Cách mạng tình dục thay đổi theo thời gian

Thứ Tư, 17 Tháng Bảy 20191:00 SA(Xem: 4016)
Cách mạng tình dục thay đổi theo thời gian
bbc.com

'Tại sao chúng ta quan hệ tình dục?'

Brandon Ambrosino BBC Future

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images

Tại sao chúng ta quan hệ tình dục?

Trong nhiều câu trả lời, chúng ta sẽ thấy gồm cả lý do để duy trì nòi giống. Tình dục là hình thức căn bản để sinh con đẻ cái.

Nhưng sẽ thế nào nếu như chúng ta đặt vấn đề sinh sản sang một bên?


Kể từ khi đứa trẻ được thụ tinh trong ống nghiệm ra đời vào năm 1978, tính đến nay, đã có khoảng tám triệu người được sinh ra bằng phương pháp này.

Con số này có thể sẽ tăng lên rất nhiều trong tương lai, khi con người chúng ta tạo ra được các công cụ ngày càng tinh vi, phát hiện được những rủi ro di truyền.

"Dự đoán mạnh mẽ nhất mà tôi có thể đưa ra là trong tương lai mọi người vẫn sẽ làm tình, nhưng đa phần không phải vì mục đích để có con," Henry T Greely, tác giả cuốn Sự Kết thúc của Tình dục và Tương lai của Việc Sinh sản, nói với tôi qua điện thoại.

"Trong vòng từ 20 đến 40 năm nữa, trên thế giới, hầu hết những ai được hưởng chế độ bảo hiểm y tế tốt sẽ chọn thụ thai trong phòng thí nghiệm."

Cuốn sách của Greely tìm hiểu một số thách thức về mặt pháp lý và đạo đức đối với khoa học chẩn đoán di truyền tiền cấy ghép (preimplantation genetic dianosis - PGD).

"Giống như hầu hết các thứ khác, ban đầu sẽ có kha khá những phản ứng tiêu cực, nhưng theo thời gian và với việc những đứa trẻ [ra đời nhờ PGD] không phải là có hai đầu một đuôi," thì công chúng sẽ không chỉ chấp nhận mà còn trở nên ưa thích hình thức sinh con không cần qua công đoạn làm tình.

Và trong thế giới đó - một thế giới nơi trẻ em được tạo ra trong phòng thí nghiệm và việc mang thai nhờ có giao hợp sẽ chỉ được một số ít phụ nữ lựa chọn, nơi mà chuẩn mực đạo đức tình dục không liên quan gì đến khả năng sinh sản - thì quan hệ tình dục sẽ có ý nghĩa gì?

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Về mặt sinh học mà nói, mục tiêu của tình dục có vẻ hiển nhiên: nhằm sinh sản

"Quan hệ tình dục để làm gì?"

Đó là câu hỏi mà David Halperin đặt ra trong một bài viết mang tính khiêu khích cùng tên.

Chúng ta luôn lý giải rằng tình dục phải luôn luôn có một lý do để tồn tại. Lý luận như vậy không nhất thiết là một điều xấu. Rốt cuộc, trở thành con người có nghĩa là tò mò, tò mò cả về trí tuệ và về cảm xúc.


Trải nghiệm tình dục và lý luận về việc nó có nghĩa là gì thật ra là điều rất tự nhiên đối với con người - chúng ta là loài động vật đã dành phần lớn thời gian của mình để bình luận, phân tích mọi thứ.

Về mặt sinh học, có một lý do rõ ràng đối với quan hệ tình dục ở con người. Chúng ta làm tình để thoả mãn các nhu cầu sinh học, trong đó gồm cả nhu cầu sinh sản và gắn kết.

Trên thực tế, đây là hai lý do 'tại sao' mà chúng ta được dạy dỗ theo truyền thống phương Tây.

Đó là quan điểm của những người khắc kỷ, những người cố gắng kiềm chế niềm đam mê cá nhân. Họ cố gắng giải thích tình dục theo hướng đó là hành vi có ý nghĩa gì đó: thoả mãn đam mê tình dục là việc tốt, nếu như là để nhằm sinh con.

Cách hiểu này đã đi vào truyền thống Kitô giáo và tiếp tục có ảnh hưởng to lớn ở phương Tây. Theo khuôn mẫu này, tình dục là hành vi đứng đắn khi nó được thực hiện chủ yếu vì mục đích sinh sản.

(Để làm rõ thì mặc dù điều này được nêu ra như một chuẩn mực đạo đức Kitô giáo, nhưng nó bắt nguồn từ nơi khác. Trong thực tế thì Diễm Ca trong Kinh Thánh ca tụng thứ tình dục cuồng nhiệt, đầy đam mê và nhục dục giữa hai người yêu nhau chứ không phải giữa vợ và chồng như các nhà bình luận Kitô giáo sau này đã diễn giải sai.)

Một giải thích quan trọng khác cho việc tại sao tình dục tồn tại đã được Aristotle đưa ra, như Halperin chỉ ra.

Trong tác phẩm Các Phân Tích Trước, được viết từ Thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, nhà triết học Hy Lạp đưa ra tam đoạn luận sau:

"Vậy nên được yêu là điều được người ta thích hơn là giao hợp, dựa vào bản chất của ham muốn tình dục. Vậy nên ham muốn tình dục là thể hiện sự khát khao tình yêu hơn là giao hợp. Nếu như mọi sự hầu như đều vậy, thì đó cũng là cái kết của ham muốn tình dục. Vậy nên giao hợp không phải là cái kết, cũng không phải là nhằm mục đích để được yêu."

Đối với Aristotle, như Halperin giải thích, thì "Tình yêu là cái đích cuối cùng của ham muốn tình dục. Tình yêu không coi tình dục là cái đích phải đạt được... Tình dục là để hướng tới tình yêu."

Lý do thực sự khiến chúng ta làm tình, theo Aristotle, không phải vì chúng ta muốn làm tình, mà vì chúng ta muốn yêu và được yêu. Tình dục không phải là về một cái gì đó, mà là về một thứ gì đó cao cả hơn, cao quý hơn.

Giống như nhiều người, Aristotle chấp nhận rằng tình dục và tình yêu luôn song hành với nhau - nhưng ông không bao giờ tìm cách chứng minh sự đúng đắn của giả định này.

Tuy nhiên, theo những gì mà ông đã chứng minh, ít nhất là theo cách hiểu của Halperin, thì "tình dục không phải là mục đích cuối cùng của ham muốn tình dục".

Và nếu quả vậy, thì Halperin nghĩ rằng câu hỏi thú vị nhất để hỏi không phải là về mối quan hệ giữa tình dục và tình yêu, mà là mối quan hệ đáng ngạc nhiên giữa tình dục và ham muốn tình dục.

Nếu Aristotle đúng, thì tình dục không có mục đích tình dục - mục đích thực sự của nó nằm ở nơi khác. Nói tóm lại, tình dục không thực sự là bởi vì tình dục.

Tại sao chúng ta lại có quan hệ tình dục? Để sinh sản, chắc chắn rồi. Để gắn bó, tốt. Nhưng đó chỉ là hai trong số nhiều câu trả lời khả dĩ.

Giống như nhiều hiện tượng văn hóa, vấn đề quan hệ tình dục vượt ra ngoài phạm vi lý do tại sao.

Hãy nghĩ về thực phẩm. Từ quan điểm sinh tồn, chúng ta ăn và chúng ta ăn cùng nhau điều hợp lý - rốt cuộc thì tổ tiên của chúng ta có lợi hơn khi họ gộp chung tài nguyên mỗi người có được lại với nhau.

Nhưng khi chúng ta chuyển từ những thứ đó sang văn hóa ẩm thực đương đại - bánh mì kẹp thịt có rắc vàng, các tài khoản Instagram chuyên về món ăn, mạng lưới nấu ăn, giờ hạnh phúc với đồng nghiệp, sau bữa ăn tối ở nhà thờ - thì ngày càng khó để xác định rõ mục đích chính xác trong mối quan hệ của chúng ta đối với thực phẩm.

Sự khác biệt giữa chúng ta và nhiều loài động vật khác là chúng ta thường thấy vui khi làm những việc không đâu. Chúng ta làm các việc đó bởi chúng ta thấy thích thú, bởi vì việc tham gia vào các hoạt động như vậy khiến chúng ta cảm thấy vui - thứ niềm vui khiến chúng ta phân tâm khỏi bất kỳ câu hỏi tại sao nào.

Halperin viết rằng đó có thể là "hành vi tình dục chỉ có ý nghĩa khi nó không có ý nghĩa gì cả".

Có lẽ đã đến lúc phải thừa nhận rằng khoái cảm tận hưởng là lý do chính khiến hầu hết chúng ta - kể cả những người đoan trang nhất - làm tình.

Công bằng mà nói, thường có một ý tứ nào đó khiến cho chúng ta quan hệ tình dục, nếu không thì chúng ta sẽ bỏ sang làm việc khác.

Nhưng vài thập kỷ qua là thời gian chúng ta thách thức những ý tưởng theo đó cho rằng tình dục chỉ nên diễn ra vì những mục đích cụ thể.

Thuốc tránh thai

Viên thuốc tránh thai là một cuộc cách mạng trên mặt trận này, khiến một số người cảm thấy khiếp sợ.

Trong một bài viết đăng trên Readers Digest hồi 1968, tác giả Pearl Buck nói rằng, "Mọi người đều biết thuốc tránh thai là gì. Nó là một vật nhỏ - nhưng có khả năng gây tác động lên xã hội chúng ta còn khủng khiếp hơn cả bom hạt nhân."

Giống như nhiều ý tưởng tốt mang tính bảo thủ, lập luận của Buck dường như được một kẻ cuồng loạn thông báo rằng việc quan hệ tình dục vô cớ sẽ đánh dấu sự kết thúc của nền văn minh nhân loại.

Đối với những người này, cái gọi là cuộc cách mạng tình dục đồng nghĩa với việc đổ lỗi cho những quan điểm thoáng, hiện đại về những hành vi tình dục.

Thay đổi nhận thức

Trong khi cuộc cách mạng tình dục thường được sử dụng như một ông ba bị để chấm dứt thay vì đóng góp cho các cuộc trò chuyện quan trọng, thì những thay đổi nhanh chóng trong nhận thức của công chúng về tình dục bắt đầu từ thời thập niên 1960 đã được các nhà nghiên cứu lưu ý.

Trong một bài nghiên cứu năm 2015, Jean M Twenge, giáo sư tâm lý học tại Đại học Bang San Diego, đã xem xét thái độ của người Mỹ đối với tình dục từ thời thập niên 1970 cho đến thập niên 2010. Kết luận của bà là: "Từ thời thập niên 1970 đến những năm 2010, người Mỹ ngày càng dễ dàng hơn trong việc chấp nhận quan hệ tình dục ngoài hôn nhân."

Phù hợp với nghiên cứu trước đây tìm hiểu về những suy giảm trong khuynh hướng tôn giáo và những gia tăng trong tính cách cá nhân, nhiều người Mỹ tin rằng tình dục không nên bị hạn chế bởi các quy ước xã hội.

Các thế hệ thời nay cũng đang hành động dựa trên niềm tin này. Ở tuổi trưởng thành, họ có số lượng bạn tình nhiều hơn đáng kể và có các mối quan hệ tình dục thoáng qua nhiều hơn so với những người sinh ra vào thời kỳ đầu Thế kỷ 20.

Twenge chỉ ra rằng trong dân số, thái độ vẫn có thể thay đổi vì nhiều lý do (tùy theo tuổi tác, chủng tộc, giới tính, tín ngưỡng, v.v.), nhưng nghiên cứu cho thấy "những thay đổi thế hệ có ý nghĩa trong thái độ và hành vi tình dục đã xảy ra" theo thời gian.

Quan điểm của chúng ta về tình dục đa phần là sản phẩm của việc chúng ta tồn tại ở đâu tại một thời gian, địa điểm cụ thể nào đó. Chuẩn mực đạo đức tình dục của chúng ta không phải là phi thời gian tính: chúng tiến hóa, và chúng sẽ tiếp tục tiến hoá.

Có lẽ nhanh hơn nhiều so với mức độ sẵn sàng tiếp nhận của chúng ta.

Brandon Ambrosino từng viết cho New York Times, Boston Globe, The Atlantic, Politico, Economist, và các ấn phẩm khác. Ông sống ở Delaware.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn