Tại sao ung thư phổi nguy hiểm?

Thứ Tư, 29 Tháng Tám 20182:00 SA(Xem: 6924)
Tại sao ung thư phổi nguy hiểm?

Ung thư phổi giai đoạn sớm thường không có triệu chứng, đa số bệnh nhân phát hiện khi đã muộn, tỷ lệ tử vong cao.

Tại Việt Nam ung thư phổi đứng thứ nhất trong 10 loại ung thư thường gặp ở cả hai giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Bệnh có xu hướng gia tăng, gần đây xuất hiện nhiều ở người trẻ tuổi.

Bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết ung thư phổi không gây đau đớn nên giai đoạn sớm thường không có triệu chứng. Ung thư phổi thường đe dọa tính mạng vì có xu hướng di căn ngay trước khi có thể phát hiện trên phim chụp X-quang.

Thường khi bệnh ở giai đoạn di căn, khoảng 70% bệnh nhân có triệu chứng ho, tức ngực. Bệnh nhân có thể khan tiếng do khối bướu xâm lấn trực tiếp hay hạch bạch huyết ở trung thất bị di căn và làm liệt dây thanh âm. Khi ung thư ở đỉnh phổi đã xâm lấn hệ thần kinh giao cảm, có thể sụp mi, sa mí mắt, đồng tử co lại, lõm mắt...

Đa số ung thư phổi xuất hiện ở những người đã và đang hút thuốc lá, tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá. Một số yếu tố nguy cơ khác là tiếp xúc với khí radon, các ô nhiễm không khí từ công nghệ kim loại nặng, amiăng, mỏ phóng xạ uranium, công nghiệp hóa dầu, yếu tố gia đình...

Phát hiện sớm

Bác sĩ khuyến cáo những người có nguy cơ bị ung thư phổi nên tầm soát sớm kể cả khi chưa có triệu chứng. Người có nguy cơ trung bình là từ 50 tuổi trở lên, không hút thuốc hoặc hút thuốc ít, từng hút thuốc nhiều nhưng đã ngưng trên 15 năm. Nguy cơ cao là người từ 50 tuổi, hút thuốc 30 gói mỗi năm, một gói mỗi ngày trong 30 năm hoặc 2 gói mỗi ngày trong 15 năm.

Hướng dẫn của Bộ Y tế Nhật Bản, người có nguy cơ cao nên chụp CT ngực mỗi năm. Người có nguy cơ trung bình nên chụp CT ngực hai năm liên tiếp và mỗi 3-5 năm. Hướng dẫn của Bộ Y tế Mỹ, tầm soát ở tuổi 55-74 bằng chụp CT ngực mỗi năm. Nếu có bất thường, chụp CT ngực, soi phế quản, sinh thiết xuyên thành ngực, mổ ngực...

Kết quả và thời gian điều trị ung thư phổi phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Tầm soát giúp phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm có khả năng cao điều trị khỏi bệnh, 92% sống 5 năm. Có thể kiểm tra tại Khoa Tầm soát ung thư Bệnh viện Ung bướu TP HCM hoặc các cơ sở y tế có kỹ thuật chụp CT.

Những người có nguy cơ bị ung thư phổi nên tầm soát sớm kể cả khi chưa có triệu chứng.
Những người có nguy cơ bị ung thư phổi nên tầm soát sớm kể cả khi chưa có triệu chứng.

Phòng ngừa

Bỏ thuốc lá

Tỷ lệ mắc ung thư phổi của người hút thuốc lá cao hơn 10 lần so với người không hút. Việc đầu tiên để phòng tránh ung thư phổi là bỏ thuốc lá, tránh xa làn khói thuốc xung quanh.

Tập thể dục thường xuyên

Vận động thể lực kể cả hoạt động đơn giản như làm vườn 2 lần một tuần có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc ung thư phổi.

Chế độ ăn giàu rau xanh và hoa quả

Bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi. Hãy ăn đa dạng loại rau và nhiều màu sắc như súp lơ, rau chân vịt, hành, táo, cà chua, cam... Những thực phẩm này không chỉ có thể phòng bệnh mà còn rất tốt cho bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch vành...

Tránh tiếp xúc với phóng xạ và kim loại nặng

Công nhân làm việc trong môi trường rò rỉ hóa chất phải áp dụng những biện pháp bảo hộ hiệu quả, tránh hoặc giảm tiếp xúc với những yếu tố độc hại gây ung thư.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn