là gì, nhưng đã có một số ứng viên rõ rệt.

Một giả thuyết là có thể hiệu ứng của giả dược giúp giảm căng thẳng.

Nếu vận động viên đạp xe nghĩ họ được nhận một chất có thể tăng cường khả năng, có thể họ sẽ cảm thấy thư giãn hơn vì thấy bản thân ở trong vùng an toàn.

"Sự căng cơ là một thành tố khá phổ biến từ tình trạng lo âu hay phản ứng căng thẳng," Beedie nhận định. "Và căng cơ cũng gây tiêu hao năng lượng, mà năng lượng thì cực kỳ thiết yếu cho vận động viên."

Không đau đớn có nghĩa là đạt tiến bộ

Một khả năng khác là hiệu ứng giả dược tác động đến những cách điều chỉnh cơn đau và khả năng chịu đựng.

"Một trong những yếu tố chính gây giới hạn trong trình diễn thể thao và thể dục thể thao đó là sự mỏi mệt," Emma Cohen, người đang điều hành Phòng Thí nghiệm Thể Chất Xã hội tại Đại học Oxford, nói. "Bạn có thể cố gắng bỏ qua nó, nhưng cảm giác nhói đau cực kỳ khó bỏ qua."

Bất cứ ai từng đẩy bản thân đến cực hạn quá mức trong khi tập thể thao đều đau đớn hiểu đó là gì. Nhưng những kích thích đó có mặt vì lý do tốt - là bảo vệ giúp cơ thể tránh khỏi chấn thương.

"Chúng cản ta lại vì thực ra đó là điều cực kỳ cần thiết," Cohen giải thích. "Về mặt lý thuyết, ta có thể thi đấu hay trình diễn thêm một chút nữa rồi mới dừng lại, nhưng cơ thể và não ta có xu hướng cảnh giác và giữ một chút sức lực để dự phòng. Bạn sẽ không bao giờ biết bạn có thể cần làm gì sau khi cuộc đua kết thúc."

Não ta liên tục tính toán cần phải giữ lại bao nhiêu dựa trên đủ loại thông tin, Cohen giải thích - như tín hiệu từ cơ bắp, thời tiết ra sao, ta khát đến mức nào, và ta còn cần phải thực hiện việc thi đấu, trình diễn thêm bao nhiêu nữa.

"Nhưng chúng cũng đồng thời thu thập thông tin về nhận thức và cảm xúc từ những trải nghiệm trong quá khứ. Sau đó bộ não ước đoán có thể tiếp tục gắng sức bao xa mà vẫn có thể an toàn duy trì trong những điều kiện như vậy."

Một liều giả dược có thể tác động như tín hiệu giả gây ảnh hưởng đến những tính toán này, vì vậy nó "mở khóa" cho nguồn lực mà bộ não phân bổ đến cơ bắp trong thời gian tập thể thao. Kỳ vọng mà vận động viên chủ đích muốn đạt được hóa ra lại thể hiện trong vô thức, tác động đến quá trình mà họ không tự nguyện kiểm soát.

Bạn bè trong thể thao

Phòng Thí nghiệm Thể chất Xã hội quan tâm đến một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến tính toán của bộ não - đó là hành vi của những người khác.

Họ đưa ra định nghĩa "giả dược xã hội" để mô tả hiện tượng sự gắn bó và và ủng hộ từ người khác có thể giúp khả năng trình diễn thể thao được cải thiện, thông qua việc nó làm giảm thiểu cơn đau, sự mệt mỏi và lo lắng.

Trong thí nghiệm, họ cho thấy các vận động viên chèo thuyền đồng đội có ngưỡng chịu đau cao hơn những người chèo thuyền đơn.

Và họ chứng minh rằng các vận động viên môn bóng bầu dục khi khởi động cùng đồng đội thì sẽ chạy nhanh hơn khoảng sáu giây trong bài kiểm tra chạy bộ nước rút.

"Khi thực hiện các hoạt động này cùng đồng đội, họ không cảm thấy mệt mỏi hơn so với khi thực hiện một mình, cũng không có sự khác biệt nào về nhịp tim tối đa," Cohen cho biết. "Có vẻ như tín hiệu về sự gắn kết và ủng hộ cho phép vận động viên tận dụng cơ thể họ tốt hơn - mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, khả năng trình diễn tốt hơn - với cùng mức độ mỏi mệt."

Đây là kết quả của một tiến trình tiến hóa dễ thấy.

Con người là sinh vật xã hội, và trong quá khứ, sự gắn kết chặt chẽ và các mối quan hệ có thể là tín hiệu quan trọng cho thấy sự an toàn và yên ổn.

"Người thợ săn sẽ hành động tốt hơn nếu anh ta biết có những người hỗ trợ, là những người trong cùng nhóm đi săn, đang chạy bên cạnh mình và có thể giúp anh trong quá trình hồi phục," Cohen giải thích.

Các yếu tố xã hội có thể giúp giải thích vì sao hiệu ứng giả dược tồn tại.

Theo Benedetti, một liều giả dược không phải là điều trị giả hiệu về bản chất, mà là toàn bộ nghi thức của hành vi chữa bệnh, trong bối cảnh xã hội và tâm lý phức tạp - người đưa thuốc cho bạn, họ nói gì, bạn có thể tin tưởng họ bao nhiêu, và nhiều yếu tố khác nữa.

Vì vậy có lẽ hiệu ứng giả dược - một hiện tượng thời hiện đại - có thể đã khởi động con đường đã tồn tại qua hàng ngàn năm, giống như những người đã giúp tổ tiên ta tận dụng được sự gắn kết xã hội.

Biến giả thành thật

Giảm thiểu cơn đau, sự mệt mỏi và lo âu là các giải thích logic cho thấy hiệu ứng giả dược có thể có tác dụng ra sao. Nhưng chắc chắn một thứ quan trọng như oxy với một nhà leo núi không phải là thứ bạn có thể đánh lừa bộ não tin vào?

"Không, vì để có thể kích thích phản ứng giả dược mạnh mẽ và dồi dào, đầu tiên bạn phải đạt chuẩn điều kiện với khí oxy," Benedetti. "Có lẽ điều đó có nghĩa là, dù đây mới chỉ là quan sát, oxy ghi lại những dấu ấn trong não."

Những dấu ấn này có nghĩa là não bộ dự đoán sẽ có thêm khí oxy đến khi dùng giả dược, tạo ra phản ứng sinh lý tương tự dù không có thêm khí oxy.

Quá trình này cũng có những mối quan hệ mật thiết, quan trọng trong thể thao. Điều đó có nghĩa là bạn có thể cho một vận động viên uống loại thuốc bị cấm trong quá trình tập luyện, và sau đó chuyển qua giả dược trước kỳ thi đấu.

"Giả dược có thể gây ra hiệu ứng tương tự, nhưng không để lại bất kỳ loại thuốc nào trong cơ thể," Benedetti giải thích. "Đây có thể tạo thành vấn đề đối với việc xét nghiệm doping."

Chống sử dụng thuốc kích thích cũng là nội dung chính trong nghiên cứu của Beedie, một thông điệp mà ông sẵn lòng chia sẻ với vận động viên.

"Nếu bạn có thể hành động nhanh hơn vì giả dược, vậy làm sao bạn đạt dược điều đó mà không sử dụng các loại thuốc? Về bản chất, làm sao bạn có thể nỗ lực và tận dụng những gì mà tiến hóa và cơ thể sinh học dành cho bạn?"

Đó là điều cực kỳ thú vị về hiệu ứng giả dược. Nó chứng minh rằng ta có khả năng làm được tốt hơn - ta chỉ cần tin vào điều đó.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn