Vì sao người đi học cần ngủ cho đủ giấc

Thứ Sáu, 21 Tháng Chín 20181:06 CH(Xem: 8297)
Vì sao người đi học cần ngủ cho đủ giấc
bbc.com
Christine Ro BBC Future

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Giấc ngủ cũng làm cho não tốt hơn lên trong việc tách lọc được những phần quan trọng nhất của thông tin

Thật khó để đánh giá quá cao những lợi ích của giấc ngủ đêm đối với trí nhớ, và các nhà thần kinh học mới chỉ bắt đầu chớm hiểu tại sao.

Jakke Tamminen biết nhiều sinh viên làm cái điều điển hình kiểu sinh viên là thức suốt đêm trước ngày thi với hy vọng nhồi thật nhiều kiến thức có thể. Nhưng "đó là điều tồi tệ nhất có thể làm", giảng viên tâm lý tại Đại học Royal Holloway của Anh cảnh báo chúng.


Ông là người biết rõ. Tamminen là một chuyên gia về sự ảnh hưởng của giấc ngủ đến trí nhớ, đặc biệt là việc nhớ khi học về ngôn ngữ. Học khi ngủ- một ý tưởng được yêu quý khác của sinh viên, với hy vọng rằng, thí dụ, cho chạy một bài ghi âm học ngôn ngữ trong khi ngủ thì nó sẽ in dấu vết vào trong não theo tiềm thức và thức dậy là chúng nói được tiếng Latin- đó là chuyện hoang đường.

Nhưng chính giấc ngủ là cần thiết cho việc chuyển gắn kiến thức vào não, và nghiên cứu của Tamminen và những người khác sẽ cho chúng ta biết vì sao.

Trong dự án nghiên cứu đang tiến hành của Tamminen, những người tham gia học các từ vựng mới, sau đó thức suốt đêm. Tamminen mang so sánh việc nhớ những từ đó của họ sau vài đêm, và rồi sau một tuần.

Ngay cả sau nhiều đêm phục hồi lại giấc ngủ, người ta thấy có một sự khác biệt đáng kể về độ nhanh chóng mà chúng nhớ lại những từ đó so với nhóm được kiểm soát của những người tham gia mà họ không bị thiếu ngủ.

"Giấc ngủ thực sự là một phần chính yếu của việc học tập," ông nói. "Mặc dù bạn không học khi ngủ, nhưng bộ não của bạn vẫn đang học. Gần như là nó hoạt động thay cho bạn. Bạn sẽ không thể thực sự có được tác động đầy đủ của thời gian dành cho học tập trừ khi bạn ngủ."

Bên trong bộ não người ngủ

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Học sinh không được ngủ đẫy giấc có thể sẽ phải vất vả để nhớ thông tin

Chúng tôi đang đứng trong Phòng 1 của phòng thí nghiệm ngủ của Tamminen, một phòng được trang trí thưa thớt với một giường, một thảm sặc sỡ, và các bướm giấy trong khung. Phía trên giường là một máy điện não đồ nhỏ (EEG) và máy theo dõi để phát hiện hoạt động trong não của từng người tham gia, thông qua các điện cực đặt trên đầu. Những máy này không chỉ đo hoạt động ở các vùng khác nhau của não (vùng trán, thái dương, và đỉnh), tùy thuộc vào vị trí trên đầu, mà còn đo cương tính của cơ (qua điện cực ở cằm) và chuyển động mắt (qua một điện cực bên cạnh mỗi mắt).


Cuối sảnh là phòng điều khiển, nơi các nhà nghiên cứu có thể nhìn thấy theo thời gian thực phần nào của não của từng người tình nguyện viên được kích hoạt, trong bao lâu và ở mức độ nào. Thật dễ dàng để biết khi nào một tình nguyện viên đang trong giai đoạn chuyển động mắt nhanh (REM), dựa trên hoạt động trên đồ thị E1 và E2 (mắt 1 và mắt 2).

Nhưng quan trọng hơn đối với nghiên cứu hiện tại của Tamminen (và với vai trò của giấc ngủ trong việc phát triển ngôn ngữ nói chung) là một giai đoạn không có REM của việc ngủ sâu được gọi là 'giấc ngủ sóng chậm' (SWS). SWS quan trọng trong việc hình thành và lưu giữ trí nhớ, cho dù là từ vựng, ngữ pháp hay kiến thức khác. Sự tương tác của các phần khác nhau của não là vấn đề then chốt ở đây. Trong quá trình SWS, vùng hồi hải mã, giúp việc học nhanh, có liên lạc thường xuyên với lớp vỏ não mới để củng cố việc nhớ dài hạn. Vì vậy, vùng hồi hải mã ban đầu có thể mã hóa một từ mới học được vào đầu ngày hôm đó, nhưng để thực sự củng cố kiến thức đó (phát hiện các khuôn mẫu và tìm các kết nối với các ý tưởng khác cho phép giải quyết vấn đề sáng tạo) thì hệ thống vỏ não mới cần phải tham gia vào.

Bản quyền hình ảnh Christine Ro
Image caption Trong khi một người tham gia thí nghiệm đang ngủ, các nhà nghiên cứu có thể thấy hoạt động ở các vùng khác nhau của bộ não

Đường cao tốc thông tin này giữa vùng hồi hải mã và vỏ não mới có nhiều 'gai ngủ' (đồ thị hình gai)- các hình gai trong hoạt động não kéo dài không quá 3 giây.

"Các 'gai ngủ' bằng cách nào đó được kết hợp với việc kết nối những thông tin mới biết với thông tin đã có," Tamminen nói. Và dữ liệu từ những người tham gia nghiên cứu cho thấy những người có nhiều 'gai ngủ' hơn thì sự củng cố những từ vừa mới học được là nhiều hơn.

Trong khi Tamminen tập trung vào giấc ngủ sóng chậm, thì có một giả thuyết cho rằng giấc ngủ REM cũng đóng một vai trò trong việc phát triển ngôn ngữ, thông qua việc ngủ mơ xảy ra trong phần này của chu kỳ giấc ngủ. Nghiên cứu tại phòng thí nghiệm về giấc ngủ và giấc mơ tại Đại học Ottawa của Canada nhận thấy rằng bộ não của sinh viên đại học ngủ mơ bằng tiếng Pháp về cơ bản có thể tạo ra những kết nối mới với ngôn ngữ mà chúng đang học.

Nói cho cùng, các giấc mơ có ý nghĩa nhiều hơn là việc chỉ đơn giản phát lại những gì xảy ra trong ngày. Nghiên cứu đã gợi ý rằng các vùng não quản lý sự logic (thùy trán) và cảm xúc (vùng hạnh nhân) tương tác khác nhau trong khi mơ, cho phép có những kết nối mới đầy trí tưởng tượng này ở người học ngôn ngữ. Và các sinh viên đang học tích cực ngôn ngữ thứ 2 thì có nhiều giấc ngủ REM hơn. Điều này đã cho chúng có thêm thời gian để tích hợp những gì chúng đã học trong khi chúng ngủ- và có được kết quả tốt hơn vào ban ngày.

Nhịp điệu ban đêm

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Việc ngủ mơ đã được chứng minh là giúp sinh viên kết nối mới với một ngôn ngữ mà chúng đang học

Có một thành phần di truyền cho việc chúng ta có bao nhiêu 'gai ngủ'. Ngoài ra còn có một cơ sở di truyền cho các đồng hồ nội tại trong ta, nó cho ta biết khi nào là thời gian để đi ngủ và thức dậy. Và việc tuân thủ theo những chu kỳ được nối mạch này là cần thiết để đạt được hiệu suất nhận thức cao nhất.


Ít người hiểu chủ đề này hơn Michael W Young, ông là người vào năm 2017 đã được trao đồng giải thưởng Nobel về Sinh lý/Y học cho công trình nghiên cứu về gien đồng hồ cùng với hai nhà đồng nghiên cứu. Young giải thích rằng để cho hoạt động được tối ưu- dù ở trường học, nơi làm việc hay các lĩnh vực khác của cuộc sống- "điều bạn muốn làm là cố gắng tái tạo một môi trường nhịp nhàng".

Đối với một người có lối sống, môi trường, hoặc bị rối loạn giấc ngủ dẫn đến chế độ ngủ chệch choạc, thì "một cách đáp ứng đầu tiên rẻ tiền" có thể là sử dụng màn rèm bưng tối hoàn toàn vào ban đêm hoặc đèn sáng vào ban ngày để làm giả chu kỳ sáng/tối tự nhiên càng nhiều càng tốt.

Giấc ngủ ngày

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Chặn ánh sáng có thể giúp bạn ngủ và hoạt động tốt hơn

Vai trò của nhịp ngày đêm trong học tập của người lớn thì không nghi ngờ gì, nhưng tầm quan trọng của nó có thể đặc biệt rõ rệt ở trẻ nhỏ

Trẻ em có nhiều 'giấc ngủ sóng chậm' hơn so với người lớn- mà nó có thể là một yếu tố giải thích mức độ nhanh chóng khi trẻ em học về ngôn ngữ cũng như các lĩnh vực khác. Phòng thí nghiệm ngủ trẻ em tại Đại học Tuebingen của Đức điều tra vai trò của giấc ngủ trong việc củng cố trí nhớ của trẻ. Việc theo dõi điều gì đã xảy ra trong não của trẻ trong khi ngủ, và lượng thông tin mà chúng giữ lại trước và sau khi ngủ, cho thấy giấc ngủ giúp cho việc truy cập tới kiến thức tiềm ẩn (bộ nhớ thủ tục) và làm cho nó rõ ràng ra (bộ nhớ khai báo).

Người lớn cũng có thể cần đến loại thông tin vừa học được trong ngày. Nhưng như nhà nghiên cứu Katharina Zinke giải thích, "giấc ngủ đang làm điều đó một cách hiệu quả hơn ở trẻ em".

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Khả năng học hỏi rất nhanh của trẻ có thể xuất phát từ việc chúng có nhiều hơn các giấc ngủ sóng chậm

"Tác động này là mạnh hơn khi còn là trẻ nhỏ vì não bộ đang phát triển," Dominique Petit, nữ điều phối viên của Mạng Lưới Giấc Ngủ và Chu Kỳ Ngày Đêm Canada và cũng là người đã khám phá nhịp ngày đêm ở trẻ em, nói. Trong điều kiện thực tế, điều này có nghĩa là "trẻ em cần ngủ ban ngày để nhớ được tất cả mọi thứ mà chúng phải học".

"Ngủ ngắn ban ngày ở trẻ nhỏ đã được chứng minh là thực sự quan trọng đối với sự phát triển từ vựng, khái quát hóa ý nghĩa của từ ngữ và sự trừu tượng trong việc học ngôn ngữ," bà nói. "Tuy nhiên, giấc ngủ vẫn tiếp tục là quan trọng đối với trí nhớ và việc học tập trong suốt đời người."

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Các giấc ngủ ngắn vào ban ngày ở trẻ em là điều then chốt cho khả năng học từ mới, ngoài các kỹ năng khác về ngôn ngữ

Giấc ngủ không chỉ giúp truy cập thông tin này, nó còn thay đổi cách thức mà thông tin này được truy cập. Điều này làm cho bộ não linh hoạt hơn khi tìm lại thông tin (nghĩa là não có thể truy cập thông tin theo nhiều cách). Nhưng giấc ngủ cũng làm cho não tốt hơn lên trong việc tách lọc được những phần quan trọng nhất của thông tin.

"Đây thực sự là một quá trình tích cực của việc tăng cường và thay đổi dấu vết bộ nhớ," Zinke nói. "Trí nhớ được dời chuyển theo cách thức mà thông tin quan trọng nhất (ý chính) được lưu nhớ."

Rõ ràng là, đối với trẻ em cũng như người lớn, giấc ngủ kéo dài không phải là dấu hiệu của sự lười biếng ở một người học ngôn ngữ. Điều này rất quan trọng đối với các kết nối của não và đối với nhịp cơ thể chúng ta.

Vì vậy, sau buổi học ngoại ngữ căng thẳng Duolingo sắp tới, sẽ là tốt nếu bạn đi ngủ. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên vào sáng hôm sau vì bạn thấy mình tiếp thu được rất nhiều.

Bài tiếng Anh trên BBC Future

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn