Hiện tượng kháng thuốc ngày càng tăng trong khi chưa có thuốc mới

Thứ Tư, 29 Tháng Giêng 20207:00 CH(Xem: 5056)
Hiện tượng kháng thuốc ngày càng tăng trong khi chưa có thuốc mới
voatiengviet.com

Hiện tượng kháng thuốc ngày càng tăng trong khi chưa có thuốc mới

Lisa Schlein

GENEVA - Ít nhất 700.000 người chết mỗi năm do các bệnh kháng thuốc, bao gồm 230.000 người mắc bệnh lao kháng nhiều thuốc, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Năm ngoái, một báo cáo của Liên hiệp quốc dự đoán từ đây đến năm 2050, hiện tượng kháng thuốc kháng sinh ngày càng tăng có thể gây ra 10 triệu ca tử vong mỗi năm và gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính.

WHO cho biết mối đe dọa y tế ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nhưng những người có nguy cơ cao nhất bao gồm những người có hệ miễn nhiễm bị tổn thương, người già và các bệnh nhân trải qua hóa trị, phẫu thuật và ghép tạng.

Năm mươi loại thuốc kháng sinh đang được phát triển, theo Peter Beyer, Cố Vấn Cao cấp của WHO về hiện tượng kháng thuốc kháng sinh, nhưng phần lớn chỉ có lợi ích hạn chế khi so sánh với các thuốc kháng sinh hiện có.

“Chúng tôi thực sự đang hết thuốc kháng sinh có hiệu quả chống lại các loại vi khuẩn kháng thuốc này,” ông nói: “Có thể mất 10 năm để phát triển một loại kháng sinh mới, vì vậy nếu quay lại giai đoạn một, chúng tôi sẽ biết chính xác những gì chúng tôi có thể có được trong 10 năm tới. Và chúng tôi thực sự thấy rằng đối phó với mối đe dọa hiện thời là không đủ."

Về mặt khoa học, ông Beyer nói, rất khó để phát triển một loại kháng sinh có tính cách tân thực sự mới. Ngoài ra, có rất ít động lực tài chính cho các công ty dược phẩm phát triển một loại thuốc mới vì rủi ro, mất nhiều thời gian và tiền bạc, và lợi nhuận có thể sẽ kém, ông cho biết.

Tuy nhiên, ông nói thêm ông hi vọng ngành dược sẽ thay đổi lập trường và phát triển thuốc kháng sinh mới vì các công ty dược cũng cần những loại thuốc mới này.

“Ví dụ, nếu họ muốn bán sản phẩm cho hóa trị liệu, họ thực sự cần thuốc kháng sinh hiệu nghiệm vì nếu không, không thể thực hiện hóa trị liệu hữu hiệu, đặc biệt là ở các quốc gia như Ấn Độ hoặc Bangladesh, nơi kiểm soát phòng ngừa nhiễm trùng không tốt,” ông Beyer nói. “Vì vậy, tôi nghĩ rằng ngành dược, vào một thời điểm nào đó, sẽ quay đầu lại. Đó là hi vọng của chúng tôi. Và tất nhiên là chúng tôi cũng cố gắng thuyết phục các chính phủ đầu tư.”

Trong khi chờ đợi, ông Beyer nói một trong những biện pháp tiết kiệm chi phí nhất và cứu được tính mạng nhiều nhất là kiểm soát phòng ngừa tốt hơn trong bệnh viện. Ông nói thay vì phát minh ra các loại thuốc mới để chữa trị cho những người bị nhiễm bệnh trong bệnh viện, bảo vệ họ khỏi bị nhiễm bệnh ngay từ đầu sẽ có ý nghĩa hơn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn