Lý do có thể khiến đàn ông nhiễm nCoV lâu khỏi hơn phụ nữ

Thứ Tư, 29 Tháng Tư 20205:00 SA(Xem: 5561)
Lý do có thể khiến đàn ông nhiễm nCoV lâu khỏi hơn phụ nữ

Đàn ông mất nhiều thời gian để loại bỏ hết nCoV trong cơ thể hơn phụ nữ có thể do có lượng thụ thể ACE2 dồi dào hơn.

nCoV thường dễ lây nhiễm và gây triệu chứng nặng ở đàn ông. Ảnh: Phys.org.

nCoV thường dễ lây nhiễm và gây triệu chứng nặng ở đàn ông. Ảnh: Phys.org.

Nhóm chuyên gia ở Hệ thống y tế Montefiore, Anh và Đại học Y Albert Einstein, Mỹ, tìm ra lý do đàn ông nhiễm nCoV thường bộc lộ triệu chứng nặng hơn phụ nữ và có nguy cơ tử vong cao hơn. Trong nghiên cứu cộng tác với Bệnh viện bệnh truyền nhiễm Kasturba ở Mumbai, Ấn Độ, lần đầu tiên các nhà khoa học chỉ ra đàn ông loại bỏ hết virus trong cơ thể chậm hơn phụ nữ. Họ công bố kết quả nghiên cứu trên trang MedRxiv hôm 17/4 và đang chờ thẩm duyệt từ hội đồng chuyên gia."Các nghiên cứu về Covid-19 trên thế giới cho thấy tỷ lệ nhiễm nCoV và mắc bệnh nặng thường cao hơn ở đàn ông", Aditi Shastri, phó giáo sư y khoa ở Einstein, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Trung tâm chăm sóc bệnh nhân ung thư Montefiore Einstein kiêm trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết. "Công trình hợp tác của chúng tôi chỉ ra đàn ông khó loại bỏ nCoV hơn sau khi lây nhiễm. Điều đó có thể lý giải việc họ gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn từ Covid-19".

Nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích 68 người (48 nam và 20 nữ) có triệu chứng Covid-19 tới kiểm tra ở Bệnh viện bệnh truyền nhiễm Kasturba. Sau xét nghiệm ban đầu bằng bông lấy lấy dịch mũi nhằm xác nhận nhiễm bệnh, các cá nhân được kiểm tra lại nhiều lần cho tới khi có kết quả âm tính và tìm hiểu thời gian hết virus. Trong nhóm bệnh nhân, phụ nữ chỉ mất 4 ngày để loại bỏ virus trong cơ thể, còn đàn ông cần tới 6 ngày. Tiếp theo, các nhà nghiên cứu kiểm tra 3 gia đình ở Mumbai có những người đàn ông và phụ nữ dương tính với nCoV khi xét nghiệm qua bông lấy dịch lỏng. Một lần nữa, phụ nữ ở cả ba gia đình hết virus sớm hơn đàn ông ở cùng nhà.

Nhằm lý giải nguyên nhân, nhóm nghiên cứu tập trung vào cách lây nhiễm nCoV. Để lây nhiễm sang tế bào, đầu tiên nCoV phải bám vào thụ thể ACE2. Những tế bào có lượng lớn ACE2 trên bề mặt sẽ dễ nhiễm virus nhất. Các nhà nghiên cứu tham khảo 3 cơ sở dữ liệu độc lập để tìm thông tin về lượng ACE2 ở nhiều mô khác nhau. Họ nhận thấy cùng với phổi và thận, tinh hoàn là nằm trong số những bộ phận cơ thể có nhiều ACE2 nhất. Ngược lại, họ không phát hiện ACE2 ở mô buồng trứng.

Tiến sĩ Shastri nhấn mạnh khả năng lây nhiễm và nhân lên trong mô tinh hoàn của nCoV cần được nghiên cứu sâu hơn. Kết quả có nhiều ý nghĩa quan trọng đối với công tác khám chữa bệnh và y tế công cộng.

An Khang (Theo Phys.org)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn