Liệu có cần ngày nghỉ cuối tuần trong mùa dịch virus corona?

Thứ Sáu, 01 Tháng Năm 20201:00 CH(Xem: 3086)
Liệu có cần ngày nghỉ cuối tuần trong mùa dịch virus corona?
bbc.com

Liệu có cần ngày nghỉ cuối tuần trong mùa dịch Covid-19?

Corinne Purtill BBC Worklife

Other Bản quyền hình ảnh Other

Có một cảnh trong tập thử nghiệm của phim Downton Abbey, trong đó bữa ăn tối thịnh soạn của gia đình Crawley bị phá hỏng khi một vị khách tiết lộ gây sốc rằng ông ấy có một công ăn việc làm thực sự.

Khi người khách đó giải thích rằng ông có thời gian cho những mục tiêu khác vào cuối tuần, bà mệnh phụ giàu có của Maggie Smith hỏi lại mà trong giọng điệu nghe có vẻ sửng sốt: "Cuối tuần là gì?"


Đó là câu hỏi mà những người trong chúng ta vốn làm công việc không thiết yếu sẽ có khá thời giờ để hỏi trong những tuần gần đây, khi các trường học, văn phòng và mọi nơi công cộng đều đóng cửa để làm chậm sự lây lan của virus corona.

Bị bó buộc trong nhà và bị tước mất nhịp sống hàng ngày, nhiều người tự cách ly thấy rằng thời gian đã trở thành một thứ kỳ lạ, vô định mà không thể dựa vào lịch để định nghĩa được.

Nếu bạn vẫn còn mặc đồ ngủ trong khi cả TV và máy tính của bạn đang bật thì liệu lúc đó là mấy giờ có quan trọng gì không?

Nếu bạn vẫn chạy tới chạy lui giữa công việc cần hoàn thành và lũ trẻ cần đồ ăn, thì liệu lúc đó là ngày thứ mấy trong tuần có quan trọng không?

Vậy thực sự cuối tuần là gì, và thậm chí có thể có ngày cuối tuần hay không trong thế giới bị cách ly?

Có thứ để mong chờ

"Một trong những thách thức của cuộc khủng hoảng hiện nay là phần nhiều lịch trình của chúng tôi hoàn toàn bị xáo trộn," bà Laurie Santos, giáo sư tâm lý học tại Đại học Yale, người dạy lớp 'Khoa học về Sự An lạc' vốn có đông người theo học, cho biết.


"Con người là sinh vật có thói quen, vì vậy có một lịch trình thường xuyên cho công việc và cho nghỉ ngơi có thể giúp chúng ta giảm bớt sự bất định, nhất là trong lúc bất an này."

Trong những lúc bình thường, lịch trình đó là do các yếu tố bên ngoài quyết định cho chúng ta: lịch học ở trường và lịch chạy tàu, các cuộc họp và các cuộc hẹn làm việc.

Nếu không có những thứ đó thì mọi người khắp nơi trên thế giới phải tự sáng tạo ra những cách riêng để tách bạch thời gian chết với thời gian thông thường.

Chaney Kourouniotis là giám đốc tiếp thị đóng tại Seattle của công ty du lịch Rick Steves Europe. Mặc dù bây giờ làm việc ở nhà, cô vẫn tiếp tục đặt báo thức để có thể dậy sớm và đến bàn làm việc vào đúng giờ. Ngủ nướng là thú vui cô dành vào lúc cuối tuần.

Đối với những người có con ở nhà, buổi sáng nhàn nhã vào bất cứ ngày nào thường là điều không thể.

Emily Seftel làm quản trị cho một tổ chức quốc tế ở Paris, chồng cô làm việc trong lĩnh vực công nghệ, và họ đang phải xoay sở giữa làm việc ở nhà với việc chăm sóc và dạy học cho đứa con trai sáu tuổi.

Để đảm bảo là họ sẽ trông ngóng cho đến ngày cuối tuần, họ đặt ra một quy tắc: vào mỗi ngày cuối tuần, hai vợ chồng, mỗi người sẽ có ba tiếng đồng hồ được một mình tự tại ở bất cứ không gian nào trong nhà.

"Các thành viên khác trong nhà giả đò rằng người đó không có mặt," Seftel nói. "Chúng tôi luân phiên giữa buổi sáng và buổi trưa. Cuối tuần vừa rồi, tôi có buổi sáng thứ Bảy và trưa Chủ Nhật ngồi đọc sách ngoài ban công dưới ánh mặt trời, khóa mình trong phòng ngủ xem phim trên Netflix và để làm bất cứ điều gì tôi muốn."

Chu kỳ nhân tạo

Tại sao cuối tuần quan trọng? Không giống như vòng quay 24 giờ mỗi ngày của Trái Đất hay hành trình một năm nó quay quanh Mặt Trời, tuần lễ bảy ngày thuần túy là một cấu trúc xã hội, điều mà nhà báo Katrina Onstad đã viết trong cuốn 'Hiệu ứng cuối tuần: Lợi ích thay đổi cuộc sống của việc dành thời gian để nghỉ ngơi và thách thức sự sùng bái làm việc quá mức'.


Trên thực tế, hai ngày cuối tuần một phần được tạo ra từ một cuộc khủng hoảng kinh tế khác, Onstad nói.

Trong cuộc Đại Khủng hoảng thời thập niên 1930, nhiều ngành công nghiệp lúc đó chưa áp dụng thời gian làm việc 40 giờ đã cắt giảm lịch làm việc của nhân viên xuống còn năm ngày một tuần, do đó có thể phân bổ ít giờ làm hơn cho mỗi người và nhiều người có việc làm hơn.

Đến năm 1938, tuần làm việc 40 giờ được đưa vào luật với Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động Công bằng.

Có khả năng cuộc khủng hoảng hiện tại cũng sẽ dẫn đến những thay đổi lâu dài.

"Ngay cả trước đại dịch virus corona, tuần làm việc truyền thống đã thay đổi," ông Brad Beaven, giáo sư lịch sử ở Đại học Portsmouth, giải thích và dẫn ra sự tăng lên của làm việc từ xa, tự làm chủ và những công việc linh động.

"Lạ lùng là việc tự cách ly đã cho phép người lao động tự xác định chu kỳ năng suất, thời gian nghỉ ngơi và tập quán công việc của chính họ."

'Một chút bình thường trở lại'

Xã hội sẽ thay đổi thói quen như thế nào để đối phó với cuộc khủng hoảng này vẫn còn phải chờ xem.

Tuy nhiên, đối với các cá nhân, việc thiết lập cấu trúc nào đó cho ngày và tuần là một cấu phần quan trọng để giúp họ trụ được giữa sự bất định và căng thẳng của những tuần sắp tới.

"Nếu bạn không muốn hoàn thành công việc thì cũng không sao" nếu bạn đi theo nếp sinh hoạt hàng ngày, ông Nir Eyal, nhà tư vấn năng suất và tác giả của cuốn 'Không thể xao lãng: Làm sao kiểm soát sự chú ý và quyết định cuộc sống của bạn, phân tích.

"Nếu bạn cần hoàn thành công việc thì nếp hàng ngày không phải là tùy chọn. Chúng ta cần cấu trúc trong mỗi ngày của chúng ta và chúng ta biết rằng nếu không có cấu trúc đó, mọi người sẽ phát điên. Theo nghĩa đen, tỷ lệ trầm cảm và lo lắng tăng lên [trong những tình huống] khi mức độ kiểm soát thấp và kỳ vọng thì cao."

Eyal đề cập đến một nghiên cứu hồi năm 2006 theo đó cho thấy rằng những người làm các công việc mà họ không mấy kiểm soát được về điều kiện làm việc, với sự hỗ trợ xã hội tối thiểu và nhu cầu tâm lý cao trong công việc, thì có nhiều khả năng mắc các chứng rối loạn tâm thần như trầm cảm và lo lắng.

Hãy so sánh điều đó với tình hình hiện tại của chúng ta, khi mà tất cả chúng ta đều bị mắc kẹt với làm việc ở nhà, không thể dành thời gian cho bạn bè, người thân hoặc đồng nghiệp, và đang phải cân bằng các nhu cầu đồng thời của công việc, gia đình và dạy học ở nhà giữa đại dịch. Có rất nhiều thứ chúng ta không thể kiểm soát.

Duy trì cấu trúc hàng ngày và ý thức về thời gian giúp chúng ta tập trung vào những gì chúng ta có thể.

"Tôi khuyến khích mọi người tìm cách tái hiện những gì họ vốn thường làm vào các dịp cuối tuần bằng cách sử dụng những điều sáng tạo hiện tại mà chúng ta đang làm trong thời gian này.

Bạn có làm bữa sáng vào Chủ Nhật hàng tuần với bạn bè không? Làm vài chiếc bánh tráng pancake tại nhà và gặp gỡ nhau trên ứng dụng Zoom.

Sáng thứ Bảy có phải là ngày bạn có cuộc chạy dài hay không? Vậy hãy bước ra ngoài chạy bộ đồng thời giữ khoảng cách xã hội," Santos nói. "Ý tưởng là tìm cách tái hiện các thói quen mà chúng ta từng có trước đây càng nhiều càng tốt để nhịp sống bình thường trở lại trong hoàn cảnh lạ lùng mà chúng ta đang mắc vào."

Nội dung của nếp hàng ngày của bạn không quan trọng bằng việc bạn có nề nếp, Eyal nói. Cuộc khủng hoảng hiện tại có thể là một cơ hội để thay đổi mọi thứ và tạo ra một lịch trình phù hợp với nhịp điệu của bạn thay vì nhịp điệp của công ty.

Carol Horne, làm việc cho một tổ chức từ thiện phục vụ người cao tuổi ở London, đã cho các con của cô ấy, đứa chín tuổi và đứa bảy tuổi, lựa chọn học từ thứ Tư đến Chủ Nhật để cô có nhiều thời gian hơn để giúp chúng với bài vở trong những ngày cuối tuần. Cô đã từ bỏ kế hoạch này khi đứa lớn của cô thoái lui.

"Nó nói nó thích cuối tuần là thứ Bảy và Chủ Nhật," Horne nói. "Và do cuộc sống không còn bình thường như trước, tôi muốn cho nó một chút nề nếp thường xuyên để giữ."

Bản tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC WorkLife.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn