Tại sao người Nhật lại giỏi trong việc nài nỉ

Chủ Nhật, 22 Tháng Ba 20205:00 SA(Xem: 4424)
Tại sao người Nhật lại giỏi trong việc nài nỉ
bbc.com

Nghệ thuật nài nỉ của người Nhật

Amanda Alvarez BBC Future

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Vào một đêm tháng 12 lạnh lẽo vào cuối thập niên 1950, nhà phân tâm học Takeo Doi đang trực tại bệnh viện thì có một chuyến thăm dường như không quan trọng.

Một bệnh nhân ngượng ngùng tìm đến mà không báo trước để hỏi Doi liệu ông ta có nên về nhà vào dịp Năm Mới hay không. Cảm thấy khó hiểu tại sao bệnh nhân này cần lời khuyên của mình và không có tâm trạng để tìm hiểu hoặc đồng cảm nên Doi đã trả lời: "Tùy ông thôi."


Có lẽ nhu cầu muốn được đối xử đặc biệt có vẻ vị kỷ hoặc vượt qua ranh giới thân mật, nhưng cho dù lý do gì đi nữa, sự giao tiếp thẳng thừng này làm Doi bật lên một ý tưởng mới.

Hành vi của bệnh nhân - bĩu môi, nịnh nọt và phục tùng uy quyền của bác sĩ - trở thành phần cốt lõi của tuyên ngôn có sức ảnh hưởng về tâm lý người Nhật.

Được xuất bản bằng tiếng Anh vào năm 1973, quyển Mổ Xẻ Tâm Lý Phụ Thuộc ('The Anatomy of Dependence') đã phổ biến thuật ngữ amae như là chìa khóa để 'hiểu không chỉ về cấu trúc tâm lý của từng người Nhật Bản mà còn là cấu trúc của toàn xã hội Nhật'.

Amae về mặt truyền thống có nghĩa là những hành vi kiểu trẻ con để muốn được quan tâm, bao gồm mè nheo, cư xử theo kiểu nhõng nhẽo được cưng chiều hoặc suồng sã.

Một khái niệm toàn cầu?

"Amae xuất hiện trong bất kỳ mối quan hệ nào, ở bất kỳ lứa tuổi nào và có thể tích cực hoặc tiêu cực," Kazuko Behrens, người đã nghiên cứu nhiều về amae ở cả quê nhà của bà là Nhật Bản và ở Mỹ, nơi bà là phó giáo sư tâm lý học tại Học viện Bách khoa SUNY.

"Khái niệm này đặc thù ở Nhật Bản bởi vì chỉ một từ mà bao quát rất nhiều hiện tượng, hành vi và tương tác," bà nói, từ một đứa trẻ đang khóc lóc để được ẵm cho đến một người vợ cầu xin chồng mua cho món quà đắt tiền, "nhưng amae tồn tại ở tất cả mọi nơi bên ngoài Nhật Bản và mọi người có thể nhận ra nó trong cuộc sống của họ, ngay cả khi họ không biết gọi nó là gì."

Behrens nhận thấy có tinh thần amae có qua có lại trong các chương trình truyền hình như Seinfeld và Friends, trong đó các nhân vật thoải mái ra vào các căn hộ của nhau (và dùng tủ lạnh của nhau). Chính mặc định rằng những kiểu hành vi như thế này là có thể chấp nhận được giữa bạn thân với nhau đã làm nên amae.

Không phải ngẫu nhiên mà sức thuyết phục của amae thường liên quan đến những đề nghị trẻ con hay khờ khạo.

"Tôi thường nói với những người mới đến Nhật Bản rằng: đến gần ai đó trên đường và liến thoắng hỏi đường, sự đáp trả nhiều khả năng sẽ là sự lãnh đạm," dịch giả John McCreery, người cư trú ở Nhật lâu năm, nói.

"Nhưng nếu tiến đến với vẻ mặt bối rối, không hề có thái độ uy hiếp và nói hơi khổ não, 'Dường như tôi bị lạc rồi...' thì khả năng bạn nhận được phản hồi tích cực, hữu ích tăng cao."

Dễ thương, rụt rè và xin lỗi phủ đầu cũng là một phần của vô vàn các dấu hiệu, cảnh báo và thông báo ai đó có thể gặp ở Nhật Bản.

Trên sân ga hoặc tại các công trường xây dựng, các nhân vật có cặp mắt to lịch sự nhắc nhở bạn để tâm đến hành vi và những hình nộm cúi đầu xin mọi người tha thứ cho sự gián đoạn, trong khi các linh vật thì chỉ dẫn tại nhà ga, văn phòng và cửa hàng.

"Mọi người có xu hướng chấp nhận những đồ vật dễ thương vì nó kích thích bản năng amae, van nài để bạn chiều theo," Behrens nói.

Amae tiêu cực

Một dạng amae cưỡng chế hơn có thể xảy ra ở nơi làm việc, chẳng hạn nếu một ông chủ đưa ra những yêu cầu quá đáng như đòi nhân viên nữ mời trà khách hoặc khách hàng.

"Amae không phải là một thứ cố định," Behrens nói. "Đã có sự phát triển đáng kể từ định nghĩa của Doi [về amae nguyên mẫu giữa mẹ và con] và bây giờ amae có thể được dùng trong rất nhiều bối cảnh khác nhau, bao gồm cả tiêu cực, trong đó có những kỳ vọng không hợp lý."

Kỳ vọng đóng một vai trò lớn trong amae. "Nó bắt đầu với giả định rằng amae của bạn sẽ được chấp nhận," Behrens nói. "Nhưng đôi khi người nhận không vui," như trường hợp của Doi và bệnh nhân của ông.

Không phải người Nhật nào cũng hoan nghênh hoặc khoan dung hoặc can dự vào amae, cũng như không phải tất cả nỗ lực gợi amae ở người khác đều thành công 100%, Behrens lưu ý.

"Học cách đọc tâm lý người khác, mức độ amae như thế nào là thích hợp, ai là đối tượng thích hợp cho amae, đây là một trải nghiệm quan trọng khi lớn lên ở Nhật," bà nhận định.


amae luôn là trò chơi của hai người: một người phụ nữ có thể hành động lả lơi với bạn tình để được yêu thương hoặc những đồng nghiệp có thể than vãn với nhau về sự bất mãn trong công việc để thiết lập mối quan hệ.

"Amae được sự chấp nhận qua lại, trong đó cả chủ thể và đối tượng đều đồng ý vượt quá một chút các quy tắc và chuẩn mực xã hội, có thể là điều vui và đưa tới sự gần gũi lần nữa," Behrens giải thích.

"Ngay cả con cái trưởng thành cũng có thể thể hiện amae đối với cha mẹ lớn tuổi, ví dụ như nhờ ba mẹ giúp đỡ chuyện này chuyện kia để cho ba mẹ cảm thấy vui và có ích."

Mặt tối

Nhưng khi amae sai, nó có thể dẫn đến thù oán hoặc tệ hơn. Đó là "sức mạnh mềm... phương tiện cho bên yếu hơn trong mối quan hệ, như trẻ con hoặc nhân viên, để tranh thủ sự quan tâm hoặc sự ủng hộ từ bên mạnh hơn", Christopher Harding, giảng viên cao cấp về lịch sử châu Á tại Đại học Edinburgh và tác giả của Câu chuyện Nhật Bản, phân tích.

Nhưng khi sử dụng không đúng cách, 'nó có thể kết thúc khá phi dân chủ, cho dù là ở nhà hay tại nơi làm việc'.

Tuân thủ amae tuyệt đối có thể thúc đẩy mối quan hệ thứ bậc và tình trạng mất cân bằng quyền lực.

Behrens đã nhận ra những sắc thái của amae trong các vụ lạm dụng tình dục, vốn là chất xúc tác cho phong trào #MeToo và nói rằng những yêu cầu quá mức dưới vỏ bọc của amae có thể không được báo cáo đầy đủ trong các công ty Nhật Bản.

Những nỗ lực amae quá đáng ở tuổi trưởng thành có thể có nguồn gốc phần nào từ sự bị cự tuyệt từ thời thơ ấu.

Doi dự đoán những đứa trẻ mà amae không được hồi đáp sẽ gặp phải sự thiếu thốn và lo lắng. Lý thuyết về sự gắn kết hiện đại và nghiên cứu hành vi chứng tỏ điều này.

"Khi bạn để tâm đến đứa trẻ mỗi lần [chúng khóc], chúng sẽ trở nên an toàn, tự chủ và độc lập hơn," Behrens nói.

Những đứa trẻ này phát triển sự tự tin để khám phá thế giới, bởi vì chúng biết rằng chúng sẽ được cứu giúp khi cần thiết. "Nhưng những đứa trẻ bị bỏ bê, những đứa cứ khóc đến khi nào ngủ thì thôi, chúng không biết khi nào nhu cầu của chúng được đáp ứng, vì vậy chúng ít tự tin hơn và trở nên thiếu thốn hơn."

Chẳng hạn, bệnh nhân của Doi hoàn toàn có khả năng quyết định về thăm nhà vào dịp lễ, nhưng ông ta lại muốn chuyển trách nhiệm này cho bác sĩ.

"Amae nằm trong những việc bạn có thể tự làm nhưng lại mặc định hoặc mong muốn người khác làm [cho bạn], bạn có thể [áp đặt] đến mức độ nào mà bạn vẫn không sao," Behrens nhấn mạnh. "Tựa đề [Mổ Xẻ Tính Phụ Thuộc] khiến mọi người nghĩ rằng amae là sự phụ thuộc, mà sự phụ thuộc có nghĩa là sự vô dụng, nhưng amae khác sự phụ thuộc."

Sự phụ thuộc, thiếu chín chắn và trẻ con hóa dù sao cũng trang điểm thêm màu sắc cho một số khía cạnh của amae. Ở một xã hội như Nhật Bản vốn coi trọng sự hòa hợp xã hội, những khía cạnh này đã biến thành một hành vi thích ứng cho phép người ta nhờ giúp đỡ, củng cố mối quan hệ của con người và thậm chí đưa ra những yêu cầu không phù hợp mà không có vẻ gì là tạo gánh nặng lên người khác.

Trở nên trẻ con

"Ở Nhật Bản, bị đối xử như một đứa trẻ là điều bình thường và không mang tính xúc phạm," Kumi Kuroda, nhà nghiên cứu về khoa học thần kinh và tâm thần học vốn tìm hiểu về mối liên kết giữa cha mẹ và trẻ sơ sinh, cho biết.

"Amae là một cách để thoát khỏi trở thành người lớn trong chốc lát. Nó đem đến lối thoát cho áp lực, bởi vì ngay cả người lớn đôi khi cũng cần được sự quan tâm và chăm sóc."

Tính chất đôi khi ngọt như đường của amae nhắc đến một từ vựng gần gũi là từ amai, có nghĩa là ngọt ngào, và cho thấy sự tương tự với một từ ngữ được sáng tạo khác trong tiếng Nhật, umami.

Bất cứ ai trên thế giới cũng có thể trải nghiệm mùi vị thơm ngon của umami, ngay cả khi họ sử dụng ngay từ tiếng Nhật đó để mô tả hương vị này.

Tương tự, 'amae nổi bật hơn và thường xuyên gặp phải hơn ở Nhật Bản nhưng có thể tồn tại trong các nền văn hóa không có từ vựng để diễn tả,' theo các nhà nghiên cứu vốn đã tìm thấy cách diễn giải và phản ứng với amae giống nhau ở cả người Nhật và người Mỹ.

Cũng giống như umami, amae có lẽ được đặt tên theo tiếng Nhật vì mọi người thích nghi với nó hơn trong sinh hoạt hàng ngày của họ.

"Người Nhật coi trọng amae và để ý những khi nó được thể hiện hoặc đáp ứng," Kuroda chiêm nghiệm.

Behrens đồng ý: "Doi không tạo ra amae, ông ấy chỉ xác định nó là đặc trưng của người Nhật."

"Amae là một khái niệm đang phát triển và ngày càng trở nên bao gồm nhiều hiện tượng khác nhau, với các mục tiêu mới mà Doi không hề nghĩ đến," Behrens nói, ví dụ như các vật thể vô tri.

Giống như món ăn yêu thích, sự phụ thuộc ngọt ngào của khái niệm này cuối cùng sẽ mời gọi chúng ta trở về thời thơ ấu và sự ấm áp của vòng tay người mẹ.

"Amae tích cực là một cách để trở nên trẻ con và điều đó không sao," Kuroda nói. "Ai cũng từng là một đứa trẻ và đôi khi trong tâm hồn chúng ta vẫn cảm thấy mình như những đứa trẻ."

Bản tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn