Cách nhanh thích nghi khi làm việc ở nước ngoài

Thứ Hai, 06 Tháng Tám 20181:00 SA(Xem: 6150)
Cách nhanh thích nghi khi làm việc ở nước ngoài
bbc.com
Lennox Morrison BBC Capital

Office Bản quyền hình ảnh iStock

Khi Shanshan Zhu chuyển từ Côn Minh, Trung Quốc đến Hà Lan 5 năm trước, cô muốn có những trải nghiệm với văn hoá phương Tây.

Cô ngay từ đầu đã xác định là điều kiện làm việc ở Châu Âu sẽ khác với quê nhà, nhưng có một điều khác biệt tới mức không ngờ - ở quê nhà, nhân viên văn phòng thường có một đến hai tiếng nghỉ trưa để đi ăn với nhau, hay ghé qua nhà ngủ trưa. Tại nơi ở mới, có khi mọi người chỉ kịp dành ra 30 phút để ăn một cái bánh sandwich.

Zhu làm việc cho một tổng đài điện thoại và phiên dịch tại một công ty dữ liệu toàn cầu. Cô nhanh chóng thích nghi với giờ nghỉ trưa ngắn hơn và sau đó đã ổn định cuộc sống một cách vui vẻ.

Nhưng cô nói, "tôi có những người bạn ở quê nhà không thể chịu được nếu không ngủ trưa. Tôi không nghĩ họ có thể thích nghi được văn hoá làm việc tại đây."

Shanshan Zhu in Lisbon, Portugal in 2016 Bản quyền hình ảnh Shanshan Zhu
Image caption Shanshan Zhu tại Lisbon, Bồ Đào Nha hồi 2016

Trong khi truyền thông phương Tây cảnh báo về sốc văn hoá với những người Châu Âu đến Trung Quốc, họ lại phản ánh rất ít khía cạnh ngược lại. Nhưng với xu thế ngày càng nhiều người Trung Quốc đến phương Tây làm việc và học tập, có rất nhiều thứ khiến người mới đến cảm thấy sửng sốt.

Nếu xét đến thực tế là hầu hết các công ty Trung Quốc khi tiến ra nước ngoài thường mang theo những nhân sự chủ chốt, có lẽ chính người Phương Tây mới phải nỗ lực nhiều hơn để thông cảm với họ.

Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, số visa lao động Trung Quốc và gia đình đến làm việc đã tăng hơn bốn lần trong năm 2015 so với thời điểm 2005.

"Các công ty Trung Quốc đang nhìn ra nước ngoài và bắt đầu thâu tóm với tốc độ kinh ngạc," Eric Thun, phó giáo sư trong ngành nghiên cứu kinh doanh Trung Quốc tại Trường Kinh Doanh Saïd thuộc Đại học Oxford cho biết. "Đó là lý do vì sao phải hiểu văn hoá làm việc và các tập quán tổ chức của Trung Quốc."

Thay đổi tốc độ

Khi vừa đến phương Tây, rất nhiều người Hoa cảm thấy trước tiên họ phải chậm lại.

Yifeng Li, sinh trưởng ở miền bắc Trung Quốc, giờ sống ở Birmingham, Anh Quốc, đồng ý với điều này.

"Điều duy nhất mà người [Trung Quốc] bị sốc khi sống ở Anh Quốc là thời gian thực hiện việc gì đó luôn kéo dài." ông nói. "Chẳng hạn ở Trung Quốc, nếu bạn muốn mở tài khoản ngân hàng, bạn không phải đợi, bạn chỉ cần đến mở tại quầy."

Sau khi làm việc cho một công ty môi giới bất động sản, Li, 32 tuổi, đã thành lập công ty riêng của mình, Công ty Quản lý và đầu tư Bất động sản Essence, và thường xuyên trở về Trung Quốc để làm ăn.

"Ở Trung Quốc, nếu bạn xem một ngôi nhà và bạn đến công ty môi giới bất động sản nói bạn muốn có chìa khoá nhà vào ngày mai, ngay lập tức bạn sẽ có. Thương vụ xảy ra rất nhanh," ông cho biết.

Thun nói rằng rất nhiều doanh nhân Trung Quốc ngạc nhiên vì phong thái chậm rãi ở Châu Âu. "Ở Trung Quốc, bạn được yêu cầu phải làm việc suốt cho đến khi mọi việc hoàn tất."

Làm việc ngoài giờ và cả trong ngày cuối tuần là chuyện bình thường ở Trung Quốc, luật sư Jack Chen cho biết. Ông rời quê nhà 12 năm trước và giờ là người đứng đầu bộ phận Trung Quốc trong công ty Luật DBB ở Brussels, Bỉ.

"Nếu tôi yêu cầu một đồng nghiệp ở đây cùng làm việc ngày cuối tuần với tôi, đi thăm một khách hàng Trung Quốc hoặc dự hội nghị, việc này hoàn toàn có thể, nhưng không bình thường. Ở Bỉ, ngày cuối tuần là dành cho gia đình và bạn bè."

Bản quyền hình ảnh Jack Chen
Image caption Phải làm việc ngoài giờ là điều đương nhiên ở Trung Quốc, luật sư Jack Chen giải thích

Thể hiện bản thân

Chen cho biết chính trị trong văn phòng ở Châu Âu đơn giản hơn, một phần vì bộ máy tổ chức ít khắc nghiệt hơn so với Trung Quốc, nơi mà "sếp thật sự là sếp và thứ bậc trong văn phòng thể hiện rất rõ ràng, quan trọng. Bạn thực sự phải tỏ ra kính trọng khi nói chuyện với sếp".

Ông cho rằng kết quả là nhân viên ở công ty Trung Quốc thường nghĩ rất cẩn thận khi thể hiện quan điểm và ý kiến của họ. Ông cảm thấy nhân viên ở phương Tây có thể chia sẻ ý kiến một cách thoải mái hơn.

"Nếu tôi bất đồng ý kiến với sếp, tôi chỉ cần nói ra ý kiến của mình, thậm chí ngay trước mặt các đồng nghiệp khác. Họ không thấy đó là vấn đề gì. Ở đây bạn có thể đùa cả với sếp."

"Ở Trung Quốc bạn nên tỏ ra khôn ngoan để nói điều gì đó thích hợp. Còn ở Châu Âu bạn chỉ cần nói gì bạn muốn."

Trước khi đến Bỉ, Chen đã làm việc tại Pháp, Anh, Hà Lan và Đức. "Khi tôi đến văn phòng mới và có hội nghị, tôi nhìn thấy đồng nghiệp và các đối tác trao đổi ý kiến. Bạn sẽ thấy sự khác biệt và bạn bắt đầu thích nghi với phong cách mới," ông nói.

Nhưng bày tỏ ý kiến tại nơi làm việc không phải là điều có thể diễn ra một cách tự nhiên đối với hầu hết người Trung Quốc, Desmond So, người sáng lập Học viện Nghi thức Ứng dụng Đông-Tây đặt tại Hong Kong, nói. Trường này dạy các nghi lễ trong doanh nghiệp và kỹ năng giao tiếp cho giới giám đốc điều hành từ Trung Hoa đại lục.

"Rất thường xuyên, tôi đã chứng kiến những người Hoa rất thông minh nhưng lại không lên tiếng, thể hiện ý kiến của họ. Tệ hơn nữa, đôi lúc họ còn nghĩ lùi lại là làm sao để không ai nhận ra. Nhưng trong văn hoá kinh doanh phương Tây, đó không phải cách đúng đắn," ông nói.

"Chúng tôi huấn luyện mọi người cảm thấy thoải mái đứng thể hiện bản thân và ý kiến của họ, và cách lịch thiệp để thể hiện mình và đạt thành công... vì trong môi trường văn hoá doanh nghiệp phương Tây bạn phải sẵn sàng tiến lên phía trước."

Đó là cách Cindy Yin nhận ra sau khi bỏ nghề dạy học ở Quảng Châu để tới sống ở Bắc Mỹ. Giờ đây, ở tuổi 47, bà làm chủ công ty bất động sản trên mạng, Rosypad, ở thành phố New York. Hồi còn làm nhân viên môi giới bất động sản 20 năm trước, bà nhớ lại là bà đã được khích lệ bày tỏ ý kiến và cảm thấy thoải mái khi thể hiện mình.

"Tôi thực sự thích và cố gắng bày tỏ nhiều hơn. Đó là quy trình mà tôi cần phải thích nghi. Ở Trung Quốc thời đó mọi người rất nghe lời. Vì thế chúng tôi không có thói quen thể hiện những gì chúng tôi nghĩ."

Bản quyền hình ảnh Sharon Jin
Image caption Sharon Jin sang Mỹ từ 20 năm trước và nay là công dân Hoa Kỳ

Khao khát trở về

Những người Trung Quốc mới nhất đến phương Tây có cách nhìn rất khác về thế hệ trước đó, theo Sharon Jin, người sinh ra ở Bắc Kinh, chuyển đến sống ở Hoa Kỳ 20 năm trước và giờ là công dân Mỹ.

Là thành viên của mạng lưới người nước ngoài InterNations, người phụ nữ 47 tuổi này tổ chức những sự kiện cho những người nước ngoài từ rất nhiều quốc gia, gồm cả nhóm dân Trung Quốc ở độ tuổi 20-30 mới đến Hoa Kỳ.

"Đôi khi họ nói với tôi họ nhớ sự xa hoa và tiện nghi ở Trung Quốc," bà nói. "Một cô gái nói cô nhớ Thượng Hải vì có rất nhiều nơi ăn uống và thành phố sạch sẽ hơn Chicago. Từ quan điểm tiện nghi vật chất họ so sánh Hoa Kỳ với Trung Quốc và họ không hẳn cảm thấy Hoa Kỳ là ưu việt. 20 năm trước, mọi thứ hoàn toàn ngược lại."

"Gần 100% những người ở thế hệ tôi khi đến Hoa Kỳ, bao gồm cả tôi, đều nghĩ rằng mình muốn có thẻ xanh và muốn ở lại đây," bà nói. Nhưng ngày nay giới trẻ Trung Quốc chỉ dự định làm việc 10 năm ở Hoa Kỳ và sau đó trở về Trung Quốc mua nhà hoặc chăm sóc cha mẹ, bà Jin nhận định.

Với con số kỷ lục 523.700 sinh viên rời Trung Quốc để đi du học các nơi trong năm 2015, khoảng 70-80% các du học sinh đã trở về trong những năm gần đây vì thị trường việc làm hấp dẫn tại quê nhà, theo thông tin từ Bộ Giáo dục Trung Quốc.

Jin nói: "Trở về Trung Quốc đang ngày càng hấp dẫn hơn."

Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Capital.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn