Nam giới làm sao để vượt qua ‘khủng hoảng tuổi trung niên’?

Thứ Sáu, 16 Tháng Mười Một 20188:00 CH(Xem: 5411)
Nam giới làm sao để vượt qua ‘khủng hoảng tuổi trung niên’?

NoiChuyen
“Khủng hoảng tuổi trung niên” là việc nam giới bận rộn vì công việc khi còn trẻ, đến 40 tuổi nhìn lại công việc và đời sống hôn nhân, đột nhiên cảm thấy nghi ngờ cuộc sống sau này, như thể mất đi phương hướng trong cuộc sống.

Có người vì ghét tình trạng hiện tại, bị vướng vào cảm xúc “không thay đổi” không được, muốn tìm kiếm sự kích thích mới để hóa giải cảm giác khủng hoảng này. Nhưng những quyết định đưa ra trong tình trạng bất ổn này liệu có thỏa đáng hay không? Nếu nhất định phải thay đổi thì nên làm sao mới có thể thuận lợi?

Thật ra cụm từ “khủng hoảng tuổi trung niên” xuất hiện ở thời cận đại, sớm nhất là được chuyên gia tâm lý học Elliott Jaques ở Canada nhắc đến vào năm 1957, khi đó cụm từ này hoàn toàn không được xem trọng. Nhưng vào năm 1965, sau khi bài báo cáo nghiên cứu của ông về “cái chết và khủng hoảng tuổi trung niên” được đăng tải thì vấn đề này lại bất ngờ được mọi người chú ý và “khủng hoảng tuổi trung niên” trở thành văn hóa thịnh hành. Khi đó các giám đốc nam thuộc giai cấp trung lưu ở độ tuổi 40 thường có tâm lý đề phòng khi cuộc đời đã chạm đến đỉnh cao, tương lai sẽ khó tránh khỏi phải đối mặt với việc dần dần bị trượt dốc hoặc bị loại bỏ.

Thế nhưng, liệu “khủng hoảng tuổi trung niên” có thật sự tồn tại hay không?

Vào năm 1995, cuộc nghiên cứu có tên MIDUS về “khủng hoảng tuổi trung niên” ở Mỹ đã nhận thấy đa số người Mỹ không có nguy cơ tuổi trung niên, mà ngược lại nam giới ở tuổi 40 đang ở đỉnh cao của sức khỏe, bận rộn với cuộc sống xã hội và sự nghiệp, họ khá mãn nguyện với cuộc đời mình. Chỉ có khoảng 20% nam giới trải nghiệm “khủng hoảng tuổi trung niên”, trong số những người này, có phân nửa họ dễ có cảm giác nguy cơ hoặc có khuynh hướng thần kinh, trong đời họ thường có ý thức về những nguy cơ chứ không chỉ ở tuổi trung niên, nửa số còn lại có cảm giác nguy cơ do vấn đề sức khỏe, thất nghiệp hoặc ly hôn…

Đương nhiên là cùng với sự thay đổi của thời đại, ví dụ như từ năm 1960 trở đi, xã hội phương Tây bắt đầu gặp phải các cuộc vận động xã hội, từ khủng hoảng kinh tế cho đến giai đoạn kinh tế phát triển, lại thêm tuổi thọ của con người tăng lên cũng có thể ảnh hưởng đến thái độ của nam giới tuổi trung niên đối với cuộc đời.

Nên nhìn nhận thế nào về “khủng hoảng tuổi trung niên”?

Dù những năm trở lại đây, “khủng hoảng tuổi trung niên” vẫn được mọi người bàn luận và quan tâm, các chuyên gia tâm lý đến nay vẫn chưa thể tìm được chứng cứ cho vấn đề này. Họ cho rằng có thể “khủng hoảng tuổi trung niên” có liên quan kết cấu trúc và quan niệm văn hóa, nghĩa là trong nền văn hóa nào đó sẽ xuất hiện “khủng hoảng tuổi trung niên”, còn ở nền văn hóa khác thì lại không xuất hiện. Ví dụ như, trong quyển “Coming of Age in Samoa”, học giả nhân loại học Margaret Mead người Mỹ từng chỉ ra rằng, độ tuổi thanh thiếu niên ở Samoa chưa hề xuất hiện những vấn đề cảm xúc giống như các thanh thiếu niên ở Mỹ.

Làm sao để đối phó với vấn đề này?

Nếu như trong đời bạn thật sự xuất hiện hiện tượng “khủng hoảng tuổi trung niên” này, vậy thì phải đối phó ra sao?

Khổng Tử thuật lại cuộc đời mình trong quyển “Luận Ngữ – Vi chính sách nhị”: “Mười lăm tuổi ta nỗ lực học tập, ba mươi tuổi đã có thể tự lập, bốn mươi tuổi không còn bị mê man bởi những thứ bên ngoài, năm mươi tuổi đã hiểu được mệnh trời, sáu mươi tuổi có thể tiếp thu và đối diện một cách đúng đắn với nhiều ý kiến khác nhau, bảy mươi tuổi đã có được những gì mình muốn mà không quá mức.”

Theo tiêu chuẩn của Khổng Tử thì năm 40 tuổi là có thể hiểu được bản thân muốn sống ra sao, sẽ không bị mê hoặc bởi những thứ bên ngoài kia nữa. Nếu muốn “thay đổi” thì nên tìm kiếm từ trong thâm tâm mình, tìm hiểu lại bản thân để tìm được sức mạnh khiến tâm hồn mình được bình yên và vui vẻ, có vậy khi đến tuổi 50 ta mới đạt đến cảnh giới “biết mệnh trời”.

Khi đã có được thái độ đối diện đúng đắn với cuộc sống, chúng ta cần phải cố gắng thực hiện. Mỗi cá nhân đều có thể đặt ra mục tiêu hành động dựa theo tình trạng cá nhân, nếu bạn vẫn không biết nên bắt đầu từ đâu thì hãy thử các cách dưới đây:

1. Vận động

Hãy tập cho mình thói quen vận động đến đổ mồ hôi mỗi ngày, tập thể dục hoặc chạy bộ ở gần nhà ít nhất 20 phút mỗi ngày.

2. Cười nhiều

Để hiểu được những người, việc, vật mà mình gặp trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta phải thường xuyên dễ dàng mỉm cười.

3. Yên lặng thiền định

Nghiên cứu mới nhất của đại học Harvard cho thấy, việc ngồi thiền đơn giản có thể làm tăng phần chịu trách nhiệm học tập, trí nhớ và kiểm soát tình cảm, suy nghĩ của não.

Từng có nghiên cứu chứng minh rằng thiền định có thể giảm tình trạng âu lo và mất mát, cải thiện khả năng tập trung, tăng cường ý thức chủ động và sức khỏe. Ngồi tĩnh tâm thiền định giống như một liều thuốc an thần có thể làm bình ổn tư duy con người.

4. Thử những điều mới

Trong đời bạn có một số việc từng muốn nhưng chưa thật sự thử bao giờ, ví dụ như nghỉ phép dài ngày đi du lịch. Ngay bây giờ, hãy tạm dừng tất cả để thực hiện những mong ước này. Đây cũng là một cách rất tốt thể thay đổi hiện trạng. Nhưng tránh đi đến cực đoan, hãy thử những hoạt động hoặc những điều mới trong khả năng kiểm soát của bản thân, điều này có thể giúp bạn nhìn nhận cuộc đời bằng ánh mắt khác.

5. Tự mình học thêm

Hãy quay lại trường học để học thêm những khóa học mà mình muốn hoặc học những thứ mới như nhạc cụ, ngôn ngữ, hội họa, viết lách… nhằm tạo ra cho mình môi trường học tập, từ đó xây dựng giá trị bản thân và thái độ sống tích cực hơn.

6. Học cách biết cảm ơn

Trước khi lên giường đi ngủ, hãy nghĩ về những điều đáng để cảm ơn trong suốt một ngày dài, nếu bạn viết ra sẽ càng tốt hơn, hoặc có thể viết ra những việc xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như ngắm ráng chiều tuyệt đẹp hoặc nghe những bài hát mà mình yêu thích.

Tiến sĩ Robert nghĩ rằng: “Đầu tiên, điều quan trọng nhất là cảm ơn, đây là một cách để chúng ta thay đổi góc nhìn đối với sự việc trong cuộc sống.”

7. Mở rộng tư duy

Dù ở độ tuổi nào, mỗi ngày cũng hãy nhắc nhở bản thân mở rộng thế giới của mình ra. Tiến sĩ Wayne Dyer từng viết: “Hãy thử tưởng tượng có vô vàn khả năng sẽ xảy ra với bạn, đừng cố chấp giữ lấy quan niệm sẵn có của bản thân”.

8. Tránh xa mạng xã hội

Mạng xã hội dễ khiến chúng ta thất vọng, lo âu, ghen tị, không có hy vọng, không có cảm giác giá trị và có thể sẽ xảy ra những vấn đề không ngờ đến.

Sử dụng mạng xã hội một cách không kiểm soát rất lãng phí thời gian, hãy tưởng tượng trong cuộc sống bạn có thể làm được rất nhiều việc trong vài tiếng đồng hồ này vậy mà lại lãng phí vào việc lướt lên lướt xuống màn hình chỉ để xem tin tức cuộc sống của người khác.

Liệu có phải “khủng hoảng tuổi trung niên” xuất hiện tùy từng người, hơn nữa cũng không cứ nhất định sẽ phải gặp trong đời, thời gian nguy cơ dài hay ngắn cũng khác nhau? Khi đối diện với “nguy cơ trung niên” và đang tìm kiếm “sự thay đổi”, bạn hãy cho mình cơ hội để hiểu bản thân nhiều hơn, tự hỏi ý nghĩa của cuộc đời, tìm được cảm giác sứ mệnh của bản thân mình. Làm được điều này, bạn sẽ có thể biến “nguy cơ” thành “cơ hội”, cuộc đời cũng sẽ bước lên một nấc thang mới. Hy vọng rằng những ai đang phải đối diện với “khủng hoảng tuổi trung niên” sẽ tìm lại được cuộc đời trong quá trình “thay đổi”.

Theo epochtimes.com
Ngọc Trúc

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn