5 quan niệm sai lầm về bệnh ung thư phổi

Thứ Hai, 03 Tháng Chín 20184:00 SA(Xem: 6027)
5 quan niệm sai lầm về bệnh ung thư phổi
Ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm và ngày càng phổ biến. Tuy vậy, vẫn còn những quan niệm sai lầm về ung thư phổi khiến bệnh ngày càng nặng thêm.  

Thông tin diễn viên Mai Phương và nghệ sĩ Lê Bình phát hiện bệnh ung thư phổi và đang phải điều trị tại khoa Ung bướu, BV 175, TP.HCM thật sự khiến mọi người không khỏi bất ngờ và xót xa.

GS Rafael Molina, Chủ tịch Hội Ung thư và Dấu ấn Sinh học quốc tế cho biết, ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Trong vài thập kỷ trở lại đây, cứ 5 người chết vì ung thư thì có 1 người mắc ung thư phổi.

Hiện có khoảng 1,8 triệu người trên thế giới mắc mới ung thư phổi mỗi năm, trong đó 1,6 triệu người tử vong, tương đương mỗi phút trôi qua có 3 người chết vì căn bệnh này. Con số này nhiều hơn tổng số tử vong 3 loại ung thư vú, tuyến tiền liệt và đại trực tràng.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 22.000 ca mắc mới ung thư phổi, trong đó gần 20.000 ca tử vong. Ước tính đến năm 2020, số mắc mới ung thư phổi ở cả hai giới tại Việt Nam là hơn 34.000 người mỗi năm.

Chia sẻ trên Báo Sức khỏe và Đời sống, TS. Nguyễn Diệu Linh - Phó trưởng khoa khám bệnh Tân Triều Bệnh viện K Trung ương cho biết, tới năm 2020, dự tính có 10 triệu người trên thế giới tử vong vì bệnh ung thư chủ yếu tập trung ở các nước đang phát triển. Điều đáng ngại là còn tồn tại nhiều quan niệm sai lầm về căn bệnh này dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

Những kiến thức về bệnh ung thư phổi được rất ít người quan tâm và hiểu đúng, thậm chí là hiểu sai lệch hoàn toàn khiến bệnh ngày càng trầm trọng và khó điều trị. Sau đây là những quan niệm sai lầm về bệnh ung thư phổi.

1. Bệnh ung thư phổi thường sẽ truyền nhiễm

Rất nhiều người cho rằng bệnh ung thư phổi có thể lây truyền, vì vậy, họ thường xa lánh người bệnh. Tuy nhiên, quan niệm này hoàn toàn sai lầm.

Điều đó gây tâm lý mặc cảm, tự ti của bệnh nhân làm ảnh hưởng xấu đến hiệu quả điều trị và quá trình phục hồi. Các nhà khoa học khẳng định, ung thư phổi không truyền nhiễm nên mọi người không nên giữ thái độ kỳ thị hay xa lánh bệnh nhân. Việc quan tâm chăm sóc sẽ giúp họ phục hồi, điều trị tốt hơn.

2. Chỉ có thuốc lá mới gây bệnh ung thư phổi

Theo giới chuyên môn, đa số bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi đều ít nhiều liên quan đến thuốc lá, đó có thể là hút thuốc chủ động, có thể là hút thuốc thụ động hoặc thậm chí có người bỏ hút thuốc lá hàng chục năm vẫn có thể mắc bệnh.

Tuy nhiên, những người không sử dụng thuốc lá cũng có nguy cơ mắc bệnh. Những người thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất, phơi nhiễm bức xạ cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

5 quan niem sai lam khien benh ung thu phoi ngay cang nang them
(Ảnh: Elle)

3. Ung thư phổi ăn kiêng

Bị ung thư phổi phải ăn kiêng là quan niệm sai lầm về ung thư phổi. Nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng cơ bản của tế bào ung thư cao hơn tế bào bình thường. Nhưng khi bệnh nhân ung thư không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, tế bào ung thư vẫn tự lấy năng lượng để phục vụ nhu cầu hoạt động của chúng.

Bên cạnh đó khi không được nhập thức ăn, bản thân cơ thể cũng lấy protein để tạo năng lượng. Hậu quả là khối nạc cơ thể bị suy giảm nhanh chóng, dinh dưỡng của cơ thể bị tế bào ung thư lấy đi khiến cơ thể người bệnh bị suy kiệt có thể chưa chết về bệnh ung thư mà chết vì suy dinh dưỡng.

4. Bị ung thư phổi là “án tử hình”

Mặc dù ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm nhưng nó không phải là “án tử hình” cho mọi bệnh nhân. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, cơ hội điều trị và kéo dài thời gian sống sẽ cao hơn.

Ung thư phổi nếu được chẩn đoán và điều trị từ sớm, cơ hội sống của bệnh nhân sẽ cao hơn rất nhiều. Thời điểm chưa di căn, tỉ lệ sống sau 5 năm của ung thư phổi có thể lên tới trên 60%.

Khi ung thư đã di ăn sang các bộ phận khác thì tỉ lệ sống của người bệnh chỉ có khoảng 20%. Tỉ lệ bệnh nhân phát hiện ung thư phổi sống trên 3 năm ở giai đoạn 1 là 87%, giai đoạn 2 là 73% và giai đoạn 3 là 42%.

5. Bổ sung chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa ung thư phổi

Chất chống oxy hóa được biết đến với khả năng chống oxy hóa các gốc tự do khiến chúng không còn khả năng gây hại, nhưng đó là với những người chưa bị ung thư. Tuy nhiên, với bệnh nhân ung thư phổi không nên lạm dụng những chất vitamin tức sinh tố.

Thí dụ, chất Beta-carotene là tiền sinh tố A ở lượng cao có thể gia tăng nguy cơ bị ung thư phổi. Việc sử dụng các thuốc bổ cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.

5 quan niem sai lam khien benh ung thu phoi ngay cang nang them
(Ảnh: Bota Sot)

Để phòng tránh ung thư phổi, các chuyên gia khuyến cáo, cách tốt nhất là ăn uống điều độ và ăn đủ loại thực phẩm vì mỗi loại thức ăn có những yếu tố dinh dưỡng khác nhau cần thiết cho cơ thể. Ngưng hút thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi rất nhiều.

Ngoài ra, mọi người cần thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư chuyên sâu ít nhất mỗi năm một lần. Có nhiều trường hợp đến viện khám sức khỏe được các bác sĩ giúp phát hiện bệnh kịp thời nên đã có thể kéo dài sự sống.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn