Cây mè, loài cây cực độc cứu sống cả hòn đảo ở Nhật

Thứ Hai, 27 Tháng Giêng 20201:00 SA(Xem: 4396)
Cây mè, loài cây cực độc cứu sống cả hòn đảo ở Nhật
bbc.com

Loài cây cực độc cứu sống cả hòn đảo ở Nhật

Jamie Lafferty BBC Travel

Jamie Lafferty Bản quyền hình ảnh Jamie Lafferty

Bà Eiko Kawauchi đi bộ, một tay chống cầm gậy, một tay cầm rìu. Ở tuổi 79, bà không thể di chuyển nhanh như ngày trước, nhưng một khi ngồi vào thế, bà vẫn có thể vung rìu với sự cường tráng không thua gì một phụ nữ trẻ hơn bà nửa số tuổi.

Những mảnh gỗ ẩm nhanh chóng văng ra khi bà Kawauchi bổ vào thân cây mè [một loại cây thuộc bộ vạn tuế], mà ở Nhật người ta gọi là cây sotetsu.

Bà đang cố bổ qua phần vỏ cây có hoa văn dạng kim cương để bổ vào lõi, như ông bà nội từng dạy bà nhiều năm về trước.


Jamie Lafferty Bản quyền hình ảnh Jamie Lafferty
Image caption Để thu hoạch cây mè có độc, bạn phải dùng rìu bổ sâu vào lõi thịt của cây

Ở hầu hết các vùng khác trên quốc gia này, người ta tránh dây dưa vào loại cây cực độc như vậy; khi ăn sống, cây mè có thể gây chảy máu nội tạng, trụy gan và cuối cùng gây chết người.


Nhưng ở hòn đảo Amami Oshima xa xôi, cách các hòn đảo Kyushu và Okinawa ở đầu mũi cực tây nam Nhật Bản khoảng 300km, mọi thứ có lịch sử hoàn toàn khác hẳn.

Một phần của Quần đảo Ryukyu nằm gần với Đài Loan hơn là Tokyo, Đảo Amami Oshima có khí hậu nhiệt đới đủ tốt để cây mè phát triển.

Thường bị nhầm với cây cọ, cây mè có thân cây hình trụ tròn chắc nịch và lá có kết cấu dẻ quạt dài. Cây mè đã xuất hiện khoảng 280 triệu năm về trước và được coi là hóa thạch sống.

Trong thực tế, những loại cây lá dạng lược như dương xỉ cực kỳ phong phú trong suốt Kỷ Jurras đến mức người ta gọi thời này là "Kỷ cây Mè". Khủng long thì chẳng gặp rắc rối gì trong việc tiêu hóa chất độc thần kinh có trong cây mè, nhưng loại cây này vẫn đe dọa tính mạng con người.

Jamie Lafferty Bản quyền hình ảnh Jamie Lafferty
Image caption Cây mè đã có mặt từ thời khủng long và được coi như hóa thạch sống

Nhưng với 67.000 cư dân trên Đảo Amami Oshima, cây mè vừa là nguyên vật liệu, vừa là nguồn dinh dưỡng sống còn trong thời kỳ khủng hoảng.

Qua nhiều thế kỷ, dân trên đảo đã lặng lẽ phát triển một phương thức thu hoạch loại cây độc này và loại bỏ chất độc bằng quy trình vất vả kéo dài bốn tuần.

Đầu tiên là họ cắt phần vỏ xốp trên thân cây, mài nó thành bột và sau đó ngâm rồi phơi thật khô, rồi lặp đi lặp lại như thế nhiều lần để loại bỏ hoàn toàn độc tính tự nhiên. Sự phối hợp này cuối cùng cho ra sản phẩm là loại tinh bột cọ có thể ăn được và được gọi tên là nari, có thể sử dụng để làm mì sợi hay độn vào cơm.

"Đúng là vất vả," Toshie Fukunaga cho biết, trong khi quan sát bà Kawauchi vung rìu. Cùng với hai người bạn khác cũng ở độ tuổi ngoài 70, bà Fukunaga và bà Kawauchi là những người cuối cùng trên đảo vẫn còn biết cách chế biến cây mè an toàn.

Chỉ có 55 cư dân sinh sống trên ngôi làng Ikegachi ven biển, là nơi có một vịnh biển xanh biếc náu mình.

Cây mè mọc dại ở lằn ranh của khu làng và nhiều cây khác được trồng ở các mảnh vườn. Giống như nhiều vùng khác ở Nhật, Ikegachi có dân số già và đa số người trẻ không còn sống ở làng và cũng chẳng còn ở trên đảo Amami Oshima. Hầu hết đã về thành phố thủ phủ của vùng là Kagoshima trên Đảo Kyushu hoặc di chuyển về những thành phố lớn ở miền bắc Nhật Bản để tìm việc làm.

Người ta hay nói chẳng bao giờ quá già để học tập điều gì đó, nhưng theo những người già ở đây, bạn có thể quá già không thể dạy được nữa, vì nỗ lực cần thiết để dạy toàn bộ quy trình chi tiết có thể tốn quá nhiều công sức so với ích lợi đạt được.

Kenshi Fukunaga giờ 25 tuổi và là người trẻ duy nhất vẫn còn sống ở làng Ikegachi. "Tôi đã cố gắng học cách chế biến cây sotetsu," anh giải thích, "nhưng không dễ chút nào."

"Và chúng tôi quá già không thể dạy mọi người nữa," bà nội anh, bà Toshie thừa nhận.

Jamie Lafferty Bản quyền hình ảnh Jamie Lafferty
Image caption Ngày nay chỉ còn vài người già vẫn còn biết cách thu hoạch cây mè an toàn

Một ngày trước khi ghé thăm làng, tôi dành thời gian đi thăm bảo tàng Amami, một giờ lái xe về phía bắc của làng Ikegachi về hướng thành phố chính trên đảo Amami, có tên là Naze. Tại đó, tôi trò chuyện với nhân viên bảo tàng tên Nobuhiro Hisashi, anh giải thích cho tôi một phần lịch sử và tầm quan trọng của loại cây này trên đảo.

Anh cho biết trong quá khứ, cây mè thường được ăn vào thời kỳ đói kém. Trong thời phong kiến, thời Triều đại Edo (1603 - 1868), Amami Oshima nằm trong vùng cai trị của lãnh chúa Satsuma, vốn có lãnh địa gần như trùng với vùng Kagoshima ngày nay ở miền nam Nhật Bản.

Hòn đảo thường bị bão quét qua và vật lộn trong quá trình trồng trọt các loại cây truyền thống, nhưng vì nơi đây nằm ở vĩ độ vùng nhiệt đới, đảo là một trong số ít vùng trong cả nước có thể trồng được đường.

Jamie Lafferty Bản quyền hình ảnh Jamie Lafferty
Image caption Trong những năm đói kém về trước, dân đảo đã biến loài cây kịch độc này thành thực phẩm tránh đói

"Lãnh chúa Satsuma chỉ gửi phần gạo đến để đổi lấy đường nâu," Hisashi giải thích. "Nếu vụ mùa thất thu, dân đảo Amami Oshima sẽ chết đói. Vì vậy, trong những năm đói kém, người ta đã ăn cây mè."

Dù không có bằng chứng nào cho thấy người ta đã học cách ăn cây mè an toàn từ đâu, Hisashi phỏng đoán rằng đó là quá trình ăn thử và khắc phục những sai lầm chết người. Dù vậy hiện nay, bảo tàng vẫn rất muốn ghi lại quá trình thu hoạch cây mè, đề phòng về sau này những người cuối cùng biết chế biến, loại bỏ chất độc để biến nó thành thực phẩm không còn ai theo học nghề nữa.

Mặc dù sự thống trị bạo ngược của Satsuma cuối cùng cũng sụp đổ vào cuối Triều đại Edo vào năm 1868, trong Thế Chiến thứ Nhất và thứ Hai, kiến thức từ thời cổ đại về cây mè lại một lần nữa cứu họ.

Đối mặt với hệ thống chu cấp kiệt quệ từ các đảo lớn ở Nhật và có nguy cơ chết đói, dân đảo một lần nữa ăn cây mè để sinh tồn.

"Không ai biết chính xác tập tục này có từ bao giờ," Hisashi cho biết, "nhưng nó cực kỳ quan trọng với hòn đảo của chúng tôi. Giờ đây chúng tôi cố gắng viết sách để mọi người không lãng quên."

Jamie Lafferty Bản quyền hình ảnh Jamie Lafferty
Image caption Sau quá trình chế biến vất vả, cây mè được nghiền thành bột có thể ăn được, dùng để làm mì hoặc cơm

Vì lịch sử đáng chú ý và tầm quan trọng của cây mè trên đảo, người ta kinh ngạc khi thấy hầu hết cộng đồng ở làng Ikegachi thoải mái mặc kệ truyền thống này dần mai một.

Người già ở đây đã từng ăn cây sotetsu trong khẩu phần ăn giới hạn sau Thế Chiến thứ Hai. Một số người từ thế hệ đó vẫn còn nhớ thời gian này được gọi tên là "sotetsu jigoku", hay còn gọi là "địa ngục cây mè".

Tôi hỏi liệu đó có phải là lý do khiến mọi người chẳng màng bảo vệ nó. Hay vì nó gắn liền với những ký ức quá thương đau?

"Không phải," Fukunaga nhanh chóng phản hồi. "Những ký ức đó đều hạnh phúc. Thời đó tụi tôi còn trẻ. Tôi vẫn còn nhớ rõ vị của món đó. Chúng tôi lẽ ra đã đều chết cả nếu không có cây sotetsu."

Sự thật về tình trạng suy tàn của món ăn chết người trên hòn đảo này thực dụng hơn nhiều.

Amami không phải là hòn đảo giàu có như nhiều đảo khác trong số 6.851 hòn đảo ở Nhật, nhưng so với quá khứ thì thời nay là thời thịnh vượng. Họ không phải lo lắng về những samurai bóc lột, sản phẩm nhập khẩu dồi dào và tri thức tiến bộ về phương pháp làm nông nghiệp đã khiến ít người cảm thấy giá trị trong việc bỏ ra cực kỳ nhiều nỗ lực để chế biến cây mè an toàn.

Jamie Lafferty Bản quyền hình ảnh Jamie Lafferty
Image caption Mặc dù thu hoạch cây mè là việc làm cực kỳ vất vả, nhiều người già ở làng vẫn làm vài mẻ bột cây

Không phải chỉ việc biến thân cây độc dược thành thức ăn là vất vả, mà việc này còn đi kèm với rủi ro gặp phải rắn habu, một loài rắn hổ có độc đặc hữu trên quần đảo này. Dù vậy, bà Kawauchi, bà Toshie và hai người bạn khác vẫn làm vài mẻ mỗi năm, và mang theo một chảo lớn có cơm ăn kèm với nari cho tôi nếm thử.

Tôi ngồi trong bóng mát của tấm vải bạt xanh treo trên cột tre, bốn người phụ nữ ngồi quanh tôi thành vòng bán nguyệt.

Mọi người nhìn bà Kawauchi múc một muôi đầy cơm bột mè, bỏ thêm tỏi nhúng trong đậu nành vào một cái chén xốp và mời tôi ăn. Nhìn những vị cao niên quanh mình, tôi hơi hồi hộp vì kỹ năng dùng đũa khi chuẩn bị ăn một món có thể khiến tôi chết. Trước khi và một lượt đầy miệng, tôi nhanh chóng hỏi lần cuối cùng cây mè khiến người trúng độc là khi nào?

"Không, không, không! Không bao giờ, không bao giờ," Bà Fukunaga đáp, hơi chút giận dỗi.

Jamie Lafferty Bản quyền hình ảnh Jamie Lafferty
Image caption So với quá khứ nghèo đói, giờ đây là thời thịnh vượng của đảo Amami Oshima

Tôi nhanh chóng ăn một chút cơm để xoa dịu bà hết mức có thể.

Điều kinh ngạc lớn nhất là loại cây tiền sử kịch độc này hầu như chẳng có vị gì. Tôi và thêm vài lượt nữa vào miệng để kiểm chứng lại. Nếu có gì, thì món này gợi nhắc cho tôi chút ít về món cá nóc nổi danh hay còn gọi là fugu, giống nhau ở chỗ quanh cái chết đau đớn nếu ăn phải, món đồ ăn này có vị nhạt đến mức gần như không thể cảm nhận được gì.

"Cháu nghĩ gì?"bà Fukunaga hỏi.

Trong khi tôi đang tự hỏi không biết nên trả lời sao, thì bà đáp thay tôi. "Không có hương vị gì lắm, đúng không?"

Có lẽ chẳng có gì ngạc nhiên vì sao cây mè không được coi là nguồn thực phẩm trọng yếu trên đảo Amami Oshima nữa. Nhưng trong khi những người phụ nữ ở đảo Ikegachi thỉnh thoảng vẫn gặp rắc rối khi chế biến món này, thì vẫn còn một nhà hàng trên đảo giữ lại món khác thường là ăn sống loại cây này.

Jamie Lafferty Bản quyền hình ảnh Jamie Lafferty
Image caption Dù rất ít dân trên đảo còn biết cách nấu cây mè nhưng có một nhà hàng vẫn bán món này

Ở một bán đảo cách Sân bay Amami vài dặm, có một tiệm mì udon nhỏ xíu có tên là Mash Yaduri. Không ai mà tôi từng gặp chắc chắn vị trí quán nằm ở đâu, và Hisashi đã nói về quán ăn này như thể một truyền thuyết, nhưng cuối cùng tôi đã tìm ra nó ở cuối một con đường hẹp ngoài bờ biển.

Tôi đến khoảng 10 giờ, hy vọng được nghe về món đặc sản cây mè của họ. Trong khi ở nhiều vùng khác trên đảo, người ta nói về cây mè ở thời quá khứ, thì ở đây, chủ nhà hàng kiêm đầu bếp Tae Wada và chồng bà Akiho đã bán món mì làm từ tinh bột cây mè trong năm năm qua.

Dù không có máy phiên dịch, Wada bằng cách nào đó biết vì sao tôi lại ghé nhà hàng, và vài phút sau đó, ông bưng ra một tô mì udon làm từ bột cây mè và với súp gà nóng thơm ngon.

Thành thật mà nói, vị món này hơi có vẻ nhạt nhẽo, nhưng giờ đây lịch sử dồi dào của món này sẽ ở mãi trong tôi.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn