Tiền liệt phì đại (BPH) và bịnh Parkinson

Thứ Sáu, 17 Tháng Tám 20188:00 CH(Xem: 5778)
Tiền liệt phì đại (BPH) và bịnh Parkinson


Thính giả tên Van Duy An hỏi:

“Xin chào Bác sĩ,

Tôi tên An. Hơn 3 năm nay tôi được điều trị bệnh Parkinson và sưng tuyến tiền liệt. Kết quả là bệnh tạm ngừng như dự kiến, nhưng 3 tháng nay sức yếu đi (chỉ còn khoảng 1/3) nhất là bắp cơ.
Xin hỏi :

- 2 bệnh này có liên quan với nhau?

- Yếu đi là do phản ứng phụ hay là lờn thuốc tây?

- Nên xin tăng hay đổi thuốc và có loại nào khác hơn?

Kính mong được giúp. Xin chân thành cảm ơn “

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời

Tiền liệt phì đại và bịnh Parkinson

Tuyến tiền liệt (prostate) nằm bao quanh niệu đạo (urethra), lúc nước tiểu từ bàng quang (bladder) thoát ra ngoài qua ngã niệu đạo. Tuyến tiền liệt bình thường thể tích chừng 15-30ml, cỡ bằng trái banh chơi golf. Ở người 50 tuổi trở lên, thể tích trung bình tăng lên từ 24ml lúc 50 tuổi cho đến 38 ml lúc 80 tuổi và PSA từ 1,1 lên đến 2,5 ng/ml và không ảnh hưởng nhiều đến các triệu chứng tiểu tiện (Berges, Germany). Tuy nhiên, nếu tuyến tiền liệt quá lớn và đè lên đoạn cổ bàng quang mở ra niệu đạo (urethra, là đường thoát nước tiểu từ bọng đái ra ngoài dương vật), bịnh nhân có thể thấy tiểu chậm, tiểu khó, tiểu són hay tiểu nhiều lần (đái láu). Rất hiếm khi bịnh tuyến tiền liệt phì đại lành tính (BPH, benign prostatic hypertrophy) đe dọa đời sống bịnh nhân. Điều quan trọng nhất là bs đánh giá tầm mức của các triệu chứng và chúng ảnh hưởng thế nào đến phẩm chất cuộc sống người bệnh, để quyết định có cần chữa trị hay không, và chữa trị bằng phương pháp nào.

Những thuốc tây y để trị các triệu chứng của bịnh tuyến tiền liệt phì đại có tác dụng như sau:

1) Alpha blockers (alpha 1a adrenergic receptor): không làm tuyến teo lại mà làm giãn nở các cơ chung quanh tiền liệt và chung quanh cổ của bàng quang, làm nước chảy thông hơn.
Thuốc thường dùng: tamsulosin (Flomax)

2) 5 alpha reductase inhibitors: ức chế men 5 alpha reductase; men này giúp biến hormone nam giới testosterone thành dihydrotestosterone (DHT) là một chất làm tuyến tiền liệt to ra (tăng trưởng). Do đó các thuốc loại này làm cho thể tích của tuyến tiền liệt giảm đi, tuy nhiên có thể cần đợi đến 6 tháng tuyến tiền liệt mới nhỏ lại.

Ví dụ: finasteride (Proscar), dutasteride (Avodart). Dutasteride làm giảm PSA xuống một nửa sau một năm, và thể tích tuyến tiền liệt giảm 25% sau 2 năm, giảm triệu chứng khó tiểu và giảm khả năng ung thư tuyến tiền liệt.

Bịnh Parkinson là một bịnh do thoái hoá của hệ thần kinh (neurodegenerative disease) ảnh hưởng đến các cử động và tình trạng tâm trí của người bịnh, do một bộ phận trong não bộ tên "substancia nigra" (chất đen) bị hư hại, làm mức truyền dẫn thần kinh dopamine bị thiếu hụt. Substancia nigra sản xuất dopamine có tác dụng khuyến khích khuyến khích vỏ não vận động (motor cortex, vùng trán) trong việc khởi động các cử động . Thiếu dopamine từ "chất đen" làm cho các cử động chậm chạp và yếu ớt. Nguyên nhân bịnh Parkinson chưa hiểu rõ. Người trẻ có thể bị bịnh này nhưng hiếm, ở người trên 60 tuổi 1/100 mắc bịnh Parkinson. Tuổi 60-69, chừng 1000 người thì có 5 người bịnh, 70-79 tuổi 10/1000, trên 80 tuổi 20/1000.

Trước khi bịnh Parkinson được bác sĩ chính thức định bịnh, có thể có những triệu chứng báo trước mà bác sĩ cũng như bịnh nhân không nhận ra, trong đó có chứng chóng mặt, cảm thấy mình lâng lâng đi đứng không vững hay sự vật xoay chung quanh mình. Những triệu chứng này được gọi chung là "không -vận động" (non-motor) vì liên quan đến hệ thần kinh tự dưỡng (autonomic nervous system/ tự động, vô ý thức)

Lý thuyết về sự tiến triển của PD: Giả thuyết của Braak (Theo Parkinson Foundation )

Hiện nay (một phần của cái gọi là giả thuyết của Braak) là những dấu hiệu sớm nhất của Parkinson được tìm thấy trong hệ thần kinh ruột, hành tủy (medulla) và hành khứu giác (olfactory bulb), bộ phận này kiểm soát khứu giác (khả năng ngửi). Theo lý thuyết này, bịnh Parkinson chỉ tiến triển đến substancia nigra và vỏ não theo thời gian.

Lý thuyết này ngày càng được hỗ trợ bởi bằng chứng cho thấy các triệu chứng không thuộc về vận động (non-motor symptoms), chẳng hạn như mất khứu giác, rối loạn giấc ngủ và táo bón có thể đi trước các tính năng vận động của bệnh trong vài năm. Do đó, các nhà nghiên cứu đang ngày càng tập trung vào những triệu chứng không-vận- động này để phát hiện PD càng sớm càng tốt và tìm cách ngăn chặn sự tiến triển của bịnh này.

Những triệu chứng sớm khác là:

1) Giọng nói thay đổi, yếu đi hoặc khàn đi mà không phải do bịnh cảm nhất thời; nhiều người tưởng bịnh nhân điếc vì không nghe câu trả lời quá yếu ớt.

2) Nét mặt trở nên nghiêm nghị, khó chịu, mắt nhìn không thấy chớp; tiếng Anh gọi là "mang mặt nạ" (masking).

3) Dáng khòm xuống, co rút lại.
4) Một ngón tay rung, cằm rung, chân rung (tremor)
5) Mất khả năng ngửi mùi trái chuối, cam thảo, không chỉ tạm thời (ví dụ bị cảm nghẹt mũi) mà kéo dài.
6) Đi đứng khó khăn, cứng nhắc (rigidity).
7) Chữ viết đột ngột trở nên nhỏ hơn, dính vào nhau, khó đọc (micrographia).
8) Ngủ nằm không yên, tay đấm chân đá, dễ té xuống giường.
9) Bón, phải rặn thường xuyên mới đi cầu được, mặc dù ăn thức ăn có sợi , trái cây, uống nước đầy đủ.

Bịnh Parkinson càng tiến triển thì triệu chứng đường tiểu phía dưới càng nhiều, ở nam giới cũng như nữ giới. Phần lớn là triệu chứng loại "khó chịu, kích thích"(irritative) hơn là do làm tắc nghẽn (obstructive symptoms), như trong trường hợp tuyến tiền liệt phì đại là tắc nghẽn lối thoát nước tiểu từ bàng quang. Theo như tôi biết, giữa BPH và Parkinson không có liên hệ trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, hai bịnh gây ra một số triệu chứng đường tiểu phía dưới (Lower urinary tract symptoms, LUTS) như tiểu láu, tiểu không hết, tiểu khó, tiểu ngập ngừng, khó phân biệt nguyên nhân thuộc về bên nào hay cả hai bên. Bịnh tuyến tiền liệt phì đại ảnh hưởng đến sự kiểm soát thần kinh tự dưỡng nội tạng (visceral motor system) của hệ thống cơ trơn tuyến tiền liệt+bàng quang (cơ vòng niệu đạo phía trong [internal urethral sphincter] cổ bàng quang mở đi tiểu, đóng nín tiểu) trong lúc bịnh Parkinson hay MSA cũng tác dụng trên sự kiểm soát này.

Một bịnh hiếm hơn bịnh Parkinson gọi là bịnh Multiple System Atrophy (MSA, Teo Đa Hệ, hay Shy-Drager Syndrome). MSA cũng là một bịnh thoái hoá hệ thần kinh nhưng ngoài những rối loạn cử động (movement disorder), lại có thêm những rối loạn của hệ thần kinh tự dưỡng (hệ thống tự dưỡng kiểm soát một cách tự động áp huyết, tiêu hoá, nhịp tim, nhịp thở, tiêu, tiểu, sex). ở người 60-70 tuổi trở lên, nguyên nhân chưa hiểu rõ, nhưng có thể do di truyền, trong não bộ có những vùng bị teo ở nhiều nơi.

MSA chia ra làm 2 nhóm:

a) nhóm giống Parkinson (Parkinsonian type) với triệu chứng các cơ cứng (muscle rigidity), cử động chậm (bradykinesia) và mất thăng bằng;

b) nhóm với những triệu chứng tiểu não (cerebellar type) như vận động thiếu phối hợp, đi không vững, phát âm đớt (dysarthria), nói nhỏ, mắt mờ, nuốt khó.

1) Cho nên bịnh nhân MSA còn có nhiều các triệu chứng như chóng mặt, xỉu vì huyết áp thấp, tim loạn nhịp, bất lực (rối loạn cương cứng, erectile dysfunction) và vấn đề kiểm soát tiểu tiện, như không nín (cầm) tiểu được, tiểu khó khăn, không tiểu hết được. Bịnh MSA và Parkinson khó phân biệt. Các bác sĩ niệu khoa có thể ngần ngại giải phẫu cắt tuyến tiền liệt xuyên qua niệu đạo (transurethral resection of the prostate ) ở người bị bịnh Parkinson vì dễ có biến chứng tiểu són sau khi mổ hơn là ở người không bị Parkinson. Có thể vì trong số bịnh nhân được cho là bịnh Parkinson, một số người thật sự là bịnh MSA.

2) Hiện nay người ta chưa hiểu rõ tại sao người bịnh Parkinson thấy các cơ yếu sức trong lúc cơ chế chính nằm trong hệ thần kinh trung ương. Theo American Parkinson Disease Association, “bệnh nhân Parkinson thường cảm thấy yếu ớt. Họ thường mô tả cảm giác chân họ nặng như chì hay bê tông. Cảm giác yếu ớt này khắp cơ thể , cả trong cánh tay, bàn tay. Trong thực tế, khi đo sức mạnh của bệnh nhân Parkinson thì sức mạnh của họ trong mức bình thường nhưng họ mệt mỏi dễ dàng hơn khi lập đi lập lại động tác nào đó. Nghĩa là, lúc phải cơn co cơ nhiều liên tiếp (repeated contractions), chúng sẽ mất lực nhanh hơn, vì vậy bệnh nhân Parkinson sẽ gặp khó khăn nếu phải thực hiện các động tác lặp đi lặp lại.”

Chính BS James Parkinson (1755-1824), nhà bác học người Anh đa tài đa năng (vừa là bs giải phẫu, nhà dược học, khảo cổ học, chính trị gia) mô tả bịnh này đầu tiên, lúc đầu gọi bịnh này là "shaking palsy" (bịnh liệt run) (và sau này được thế bằng tên latinh là "paralysis agitans", cũng có nghĩa "bịnh liệt"+ rung).

Mặc dù bệnh nhân cảm thấy yếu ở chân tay của họ, nhưng vấn đề nằm trong não. Các nghiên cứu cho thấy, sức co của cơ bắp lúc cử động lập đi lặp lại (repeated tasks) nếu đo một cách khách quan, được cải thiện với việc dùng các thuốc chữa Parkinson (như Sinemet của bịnh nhân đang dùng gồm chất carbidopa+levodopa được biến dưỡng thành dopamine; Madopar gồm levodopa +benserazide giúp cho levodopa vào não bộ dễ hơn)), vì các thuốc này tăng chất dopamine mà người bịnh trong não bộ.

3) Cũng như nhiều người lớn tuổi được định bịnh với nhiều rối loạn khác nhau: Parkinson (Sinemet, Madopar), tiền liệt phì đại (Combodart=0.5 mg dutasteride and 0.4 mg tamsulosin hydrochloride), áp huyết cao (Amlor=amlodipine, calcium channel blocker), bịnh bón (Macrogol=polyethylene glycol (PEG)), mất ngủ (melatonin), danh sách các thuốc bác sĩ hoặc nhiều bác sĩ kê toa khá dài. Bàn chi tiết sẽ đi ra ngoài khả năng của mục y học này. Về việc tăng hay giảm thuốc hay đổi thuốc khác, đây là quyết định của bác sĩ điều trị cho bịnh nhân.

Xin nhắc lại, các nhận xét trên đây chỉ có tính cách thông tin. Thính giả cần hội ý với bác sĩ của mình.

Chúc bịnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 11 tháng 7 năm 2018

1) Benign prostatic obstruction and parkinson's disease--should transurethral resection of the prostate be avoided?
Roth B1, Studer UE, Fowler CJ, Kessler TM.https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/19296974

2) MSA: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/19296974

3) Isao Araki, Sadako Kuno

Assessment of voiding dysfunction in Parkinson’s disease by the international prostate symptom
Score

J Neurol Neurosurg Psychiatry 2000;68:429–433

4) https://www.apdaparkinson.org/understanding-weakness-parkinsons-disease/

5) http://www.parkinson.org/Understanding-Parkinsons/What-is-Parkinsons/Stages-of-Parkinsons

Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn