Những điều cần ghi nhớ khi sử dụng kính áp tròng

Thứ Tư, 03 Tháng Mười 20182:00 CH(Xem: 5102)
Những điều cần ghi nhớ khi sử dụng kính áp tròng

kinh-ap-trong-696x464

Thực tế hiện nay, đeo kính áp tròng được khá nhiều người lựa chọn vì lý do thẩm mỹ và tiện dụng. Bên cạnh những ưu điểm đó, kính áp tròng lại làm tăng nguy cơ viêm nhiễm cho mắt, đe dọa thị lực nếu không sử dụng đúng cách.

Cần khám trước khi sử dụng

Tất cả những người có nhu cầu sử dụng kính áp tròng mà không có các chống chỉ định, đảm bảo các nguyên tắc về vệ sinh chăm sóc mắt cần thiết đều có thể sử dụng kính áp tròng. Nhưng các bệnh nhân có tật khúc xạ muốn đeo kính áp tròng cần được bác sĩ khám để đảm bảo không có các bệnh lý viêm nhiễm đang tiến triển tại mắt, không bị khô mắt. Người sử dụng sẽ được khám để tư vấn, chọn đúng loại kính phù hợp với mắt của mình. Ngoài ra, người đeo kính áp tròng cần nắm được hướng dẫn đúng về quy trình tháo lắp, cách giữ vệ sinh mắt, bảo quản kính, thời gian khám và kiểm tra mắt định kỳ, một số triệu chứng khác thường để tự theo dõi.

Không phải ai cũng thích hợp để đeo kính áp tròng, kể cả là kính không số. Chúng có thể gây ra các kích ứng đối với mắt, nhất là đối với những người hay bị viêm nhiễm vùng mắt. Hơn nữa, thao tác đeo kính áp tròng là dùng tay đặt mắt kính vào thẳng con ngươi trong mắt, do đó, rất dễ nhiễm khuẩn nếu tay người thực hiện không được vệ sinh sạch sẽ. Ngoài ra, khi tháo kính ra khỏi mắt cũng cần lưu ý, vì có nguy cơ gây xước bên trong mắt. Biểu hiện hay gặp nhất khi mắt bị kích ứng với kính áp tròng là bị chảy nước mắt, đỏ bên trong mắt và thị lực bị suy giảm. Thực tế, đã có nhiều trường hợp bệnh nhân bị tổn thương mắt do đeo kính áp tròng, trong đó, đa phần bệnh nhân đều là nữ giới. Những trường hợp đó thường là những người tự mua kính áp tròng sử dụng mà không được sự tư vấn của bác sĩ, đeo kính không rõ nguồn gốc và sử dụng không đúng quy trình.

Những nguyên tắc cần nhớ

  • Không đeo kính áp tròng quá hạn sử dụng: Kính áp tròng và dung dịch để vệ sinh kính cũng có hạn sử dụng. Sau thời gian này, kính sẽ mất khả năng tự bảo vệ, tạp chất có thể bám vào kính và dung dịch sẽ bị nhiễm khuẩn. Vì vậy, cần thường xuyên kiểm tra thật kỹ hạn sử dụng trước khi dùng và thay kính sau mỗi 3 – 6 tháng sử dụng.
  • Không dùng khi đang đau mắt: Khi mắt có những dấu hiệu bệnh lý như sưng, đỏ, chảy nước mắt hãy ngưng ngay việc sử dụng kính áp tròng. Ngoài ra nên kiểm tra kỹ kính, vì đây cũng có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh lý về mắt. Đặc biệt nếu kính bị rách, hay trầy xước phải bỏ ngay lập tức. Nếu cố gắng đeo sẽ khiến giác mạc bị tổn thương, có thể gây mù lòa vĩnh viễn.
  • Không dùng lại dung dịch ngâm kính cũ: Mắt là bộ phận vô cùng nhạy cảm, vì thế kính áp tròng cũng phải tuyệt đối sạch. Chúng ta thường có thói quen dùng lại dung dịch ngâm kính cũ. Tuy nhiên đây là một sai lầm, vì một khi lấy kính ra khỏi dung dịch, dung dịch sẽ bị nhiễm khuẩn bởi tay hay dụng cụ lấy kính. Vì thế nếu ngâm lại sẽ làm kính bị nhiễm khuẩn gây kích ứng mắt. Một lưu ý nữa là chỉ nên sử dụng loại dung dịch chuyên dụng để ngâm kính.

Khám mắt
Các bệnh nhân có tật khúc xạ muốn đeo kính áp tròng cần được bác sĩ khám để đảm bảo không có các bệnh lý viêm nhiễm tại mắt.

Lời khuyên thầy thuốc

Khi sử dụng kính áp tròng việc quan trọng nhất là giữ vệ sinh, rửa tay sạch sẽ trước khi lắp và tháo kính. Thay kính định kỳ theo đúng thời gian cho phép sử dụng. Ngoài ra, cũng cần chú ý một số vấn đề sau: trong thời gian đầu sử dụng kính áp tròng, mắt sẽ cảm thấy khó thích ứng nên cần phải có thời gian để mắt làm quen vật thể lạ. Khi đó, giữ lại cặp kính cũ đề phòng khi mắt gặp vấn đề với kính áp tròng là một việc cần thiết. Trước khi đi ngủ hoặc sau 8 – 10 giờ sử dụng kính áp tròng, tháo kính ra và ngâm vào dung dịch bảo quản theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất. Không đeo qua đêm với những loại chỉ đeo ban ngày. Mỗi lần đeo kính lại, hãy nhỏ 1 giọt nước mắt nhân tạo để tránh làm khô giác mạc mắt và bảo vệ biểu mô giác mạc…

Nếu cảm thấy mắt có cảm giác bị xốn, cộm, nóng rát và đỏ, bạn phải lấy kính ra khỏi mắt ngay và đi khám vì có thể mắt bạn không thích ứng được với dung dịch bảo quản kính. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Khi đeo kính áp tròng, nên bỏ kính khi đi ngủ, ngay cả ngủ trưa, không nên đeo khi đi bơi hay tiếp xúc gần với bếp gas, lửa, nguồn hơi nóng… Vì những tác nhân trên sẽ làm tròng kính co lại, gây tổn thương mắt.\

Theo SKĐS

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn