Ngủ đủ giấc và dậy sớm

Thứ Hai, 30 Tháng Mười Hai 201911:00 SA(Xem: 3256)
Ngủ đủ giấc và dậy sớm

Thế nào là ngủ đủ giấc? Một nghiên cứu của Tây y cho rằng giấc ngủ có chu kỳ, mỗi chu kỳ kéo dài khoảng 90 phút.

Trong mỗi chu kỳ có 5 giai đoạn:

Giai đoạn 1 là thiu thiu ngủ, trạng thái chuyển tiếp từ tỉnh táo bước dần vào giấc ngủ. Khoảng thời gian này tương đối ngắn, bạn dễ tỉnh giấc hơn so với các giai đoạn khác.

Giai đoạn 2 là ngủ lơ mơ, xảy ra khi cơ thể bắt đầu chuyển sang giấc ngủ sâu hơn. Ở giai đoạn này bạn bắt đầu khó tỉnh giấc hơn.

Giai đoạn 3 là giấc ngủ sâu. Giai đoạn giấc ngủ sâu thường dao động khoảng từ 45 – 90 phút, bạn sẽ rất khó bị đánh thức ngay cả khi có tiếng động lớn.

Giai đoạn 4 là giấc ngủ rất sâu, chiếm khoảng 20% tổng thời gian ngủ. Lúc này cơ thể được nghỉ ngơi hoàn toàn. Nếu bạn bị đánh thức ở giai đoạn ngủ rất sâu, bạn sẽ cảm thấy mất phương hướng, choáng váng và mất một vài phút sau đó não bộ mới hoạt động trở lại bình thường.

Giai đoạn 5 là giấc ngủ mơ. Cơ thể đi vào giấc ngủ mơ khoảng 90 phút sau khi ngủ. Trạng thái này gần giống với trạng thái thức hơn so với các giai đoạn khác. Đây là lúc những giấc mơ bắt đầu xuất hiện. Não tạm thời làm tê liệt cánh tay và chân để ngăn cơ thể thực hiện giống như trong mơ.

Giai đoạn giấc ngủ sâu đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe và chức năng của não, đây là giai đoạn quan trọng nhất trong chu kỳ giấc ngủ.

Vì thế ngủ đủ giấc không phải là ngủ nhiều, mà là tỉnh dậy đúng vào lúc ngủ mơ, sau khi đã ngủ sâu và rất sâu. Ngủ đủ giấc tương ứng với việc ngủ đủ chu kỳ.

Mỗi chu kỳ tính là 90 phút, vì vậy ngủ 5 chu kỳ tương ứng với ngủ khoảng 7 tiếng rưỡi.

Khi đặt đồng hồ báo thức cho những lúc phải dậy sớm, bạn nên tính số thời gian ngủ là bội số của chu kỳ 90 phút, chẳng hạn 3 chu kỳ là ngủ 4 tiếng rưỡi, 4 chu kỳ là ngủ 6 tiếng.

book_lamp_night_reading_candle_literature_education_romantic-1271279
Ảnh: camnangcuocsong.com

Theo Đông Y, khi cơ thể nằm xuống thì các luồng kinh khí của toàn thân sẽ quay về các phủ tạng tương ứng.

Một khi kinh khí đã về đúng vị trí của nó thì cơ thể tự nhiên sẽ cảm thấy hơi lạnh, cho nên lúc này người ta thường muốn kéo chăn đắp. Sau một ngày hoạt động, cơ thể chúng ta đã tiêu hao không ít tinh lực, nên tối đến, kinh khí phải quay về phủ tạng để phục hồi tinh lực.

Nếu chúng ta thức khuya, kinh khí sẽ không thể trở về đúng vị trí của nó, khiến phủ tạng không tự phục hồi được. Trong trường hợp như vậy, kinh khí không những không bảo dưỡng cho phủ tạng mà còn tiếp tục bị hao trừ. So với ban ngày, thức khuya tiêu tốn nhiều năng lượng hơn, nó bòn rút cả tinh lực của tạng phủ, làm suy kiệt nhanh chóng cơ thể chúng ta.

Nếu có ít thời gian để ngủ, chúng ta nên sắp xếp để ngủ sớm trước 11 giờ, tốt nhất là trong khoảng từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng, tức là vào giờ Tý (giờ vượng khí của Đởm), giờ Sửu (giờ vượng khí của Can) và giờ Dần (giờ vượng khí của Phế).

Chúng ta cũng nên tranh thủ dậy sớm trước 5 giờ sáng. Từ 5 giờ đến 7 giờ sáng là giờ của đại tràng, là thời gian giúp quá trình trao đổi chất thông thuận hơn, giúp làn da mịn màng hơn. Ngủ không đủ sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh, còn ngủ sớm và dậy sớm sẽ giúp tăng khả năng miễn dịch.

Cuối cùng, để có một giấc ngủ ngon, điều cốt yếu lại không phải là ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc. Giấc ngủ ngon, cũng như một cuộc sống thư thái, bình yên, chỉ đến khi chúng ta biết buông bỏ. Hãy tha thứ và bao dung với tất cả trước khi đi ngủ, để ngày mai sảng khoái thức dậy, tràn trề nhựa sống, đắm mình trong ánh sáng mới mà thốt lên “cuộc sống thật là tươi đẹp!”

(Nguồn: camnangcuocsong.com).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn