Những tiếng ồn công sở khiến ta nổi khùng

Thứ Tư, 25 Tháng Mười Hai 20195:00 SA(Xem: 3716)
Những tiếng ồn công sở khiến ta nổi khùng
bbc.com

Những tiếng ồn công sở khiến ta nổi khùng

Zaria Gorvett BBC Worklife

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Vào năm 2016, những nhà khoa học đầu tiên chuyển vào sống tại Viện Francis Crick ở London, một cơ sở nghiên cứu y sinh với chi phí xây dựng khoảng 837 triệu đô la Mỹ.

Người ta đã phải mất nhiều năm để lên kế hoạch xây dựng, và công trình này được ca ngợi là một thánh đường khoa học thực sự - với trần mái vòm, cửa sổ kính cao và sảnh trung tâm rộng lớn.


Nhưng chỉ một năm sau khi khánh thành, công trình này cho thấy rõ ràng là nó có vấn đề.

Văn phòng thiết kế mở

Trong không gian mở mang tính 'hợp tác', tiếng cười rộn rã của các đồng nghiệp ăn mừng bằng tiến sĩ hòa quyện với âm thanh của hàng trăm nhà khoa học thảo luận sôi nổi về các dự án của họ - và tạo ra một môi trường, theo lời phàn nàn của một số cư dân, khiến họ khó lòng suy nghĩ được chứ đừng nói gì tới chuyện tập trung vào những khám phá kế tiếp để giành giải Nobel.

Bất chấp tất cả các mục tiêu cao cả, trớ trêu thay, tòa nhà lại thất bại khi đối mặt với những sự thật khoa học - rằng, đối với một số người trong chúng ta, việc phải nghe những lời tán gẫu của người khác cũng có thể khiến ta phát khùng như khi bị một đồng nghiệp liên tục bấm bút lách tách ngay trước trán.

Kể từ khi ra đời vào năm 1904, văn phòng thiết kế mở đã kết hợp cùng với một số sáng tạo kịp thời khác để biến nơi làm việc hiện đại trở thành ác mộng: điện thoại di động với nhạc chuông mới lạ, kẹo cao su, máy in và máy photocopy, khoai tây chiên được chế biến cẩn thận để khi nhai rôm rốp sẽ tạo ra âm thanh 70 decibel cho thích tai người ăn.


Vấn đề này thậm chí còn sinh ra một chủ đề bàn luận thu hút trên Reddit mà ở đó mọi người trút cảm xúc của họ về một loạt các âm thanh văn phòng cụ thể đến ngạc nhiên.

Có người trở nên giận dữ khi người phụ nữ ngồi gần họ lắc đá trong cốc nhựa tái sử dụng, trong khi người khác nói rằng họ có thể biết được chính xác đồng nghiệp họ đang ăn gì - như rau xà lách - chỉ dựa vào âm thanh nhai chóp chép.

Kết luận là gì? Họ nghe thấy hết.

Theo một khảo sát vào năm 2015 do Avanta Serviced Office Group thực hiện về những tiếng ồn văn phòng khó chịu nhất, các cuộc nói chuyện được đánh giá là khó chịu nhất, tiếp đến là ho, hắt hơi và sụt sịt, nói chuyện lớn qua điện thoại, điện thoại reo và huýt sáo.

Tại sao chúng ta thấy khó mà chấp nhận sống cùng những tiếng ồn hàng ngày này? Điều gì của chúng làm cho chúng trú ngụ trong não của chúng ta và khiến não không thể suy nghĩ được?

Tiếng ồn ảnh hưởng tới mỗi người theo mức độ khác nhau

Trước hết, có sự khác nhau rất lớn trong những gì mà mỗi chúng ta có thể chịu đựng được.

Với những ai chịu được thì họ thậm chí có thể chủ động tận hưởng không khí của một văn phòng ồn ào. Thật kỳ lạ, video Hai giờ Tiếng ồn nơi Công sở mà nội dung đúng như tựa đề đã nói, tức là hai giờ toàn tiếng ồn văn phòng đích thực - hiện có khoảng 1.864.570 lượt xem trên YouTube.

Làm việc trong khi nghe nhạc cũng cực kỳ phổ biến; một nghiên cứu hồi năm 2011 với gần 300 nhân viên văn phòng ở Anh cho thấy là trung bình họ dành gần một phần ba tuần làm việc để nghe nhiều thể loại nhạc khác nhau.

Một số người nói họ nghĩ rằng nghe nhạc giúp họ tập trung. Những người khác thì vì lý do ngược lại - rằng nó đem đến một sự thư giãn mà họ muốn trong khi làm việc. Một số công ty thậm chí còn bất chấp hết các sở thích cá nhân và phát nhạc ở khắp cơ quan trong nỗ lực cải thiện năng suất của nhân viên.

Ở phía ngược lại là những người có ác cảm cực độ với tiếng ồn, đến mức nó được coi là tình trạng bệnh lý.

Misophonia là một hội chứng rối loạn bí ẩn, mới được công nhận trong đó một số loại âm thanh hàng ngày có thể gây ra lo lắng, giận dữ hoặc hoảng loạn tột độ.

Những tiếng ồn thủ phạm đi từ những âm thanh mà tất cả chúng ta đều từng trải qua, chẳng hạn như tiếng huýt sáo của những đồng nghiệp đang hân hoan một cách đáng ghét hoặc tiếng hít hà sau khi uống rượu, cho đến phàn nàn ít hợp lý hơn như khi mọi người nuốt hoặc thở.


Hồi năm 2011, các nhà nghiên cứu từ Đại học University College of London và Đại học London đã quyết định tìm hiểu.

Trước hết, họ yêu cầu 118 nữ sinh trung học hoàn thành một bảng câu hỏi để biết được mỗi người họ hướng ngoại hay hướng nội như thế nào - về cơ bản, liệu họ dễ thành công trong giao tiếp xã hội và đắm chìm trong thế giới bên ngoài, hay họ thấy những điều này rất mệt mỏi.

Tiếp theo, các sinh viên phải chịu một loạt các bài kiểm tra về trí tuệ - và để thêm phần khó khăn, các em được yêu cầu phải làm bài trong khi nghe nhạc, hoặc tiếng la hét trong lớp học. Một nhóm học sinh khác thì được làm bài trong yên tĩnh để so sánh kết quả.

Đúng như suy nghĩ của các nhà nghiên cứu, các học sinh học hành tốt hơn trong môi trường tĩnh lặng. Nhưng họ cũng nhận thấy rằng, nói chung - ngoại trừ một thử nghiệm - các học sinh càng hướng ngoại thì càng ít bị tiếng ồn ảnh hưởng.

Người hướng ngoại dễ thích nghi với tiếng ồn hơn

Mức độ hướng ngoại của một người được cho là khía cạnh quan trọng trong tính cách của họ - một trong những cái được gọi là 'Năm Nhân tố Lớn' quyết định chúng ta là ai bên cạnh những thứ như là chúng ta cởi mở như thế nào với những trải nghiệm mới mẻ.

Theo một giả thuyết nổi bật, người hướng ngoại có mức độ kích thích thấp, vì vậy họ có xu hướng tìm kiếm các tình huống làm tăng độ thức tỉnh của họ - như những môi trường ồn ào.

Trong khi đó, vấn đề của người hướng nội lại ngược lại; như nhà thơ, tiểu thuyết gia nổi tiếng và vốn là người hướng nội Charles Bukowski đã nói: "Mọi người rút cạn người tôi. Tôi phải đi xa để nạp lại cho đầy."

Khi hiểu được điều này, chúng ta sẽ dễ hiểu tại sao những nhân viên hướng nội sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi tiếng ồn xung quanh, vì bất cứ điều gì làm tăng mức độ thức tỉnh của họ, như âm nhạc hoặc tán gẫu của đồng nghiệp, có thể làm họ bị khó chịu.

Ví dụ, một nghiên cứu trên các sinh viên y khoa cho thấy những người sống nội tâm có xu hướng khó tập trung hơn và cảm thấy mệt mỏi hơn khi giải toán trong tiếng ồn giao thông 88 decibel (để hình dung, tiếng ồn đó lớn như tiếng máy cắt cỏ).

Lý do mà một số người trở nên khó chịu bởi những âm thanh đặc trưng kỳ quặc, như tiếng lắc đá hoặc nhai xà lách, thì không rõ ràng như thế.

Nghiên cứu về misophonia có thể đưa ra một số manh mối. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bộ não của những người mắc chứng rối loạn này về cơ bản là khác nhau. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2017 cho thấy 'âm thanh kích hoạt' dẫn đến các phản ứng mạnh hơn bình thường ở các phần của bộ não liên quan đến xử lý cảm xúc và giải thích các tín hiệu cơ thể, chẳng hạn cơn đau.

Trong thực tế, hội chứng misophonia xảy ra phổ biến một cách đáng ngạc nhiên. Một nghiên cứu trên các sinh viên đại học cho thấy có đến một phần năm các sinh viên liên tục bị làm phiền bởi những tiếng ồn nào đó, chẳng hạn như tiếng đằng hắng.

Và nếu âm thanh một đồng nghiệp nhai bánh sừng bò vào buổi sáng khiến bạn muốn hét vào bàn phím thì bạn thuộc về dạng học giả. Nhà tự nhiên học Charles Darwin, nhà văn Anton Chekhov và tiểu thuyết gia Marcel Proust đều được cho là đã bị tình trạng này.

Trong trường hợp Proust, ông thậm chí còn che các bức tường trong phòng làm việc bằng nút chai để cách âm, sau đó ông còn tăng thêm mức phòng bị bằng cách đeo tai nghe. Đó có thể là vì hội chứng này khiến người mắc phải không thể tắt những thông tin cảm quan không liên quan - dưới dạng tiếng nhiễu nền - và điều này có liên quan đến sáng tạo.

Yên tĩnh là tốt nhất

Mặc dù tính cách và cấu trúc não bộ của bạn có thể có tác động, nhưng tiếng ồn ảnh hưởng nhiều tới mức độ bạn cảm thấy bị quấy rầy; hầu hết các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mọi người đều làm tốt hơn các công việc phức tạp trong sự tĩnh lặng hoàn toàn.

Tại sao vậy?

Có hai ý tưởng chính về việc chúng ta bị phân tâm bởi âm thanh trong văn phòng ồn ào.

Thứ nhất là tất cả những tiếng ồn trong môi trường đó có chứa âm thanh tương tự như âm thanh trong đầu bạn.

"Một số công việc đòi hỏi bạn sử dụng 'cơ chế diễn tập bên trong' - tiếng nói bên trong của bạn - để cố gắng ghi nhớ mọi thứ theo trật tự," Nick Perham, nhà tâm lý học tại Đại học Cardiff Metropolitan nói. "Chẳng hạn nếu bạn đang cố nhớ số điện thoại của ai đó, thì có lẽ bạn sẽ lẩm bẩm số điện thoại đó."

Đối với những công việc này, theo lý thuyết, bất kỳ môi trường nào có yếu tố lời nói của con người sẽ làm suy yếu khả năng của bạn tập trung vào suy nghĩ.

Ý tưởng thứ hai - và là ý tưởng mà Perham đã bỏ tiền vào - là có sự mâu thuẫn nhất định giữa cách não chúng ta xử lý những thông tin quan trọng để hoàn thành một số nhiệm vụ nhất định và cách chúng đối phó với tiếng nhiễu nền.

Người ta nghĩ rằng cũng giống thiết bị trợ lý trong nhà của Amazon, Alexa, vốn phải lắng nghe trong nhà suốt 24 giờ một ngày để nhận mệnh lệnh, bộ não của chúng ta không bao giờ có thể đóng lại trước những gì đang diễn ra xung quanh.

Ngay cả khi không chủ tâm để ý thì tai chúng ta lúc nào cũng dỏng lên theo thứ tự của tiếng nhiễu nền - như tiếng ping từ điện thoại di động, tới tiếng ho, rồi tiếng hắt hơi, đến tiếng cười - để đón trước xem liệu những âm thanh đó xuất hiện kèm theo ý nghĩa gì đó không, chẳng hạn như ai đó 'xin chào' rồi sau đó là tên bạn.

Điều này có nghĩa là nếu chúng ta cần tập trung vào các chuỗi thông tin khác, chẳng hạn như một dãy số, thì bất kỳ âm thanh nền nào cũng đặc biệt gây nhiễu, làm ta phân tâm.

Thẩm mỹ và âm nhạc

Để kiểm tra xem mình có đúng không, Perham đã so sánh kết quả làm bài của 36 học sinh trong một bài tập số học đòi hỏi các em phải nhớ một dãy số, trong khi xung quanh các em hoặc là tiếng ồn văn phòng có tiếng nói chuyện, hoặc tiếng ồn văn phòng bình thường hoặc yên lặng. Nếu sự tương đồng giữa tiếng nhiễu nền và tiếng nói bên trong của chúng ta có ý nghĩa quan trọng, thì ta có thể đoán rằng các sinh viên sẽ có kết quả tệ hơn nhiều trong môi trường tiếng ồn văn phòng có âm thanh tiếng người nói.

Vậy nhưng, "Chúng tôi thấy rằng cả hai trường hợp tiếng ồn dẫn đến kết quả kém hơn đáng kể, nhưng không có sự khác biệt thực sự giữa hai mức độ kết quả," Perham nói.

Điều này cho thấy ông đã đúng - không phải tiếng nói trong tiếng nhiễu nền ảnh hưởng đến chúng ta mà chính là có tiếng ồn nói chung, bất kể là tiếng ồn dạng gì. "Thông điệp rút ra thực sự là hầu hết mọi người làm việc tốt nhất khi yên tĩnh, bất kể là họ nghĩ về chuyện gì."

Điều này thậm chí cũng đúng với âm nhạc.

Trong một nghiên cứu khác, Perham nhận thấy rằng việc mọi người không thích nhạc hay không thích loại nhạc họ đang nghe thì không phải là điều quan trọng, bởi tiếng nhạc đó vẫn khiến họ làm việc tệ hơn trong việc nhớ một danh sách theo thứ tự so với khi họ thực hiện trong sự im lặng hoàn toàn.

Buồn cười là khi được hỏi họ nghĩ họ đã làm tốt như thế nào, họ tự tin trả lời là họ làm tốt hơn khi họ thích tiếng nhạc đó. "Nhưng không phải như vậy," ông nói.

Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với cách thức chúng ta làm việc. Nếu tất cả chúng ta thực sự bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn xung quanh, ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng nó giúp chúng ta tập trung, thì xu hướng hiện đại về văn phòng thiết kế mở là sai lầm nghiêm trọng.

Chúng ta có thể khác nhau về sở thích - nhưng cơ chế sinh học của chúng ta là phổ quát.

"Tôi nghĩ điều quan trọng là phải nhận ra rằng không phải ai cũng làm việc tốt như nhau trong môi trường văn phòng thiết kế mở ồn ào," Courtney von Hippel, nhà tâm lý học tại Đại học Queensland, nói.

"Mọi người không còn cánh cửa mà họ có thể đóng và các bức tường kéo cao lên đến trần - không gian làm việc mở khiến người ta mất tập trung hơn nhiều. Rõ ràng có giới hạn trong những gì mà các công ty có thể cung cấp, nhưng các công ty có thể tạo không gian yên tĩnh hơn cho những người làm một số công việc nào đó."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Worklife.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn