Kỹ năng giúp sinh tồn trong cái lạnh cùng cực

Thứ Sáu, 01 Tháng Năm 20207:00 CH(Xem: 3220)
Kỹ năng giúp sinh tồn trong cái lạnh cùng cực
bbc.com

Kỹ năng giúp sinh tồn trong cái lạnh cùng cực

William Park BBC Future

Other Bản quyền hình ảnh Other

Heimaey là hòn đảo lớn nhất của Quần đảo Westman, một quần đảo nằm về phía nam Băng Đảo chủ yếu là nơi sinh sống của hải âu.

Trên bán đảo Stórhöfði, tại điểm cực nam của Heimaey là một mũi đất nhô ra giữa Đại Tây Dương. Trạm thời tiết địa phương ở đây cho rằng đây là một trong những nơi nhiều gió nhất ở châu Âu.

Chính tại đây, vào đầu giờ ngày 12/3/1984, chàng trai Guðlaugur Friðþórsson, 23 tuổi, bước té lên té xuống để tìm người cứu.

Đôi chân trần của anh đang chảy máu từ những vết cắt sâu do đá núi lửa nằm dưới lớp tuyết gây ra, quần áo anh ướt sũng nước biển và đóng băng trên người.

Lẽ ra anh đã chết nhiều lần rồi, nhưng có gì đó ở sâu thẳm bên trong Friðþórsson đã đẩy anh về phía trước.

Bầu trời đêm thật trong và lạnh. Nhiệt độ không khí là -2 độ C nhưng với sức gió mạnh nên cảm thấy lạnh hơn nhiều. Bất chấp nhiệt độ lạnh cóng, anh dừng lại ở một bồn tắm được đổ đầy nước cho cừu uống để nghỉ ngơi một chút.

Nguy cơ mất nước

Đấm vỡ lớp băng dày hàng centimet, anh bắt đầu há miệng uống ừng ực nước trong máng.

Lạ lùng là tìm uống nước đá lạnh lại là mối quan tâm hàng đầu vào lúc như thế.

Nhưng mất nước là mối lo đáng ngạc nhiên trong môi trường lạnh vì không khí ở nhiệt độ dưới 0 về cơ bản là đông khô.

Không có hơi ẩm trong không khí, khi thở ra, chất lỏng cần thiết cho sự sống từ trong phổi bị mất đi. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể thấy hơi thở của mình lơ lửng trong không trung vào đêm lạnh.

Nhưng cái lạnh cũng làm chai cảm giác khát của chúng ta, và điều đó có nghĩa là nhiều người không uống đủ nước.

Nếu bạn đang bỏ mọi sức lực để giữ ấm và vì vậy phải thở mạnh, việc này có thể nhanh chóng dẫn đến mất nước.

"Thường có rất nhiều vấn đề khi cái lạnh đi kèm với sự mất nước," Mike Tipton, giáo sư sinh lý học tại Đại học Portsmouth, nói.

Tuy nhiên, sau khi tìm thấy nước ngọt, mất nước không còn là vấn đề lớn nhất đối với Friðþórsson nữa.

Nguy cơ bị hạ thân nhiệt

Quần áo ướt nhanh chóng làm cho tình trạng của anh trở nên tệ hơn, khiến anh có nguy cơ bị hạ thân nhiệt vốn xảy ra khi nhiệt độ lõi cơ thể giảm xuống dưới 35 độ C.

Trong khi vận động, anh ấy có thể giữ cho nhiệt độ trong cơ thể cao. Nhưng khi dừng lại để uống nước, nguồn nhiệt của anh - do sự vận động của cơ bắp tạo ra - đã bị đứt đoạn. Mặc dù vẫn còn năng lượng, anh phải tiếp tục di chuyển.

"Một người ở trong trời lạnh không nhất thiết phải là một người lạnh," Tipton nói.

"Nếu bạn tiếp tục di chuyển và được giữ nhiệt hợp lý, bạn sẽ tạo ra đủ nhiệt để giữ ấm. Ở mức vận động tối đa, bạn giống như đang đốt ngọn lửa 2kW. Khi bạn vận động nặng một cách hợp lý, bạn có thể vận động trong trời lạnh chỉ với quần short và áo phông. Ngay cả khi bạn rùng mình, về cơ bản bạn vẫn đang vận động nhẹ."

Những người sống ở địa hình cao có thể khó khăn hơn trong việc vận động. Tipton nói rằng những người leo núi Everest có thể chỉ có thể chỉ bước nổi một bước sau mỗi 10 giây. Ở mức độ vận động như thế, mức nhiệt được tạo ra là ở mức tối thiểu, vì vậy khó mà giữ ấm được.

Có rất nhiều dữ liệu về người leo núi chịu không nổi cái lạnh ở độ cao, thường là vì liên lạc vô tuyến có thể được duy trì cho đến khi họ bất tỉnh.

Trong câu chuyện đau thương của những nhà leo núi bị mắc kẹt trên đỉnh Lenin trong trận bão tuyết hồi năm 1974, khoảnh khắc cuối cùng của họ đã được truyền đạt đến trại căn cứ.

Nhóm leo núi, do Elvira Shatayeva dẫn đầu, lúc đó cố gắng trở thành nhóm leo núi toàn nữ đầu tiên leo lên ngọn núi này, nằm ở Tajikistan ngày nay.

Khi họ thấy lạnh hơn, suy nghĩ của họ ngày càng mất phương hướng và họ đã nói họ trở nên yếu đuối như thế nào: "Một người nữa vừa chết," Shatayeva được ghi âm trong một trong những tin nhắn cuối cùng của cô. "Tôi không còn đủ sức để nhấn nút phát tin nữa."

Mặc dù có bằng chứng cho thấy sức nóng cực độ ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của con người, nhưng tác động của cái lạnh cùng cực, nếu có, đối với nhận thức của chúng ta lại không rõ như thế.

Trong một bài nghiên cứu, con người chỉ cần ngâm trong nước lạnh 2-3 độ C trong ba phút (đủ thời gian để hình thành và vượt qua phản ứng sốc lạnh) là đã bị suy giảm trí nhớ tạm thời nhưng được cải thiện ở các khu vực khác, như sự tỉnh táo.

Một nghiên cứu khác cho thấy những ai bị làm cho gần đến mức hạ thân nhiệt (nhiệt độ lõi cơ thể giảm xuống 35,5 độ C) không hề bị suy giảm chức năng nhận thức.

Có vẻ như bộ não của chúng ta đối phó với cái lạnh tốt hơn nhiều so với cái nóng.

Điều này là do các chiến lược sinh tồn của cơ thể chúng ta xoay quanh việc giữ cho các cơ quan quan trọng của chúng ta hoạt động bằng cách đánh đổi và hy sinh các cơ quan ít thiết yếu hơn.

Tất nhiên, cơ quan thiết yếu trên hết là bộ não của chúng ta.

Cho đến khi Shatayeva và những người bạn đồng hành của cô gặp vấn đề về nhận thức, có lẽ các cơ quan khác trong cơ thể họ đã ngừng hoạt động.

Cơ thể chúng ta rất giỏi trong việc giảm lưu thông máu đến tay và chân, thông qua một quá trình gọi là co mạch, để duy trì nhiệt độ lõi cơ thể. Nhưng khi làm như vậy, chúng ta hy sinh nhiệt ở những điểm xa đó của cơ thể.

Mô người đóng băng ở khoảng -0,5 độ C. Khi chất lỏng trong các mô của chúng ta bắt đầu đóng băng, thành tế bào bị vỡ dẫn đến hoại tử hoặc chết tế bào. Chúng ta gọi đây là tê cóng.

Tại sao lại thấy nóng?

Tuy nhiên, việc đến cái chết vì bị hạ thân nhiệt rõ ràng là có thể tạo ra những điều kỳ lạ đối với tâm trí.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, những người bị lạnh cực độ dường như cảm thấy nóng trong người trong khoảnh khắc cuối cùng trước khi chết.

Một số thi thể của nạn nhân chết vì bị hạ thân nhiệt được tìm thấy chỉ mặc quần áo một phần, hoặc thậm chí cởi hết đồ ra, trong một hiện tượng được gọi là 'cởi đồ phi lý'.

Có thể là vào những giây phút cuối cùng trước khi chết, cơ chế giữ máu bên dưới lớp mỡ của chúng ta dừng hoạt động, khiến máu dồn lên bề mặt da và mang lại cảm giác như tràn ngập hơi ấm. Trên thực tế, nạn nhân đột nhiên mất lượng nhiệt lớn. Cởi quần áo chỉ đẩy nhanh tốc độ họ lao đến với cái chết.

Hầu hết các trường hợp này (67% nam giới và 78% phụ nữ) là những người đã uống rượu bia, vốn được biết là ức chế phản ứng điều chỉnh thân nhiệt của chúng ta.

Trong các trường hợp tử vong khác thường khác do hạ thân nhiệt, các nạn nhân được tìm thấy nằm trốn trong tủ quần áo hoặc dưới gầm giường.

Hiện tượng này được gọi là 'hội chứng trốn và chết' hoặc đôi khi là 'đào hang lần cuối', mặc dù cực kỳ hiếm gặp các trường hợp đào hang.


Giống như cởi đồ phi lý, có vẻ như trong những giây phút cuối cùng trước khi chết, các nạn nhân đã bị chế ngự bởi sự rối loạn tâm trí. Khoảng một phần tư những nạn nhân này cũng cởi quần áo trước khi tìm chỗ trú ẩn.

Một vài người bị phát hiện đông cứng đến chết trong khi cởi bỏ quần áo thường là bị như vậy khi trên đường đi bộ về nhà vào ban đêm trong trang phục không phù hợp, đôi khi bị say xỉn.

Ba tuyến phòng thủ sinh tồn

Đối với bất cứ ai đang đối mặt sự sống còn, có ba tuyến phòng thủ trước cái lạnh.

"Quần áo hoặc thiết bị là tuyến phòng thủ đầu tiên, nơi trú ẩn là tuyến thứ hai và tuyến thứ ba là lửa," Jessie Krebs, cựu huấn luyện viên chương trình Sere, tức đào tạo về Sinh tồn, Né tránh, Kháng cự và Trốn thoát của Không quân Mỹ, giải thích.

"Mọi người sẽ tìm lửa sưởi ấm trước tiên mà bỏ qua chuyện quần áo, đó là một sai lầm. Nếu không thành công, họ sẽ chết khi đang cố gắng nhóm lửa."

Đây là tình huống mà nhà thám hiểm 30 tuổi Tyson Steele đã đối mặt vào cuối năm 2019.

Tuyết dày phủ kín góc rừng hẻo lánh của Thung lũng Susitna nơi có túp lều của Steele. Anh ngủ cuộn trong chăn ấm trước nhiệt độ đóng băng bên ngoài trong khi tàn dư của ngọn lửa rực sáng trong lò củi.

Một đốm than hồng nhỏ bay lên theo ống khói và rớt xuống tấm bạt, vốn chủ yếu làm nên phần mái của túp lều và âm ỉ cháy. Ngửi thấy mùi cháy, Steele lao ra ngoài thì thấy ngọn lửa bùng phát từ mái nhựa. Chỉ trong vòng vài phút, toàn bộ túp lều bốc cháy.

Đó là khởi đầu của hành trình gian khổ ba tuần của Steele, vốn bị mắc kẹt cách thị trấn gần nhất 20 dặm trong điều kiện nhiệt độ âm ở vùng hoang dã Alaska. Trong vòng khoảng 20 ngày sau đó, anh phải đối mặt với cuộc chiến đấu giữ ấm và sống sót với hy vọng sẽ có người tới giải cứu.

Không thể đi xa trong lớp tuyết dày, kế hoạch của anh là ở yên tại chỗ, mà trong hoàn cảnh đó không phải là kế hoạch tồi.

Sau quần áo, nơi trú ẩn là cái tiếp theo trong thang bậc phòng tuyến chống lại cái lạnh. Anh đào bới tìm lại đồ hộp và chăn, dựng một chỗ trú ẩn từ những mảnh vỡ của túp lều và đốt lửa.

Bản quyền hình ảnh Alaska State Troopers
Image caption Tyson Steele vẫy tay gọi chiếc trực thăng State Trooper đang lượn quanh đống vụn còn lại của căn lều đã bị hỏa hoạn của anh

Vào lúc này, triển vọng của Steele khá tích cực; ba tuyến phòng thủ của anh đâu ra đó đàng hoàng. Anh dậm chân trên tuyết để viết lời nhắn cấp cứu bên cạnh túp lều và chờ đợi giúp đỡ.

"Nếu biết rằng người ta sẽ đến giúp đỡ bạn, thì đào một cái hố trong tuyết và ở yên tại chỗ sẽ tốt hơn cho bạn," Tipton nói.

"Mọi người ở Canada nói rằng tất cả những gì bạn làm là ở yên cho đến chết vì sẽ không có ai tìm ra bạn. Nhưng nếu bạn khỏe mạnh và có thức ăn, nếu bạn gửi đi thông điệp cầu cứu và bạn biết rằng mọi người sẽ đến, thì sẽ tốt hơn cho bạn nếu đào hố trong tuyết và không đi vào nơi có bão tuyết."

Khi còn ở trong lều, anh vẫn thường xuyên liên lạc với gia đình và đăng bài lên mạng xã hội. Nhưng khi không còn ai nghe tin tức gì về anh nữa, gia đình anh càng lúc càng lo lắng.

May mắn thay cho Steele, sự im lặng của anh đã khiến mọi người để ý và cuối cùng nó đã cứu anh, chứ không phải thông điệp cấp cứu của anh.

Dùng tín hiệu gì để kêu cứu?

"Tín hiệu SOS là điều mà hầu hết mọi người đều biết, nhưng nhược điểm là nó cong vẹo," Krebs nói. "Đa phần cảnh vật tự nhiên là đường cong - những ngọn đồi, hồ và suối hình tròn, do đó các đường cong quyện vào nhau."

Khi còn trong quân đội, Krebs được dạy dùng chữ 'V' để yêu cầu trợ giúp chung hoặc chữ 'X' để lên tiếng kêu cứu về y tế. Những đường thẳng dài nổi bật trên sườn đồi. Cũng mất ít thời gian hơn để vẽ hai đường thẳng dài 30 feet so với hai chữ S có móc và một chữ O, mỗi chữ cao 10 feet.

Steele sau đó thừa nhận anh không được huấn luyện chính thức về kỹ năng sinh tồn, nhưng đã học lóm được một số kiến thức từ YouTube. Một vài que diêm, một cây nến và một số vỏ cây bạch dương đã giúp anh nhóm lửa để anh có thể giữ cho mình khô ráo.

Có thể giữ được và sửa chữa quần áo là cần thiết để tăng cơ hội sống sót của bạn, Krebs nói.

Trong trường hợp xấu nhất, quần áo ướt có thể được vắt nước và đẩy qua lớp tuyết bột để tuyết thấm bớt nước. Nhưng trong trường hợp của Friðþórsson, anh ấy đã vượt xa điểm này rồi.

Friðþórsson bị rơi xuống biển ở phía đông bán đảo Stórhöfði khi chiếc tàu cá nhỏ của anh, Hellisey VE 503, gặp sự cố.

Vào lúc 10 giờ tối, lưới kéo trên tàu bị mắc kẹt dưới đáy đại dương khiến tàu bị lật úp nhanh đến mức không ai có thời gian gửi tín hiệu kêu cứu.

Năm ngư dân trên tàu đã rơi qua mạn thuyền xuống biển. Ba người trong số họ leo lên sống thuyền đánh cá bị lật, hai người còn lại không bao giờ nổi lên nữa.

Những người sống sót nhận thấy mình đang ở xa bờ khoảng ba dặm (5km) giữa biển lạnh 5-6 độ C. Một người trung bình sẽ sống sót trong nước lạnh hơn 6 độ C trong khoảng 75 phút. Ít có câu chuyện những người sống sót lâu hơn và nếu có cũng chỉ là giai thoại.

Trong các phòng thí nghiệm, các đối tượng thử nghiệm bắt đầu chịu tác động nghịch trong vòng 20 hoặc 30 phút trước khi họ được đưa ra ngoài. Bơi ba dặm ở vùng biển này sẽ mất nhiều tiếng đồng hồ.

Nước biển không thể nào thực sự lạnh như không khí. Nước biển đóng băng ở khoảng -1,9 độ C, nhưng xung quanh Băng Đảo vào tháng Ba, nhiệt độ nước biển chỉ ở trên mức đóng băng.

Về mặt lý thuyết, chúng ta có thể bị tê cóng trong nước lạnh, nhưng điều này rất khó xảy ra.

Túi nhựa sinh tồn

Tuy nhiên, trên sống lưng của con tàu bị lật úp, nhiệt độ dưới mức đóng băng đã gây ra tai hại. Áo sơ mi, áo len và quần jean ướt của các ngư dân đã nhanh chóng làm tồi tệ thêm cái lạnh của họ. Ở yên không phải là một lựa chọn.

"Khi bạn ra khỏi nước, cơ thể bạn sẽ bị làm lạnh bằng bay hơi," Tipton giải thích. "Đây là cách thật sự có tác dụng làm mất nhiệt cơ thể."

Thường thì bạn sẽ muốn cởi đồ và mặc vào quần áo khô, nhưng trong trường hợp không có quần áo khô thì trèo vào bên trong một túi nhựa lớn sẽ giúp cơ thể giảm bị lạnh do bay hơi và do đối lưu.

"Nếu bạn làm cho ai đó bị ướt ở nhiệt độ 4 độ C và quần áo của họ đã ngấm một lít nước thì khi tất cả lượng nước đó bay hơi, nó sẽ làm giảm nhiệt độ cơ thể thêm 10 độ C," Tipton nói.

"Nhưng nếu ở trong cùng một hoàn cảnh đó, họ chui vào một túi nhựa, họ có thể sử dụng cơ thể của mình để tăng nhiệt của nước. Nước bị nhốt lại trong túi nên nó không thể bay hơi đi. Như vậy họ sẽ dễ chịu thêm được gấp 20 lần."

Không có túi nhựa sinh tồn, và bây giờ đứng giữa không khí lạnh với nước biển bốc hơi ra khỏi người, nguy cơ đóng băng vết thương lạnh của Friðþórsson là rất cao.

Sau một lúc cân nhắc, ba người đàn ông quyết định mạo hiểm bơi. Trong vòng 10 phút, hai người kia đã không chịu nổi cái lạnh. Tổng cộng, Friðþórsson mất sáu giờ để bơi vào đất.

Làm thế nào mà anh có thể chịu đựng lâu hơn nhiều so với bạn đồng hành của mình?

Đối với các ngư dân, vài phút đầu tiên sau khi rơi xuống nước là rất quan trọng. Nước lạnh làm mất nhiệt của cơ thể nhanh hơn không khí ở cùng nhiệt độ.

Những người nhanh chóng buông tay có lẽ đã không thể kiểm soát được phản ứng sốc lạnh. Thở hổn hển và hoảng loạn, họ hít nước vào trong. Trái lại, Friðþórsson có thể kiểm soát được hơi thở của mình.

Cuối cùng, Friðþórsson đến được một ngôi làng và khoảng 7 giờ sáng thứ Hai, anh gõ cửa nhà ai đó. Sau đó anh được xuất viện sau khi được điều trị vết cắt và mất nước. Không có dấu hiệu nào cho thấy anh bị hạ thân nhiệt cả.

Friðþórsson, hiện 58 tuổi, là một người đàn ông to lớn. Hồi ở độ tuổi đôi mươi, người đàn ông đó cao 193cm và nặng 125 kg. Một lớp mỡ dày khoảng 2,5 cm nằm dưới bụng anh. Mỡ cơ thể giữ cho anh cách nhiệt nhưng đồng thời cũng là một nguồn năng lượng quý giá.

Ngay cả khi như vậy, khả năng giữ ấm của anh là phi thường. Các nhà nghiên cứu tiến hành các thử nghiệm trên Friðþórsson sau hành trình gian khổ của anh kết luận rằng anh nhất định có khả năng duy trì nhiệt độ cơ thể gần như bình thường trong suốt quá trình bơi.

Bản tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn