Đông y: Uống nước lạnh làm tổn hại dương khí

Thứ Ba, 13 Tháng Tám 20195:00 SA(Xem: 5124)
Đông y: Uống nước lạnh làm tổn hại dương khí

Những người bị cảm, sốt hay đau bụng hoặc phụ nữ vào kỳ kinh nguyệt đều được khuyên là nên “uống nhiều nước ấm”. Vậy thì việc uống nước ấm có tác dụng kỳ diệu ra sao đối với việc chăm sóc sức khỏe?

ADVERTISEMENT

Nước có tác dụng hết sức quan trọng trong việc duy trì các chức năng sinh lý của cơ thể như tiêu hóa, nội tiết, trao đổi chất, giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động bình thường. Nước giúp vận chuyển chất dinh dưỡng, thải chất bài tiết từ quá trình trao đổi chất, điều hòa và giữ cân bằng thân nhiệt. Tóm lại, nước là nguồn sống, là cái gốc của sức khỏe, là một nhân tố vô cùng quan trọng.

Uống nước lạnh, uống nước, uống nước đúng cách
(Ảnh: Shutterstock)

Uống nước lạnh làm tổn hại dương khí

Tính chất của nước thiên về âm hàn, nên tăng nhiệt độ của nước để cân bằng tính hàn. Thường xuyên uống nước lạnh hoặc nước đá dễ làm tổn thương dương khí của tỳ vị, khiến dạ dày khó chịu, không khỏe. Có rất nhiều người quen uống một ngụm nước lạnh lớn để giải khát, lâu dần sẽ dễ gây tỳ vị hư hàn, tạo thành thể chất hư hàn, từ đó xuất hiện các triệu chứng như sợ lạnh, tay chân lạnh, lạnh bụng.

Y học hiện đại nghiên cứu cho thấy việc uống nước lạnh có liên quan đến những căn bệnh như hội chứng ruột kích thích, viêm dạ dày ruột. Đặc biệt là khi uống quá nhiều nước lạnh trong một lần, đường ruột đột nhiên bị kích thích quá mạnh, các mao mạch sẽ co lại, co thắt các cơ trơn, dễ gây đau bụng, trướng bụng, tiêu chảy v.v… 

Khi ăn thức ăn hoặc uống nước nên làm nóng ở nhiệt độ phù hợp thì cơ thể mới hấp thụ tốt, uống nước ấm vừa phải vừa có thể tăng nhiệt độ cơ thể, vừa thúc đẩy hoạt tính của enzym tiêu hóa cũng như nhu động ruột, từ đó có lợi cho chức năng hấp thụ của đường ruột. Vì vậy, đối với những người bình thường hoặc người có thể chất hư hàn nên uống nước ấm để bảo vệ sức khỏe.

Uống nước lạnh, uống nước, uống nước đúng cách
Thường xuyên uống nước lạnh hoặc nước đá dễ gây hại cho dương khí tỳ vị, uống nước nóng có lợi ích nhất định đối với cơ thể. (Ảnh: Shutterstock)

Uống nước ấm gia cường dương khí

Đông y cho rằng uống nước ấm có tác dụng làm nóng dương khí trong cơ thể, có lợi có việc hấp thụ của dạ dày và ruột, cũng như giúp sản sinh các chất dinh dưỡng, thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thụ, tuần hoàn máu, trao đổi chất của cơ thể.

Ngoài nước ấm, các loại thức ăn nấu sôi đều giúp tán hàn, đặc biệt phù hợp với những người có thể chất hư hàn và có tác dụng hỗ trợ chữa trị những căn bệnh có tính hàn như cảm lạnh, ví dụ như có thể ăn canh gừng nóng để tán phong hàn. 

Cách chữa cảm phong hàn của Đông y là ăn canh quế chi, ngoài ra cần chú ý ăn cháo nóng để giúp đổ mồ hôi. Nữ giới vào kỳ kinh nguyệt thường cảm thấy lạnh bụng dưới, đau bụng kinh cũng như những ai sợ lạnh cũng có thể ăn canh gừng nóng, uống trà gừng đường đỏ để cảm thấy dễ chịu hơn.

“Uống nước nóng” không có nghĩa là càng nóng càng tốt

Khi uống nước, nước sẽ đi qua khoang miệng, thực quản, sau đó mới đến dạ dày. Niêm mạc miệng và thực quản rất mỏng, chỉ có thể chịu được nhiệt độ trong khoảng 50~60℃.

Do thực quản nhạy cảm với nhiệt độ hơn miệng, khi uống nước nóng hoặc ăn thức ăn nóng, chúng ta thường sợ phỏng miệng nên nhanh chóng nuốt xuống, nên lúc này niêm mạc thực quản rất dễ bị phỏng. Trong quá trình liên tục bị kích thích bởi nhiệt độ cao, niêm mạc thực quản sẽ dễ bị viêm mãn tính.

Đối với người bình thường, uống nước ở nhiệt độ trong khoảng 35~40℃ là thích hợp nhất. Nhiệt độ của dạ dày nằm trong khoảng 37,5~38℃, nhiệt độ của nước gần bằng nhiệt độ trong cơ thể sẽ giúp đường ruột, dạ dày thoải mái hơn. Những người sợ lạnh có thể lựa chọn uống nước nóng hơn một chút, nhưng tốt nhất là không cao hơn 50℃.

Uống nước lạnh, uống nước, uống nước đúng cách
(Ảnh: Shutterstock)

Khi uống thuốc Đông y, đa phần các thầy thuốc cũng đều khuyến nghị nên uống khi còn ấm. Các loại thuốc Đông y có tác dụng tán hàn hoặc các loại thuốc bổ, hoạt huyết hành khí thì thường được khuyên nên uống lúc nóng để thuốc phát huy tác dụng.

Những người thể chất hư hàn hoặc âm dương mất cân bằng nên uống nhiều nước ấm, nhưng những ai thường gặp triệu chứng khô miệng, khô cổ, đỏ mắt, tiểu nóng, nước tiểu vàng, đại tiện khô v.v… thì nên uống nước có nhiệt độ thấp hơn một chút, thường là vào khoảng 25℃. Tuy về mặt lâm sàng cũng có những trường hợp đặc biệt như uống thuốc lúc lạnh hoặc uống thuốc có tính lạnh khi còn nóng, nhưng đối với uống nước thì nên tham khảo quy luật dùng thuốc Đông y thông thường như đã nêu ở trên.

Đồng thời, khi bị bệnh cần kịp thời chữa trị, dùng thuốc đúng bệnh, không có bất cứ cách nào có thể chữa được bách bệnh, tất cả những phương pháp chăm sóc sức khỏe đều tùy theo cơ địa của mỗi người.

Minh Ngọc

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn