Cách chữa chứng mất ngủ đơn giản hơn chúng ta tưởng rất nhiều

Thứ Ba, 12 Tháng Hai 20199:00 CH(Xem: 5606)
Cách chữa chứng mất ngủ đơn giản hơn chúng ta tưởng rất nhiều

Theo Newsweek, trong cuộc sống, dù nhiều lúc chúng ta cảm thấy vô cùng mệt mỏi, nhưng không phải lúc nào giấc ngủ cũng đến một cách dễ dàng.

Vào năm 2016, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch (Centers for Disease Control and Prevention) đã khảo sát và đưa ra thống kê có đến 1/3 dân số Mỹ bị thiếu ngủ. Điều này có thể dẫn đến một loạt các vấn đề về sức khỏe, bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người Mỹ đang sống dựa vào thuốc ngủ để cho họ một sự nghỉ ngơi trọn vẹn.

Trường cao đẳng Y Khoa Mỹ đã khuyến cáo người dân nên hạn chế việc sử dụng thuốc kê theo đơn cho việc chữa trị chứng mất ngủ nếu có thể, và bây giờ chúng ta đã có tia hy vọng cho một giấc ngủ ngon mà không cần phải sử dụng đến thuốc. Theo một nghiên cứu mới, có thể cách tốt nhất để có một đêm yên giấc đơn giản là cảm giác chắc chắn với mục đích sống của mình.

Một nghiên cứu do trường Y khoa Feinberg thuộc Đại học Northwestern tiến hành đã phát hiện ra rằng, những người cảm thấy cuộc sống của mình có mục đích sẽ có chất lượng giấc ngủ tốt hơn những người khác. Họ cũng có tỉ lệ gián đoạn hô hấp khi ngủ ít hơn 63% và 52% trong số họ ít bị hội chứng chân không yên (Restless Legs Syndrome - RLS), là hội chứng liên quan đến thần kinh, biểu hiện là cảm giác khó chịu chủ yếu ở hai chi dưới, khiến người bệnh phải cử động chân để giúp giảm cảm giác khó chịu.

mat-ngu-1
Có thể cách tốt nhất để có một đêm yên giấc đơn giản là cảm giác chắc chắn với mục đích sống của mình.

Mục đích của cuộc nghiên cứu, được đăng trên tạp chí Sleep Science and Practice, là để kiểm tra mối quan hệ giữa mục đích của cuộc sống, chất lượng giấc ngủ và sự xuất hiện của chứng rối loạn giấc ngủ của nhóm người cao tuổi, vốn là những người có nhiều khả năng mắc các vấn đề về giấc ngủ hơn.

Tiến sĩ Jason Ong, một trong những tác giả của nghiên cứu và là phó giáo sư về thần kinh học của trường Y khoa Feinberg cho biết: "Giúp mọi người có được mục đích sống có thể là một chiến lược hiệu quả để cải thiện chất lượng giấc ngủ mà không cần đến thuốc, đặc biệt đối với những người đang phải đối mặt với chứng mất ngủ kinh niên. Mục đích trong cuộc sống là một thứ có thể "gieo trồng" và phát triển được thông qua các liệu pháp khác nhau".

Để tiến hành nghiên cứu, nhóm nghiên cứu của Trường Feinberg đã mời 825 người trong độ tuổi từ 60 đến 100. Những người tham gia đã được khảo sát về mục đích trong cuộc sống và giấc ngủ của họ. Độ tuổi trung bình của những người tham gia là khá cao – 79 tuổi, do càng cao tuổi người ta càng gặp nhiều các vấn đề về giấc ngủ (gần 40% người cao tuổi bị mắc chứng rối loạn giấc ngủ). Các vấn đề về giấc ngủ cũng phổ biến hơn ở người Mỹ gốc Phi, khi họ chiếm hơn một nửa lượng người tham gia. Không có người tham gia nghiên cứu nào bị chứng mất trí nhớ.

Thông qua việc thiết lập mối liên hệ giữa mục đích sống và chất lượng giấc ngủ, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng ý tưởng về mục đích sống có thể được áp dụng trong môi trường y khoa và họ đề nghị nên có những nghiên cứu sâu hơn về mối quan hệ giữa tâm lý tích cực và chất lượng giấc ngủ.

Nếu điều này được nghiên cứu nhiều hơn,hiệu quả của các phương pháp điều trị như liệu pháp nhận thức cũng cao hơn, và chúng có thể được sử dụng để điều trị các vấn đề như chứng gián đoạn khi ngủ và hội chứng chân không yên, đồng nghĩa với việc sẽ có ít người phải dựa vào thuốc theo đơn để có được một giấc ngủ yên bình hơn.

Ý kiến bạn đọc
Thứ Tư, 13 Tháng Hai 20197:43 SA
Khách
Bài nghiên cứu hay, nhưng rất huề vốn vì không đưa ra một phương thức chữa trị thuc tế hợp lý.
Đơn giản để có thể có được giấc ngủ tốt cho người bình thường, thì cần hai yếu tố quan trọng
1- Tình thần thoải mái thanh thản
2- Thể lý thư dãn loại bỏ đau nhức cơ thể
Để tình thần thoải mái thanh thản, cần nghĩ tới những điều tốt đẹp của cuộc đời và mỗi ngày cố thực hiện một việc tốt, để tối nằm ngủ mình thấy hãnh diện như có niềm vui đáng sống thêm một ngày mới, giúp mình bình an đi vào giấc ngủ.
Nếu mình có điều bất an, hay làm phiền người khác thì trước khi đi ngủ hãy xin lỗi họ (trực diện hay qua điện thoại, message, text) nếu là người thân trong nhà mà không tiện đối mặt hãy viết "lá bùa" : "... Xin lỗi và hối tiếc làm buồn (....), xin tha thứ cho (....), và chúc (...) ngủ ngon " dán trên cửa phòng người ấy, rồi bình an về phòng ngủ . Có thể sáng mai mình cũng nhận được note hay nụ cười của người mình xin lỗi đêm qua.
Thể lý là tập hít thở thật dài theo phương cách: hít mạnh vào đầy phổi (đếm nhẩm 1,2,3,4,5,) giữ không khí trong phổi (đếm nhẩm 1 cho tới 15 hay 30 ) để phổi có thời giờ hấp thụ Oxy làm tươi máu. Sau đó thổi phù phù ra cho hết khí độc (đếm nhẩm từ 1 tới 10) lập đi lập lại 3 tới 7 lần thì sẽ ngủ quên luôn.
Trường hợp nhức chân khó ngủ. Trước khi ngủ thì hãy ngồi co đầu gối trên giường, dùng hai ngón cái, hay hai ngón trỏ (hoặc chụm các ngón tay lai) vuốt thẳng từ mu bàn chân, vòng dưới 2 mắt cá chân ngược lên hai bên sống xương ống chân liền tục vuốt lên tới hai bên hõm xương đầu gối. Làm vài lần cho mỗi bên chân, sau đó thoa chút dầu nóng giữa lỗ trũng lòng bàn chân mỗi bên, xỏ dớ giữ ấm bàn chân. Xoa nhẹ hai bên thái dương, kéo dọc theo khớp xương hàm ra phía trước, rồi làm lại từ thái dương vòng sau tai kéo xuống tới gáy làm 2 tới 3 lần. Kết thúc nằm ngửa và thở hơi như trên cho tới khi ngủ quên.
Chúc những ai đọc comment này hết đau nhức chân và đầu gối, ngủ ngon. God Bless you!
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn