Sử dụng kem chống nắng có an toàn không

Thứ Ba, 20 Tháng Tám 20191:00 SA(Xem: 4343)
Sử dụng kem chống nắng có an toàn không
bbc.com

Sử dụng kem chống nắng có an toàn không

Jessica Brown BBC Future

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Chúng ta thường có xu hướng phơi nắng lâu hơn khi đã bôi kem chống nắng, đây có thể là một lý do khiến tỷ lệ ung thư da tăng lên

Bôi kem chống nắng là cách cơ bản để bảo vệ làn da khỏi tia cực tím (UV) khi ta tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho rằng có những nguyên liệu sử dụng để sản xuất kem chống nắng cần được cải thiện.


Ung thư hắc tố là một trong những bệnh ung thư nguy hiểm nhất. Dù đây là dạng ung thư da rất hiếm gặp nhưng số ca mắc bệnh đang ngày càng gia tăng trên toàn thế giới.

Kể từ đầu những năm 1990, tỷ lệ ung thư hắc tố ở Anh đã tăng lên trong mọi nhóm tuổi. Tỷ lệ mắc các loại ung thư da khác cũng cao hơn.

Chỉ riêng tại Mỹ, con số các trường hợp ung thư da không phải hắc tố đã tăng khoảng 77% trong hai thập niên qua.

Tiếp xúc với tia cực tím là nguyên nhân chính gây ra các dạng ung thư da thường gặp nhất. Và một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa ung thư, tất nhiên, là sử dụng kem chống nắng.

"Bất kỳ cuộc thảo luận nào về kem chống nắng cũng cần phải được bắt đầu với việc thừa nhận rằng có những bằng chứng thuyết phục cho thấy kem ngăn ngừa được ung thư da," Richard Weller, chuyên gia danh dự chuyên tư vấn về da liễu tại Đại học Edinburgh, nói.

Đây là lý do vì sao mà tuy tỷ lệ ung thư da đang tăng ở một số nước, nhưng lại giảm ở những quốc gia khác - đặc biệt là ở những nước chú trọng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc sử dụng kem chống nắng.

"Tỷ lệ ung thư da đang tăng trong các nhóm người cao tuổi - do da của họ đã bị tổn thương từ hàng chục năm trước, hồi họ còn trẻ, chứ gần đây mọi thứ đã tiên tiến hơn, có kem chống nắng bảo vệ da," Adele Green, khoa học gia cao cấp của nhóm nghiên cứu về ung thư và cộng đồng tại Viện Nghiên cứu Y tế QIMR Berghofer ở Úc, nói. "Các quốc gia có tỷ lệ ung thư da giảm thì đã có những khoản đầu tư mạnh mẽ nhất vào việc nâng cao nhận thức về căn bệnh này, như New Zealand, Đan Mạch, Mỹ và Úc."

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu vẫn bày tỏ quan ngại rằng, mặc dù là vũ khí quan trọng không thể chối cãi trong cuộc chiến chống ung thư da, nhưng công thức làm kem chống nắng có lẽ cần được cải thiện để bao gồm các thành phần nguyên liệu an toàn hơn - và, tệ hại hơn cả là có một số loại kem chống nắng có thể gây hại cho sức khỏe của chúng ta.

Đầu năm nay, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) - cùng với Ủy ban Châu Âu là hai cơ quan quản lý toàn cầu về thành phần kem chống nắng trên toàn thế giới - đã loại bỏ 14 trong số 16 hóa chất có trong kem chống nắng khỏi GRASE (danh mục các chất thường được công nhận là an toàn và hiệu quả).

Vậy rốt cuộc bản chất vấn đề là như thế nào?

Bộ lọc kép

Có hai loại bộ lọc UV được sử dụng cho kem chống nắng. Sử dụng phổ biến nhất là các chất lọc hữu cơ, vốn có khả năng hấp thụ tia cực tím và chuyển đổi chúng thành bức xạ an toàn hơn.

Các chất lọc vô cơ như titan dioxide và oxit kẽm - được thừa nhận rộng rãi là an toàn - thì phản xạ và phân tán tia cực tím ra khỏi da.

Từ lâu nay ta đã biết rằng một số chất lọc hữu cơ thẩm thấu được qua da rồi ngấm vào máu. Điều này tự thân nó không có nghĩa là kem chống nắng là không an toàn, nhưng buộc chúng ta phải quan tâm đến các tác động bất lợi tiềm tàng của chất lọc UV phổ biến nhất trên toàn thế giới: chất oxybenzone.


"Chúng ta chưa biết gì nhiều về tác động của việc tiếp xúc có hệ thống đối với những hoạt chất hoạt động tích nhất" trong kem chống nắng, FDA viết trong bản phúc trình đề cập đến những tác động khi có lượng lớn kem chống nắng được thẩm thấu qua da, ngấm vào cơ thể.

Các nhà khoa học của FDA tập trung nghiên cứu vào bốn thành phần nguyên liệu được sử dụng trong kem chống nắng ngấm được qua da, trong đó có oxybenzone, và kết luận rằng việc hấp thụ kem chống nắng vào cơ thể có lẽ không còn chỉ là mối quan ngại trên lý thuyết. Tuy nhiên, việc thử nghiệm mới chỉ được tiến hành ở quy mô rất rất nhỏ - trên 24 người.

Kết quả thử nghiệm trên chuột

Một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên chuột phát hiện ra rằng một số chất lọc UV hữu cơ, trong đó có oxybenzone, cũng như các thành phần có chứa paraben và phthalate vốn có ngay cả trong các loại kem chống nắng sử dụng bộ lọc UV vô cơ, bị nghi là gây rối loạn nội tiết: các hóa chất ngấm vào cơ thể và ảnh hưởng đến hormone của chúng ta. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu trên con người nào củng cố cho kết quả này.

Laura Vandenberg, phó giáo sư Trường Khoa học Sức khỏe Cộng đồng và Y tế thuộc Đại học Massachusetts Amherst, nói rằng hầu hết các chất gây rối loạn nội tiết đều ảnh hưởng đến thai nhi và bào thai nam.

Cụ thể là việc tiếp xúc nhiều với phthalates được chứng minh là gây rối loạn sự phát triển của bộ phận sinh dục nam. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe sinh sản sau này trong cuộc sống, chẳng hạn như gây giảm số lượng tinh trùng hoặc tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn. Tuy nhiên, tác hại này chỉ xảy ra trong các trường hợp sử dụng liều dùng rất cao.

Những hợp chất này không chỉ có trong kem chống nắng. Phthalate cũng có thể được tìm thấy trong nhiều loại mỹ phẩm khác, trong đó có một số loại xà phòng, dầu gội đầu, sơn móng tay và keo xịt tóc, còn paraben có trong nhiều sản phẩm chăm sóc tóc và đồ mỹ phẩm trang điểm.

Trong khi đó, Vandenberg qua quá trình nghiên cứu của mình nhận thấy rằng oxybenzone có thể ảnh hưởng đến kích thước tuyến vú ở chuột cái. Oxybenzone cũng được phát hiện có trong sữa chuột cái. Điều đó có nghĩa là nó cũng có thể ngấm được vào mô vú, Vandenberg nói, từ đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển, chức năng sinh sản và sức khỏe của chuột cái.

Tuy nhiên, chúng ta cần luôn luôn hết sức thận trọng khi liên hệ các kết quả nghiên cứu trên chuột vào con người, David Leffell, giáo sư da liễu và phẫu thuật tại Trường Y Yale, người không tham gia vào nghiên cứu trên, nói.

Các nhà phê bình khoa học cũng cho biết, nghiên cứu cho thấy tác dụng phụ của chất lọc UV đối với loài gặm nhấm chỉ xuất hiện khi chúng được cho dùng liều dùng cao hơn nhiều so với liều lượng sử dụng ở con người.

Chẳng hạn như hồi năm 2011, một nhóm các nhà nghiên cứu đăng bài trên tạp chí Environmental Health Perspectives đã giải thích về kết quả một nghiên cứu từ năm 2001. Trong nghiên cứu đó, các nhà nghiên cứu quan sát thấy việc cho chuột con ăn oxybenzone khiến tử cung của chúng tăng kích thước lên 23%.

Các nhà nghiên cứu thực hiện việc tìm hiểu hồi 2011 tính toán rằng để đạt đến lượng oxybenzone tích lũy tương đương như đã thí nghiệm trên chuột, một phụ nữ vóc dáng trung bình ở Mỹ sẽ phải bôi kem chống nắng hàng ngày trong khoảng từ 34 đến 277 năm, tùy thuộc vào số lần họ bôi kem chống nắng mỗi ngày.

Ngay cả như vậy thì một số nghiên cứu vẫn cho kết quả rằng các chất lọc UV hữu cơ cũng có thể ảnh hưởng đến con người.

Trong một công trình thực hiện từ năm 2015, các nhà nghiên cứu đã theo dõi trên 500 cặp vợ chồng đang cố gắng thụ thai và phát hiện ra rằng các ông chồng có nồng độ chất lọc UV loại benzophenone cao hơn bình thường thì khả năng bà vợ thụ thai trong mỗi kỳ rụng trứng sẽ thấp hơn 30%.

"Chỉ cần những thay đổi nhỏ về chất lượng tinh dịch đã làm giảm cơ hội thụ thai," tác giả của nghiên cứu Germaine Louis, giáo sư về sức khỏe cộng đồng và toàn cầu tại Đại học George Mason, Virginia, Hoa Kỳ, nói.


Mặc dù đây là một phát hiện quan trọng, nhưng nghiên cứu này vẫn có những hạn chế, Leffell lưu ý, và đó chính là điều mà Louis cũng thừa nhận trong bài báo.

Những hạn chế này đến từ việc mẫu nghiên cứu chỉ là một lần xét nghiệm nước tiểu trong khi nồng độ của các chất lọc UV có thể có nhiều khác biệt do nồng độ của chúng giảm khá nhanh trong cơ thể con người.

Dù rằng việc lo ngại về các tác động lâm sàng của một số chất benzophenone là hợp lý, bất kể nguồn gốc của chúng từ đâu, nhưng Leffell nói thêm rằng nghiên cứu này vẫn không đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào.

Vitamin D

Ngoài mối lo ngại về thành phần của kem chống nắng, người ta còn ngờ rằng chúng ngăn cơ thể con người tạo ra vitamin D, thứ mà chúng ta chủ yếu nhận được từ việc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Dù sao thì tình trạng thiếu vitamin D cũng phổ biến hơn là ta tưởng - liệu có thể nào kem chống nắng chính là nguồn cơn gây ra tình trạng này?

Đây không thể là nguyên nhân chính, Rachel Neale, phó giáo sư tại QIMR Berghofer, nói. "Tình trạng bị cháy nắng thì khác với tiến trình tạo ra vitamin D, và có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy việc bôi kem chống nắng không ảnh hưởng gì mấy tới mức độ vitamin D trong cơ thể," Neale nói.

"Cơ thể chúng ta rất giỏi trong việc tổng hợp vitamin D. Và việc bôi kem chống nắng không hề giống như việc chúng ta bị nhốt vào trong một căn phòng kín bưng. Kem chống nắng che chắn các bức xạ UV có hại từ Mặt Trời song vẫn cho phép một số tia nắng có lợi xuyên qua."

Một hội đồng gồm 13 chuyên gia hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới họp vào năm 2018 để thảo luận về sự cân bằng giữa vitamin D và chức năng chống nắng, và kết luận rằng kem chống nắng khó có khả năng ảnh hưởng đến tình trạng vitamin D của người trưởng thành khỏe mạnh.


Đối với những người quan tâm đến việc cơ thể cần tạo đủ vitamin D, Neale vẫn khuyên nên bôi kem chống nắng mỗi ngày cho những người sống ở những nơi có nắng gắt quanh năm, ví dụ như nước Úc.

Nhưng ở những nơi không có nhiều ánh nắng mặt trời cho lắm, như ở Vương quốc Anh chẳng hạn, thì bà cho rằng chúng ta tương đối dễ dàng có được vitamin D khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, bởi vì việc bôi kem chống nắng chỉ cần thiết khi bạn ở ngoài trời trong một thời gian dài.

Những lo ngại xung quanh việc kem chống nắng ngăn chặn việc sản xuất vitamin D cũng có thể bị cường điệu hóa bởi vì rất ít người sử dụng kem chống nắng đúng cách, theo Weller.

Liều lượng khuyên dùng là 2mg / cm2 cho da người, tương đương khoảng sáu muỗng cà phê, được xác định trên mức độ chống nắng của một sản phẩm (SPF). Hầu hết mọi người chỉ dùng khoảng một phần tư định lượng đó, ông nói.

Nên phơi nắng hay nên bôi kem chống nắng?

Song phơi nắng liệu có thể mang lại lợi ích gì khác ngoài vitamin D không?

Điều quan trọng cần lưu ý là bất kỳ ý kiến nào nhấn mạnh đến tác dụng tích cực tới sức khỏe từ việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thay vì là các nguy cơ, rủi ro, cũng đều là thứ lý thuyết đang gây tranh cãi - và điều đó không thể phủ nhận cảnh báo rằng tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời sẽ là tăng nguy cơ ung thư da, bất kể là chúng ta tiếp xúc theo cách thức thế nào.

Tuy nhiên, một lợi ích có thể có, là bức xạ UV giải phóng oxit nitric - phân tử được cơ thể ta sản xuất ra nhằm làm giãn mạch máu và giảm huyết áp, và điều đó có nghĩa là kem chống nắng quả là có thể cản trở những lợi ích này, theo Weller.

"Bằng chứng ngày càng rõ rệt cho thấy oxit nitric là rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch và có lẽ là nó giúp làm giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch, mà điều này thì quan trọng hơn nhiều so với việc ngăn ngừa ung thư da," ông nói.

Weller lập luận rằng việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch quan trọng hơn việc giảm tỷ lệ ung thư da bởi vì tuy tỷ lệ của cả hai bệnh đang gia tăng trên toàn cầu nhưng số ca tử vong do bệnh tim cao hơn nhiều.

Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong số một trên toàn cầu - 17,9 triệu người chết vì căn bệnh này vào năm 2016, trong khi chỉ có 132.000 ca ung thư da hắc tố và hai đến ba triệu ca ung thư da loại khác được chẩn đoán mỗi năm.

Melanoma - ung thư da hắc tố là loại nguy hiểm hơn so với các loại ung thư da khác, thì có tỷ lệ sống sót khoảng 92%, và các chuyên gia nói rằng tử vong do ung thư da không phải khối u hắc tố là chuyện hiếm khi xảy ra.

Tuy nhiên, Weller thừa nhận rằng lập luận của ông đang gây tranh cãi, và có bằng chứng rất mạnh mẽ cho thấy dùng kem chống nắng rõ ràng là có lợi cho sức khỏe con người.

Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng sự tự tin mà kem chống nắng mang lại cho chúng ta có thể là một lý do khiến tỷ lệ ung thư da đang tăng lên, đặc biệt là ở các thế hệ lớn tuổi. Bôi kem chống nắng thường khiến chúng ta tự tin phơi nắng lâu hơn so với khi chúng ta không bôi, Leffell nói.

"Khi hỏi chuyện các bệnh nhân, có vẻ như họ không có thói quen thường xuyên bôi lại kem chống nắng khi ở ngoài trời, mà đây là điều mà chúng ta cần phải làm. Các hóa chất hoạt động như một bồn lọc đối với năng lượng tia cực tím UV, và bồn lọc này hữu hạn, sẽ cạn kiệt dần dần," ông nói.

Thế giới động vật

Đây không chỉ là vấn đề sức khỏe con người mà các nhà khoa học đang nghiên cứu. Hàng chục công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng các chất lọc UV có nguy cơ gây hại cho sinh vật biển. Nhiều trong số các hóa chất này có thể gây ô nhiễm cho động vật biển có vú, chim biển, cá và san hô.

Tuy cả các chất lọc vô cơ, như titan dioxide, cũng có thể gây tác động, nhưng một trong những thủ phạm độc hại nhất là oxybenzone - lý do khiến cho một số điểm du lịch, như công viên sinh thái Xcaret và Xel-Ha của Mexico, đã ra nội quy theo đó du khách phải đổi sang sử dụng loại kem chống nắng có khả năng phân hủy sinh học cao hơn.

"Các hóa chất như oxybenzone có thể đóng vai trò là chất gây rối loạn nội tiết và gây ra thay đổi giới tính ở cá, làm giảm sự tăng trưởng hoặc giảm sản lượng trứng," Cheryl Woodley, nhà khoa học nghiên cứu tại Cơ quan Khí tượng và Hải dương Quốc gia Hoa Kỳ, nói.

"Ô nhiễm trong môi trường do các hóa chất trong kem chống nắng gây ra có thể làm giảm khả năng phục hồi trước các sự kiện biến đổi khí hậu và thậm chí góp phần gây ra sự suy giảm khả năng sinh sản đối với các sinh vật biển, bao gồm san hô và cá, khiến chúng có thể tuyệt chủng ở từng khu vực chỉ sau vài thế hệ, do gây giảm khả năng thụ thai và sinh sản."

Trong một nghiên cứu được thực hiện với các cộng đồng san hô ở vùng biển Hong Kong, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nồng độ kem chống nắng cao lên khi con người có nhiều hoạt động ở bờ biển. Một số mẫu san hô chứa nồng độ đủ cao để gây biến dạng và tử vong ở san hô chưa trưởng thành.

Vậy, những người quan tâm về sức khỏe của họ, hoặc của hệ sinh thái biển phải làm gì?

Cho đến khi có nghiên cứu đưa ra kết luận dứt khoát về tác hại tiềm tàng của các chất lọc UV khi được hấp thụ vào cơ thể chúng ta, hoặc các lựa chọn thay thế không chứa các thành phần có thể gây hại cho sức khỏe, thì các chuyên gia đều thống nhất rằng chúng ta cần che nắng mỗi khi trực tiếp ra ngoài trời nắng.

Cách lành mạnh nhất để làm như vậy - cho cả bản thân và cho hệ sinh thá tự nhiên - là mặc quần áo, tìm bóng râm và tránh ánh nắng giữa trưa.

Nhưng vào những thời điểm không thể làm vậy, chúng ta nên bảo vệ cơ thể bằng kem chống nắng và nhất thiết phải bôi kem đúng cách.

Đối với những ai lo ngại về tác động tiềm tàng của các chất lọc UV được hấp thụ vào da người hoặc dùng cho thế giới tự nhiên, thì kem chống nắng được làm từ các chất lọc vô cơ có thể là lựa chọn tốt hơn.

Điều này nghe thì đơn giản, nhưng tỷ lệ ung thư da đang gia tăng cho thấy thông điệp này thực sự đã "vào tai này ra tai kia".

Từ chối trách nhiệm

Nội dung bài viết chỉ nhằm cung cấp thông tin chung chung, không thay thế cho cho các tư vấn về chăm sóc sức khỏe từ bác sỹ hay các chuyên gia y tế. BBC không chịu trách nhiệm về các triệu chứng mà độc giả gặp phải do làm theo các thông tin nêu trong bài, cũng không ủng hộ cho các sản phẩm hay dịch vụ nào được nêu, được tư vấn trên các trang mạng. Hãy hỏi ý kiến bác sỹ nếu bạn thấy lo ngại về sức khỏe cá nhân.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn