Dù là đi nặng, đi nhẹ hay vào nhà vệ sinh soi gương thôi, bạn cũng nên rửa tay

Thứ Hai, 10 Tháng Chín 20181:00 CH(Xem: 5716)
Dù là đi nặng, đi nhẹ hay vào nhà vệ sinh soi gương thôi, bạn cũng nên rửa tay

Khi các nhà khoa học trốn trong nhà vệ sinh, họ đếm được chỉ có 67% số người rửa tay trước khi ra ngoài. Nhiều người, nhất là đàn ông, không làm điều này sau khi đi tiểu.

Don Schaffner, một giáo sư khoa học thực phẩm tại Đại học Rutgers đã nghiên cứu hành vi rửa tay trong nhiều năm. "Kể cả đi nhẹ hay đi nặng, bạn cũng nên rửa tay [sau khi rời nhà vệ sinh]", ông khuyến cáo.

Rửa tay là một trong những điều dễ dàng và hiệu quả nhất, giúp bạn phòng tránh bệnh truyền nhiễm.

Rửa tay giúp bạn phòng tránh bệnh truyền nhiễm.
Rửa tay giúp bạn phòng tránh bệnh truyền nhiễm.

Nhà vệ sinh: Miền đất của vi khuẩn

Mỗi lần vào nhà vệ sinh là một lần bạn tiến vào miền đất của vi khuẩn. Và có những chuyến hành trình đặc biệt nguy hiểm hơn các chuyến hành trình khác.

Kịch bản tệ nhất là gì?

"Nếu bạn bị tiêu chảy và dính phân trên tay, rửa tay lúc đó là việc quan trọng hơn hết thảy", giáo sư Schaffner cho biết. "Hãy chắc chắn bạn thoa xà bông trên tay và rửa nó thật sạch". Phân người mang rất nhiều mầm bệnh như E. coli, Shigella, Streptococcus, viêm gan A và viêm gan E...

So với phân, dính nước tiểu vào tay nghe chừng là điều dễ chấp nhận hơn. Nghiên cứu chỉ ra nhiều người, đặc biệt là nam giới không rửa tay sau khi đi tiểu. "Những người này có thể nghĩ mình không cần phải rửa tay", Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Chính sách bệnh truyền nhiễm của Đại học Minnesota cho biết.

Nhưng thực tế có một loạt các vi khuẩn tồn tại trong nước tiểu, bao gồm Lactobacillus, Corynebacterium, Streptococcus, Actinomyces và Staphylococcus… Bởi vậy, không cứ gì đi nặng hay đi nhẹ, bạn nên rửa tay sau đó.

Ngay cả khi vào nhà vệ sinh mà không đi vệ sinh (rửa mặt, soi gương…), bạn cũng vẫn nên rửa tay. Bởi các bề mặt trong nhà vệ sinh có thể chứa rất nhiều mầm bệnh mà những người khác để lại. Họ có thể để phân hoặc nước tiểu dính ra tay mình, rồi chạm vào các bề mặt như nắm cửa, bồn rửa, trên tường… trước khi tay họ được rửa sạch.

Và khi chạm vào các bề mặt này mà không rửa tay, bạn sẽ nhiễm mầm bệnh. Một nghiên cứu năm 2004 chỉ ra bất kể mọi người vào nhà vệ sinh để làm gì, khi ra ngoài mà không rửa tay thì hầu hết đều nhiễm vi khuẩn Staphylococcus trên tay mình.

Ngay cả khi vào nhà vệ sinh mà không đi vệ sinh, bạn cũng vẫn nên rửa tay.
Ngay cả khi vào nhà vệ sinh mà không đi vệ sinh, bạn cũng vẫn nên rửa tay.

Rửa tay: Hành động nhỏ nhưng cứu sống hàng triệu sinh mạng

Truyền thống tôn giáo đã khuyến khích con người rửa tay như một nghi thức thanh tẩy từ hàng ngàn năm trước. Nhưng mãi đến thế kỷ 19, chúng ta mới biết giữ tay sạch giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm.

Ignaz Semmelweis là một bác sĩ người Hungary khi đó nhận thấy rằng, khi các bác sĩ và sinh viên y khoa xử lý xác chết rồi chạm vào người bệnh nhân trong khu thai sản, nhiều bà mẹ bị sốt và thậm chí tử vong. Sau đó, ông đã yêu cầu họ rửa tay bằng nước khử trùng và thấy tỷ lệ tử vong sụt giảm hẳn.

Tương tự, trong cuộc Chiến tranh Krym (1853-1856), Florence Nightingale, một y tá người Anh đã đề xuất quy định rửa tay và các biện pháp vệ sinh khác tại bệnh viện nơi cô làm việc. Không lâu sau, tỷ lệ tử vong ở đó đã giảm tới 2/3, cung cấp một số bằng chứng đầu tiên cho thấy rửa tay có thể cứu mạng chúng ta.

Sau gần 2 thế kỷ, rửa tay đã trở thành một phần cuộc sống thường nhật của chúng ta. Nhưng vẫn còn đó những khoảng trống cần được lấp đầy.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm vẫn có khoảng 525.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì uống nước bẩn, ăn thức ăn nhiễm khuẩn (thường do tay bẩn), và bị lây bệnh từ người sang người vì "vệ sinh kém".

Các nhà nghiên cứu tại Học viện Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London ước tính, thực hành rửa tay tốt hơn có thể làm giảm một nửa tỷ lệ tử vong do tiêu chảy và cứu được hơn 1 triệu mạng sống mỗi năm. Rửa tay thường xuyên cũng làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp tới 16%.

Florence Nightingale
Trong thế kỷ 19, Florence Nightingale, một y tá người Anh đã đề xuất quy định rửa tay và các biện pháp vệ sinh giúp giảm 2/3 số ca tử vong tại bệnh viện cô làm việc..

Hãy rửa tay bất cứ khi nào bạn cảm thấy bẩn

Điện thoại di dộng của bạn có thể chứa lượng vi khuẩn gấp 10 lần bồn cầu. Tương tự là các bề mặt như tay nắm cửa, bàn phím, chuột máy tính, khăn lau trong nhà bếp cũng bẩn hơn bạn nghĩ.

Vì vậy, bất cứ khi nào tay của bạn cũng có thể chứa rất nhiều mầm bệnh bao gồm vi khuẩn, virus và nấm. "Tôi nghĩ một nguyên tắc chung là bạn nên rửa tay bất cứ khi nào bạn cảm thấy bẩn", giáo sư Schaffner nói. Hãy nắm lấy bất kể một cơ hội nào khi bạn đang gần một bồn rửa tay.

Và ngay cả việc rửa nhanh bằng nước không có xà phòng cũng có thể giúp loại bỏ một lượng vi khuẩn gây nhiễm trùng. Tất nhiên, điều này không được khuyến cáo cho các trường hợp như sau khi đi vệ sinh.

Rửa tay với xà phòng và nước luôn là cách tốt nhất để loại bỏ mầm bệnh, ngay cả khi bạn sử dụng xà phòng thường thay cho xà phòng diệt khuẩn. Các loại nước rửa tay với cồn và nước rửa tay khô không hiệu quả bằng.

Rửa tay đúng cách: Đừng quên lau khô


Kỹ thuật rửa tay gồm 5 bước cho hiệu quả cao.

Để rửa sạch tay, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh Hoa Kỳ đề nghị chúng ta làm những bước sau:

  • 1. Làm ướt tay với nước sạch.
  • 2. Sử dụng xà phòng xoa và chà tất cả những điểm lõm của bàn tay trong 20-30 giây (bằng khoảng thời gian hát bài "Happy Birthday" hai lần).
  • 3. Rửa lại tay bằng nước sạch.
  • 4. Lau khô tay bằng khăn giấy sạch hoặc để khô tự nhiên

Trong đó, nhiều người thường bỏ qua bước thứ 4, lau khô. Tuy nhiên, giáo sư Schaffner nhấn mạnh sự quan trọng ở bước này, bởi vi khuẩn lây truyền hiệu quả hơn khi tay ướt. Tưởng tượng bạn nắm cửa bằng một bàn tay ướt nhẹp, bao nhiêu vi khuẩn sẽ từ đó dính lên tay bạn?

"Nếu tay bạn vẫn còn ướt, rồi bạn chạm vào cánh cửa nhà vệ sinh đó, việc bàn tay ướt của bạn thực sự có thể giúp lây lan vi khuẩn", giáo sư Schaffner cảnh báo. Ông nói rằng nếu không có khăn giấy, ông sẽ lau tay vào quần cho khô.

Video: Cách rửa tay đúng cách

Cập nhật: 01/09/2018 Theo Trí Thức Trẻ
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn