Thuốc tenofovir và adefovir

Thứ Năm, 13 Tháng Chín 20186:00 CH(Xem: 6338)
Thuốc tenofovir và adefovir
voatiengviet.com
Bác sĩ Hồ Văn Hiền Đăng ký

Thính giả Huynh Cong Thanh hỏi:

“Thưa Bác sĩ,

Tôi năm nay 48 tuổi, bị bệnh viêm gan B mạn tính, đã sử dụng thuốc Adefovir từ năm 2013, đến nay đã được 5 năm rồi, tình trạng sức khỏe tốt lên rất nhiều. Nay Bác sĩ điều trị cho tôi đổi sang thuốc Tenofovir, (chi phí Tenofovir cao hơn gấp đôi so với Adefovir). Kính xin Bác sĩ tư vấn giùm về 2 loại thuốc này.

Xin cảm ơn.”

Bác sĩ Hồ Văn Hiền:

Hôm nay chúng ta bàn đến thuốc tenofovir và adefovir. Thuốc tenofovir (tên thương mại: Viread) được cơ quan quản trị thuốc của Hoa kỳ là FDA chấp thuận (2008) để chữa những trường hợp viêm gan.

Thuốc được dùng để trị bịnh viêm gan B mãn tính cho người trên 12 tuổi (cũng như cho người nhiễm HIV, cho trẻ em bịnh HIV từ 2 tuổi trở lên). Tenofovir thuộc nhóm “NA”= “Nucleotide/ or nucleoside analog reverse-transcriptase inhibitors”, gồm lamivudine, adefovir, tenofovir, entecavir, etc.

Các virus như HBV, HIV chỉ gồm có một bộ gen (DNA hay RNA) và một cái bọc bên ngoài (capsid) tương tự như màng tế bào mà chúng tấn công. Chúng có khả năng vào một số “địa điểm thụ thể” nào đó (specific receptor sites) trên một loại tế bào nào đó, nói một cách khác mỗi virus gây bịnh có “chìa khoá” riêng để vào tế bào đó. Ví dụ virus bịnh liệt kháng HIV thì tấn công các tế bào hệ miễn nhiễm (bạch cầu, tế bào lympho); virus HBV thì có khả năng "mở khoá" đi qua màng tế bào gan. Khi đã mở cửa, virus đẩy bộ gen (genome, DNA hay RNA) của mình vào trong tế bào người bịnh, và giành quyền kiểm soát của bộ gen tế bào người bịnh để phục vụ vào việc sinh sản (tạo nên những nhân bản mới, replication) của virus. Những virus mới sinh sản được tế bào gan đẩy ra ngoài đi nhiễm vào các tế bào khác hoặc tế bào bị phá vỡ và phân tán các virus qua tế bào khác.

Thuốc tenofovir tác dụng bằng cách ngăn chặn một men (enzyme) của siêu vi HBV hay HIV (reverse transcriptase inhibitor of HBV and HIV), không cho virus sinh sản. Men này không hiện diện (tồn tại) trong tế bào gan bình thường.

Các cảnh báo cho người dùng thuốc gồm có:

1) khả năng bị nhiễm acid lactic (lactic acidosis). Mệt mỏi, nhức, đầu, buồn ngủ có thể là dấu hiệu của lactic acidosis.

2) ảnh hưởng cơ năng của thận (nephrotoxicity). Thuốc tenofovir được thải qua các ống gần (proximal tubules) của thận, nên nếu lượng thải ra quá lớn có thể gây tổn thương cho thận. Tác dụng hại này thấp (low risk) nhưng có thể trở nên quan trọng.

Bác sĩ theo dõi cơ năng thận (kidney function), nếu cơ năng thận yếu, có thể, thay vì uống tenofovir mỗi ngày (người lớn), có thể uống 2-3-7 ngày một liều.

3) bịnh gan có thể nặng thêm (exacerbation of hepatitis) sau khi ngưng thuốc. Phản ứng phụ xảy ra thường nhất là buồn nôn, ói mửa (9%, theo nhà sản xuất).

Phân tử adefovir (ADV, được FDA chấp thuận năm 2013) và tenofovir (TDF, tenofovir disoproxil fumarate) tương tự như nhau, chỉ khác ở một phần nhỏ. Cho nên trong phòng thí nghiệm, những siêu vi có đột biến kháng với ADV có thể cũng kháng với TDF. Tuy nhiên trên các khảo cứu lâm sàng (trên bịnh nhân), những trường hợp kháng với ADV vẫn có kết quả tốt (kiểm soát được sự sinh sản /replication của siêu vi HBV) đối với TDF. Bác sĩ cũng có thể dùng thuốc khác như entecavir, có thể kết hợp (combination therapy) tenofovir với entecavir hay lamivudine.

Theo cơ quan Y Tế Quốc Tế WHO: Tất cả bịnh nhân trên 12 tuổi, nếu bác sĩ thấy cần được chữa trị HBV mạn tính, bắt đầu chữa (first line therapy) bằng tenofovir hay entecavir, là những “NA” [“Nucleotide/ or nucleoside analog reverse-transcriptase inhibitors”] với khả năng lờn thuốc thấp hơn. Entecavir được khuyến khích dùng cho bịnh nhân 2-11 tuổi. Lamivudine, adefovir, telbuvidine dễ bị virus HBV lờn thuốc nên không được khuyến khích dùng (not recommended).

Về mặt hữu hiệu kinh tế, theo một khảo cứu phân tích về giá cả, đối với một người binh HBV Trung Quốc chữa bằng entecavir (ETV) là có giá trị kinh tế hơn cả, không quá đắt nhưng có kết quả tốt hơn các thuốc lamivudine (LAM), adefovir (ADV), telbivudine (LdT). Dùng tenofovir thì kết quả sẽ còn tốt hơn nữa, "đáng đồng tiền bát gạo" nhất (most cost effective), nhưng vẫn quá đắt so với túi tiền (lợi tức đầu người trung bình) của người Trung quốc (Ke and al).

Tóm lại, bịnh nhân nên theo hướng dẫn của bs đang theo dõi thường xuyên cho mình. Mong những thông tin này có thể giúp ích cho thính giả ý thức nhiều hơn về những trị liệu của mình và cộng tác với bác sĩ của mình tốt hơn.

Chúc bịnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền.
Ngày 20, tháng 8, 2018

  1. Differential Binding of Tenofovir and Adefovir to Reverse Transcriptase of Hepatitis B Virus

http://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0106324

  1. Evolution of adefovir-resistant HBV polymerase gene variants after switching to tenofovir disoproxil fumarate monotherapy

https://www.intmedpress.com/journals/avt/article.cfm?id=2307&pid=31&sType=AVT

  1. Ke W. and al: Cost-effectiveness analysis of tenofovir disoproxil fumarate for treatment of chronic hepatitis B in China.
    https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/27271357
  2. Hepatitis B management and treatment

emedicine.medscape,com

Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn