Thuốc chữa viêm gan C (Hepatitis C)

Thứ Hai, 11 Tháng Ba 20193:00 SA(Xem: 5169)
Thuốc chữa viêm gan C (Hepatitis C)
voatiengviet.com

Thuốc chữa viêm gan C (Hepatitis C)

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Thính giả Lưu Bình hỏi:

Thưa Bác sĩ,

Tôi là Bình 64 tuổi, 1999 bị tai nạn giao thông phải mổ sọ 3 lần. . . Sau đó vài năm tôi hiến máu tình nguyện và phát hiện bị nhiễm HCV, Bác sĩ có thể cho tôi biết tên thuốc đặc trị của nó.

Ở Việt Nam có thuốc này và tôi được biết công ty sản xuất thuốc này chỉ cung cấp cho các bác sĩ nội nhiễm gan mật!

Mong được Bác sĩ giúp đỡ. Chân thành cảm ơn Bác sĩ​.

Cảm ơn Bác sĩ”

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Viêm gan có thể do nhiều nguyên nhân. Nhiễm vi rút là một trong những nguyên nhân thường gặp. Viêm gan C được khám phá sau viêm gan A (1970s) và B (Baruch Bloomberg 1967, HBV vaccine 1969)). Siêu vi gan C chỉ mới được tìm ra vào năm 1989; trước đó người ta chỉ biết viêm gan A và B; nếu không thể nhận diện viêm gan nào đó thì người ta gọi là "viêm gan không phải A hay B" (non A non B hepatitis).Sau đó còn bịnh viêm gan D (delta agent, chỉ đi kèm theo viêm gan B), viêm gan E (1990) và viêm gan G (1995).

Bịnh Viêm gan C do virus viêm gan C gây ra (HCV). HCV là một sợi RNA đơn (single stranded RNA). Trước đây, người bị viêm gan sau khi truyền máu, hết 90% là do HCV gây ra. Gần đây, với khả năng sàng lọc (screening, 1992) máu trước khi truyền cho người nhận. Các biện pháp ngăn chặn HCV chỉ mới được CDC đề ra từ năm 1998. Nhiễm HCV sau khi truyền máu rất hiếm ở Mỹ (chừng 2 triệu bịch máu mới có 1 cas HCV). Tuy nhiên, đại đa số người bị viêm gan C hiện nay là do dùng thuốc ma tuý chích (intravenous drug use), hít cocain qua mũi, xăm mình và ở mức ít hơn, qua đường tính dục vì làm tình mà không dùng biện pháp an toàn để che chở (sexual transmission [by unprotected sex]).

Trong số người bị nhiễm HCV cấp tính, chỉ một số ít có triệu chứng; như buồn nôn, vàng da (jaundice), nước tiểu vàng khè, đau bụng bên phải, phía trên (vùng gan). Triệu chứng kéo dài chừng 2 tuần đến 4 tháng. 86% -50% sẽ tiếp tục trở thành viêm gan C mãn tính (kinh niên)( chronic hepatitis C). Tuỳ theo nhóm người: trẻ em có khả năng dứt HCV chừng 50%; người có triệu chứng có khả năng tự thanh toán HCV (cure) cao hơn người không triệu chứng (asymptomatic cases). Sau 20 năm, 20% bịnh nhân sẽ bị xơ gan, chai gan (liver fibrosis, cirrhosis), nhất là những bịnh nhân phái nam, uống rượu nhiều và mắc bịnh sau 40 tuổi.

Lúc bịnh mới bắt đầu, trong thời kỳ cấp tính, bác sĩ định bịnh HCV bằng cách phát hiện RNA (ribonucleic acid) của HCV trong máu bịnh nhân (có thể phát hiện được vài ngày cho đến vài tuần sau khi bị nhiễm với phương pháp PCR [Polymerase Chain Reaction]), sau đó nếu phát hiện thêm được kháng thể (antibodies) chống HCV, thì xác định bịnh.

Theo hướng dẫn mới nhất của Canada (Canadian Association for the Study of the Liver, 2018) xét nghiệm kháng thể chống HCV là xét nghiệm chẩn đoán được lựa chọn để sàng lọc ban đầu (initial screening). Nếu dương tính, xét nghiệm phản ứng chuỗi HCV RNA polymerase xác nhận là cần thiết để xác nhận nhiễm trùng mãn tính. Ở những người mà siêu vi từng bị thanh toán tự phát (spontaneous clearance) hoặc do điều trị trước đó và những người nghi ngờ nhiễm trùng cấp tính (acute infection), HCV RNA là xét nghiệm sàng lọc được lựa chọn vì xét nghiệm kháng thể kháng HCV vẫn dương tính suốt đời một khi đã nhiễm virus, ngay cả sau khi thanh toán HCV tự phát hoặc do điều trị.

Những nhóm tại Canada sau đây nên screen thử HCV:

1) Những người sinh giữa 1945-1975

2) Các yếu tố cơ nguy:

-Bệnh sử có sử dụng ma túy hiện tại hoặc trong quá khứ (thậm chí một lần)
-Nhận dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc dịch vụ cá nhân ở những nơi thiếu các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng
-Nhận được truyền máu, các sản phẩm máu hoặc cấy ghép nội tạng trước năm 1992 tại Canada
-Trong quá khứ hoặc hiện tại bị giam giữ
-Sinh ra hoặc cư trú tại khu vực có tỷ lệ mắc viêm gan C> 3%, như:

Trung, Đông và Nam Á; Australasia và Châu Đại Dương (Oceania); Đông Âu; Tiểu vùng Châu Phi dưới sa mạc Sahara; Bắc Phi hoặc Trung Đông
-Con của người mẹ bị nhiễm HCV
-Bệnh sử quan hệ tình dục hoặc chia sẻ vật phẩm chăm sóc cá nhân với người bị nhiễm HCV
-Nhiễm HIV, đặc biệt là nam giới có quan hệ tình dục với nam giới
-Điều trị chạy thận nhân tạo mãn tính
-Mức alanine aminotransferase trong máu tăng cao quá mức bình thường

Chữa trị:

Vì một số đáng kể bịnh nhân HCV cấp tính sẽ tự mình khắc phục được bịnh, bác sĩ điều trị chỉ chữa bằng thuốc nếu thấy cần, sau khi quan sát một thời gian (ví dụ 12 tuần), xét tình trạng sức khỏe người bịnh, và xét các yếu tố cơ nguy bịnh trở thành mãn tính.

Trước đây (1991-2014) thuốc chính là interferon hay pegylated interferon (chích) (peginterferon , “Pegintron”) trong nhiều tuần. Interferon kích thích các tế bào phòng thủ sản xuất kháng thể nhiều hơn. Thuốc có thể gây những biến chứng quan trọng (mắt, máu, phổi). Chừng 50% bịnh nhân được chữa khỏi HCV.

Mấy năm gần đây (sau 2014) một số thuốc uống, ( “DAA”=Direct Acting Antivirals) được FDA chấp nhận dùng chữa bịnh viêm gan C, nhưng rất đắt tiền : ví dụ : Sovaldi (sofosbuvir, FDA approved 12-2013, Gilead Sciences; giá 1000 đô la một viên và tốn 84.000 đô la cho 12 tuần), Harvoni (sofosbuvir-ledipasvir); giá 94,500 dollars cho 12 tuần (thuốc ức chế men RNA polymerase cần cho virus sinh tồn, approved for a HCV types 1,4,5,6).

Ở Mỹ giá mà các cơ quan bảo hiểm hay chính phủ Medicare, Medicaid) phải trả cho thuốc có thể thấp rất nhiều hơn giá chính thức này (wholesale acquisition price), tùy theo các thương lượng giữa nhà thuốc và các cơ quan đài thọ cho chi phí. Tuy nhiên giá sản xuất cho nhà thuốc (production cost) lại còn thấp hơn rất nhiều. Để sản xuất những viên thuốc sofosbuvir dùng trong 12 tuần lễ này có thể nhà sản xuất chỉ tốn kém chừng trên dưới 100 đô la Mỹ. Giá gần 100.000 đô la niêm yết cho những viên thuốc này được nhà sản xuất giải thích là họ phải tính vào đó những chi phí về nghiên cứu và phát triển để tìm ra những thứ thuốc như vậy.

Năm 2018 ở Việt Nam tại Hải Phòng có một chương trình khảo cứu trên lâm sàng về chữa trị viêm gan C. Công trình khảo cứu này dùng những thuốc sau đây để chữa bệnh viêm gan C bệnh viêm gan được bảo trợ bởi Viện y tế quốc gia của Pháp và quốc gia về khảo cứu Bệnh HIV và bệnh gan của Pháp.(French National Institute for Health and Medical Research-French National Agency for Research on AIDS and Viral Hepatitis (Inserm-ANRS)

Drug: Sofosbuvir 400 mg and Daclatasvir 60 mg
Drug: Sofosbuvir 400 mg and Daclatasvir 90 mg
Drug: Ribavirin
Drug: Sofosbuvir and Daclatasvir for 24 weeks

(https://clinicaltrials.gov/ct2/show/NCT03537196)

Nói chung sau khi nhiễm virus gan C, trong sáu tháng đầu, chừng 25 % (10-50%) bệnh nhân có khả năng tự hồi phục. Sau đó điều trị bệnh viêm gan C do các bác sĩ chuyên môn về bệnh nhiễm hay bệnh gan phụ trách. Những cơ quan hướng dẫn chuyên môn về bịnh gan ( như European Association for the Study of the Liver, the American Association for the Study of Liver Disease and Infectious Disease Society of America, Canadian Association for the Study of the Liver) đã phát triển những phác đồ điều trị khá phức tạp tùy theo hoàn cảnh y tế và dân số của mỗi vùng để các bác sĩ chuyên môn áp dụng cho những tình huống khác nhau về đặc điểm di truyền của Virus (genotype of HCV), về các biến chứng đã xảy ra như xơ gan (fibrosis, cirrhosis ), cơ năng gan của người bệnh. Nói chung thuốc được dùng trong vòng 3-6 tháng và kết quả khả quan.

Theo WHO, Việt Nam đang phát triển một chương trình chữa bệnh viêm gan C. Chưa thể tìm thấy là phác đồ điều trị sẽ áp dụng ở Việt Nam như thế nào và không thể trả lời câu hỏi của vị thính giả hỏi về tên thuốc chữa trị viêm gan C mà có thể vị thính giả đã được đề nghị dùng chữa bệnh. Nói cách khác hiện nay có rất nhiều thứ thuốc khác nhau dùng trong việc chữa bệnh viêm gan C đòi hỏi kỹ năng của người điều trị điều trị và cũng đòi hỏi một nguồn tài chánh rất cao vì những thuốc này rất đắt tiền. Tốt hơn hết bệnh nhân nên hỏi các bác sĩ chuyên môn về bệnh gan C và có khả năng cung cấp cho mình những thuốc cần thiết, có thể là được tài trợ bởi chính phủ Việt Nam, bởi các cơ quan bảo hiểm y tế hay là các cơ quan y tế quốc tế ví dụ như WHO.

References; 1)The management of chronic hepatitis C: 2018 guideline update from the Canadian Association for the Study of the Liver
http://www.cmaj.ca/content/190/22/E677

2) Cost and Access to Direct-Acting Antiviral Agents

https://www.hepatitisc.uw.edu/pdf/evaluation-treatment/cost-access-medications/core-concept/all

3) A Brief History of Hepatitis

http://www.cevhap.org/index.php/en/about-viral-hepatitis/a-brief-history-of-hepatitis

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 27 tháng 2, 2019

Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn