Tuổi trung niên: 4 loại “linh kiện” thường trục trặc sớm nhất

Thứ Sáu, 05 Tháng Mười 20184:00 CH(Xem: 6284)
Tuổi trung niên: 4 loại “linh kiện” thường trục trặc sớm nhất

Lão hóa là quá trình tất yếu của cơ thể, khi mọi người đến tuổi trung niên thì hoạt động của bộ máy cơ thể cũng dần xuất hiện nhiều vấn đề, ở đây chỉ xin lưu ý bảo dưỡng bốn loại “linh kiện” thường trục trặc sớm nhất.

tuổi trung niên
Ảnh minh họa từ internet

Tuổi trung niên lão hóa bắt đầu từ đôi mắt

Nhóm người bước vào tuổi trung niên nên sớm ý thức vấn đề lão hóa của cơ thể, có lẽ cần bắt đầu từ mắt. Người từ 45 -50 tuổi khi đọc sách báo thấy chữ không rõ ràng như trước, thường chỉ có thể nhìn thấy rõ ràng hơn khi đưa ra khoảng cách hơi xa, trường hợp thông thường là do mắt bị lão hóa.

Sau 40 tuổi, sức điều tiết của mắt suy giảm, điểm nhìn gần bị tăng khoảng cách lên. Lý do vì sau tuổi trung niên, cơ muller yếu dần, tính đàn hồi của thủy tinh thể cũng giảm dần. Hình thành lão hóa là sự thay đổi sinh lý tự nhiên. Cũng có người cho rằng, nguyên nhân chính là xơ cứng thủy tinh thể, còn cơ muller yếu chỉ là yếu tố phụ. Để điều chỉnh thị giác lão hóa, cần đi kiểm tra để có thể đeo kính phù hợp thị lực.

Tình trạng thủy tinh thể mắt thay đổi thành mờ đục, thường được gọi là hiện tượng đục thủy tinh thể, khi hiện tượng xảy ra ở người cao tuổi mà không thể được giải thích bằng các lý do nào khác được gọi là đục thủy tinh thể do tuổi già. Thủy tinh thể của mắt người sau 45 tuổi thường thay đổi thành hơi vẩn đục. Trong đó có đục thủy tinh thể xảy ra ở trung tâm của thủy tinh thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực. Các nguyên nhân và cơ chế gây đục thủy tinh thể cho đến nay khoa học vẫn chưa xác định rõ ràng, thường được trị bằng cách phẫu thuật.

Sau tuổi trung niên cũng thường có dạng bệnh gây mù mắt là bệnh tăng nhãn áp. Theo thông tin, trong dân số ở độ tuổi trên 40, tỷ lệ mắc bệnh tăng nhãn áp vào khoảng 1% – 2%, số người bị mù vì nguyên nhân này chiếm khoảng 10% trong tất cả số người mù. Có hai loại tăng nhãn áp là nguyên phát và thứ phát. Bệnh tăng nhãn áp nguyên phát là do áp lực trong mắt tăng cao, thị lực giảm đi, tầm nhìn hẹp lại, và cuối cùng dẫn đến mù lòa. Nguyên nhân của bệnh có thể liên quan đến các yếu tố tâm thần. Bệnh tăng nhãn áp thứ phát là do các bệnh về mắt khác gây ra, cũng nên thận trọng.

Ngoài ra, người trung niên còn hay bị thoái hóa đốt sống cổ, thoái hóa đốt sống cổ cũng có thể gây rối loạn thị giác, không nên chủ quan.

Bảo vệ thính giác bắt đầu từ bảo vệ đôi tai

Trong độ tuổi trung niên, loại “linh kiện” thứ hai dễ có vấn đề là tai. Thính lực của con người nhạy cảm nhất ở độ tuổi 20 và giảm dần sau tuổi 40. Đây là một phần của tình trạng lão hóa trên toàn hệ thống cơ thể. Khả năng nghe âm điệu cao suy giảm sớm hơn khả năng nghe âm điệu thấp. Nói chung, thể chất người nào tốt hơn thì  thính giác cũng thường tốt hơn, còn nhìn từ giới tính thì phụ nữ tốt hơn nam giới.

Theo giới chuyên gia khoa tai, cảm giác tai điếc thần kinh (nerve deafness) thường xảy ra nhiều hơn ở tuổi trung niên. Hiện tượng này phổ biến hơn ở những người lạm dụng các loại thuốc như thuốc kháng sinh. Một nguyên nhân khác khiến nhóm người tuổi trung niên điếc tai là chứng xơ cứng tai, theo thông tin, nhà soạn nhạc người Đức nổi tiếng thế giới là Beethoven bị điếc do chứng xơ cứng tai. Nguyên nhân do thay đổi chất xương gần tai giữa, các xương này ngoài chức năng bảo vệ còn có chức năng quan trọng là truyền âm thanh. Các biến đổi này bao gồm hai giai đoạn: xốp xương và xơ cứng. Đặc điểm lâm sàng của triệu chứng này là “điếc tiến bộ”, trong một môi trường tạp âm thì trái lại thính giác được cải thiện.

Dễ suy giảm khứu giác hoặc bị bệnh về mũi

Vào tuổi trung niên, phổ biến nhất là do giảm số lượng các sợi thần kinh khứu giác khiến khứu giác không còn nhạy bén; hệ thống miễn dịch cơ thể suy yếu làm mũi cũng dễ bị viêm; thứ hai, do niêm mạc mũi khô hơn, và huyết áp cao hơn nhiều hoặc bị xơ vữa động mạch gây chảy máu mũi.

Theo thống kê, tỷ lệ giữa nam và nữ bị ung thư vòm họng là 2,2: 1, bệnh nhân tuổi từ 30 – 69 chiếm 88,52%, trong đó chiếm đa số là người bệnh từ 40 – 49 tuổi.

Bảo vệ răng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống

Phần “linh kiện” thứ tư cần lưu ý là răng. Sau khi vào tuổi trung niên, sâu răng, bệnh nha chu và răng bị hao mất đã trở thành một trong những loại bệnh chủ yếu. Khoảng 40 tuổi, nướu răng đã dần dần co lại, các kẽ răng lớn hơn, răng bị mòn nhiều hơn, dễ nhạy cảm với các kích thích như chua, nóng và lạnh. Độ dao động của răng tăng lên, nguồn máu cung cho răng không đủ, răng có thể dễ bị rụng hơn. Do đó, tuổi càng cao thì răng càng ít.

Có khảo sát chỉ ra số lượng răng còn lại bình quân theo độ tuổi là: từ 10 – 19 tuổi là 30 cái, từ 20 – 29 tuổi là 28 cái; từ 30 – 39 tuổi là 27,4 cái; từ 40 – 49 tuổi là 27 cái; từ 50 – 64 tuổi là 26,2 cái; từ 65 – 69 tuổi là 25,6 cái, từ 70 – 79 tuổi là 19,6 cái, từ 80 tuổi trở lên là 5,97 cái. Các vị trí răng khác nhau thì độ kiên cố cũng khác nhau, dễ rụng nhất là răng hàm, răng cửa và răng nanh chắc hơn, răng hàm trên dễ rụng hơn răng hàm dưới. Những chiếc răng còn lại thường rất khó nhai thức ăn, kéo theo vấn đề tiêu hóa bị ảnh hưởng nhiều. Do đó, tăng cường vệ sinh răng miệng và chăm sóc sức khỏe cho răng cũng rất quan trọng trong vấn đề bảo vệ sức khỏe đối với nhóm người tuổi trung niên.

Thanh Xuân

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn