Sáu sự thực đáng kinh ngạc về 'hormone tình yêu'

Thứ Sáu, 14 Tháng Hai 20209:00 CH(Xem: 5874)
Sáu sự thực đáng kinh ngạc về 'hormone tình yêu'
bbc.com

Sáu sự thực đáng kinh ngạc về 'hormone tình yêu'

Jason Riley BBC Earth

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Oxytocin là một loại hormone ở động vật hữu nhũ, đóng vai trò sản sinh ra cảm giác yêu thương.

Nó liên quan tới việc tạo cảm xúc nhận thức và gắn bó xã hội, và được cho là giữ một phần trong việc hình thành nên lòng tin giữa con người với nhau.


Nó là thứ khiến cho tình cảm mẹ-con có sức mạnh vô cùng to lớn, cho nên nó còn được gọi là 'hoá chất âu yếm' và 'hormone tình yêu'.

Nhưng người ta cũng thấy rằng các con đực thuộc nhiều loài động vật khác có phản ứng giống như có oxytocin trong thời gian mới làm cha - trong đó có một số phản ứng khá là đáng ngạc nhiên.

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

1. Chó có rất nhiều 'hormone tình yêu'

Cơ thể chó sản sinh ra oxytocin khi nó ở quanh quẩn bên chủ, và thứ hormone này càng có nhiều hơn mỗi khi chúng bắt gặp ánh mắt của những người mà chúng yêu quý.

Khi não tràn ngập loại hormone này, chó tuân theo lệnh của chủ một cách tốt hơn. Và càng duy trì việc tiếp xúc bằng mắt với chủ, bên trong cơ thể chú chó càng tiết thêm nhiều lượng oxytocin.

Trong thực tế, mức độ oxytocin trong cơ thể chó trung bình cao hơn gấp năm lần so với mèo.

2. Khỉ tăng cân

Các giống khỉ đuôi sóc (marmoset) và khỉ sư tử mặt đen (tamarin) ở Trung và Nam Mỹ sống trong các nhóm xã hội quần tụ theo mô hình gia đình. Khi con cái mang thai, khỉ bố đón nhận được ý tứ của con cái và tăng cân: nó bắt đầu tăng cân kể từ khi bụng khỉ cái to dần trong quá trình mang thai.


Vào lúc này, khỉ bố có những loại hormone khác - oxytocin, oestrgen và prolactin, là hormone có liên hệ tới việc cho con bú sữa mẹ - khiến cho khỉ bố trở nên mẫu tính hơn khi con con chào đời.


Khỉ đuôi sóc có đầu vú nằm ngay dưới cánh tay, và đầu vú của khỉ bố sẽ to ra trong thời gian khỉ mẹ mang thai.

Có vẻ như chỉ cần có một chút điều chỉnh về lượng hormone là đã có thể tạo được tác động sâu sắc tới cách suy nghĩ của chúng ta, hướng chúng ta tư duy theo kiểu nghĩ của giống đực và giống cái.

3. Chuột cát thậm chí trở nên năng nổ giao tiếp xã hội hơn - và vị tha hơn

Sa thử (meercat) là loài động vật điển hình cho tính hợp tác trong cộng đồng với nhau. Chúng sống thành từng nhóm tới 50 con, giúp nhau đào hang và canh gác. Chúng trông nom, cho ăn và dạy dỗ con non của nhà khác. Nhưng chúng thậm chí còn hợp tác nhiều hơn thế. Bằng cách nào? Đơn giản thôi.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Hai giáo sư từ Đại học Cambridge đã theo dõi bọn sa thử từ bốn nhóm khác nhau ở Khu bảo tồn Sông Kuruman của Nam Phi để xem tác động của oxytocin.


Những con sa thử được nạp 'thuốc tình' thì bỏ nhiều thời gian để canh gác và đào hang hơn, ít hung hăng hơn, dành nhiều thời gian cho các con con và chia cho bọn sa thử non nhiều thức ăn hơn. Tất cả đều gây thiệt thòi cho cá nhân chúng: các con sa thử được nạp oxytocin dành ít thời gian đi tìm thức ăn cho bản thân mình hơn, và do đó ăn ít đi.

4. Một số bọ cánh cứng chăm sóc bọ non mới nở

Bọ cánh cứng chôn xác chết (burying beetle) là một ví dụ hiếm hoi về chuyện côn trùng mà cũng biết quan tâm chăm sóc con cái.

Ở loài động vật này, có ở Anh, cả con cái lẫn con đực đều chăm sóc con con.

Khi con cái có bầu, các con bọ cánh cứng sẽ rời tổ, để chỗ cho ấu trùng trong xác chuột chết mà chúng đã chôn sẵn làm thức ăn và làm tổ. Đây sẽ là địa điểm cho bọn ấu trùng bò tới một khi nở thành con.

Bọn ấu trùng sẽ đòi thức ăn - cũng là hiện tượng bất thường đối với côn trùng. Khi đói, chúng dùng những chân bé để 'cù' bố mẹ, và bọn bọ bố mẹ sẽ oẹ ra những thức ăn đã được tiêu hoá cho con ăn.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Một số chuột đồng sống kiểu 'một vợ một chồng' trong lúc một số loài chuột đồng khác lại tỏ ra không quan tâm gì tới bạn tình và con cái

5. Chuột đồng 'phong tình'

Chuột đồng ở thảo nguyên (prairie vole) là loài động vật có tập tính sinh hoạt từng cặp, 'một vợ một chồng', và con đực thường chăm con, bảo vệ vợ.


Thế nhưng chuột đồng ở đồng cỏ (meadow vole ) lại là loài 'đa thê', mỗi con đực qua lại với nhiều con cái và hiếm khi chăm sóc con con hay bảo vệ bạn tình.

Đem so sánh hai loài chuột đồng này với nhau sẽ cho ta thấy vấn đề một cách rõ ràng hơn. Ở chuột đồng thảo nguyên, các cá thể có nhiều thụ thể vasopressin (hormone chống lợi tiểu) trong não hơn so với chuột đồng đồng cỏ - và hormone chống lợi tiểu thì có liên quan tới oxytocin 'hoá chất âu yếm'.

Ở người, các biến thể này trong một đoạn mã hoá gene cũng được cho là sẽ quyết định đến việc liệu một người đàn ông về mặt tự nhiên là kẻ trăng hoa hay là người chồng tận tâm.

6. Chuột 'được âu yếm' có huyết áp thấp

Trong các nghiên cứu về chuột mới đẻ, những con nhận được hơi ấm và sự đụng chạm khi được cho ăn thì có huyết áp thấp hơn so với các con non không nhận được bất kỳ đụng chạm nào từ chuột bố mẹ.

Điều này được cho là kết quả của việc cảm xúc gia tăng ở dây thần kinh phế vị, khiến chúng có phản ứng thần kinh đối giao cảm cao hơn trong lúc lại có phản ứng thần kinh giao cảm thấp hơn trước các kích thích, dẫn đến mức độ phản ứng căng thẳng thấp hơn.

Oxytocin có tác dụng hạ huyết áp ở không chỉ chuột mà cả con người.

Cho nên con người chúng ta không phải là những đối tượng duy nhất được hưởng lợi từ việc được âu yếm và được cho ăn ngon.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Earth.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn