Viêm gan virus B

Thứ Bảy, 08 Tháng Sáu 20197:00 SA(Xem: 3858)
Viêm gan virus B
voatiengviet.com

Viêm gan virus B

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Thính giả Thu Bình hỏi:

“Kính thưa Bác sĩ,

Hôm nay cháu có bị máu của người nhiễm viêm gan B bắn vào tay, không biết là cháu có nguy cơ lây bệnh không ạ.

Cháu có tiêm vacxin phòng viêm gan B được 2 mũi. Mũi thứ 2 tiêm cách đây hơn 2 tháng.

Rất mong nhận được sự giải đáp sớm của Bác sĩ

Cháu xin chân thành cảm ơn.​”

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Viêm gan virus B (hepatitis B virus, HBV) được truyền từ người này qua người khác bằng nhiều cách khác nhau. Nói tổng quát HBV truyền qua đường máu và những chất dịch (body fluids) khác từ người đang bị nhiễm qua người không có miễn nhiễm đối với HBV. Miễn nhiễm này có thể có được

a) qua một lần nhiễm HBV trong quá khứ

b) hoặc do chủng ngừa.

Chi tiết hơn, sau đây là những ngả nhiễm HBV khác nhau:

HBV được tìm thấy ở mức độ có thể truyền qua người khác trong các dịch của cơ thể như tinh dịch, dịch tiết âm đạo, nước bọt và máu. HBV cũng đã được tìm thấy ở nồng độ thấp trong các chất dịch khác, mặc dù các chất lỏng này KHÔNG thấy liên quan đến việc truyền bịnh: nước mắt; nước tiểu; phân; sữa mẹ; dịch não tủy. Viêm gan B không lây lan qua thực phẩm hoặc nước hoặc do tiếp xúc thông thường.

Các hoàn cảnh có thể truyền bịnh:

1) Làm tình với một người nhiễm HBV

2) Dùng kim chích, ống chích (syringe), dụng cụ pha thuốc men chung chạ với người nhiễm HBV. Thường xảy ra với những người dùng xì ke, ma tuý. Tuy nhiên, nếu nhân viên y tế không khử trùng đúng cách các ống chích, dùng lại các kim chích (ví dụ chỉ lấy cồn chùi kim rồi dùng lại), người bịnh cũng có khả năng bị nhiễm trùng.

3) Mẹ nhiễm HBV, trẻ sơ sinh có thể nhiễm HBV do tiếp xúc với máu và chất tiết của người mẹ lúc sinh ra. Đa số trẻ em nhiễm lúc mới sinh sẽ không có đủ sức đề kháng để thanh toán HBV và bịnh sẽ trở thành viêm gan siêu vi B mạn tính (kinh niên, chronic hepatitis B)

Hiện nay đại đa số trường hợp nhiễm viêm gan HBV từ người mẹ qua trẻ sơ sinh đều có thể ngừa được bằng cách chích ngừa cho em bé ngay lúc mới sinh ra ((trong vòng 12 giờ đồng hồ) một mũi chích là kháng thể chống HBV (HBV Immunoglobulin) để thiết lập sức đề kháng chống HBV ngay cho cơ thể em bé (miễn nhiễm thụ động, passive immunization), một mũi thứ hai là vắc xin HBV (HBV vaccine) để kích thích hệ miễn nhiễm của em bé sản xuất ra kháng thể của chính nó (active immunization).

4) Bị kim chích , dao, vật bén cắt (ví dụ bác sĩ chích thuốc cho bịnh nhân, lỡ tay kim chích vấy máu người bịnh bị nhiễm và chích vào tay bác sĩ).

5) Dùng chung dao, vật nhọn với người nhiễm HBV. Đáng nhắc nhở ở đây là một bài báo tôi đọc cách đây không lâu về những người xỏ khuyên tai, mũi, môi, bụng, cũng như bộ phận sinh dục lưu động, ngay ở trước các trường học ở Việt nam. Đây có thể là những ổ HBV lưu động có thể truyền HBV cùng những tác nhân gây bịnh khác như HIV, HCV, herpes trong giới trẻ ngây thơ và khờ khạo ( có thể nghĩ rằng HBV, HIV chỉ lây qua đường sex), nếu không áp dụng phương thức khử trùng thích hợp và biện pháp bảo vệ người cung cấp dịch vụ cũng như khách hàng. Mặc dù xăm mình và xỏ lỗ trên cơ thể không được coi là một phương thức lây truyền đáng kể đối với HBV, nhưng xăm mình và xỏ lỗ trên cơ thể có khả năng truyền nhiễm trùng máu, bao gồm HBV, virus viêm gan C (HCV) và virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), nếu người thực hiện các hình xăm hoặc xỏ lỗ trên cơ thể không sử dụng các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng tốt. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyến nghị rằng các dụng cụ hoặc vật liệu (bao gồm mực), nhằm mục đích thâm nhập vào da nên được sử dụng một lần, sau đó xử lý hoặc làm sạch và khử trùng triệt để giữa các khách hàng. Nhân viên dịch vụ cá nhân thực hiện xăm mình hoặc xỏ lỗ trên cơ thể nên được giáo dục về việc truyền mầm bệnh qua đường máu và những biện pháp phòng ngừa nào là cần thiết để ngăn ngừa lây truyền.

Những người đang cân nhắc việc xăm mình hoặc xỏ một phần cơ thể nên hỏi nhân viên tại cơ sở những quy trình họ sử dụng để ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng máu. Họ cũng có thể gọi cho sở y tế địa phương để tìm hiểu các quy trình khử trùng được yêu cầu bởi luật pháp hoặc pháp lệnh đối với các cơ sở xăm mình và xỏ lỗ trên cơ thể.(theo immunize.org)

Nói chung HBV có thể còn khả năng nhiễm bịnh 7 ngày sau khi ra khỏi cơ thể chúng ta (ví dụ vết máu, vết mủ, chất tiết trong quần lót).

Nói chung thức ăn uống, dùng chén đũa chung, ôm hôn (sơ sài), nắm tay, hắt hơi, ho không gây truyền nhiễm HBV.

6)Khả năng viêm gan B cấp tính sẽ trở thành mãn tính?

Khả năng viêm gan B sẽ phát triển từ nhiễm trùng cấp tính thành nhiễm trùng mạn tính tùy thuộc vào độ tuổi của người mắc bệnh. Một người càng trẻ tuổi khi bị nhiễm vi rút viêm gan B, khả năng bị nhiễm trùng mãn tính càng cao. Khoảng 90% trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh sẽ bị nhiễm trùng mãn tính. Nguy cơ giảm xuống khi một đứa trẻ lớn lên. Khoảng 25% 50% trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 5 tuổi nếu bị nhiễm HBV sẽ bị viêm gan mạn tính B. Ngược lại, khoảng 95% người lớn hồi phục hoàn toàn và không bị nhiễm trùng HBV mãn tính.

7) Nhân viên y tế đã được chủng ngừa viêm gan B và đã phát triển khả năng miễn dịch với virus hầu như không có nguy cơ nhiễm trùng. Đối với một người chưa miễn nhiễm với HBV, nguy cơ từ một vết đâm kim hoặc vết cắt có tiếp xúc với máu bị nhiễm HBV dao động từ 6-30% và tùy thuộc vào tình trạng kháng nguyên HBe (HBeAg) của người mang nguồn bịnh. Trong số người có kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg positive), những người có HBeAg dương tính có nhiều virus trong máu và có nhiều khả năng truyền HBV hơn những người có HBeAg âm tính.

Phơi nhiễm qua màng nhầy (mucosa) hoặc da không nguyên vẹn (bị trầy, loét), có nguy cơ nhiễm HBV.

Tuy nhiên, nếu khi tiếp xúc với máu có HBV da của người bị phơi nhiễm vẫn còn nguyên vẹn, lành lặn, cho đến nay chúng ta chưa thấy có mối nguy nào để lây bịnh HBV.

8) Lịch trình vắc-xin viêm gan B

Tiêm vắc-xin chính bằng Engerix-B (GSK), Recombivax HB (Merck) hoặc Twinrix bao gồm ba liều tiêm bắp (IM) được tiêm theo lịch 0-, 1- và 6 tháng. Hiện nay, thông thường người ta khuyến cáo chích 3 liều vaccin viêm gan B; riêng đối với người chỉ mới chích 2 liều như vị thính giả ở đây, mức che chở đối với HBV cũng đã rất cao, nhất là ở người trẻ tuổi.

Heplisav-B được tiêm bắp theo lịch 2 liều với liều cách nhau 1 tháng (thuốc được FDA chấp thuận dùng cho người 18 tuổi trở lên, vá có chứa chất adjuvant kích thích cơ thể sản xuất kháng thể chống kháng nguyên HBSAg của virus HBV).

Các lịch tiêm chủng thay thế khác cho Engerix-B và Recombivax HB (ví dụ: 0, 1 và 4 tháng hoặc 0, 2 và 4 tháng) đã được chứng minh có khả năng gây sản xuất kháng thể bảo vệ sau mỗi liều và sau loạt chích ngừa tương tự như lịch trình 0-1-6 tháng. Tăng khoảng cách giữa 2 liều đầu tiên ít ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch hoặc nồng độ kháng thể cuối cùng. Liều thứ 3 tạo nên mức độ bảo vệ của huyết thanh tối đa và bảo vệ về lâu dài.

Recombivax HB có thể được dùng theo lịch 2 liều lúc 0 và 4- tháng cho thanh thiếu niên từ 11 đến 15 tuổi sử dụng công thức dành cho người lớn (1.0 mL). Pediarix (ngừa viêm gan B, kết hợp với thuốc ngừa Bạch hầu, ho gà, uốn ván và thuốc ngừa bại liệt /IPV) ở tuổi 2, 4 và 6 tháng; không được sử dụng cho liều lúc mới sinh.

Twinrix kết hợp ngừa HBV và HAV (viêm gan A) cho 18 tuổi trở lên; được chích theo lịch 3 liều (1ml) 0, 1 tháng và 6 tháng; có thể được dùng theo lịch tăng tốc (accelerated dosing) gồm 4 liều: vào 0, 7 và 21-30 ngày, sau cần thêm một liều lúc 12 tháng.

Tiêm vắc-xin viêm gan B cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở người trưởng thành (từ 20 tuổi trở lên) bao gồm Recombivax HB liều cao (40 tuổi) được tiêm theo lịch 0-, 1- và 6 tháng hoặc liều cao (2mL) chích theo lịch trình 0-, 1-, 2- và 6 tháng. Lịch trình Heplisav-B cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo là hai liều 0,5 ml, cách nhau 1 tháng.

Nói chung, chừng 5-10% những người được chích ngừa HBV không sản xuất đủ kháng thể chống HBV ở mức độ che chở và phải chích thuốc ngừa lại.

8) Ngay lập tức sau khi tiếp xúc/phơi nhiễm với máu:

Rửa vết thương bị kim chích và vết cắt bằng xà phòng và nước

Xả nước vào mũi, miệng hoặc da bằng nước thường

Tưới mắt bằng nước sạch, nước muối hoặc nước tưới vô trùng

Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy sử dụng thuốc sát trùng hoặc nặn, bóp vết thương sẽ giảm nguy cơ truyền mầm bệnh qua đường máu. Không nên sử dụng chất ăn da như thuốc tẩy (bleach).(Theo CDC)

Reference:

1)Exposure to blood: What health personnel need to know.

https://www.cdc.gov/hai/pdfs/bbp/exp_to_blood.pdf

2)http://www.ashasexualhealth.org/stdsstis/hepatitis/hepatitis-b/

Chúc bịnh nhân may mắn

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 29 tháng 5 năm 2019

Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn