Hội chứng sợ nghe, gọi điện thoại

Thứ Hai, 23 Tháng Mười Hai 201911:00 SA(Xem: 4332)
Hội chứng sợ nghe, gọi điện thoại
bbc.com

Hội chứng sợ nghe, gọi điện thoại

Renuka Rayasam BBC Capital

Fear of telephone Bản quyền hình ảnh Getty Images

Tiếng chuông điện thoại reng có làm cho bạn hoảng sợ? Ý nghĩ gọi điện thoại cho ai đó có làm cho bạn đổ mồ hôi lạnh?

Ngày nay chúng ta khó mà tách rời được chiếc điện thoại di động. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn mắc chứng sợ hãi điện thoại thật sự.

Được nhìn nhận như là một phân nhánh của chứng sợ hãi xã hội, những nạn nhân của chứng bệnh sợ điện thoại đến từ nhiều nước và nhiều thế hệ khác nhau.

Những người mắc chứng bệnh này có thể cảm thấy thoải mái khi nói chuyện trong một căn phòng đầy người lạ hay có thể gửi hàng tá tin nhắn mỗi ngày. Tuy nhiên họ lại run sợ khi cần phải nói chuyện điện thoại.

Tác hại

Đối với nhiều người, "sử dụng điện thoại là một dạng giao tiếp đặc biệt phức tạp," bà Jill Isenstadt, phó chủ tịch hướng dẫn tập luyện của Joyable, một công ty chuyên điều trị triệu chứng này qua mạng, nói. "Anh phải suy nghĩ về những việc đang diễn ra và anh phải trả lời sau khi nghe người khác nói."

Công nghệ hiện đại vốn giúp con người có thể giao tiếp với nhau mà không cần mở miệng ra nói chuyện đã khiến chúng ta không nhìn thấy được hội chứng sợ điện thoại.

Do đó, vấn đề này đã trở nên khó nhận thấy hơn và không có dữ liệu cho biết triệu chứng này phổ biến như thế nào và trên tất cả, nỗi sợ nói chuyện qua điện thoại có thể dẫn đến hậu quả thảm hại đối với năng suất lao động và thăng tiến trong sự nghiệp.

"Khách hàng của chúng tôi có những người cho biết sự nghiệp họ cứ giẫm chân tại chỗ bởi vì họ lo sợ việc giao tiếp với người khác," Jill Isenstadt cho biết. "Họ cứ lờ nó đi cho đến khi nó trở nên quá trầm trọng."


Hồi năm 1986 hai ông George Dudley và Shannon Goodson đã viết cuốn "Tâm lý học về sự miễn cưỡng bán hàng qua điện thoại".

Trong cuốn tự truyện của mình vào năm 1929, ông Robert Graves, một nhà văn và nhà thơ của nước Anh, kể rằng ông đã phát sinh nỗi sợ mãnh liệt đối với việc sử dụng điện thoại sau khi bị thương khi đang tham chiến trong Đệ nhất Thế chiến.

Isenstadt đã chứng kiến một số trường hợp mắc chứng bệnh này trong những năm gần đây. Chiếc điện thoại đã gây ra những nỗi sợ hãi cho bệnh nhân của bà vì nhiều nguyên nhân.

Sợ mắc lỗi giao tiếp?

"Đó không chỉ là vì chiếc điện thoại mà còn là vì sự giao tiếp qua điện thoại," bà giải thích. "Đối với một số người thì chiếc điện thoại có thể là một nơi khác mà họ có thể nói điều gì đó khinh suất."

Một trong những bệnh nhân của bà Isenstadt là một người 27 tuổi làm việc trong lĩnh vực bán hàng. Cô lo lắng về việc nói sai, nói lỡ lời hoặc mất nhiều thời gian để hồi đáp. Điều đó khiến cho cô trông ngốc nghếch trong mắt của khách hàng và đồng nghiệp.

Một bệnh nhân khác, một nhân viên tư vấn tài chính 52 tuổi, cũng lo ngại bị người khác đánh giá và bị xem là thiếu thông minh trong các cuộc nói chuyện qua điện thoại. Cho nên bà mặc định chỉ giao tiếp với khách hàng qua thư điện tử để có thời gian trau chuốt câu văn và kiểm tra nội dung trước khi gửi đi.

Jeff Shore, một người huấn luyện nhân viên bán hàng, cho biết nhiều nhân viên bán hàng chuyên nghiệp rất sợ gọi điện thoại xã giao vì họ lo rằng mình đang làm phiền khách hàng tiềm năng.

Với sự phát triển của loại hình tiếp thị từ xa, chiếc điện thoại đã băt đầu trở thành một nỗi phiền toái vốn chen ngang vào những buổi tối gia đình hay những khoảng thời gian riêng tư.

Shore cho biết ông làm việc với những nhân viên kinh doanh luôn lo lắng về việc 'làm phiền người khác'. "Họ nói: 'Tôi không muốn nhận được những cú điện thoại bực mình. Do đó tôi không muốn mình là người gọi điện như thế,'" Shore nói.

Tác động của văn hóa?

Trong một số nền văn hóa thì người dân sợ hãi việc nói chuyện qua điện thoại, ông Michael Landers, giám đốc toàn cầu của công ty Culture Crossing, một công ty chuyên tư vấn các tập thể và cá nhân cách làm việc trong môi trường toàn cầu hóa, cho biết.

"Ở Nhật có một sự miễn cưỡng trong việc nói chuyện với người chưa quen biết - họ không muốn xúc phạm người khác hay bị mất mặt," Landers nói.

Ở Indonesia, nơi mà người dân bình thường gửi khoảng một trăm tin nhắn mỗi ngày, đa phần mọi người đều không thấy thoải mái khi gọi điện thoại, ông cho biết thêm.

Landers giải thích trong các nền văn hóa khác nhau, nỗi sợ điện thoại gắn chặt với nỗi sợ bị từ chối cho dù đó có là lời yêu cầu một buổi hẹn hay nỗ lực chốt một vụ làm ăn.

"Tôi không biết nền văn hóa nào thích bị từ chối cả," ông nói thêm.

Đa phần các nhà trị liệu sử dụng một biện pháp bắt nguồn từ liệu pháp hành vi nhận thức để giúp cho các bệnh nhân vượt qua triệu chứng này.

Isenstadt đã yêu cầu các bệnh nhân kể ra những suy nghĩ lo lắng của họ khi nói chuyện điện thoại và hướng dẫn họ phải làm gì trong những tình huống xấu nhất.

"Chúng tôi giúp cho đầu óc họ nhận thức được rằng "Mọi việc là bình thường và không có gì nguy hiểm cả," bà cho biết. Cuối cùng họ cũng tạo dựng được khả năng gọi những cú điện thoại không ảnh hưởng gì lắm, chẳng hạn như gọi đặt pizza.

Chuẩn bị những gì cần nói

Còn trong tập luyện, Shore yêu cầu các nhân viên bán hàng có kế hoạch cụ thể bắt đầu và kết thúc cuộc hội thoại như thế nào. Ông gợi ý mọi nghĩ suy nghĩ cách làm sao họ có thể tăng thêm giá trị cho người đang nói chuyện với họ qua điện thoại.

"Yếu tố then chốt chính là có động cơ đúng," ông giải thích. Khi một nhân viên bán hàng bắt đều nhận thức được rằng họ đang giúp đỡ các khách hàng tiềm năng như thế nào, những cuộc gọi marketing trở nên dễ dàng hơn.

"Khi bạn nhận ra rằng nỗi sợ lớn nhất của bạn không xảy ra thì nó sẽ làm thay đổi niềm tin của bạn về thế nào là một cú điện thoại." Và nếu như họ không tìm ra cách tạo thêm giá trị cho khách hàng thì họ không nên gọi điện thoại.

Mặc dù hội chứng sợ điện thoại chủ yếu được nghiên cứu trên các nhân viên bán hàng, nhiều người làm việc trong các lĩnh vực từ báo chí, quan hệ công chúng cho đến thư ký, luật sư, nhân viên tư vấn hay bất kỳ ai cần phải giao tiếp qua điện thoại như một phần của công việc của họ đều có thể mắc chứng bệnh này.

Chứng sợ điện thoại còn khiến cho các ứng viên khó được chấp nhận nếu họ hoảng sợ trong khi trả lời phỏng vấn xin việc qua điện thoại.

Đôi khi các nhà quản lý phải học cách tự điều chỉnh cho phù hợp với cách hành xử của nhân viên của họ.

Molly Irani là giám đốc phụ trách giao tế của Tập đoàn Nhà hàng Chai Pani vốn quản lý các nhà hàng ở Asheville, bang North Carolina và Atlanta, bang Georgia. Bà cho biết trong số 180 nhân viên của bà, số người bắt máy khi bà gọi điện chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Irani cho biết giờ đây bà đã quen với việc nhắn tin cho nhân viên mà đa phần trong số họ dưới 35 tuổi.

Bà hiểu nỗi ác cảm của họ đối với điện thoại. Một cú điện thoại có thể đến vào lúc họ chưa chuẩn bị và do đó họ không sẵn sàng để tiếp chuyện.

Điều khác biệt ngày nay là do có nhiều lựa chọn khác ngoài gọi điện nên các nhân viên trẻ tuổi của bà có thể tránh những trường hợp gọi điện gây khó xử.

Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Capital.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn