Làm sao để tử hình phạm nhân một cách nhân đạo

Thứ Năm, 19 Tháng Bảy 20188:00 SA(Xem: 6894)
Làm sao để tử hình phạm nhân một cách nhân đạo
bbc.com
Zaria Gorvett BBC Future

Getty Images Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Từ lâu nay người ta đã luôn tìm kiếm các biện pháp nhân đạo hơn để thi hành án tử

Cảnh báo: Bài này có những mô tả chi tiết về các biện pháp tử hình mà bạn đọc có thể cảm thấy phản cảm và gây căng thẳng.

Lời nói cuối cùng của anh ta là 'Anh yêu em', sau đó là một lời cầu nguyện Hồi giáo. Rồi Charles Brooks Jr - một kẻ bị kết tội sát nhân - rời mắt khỏi bạn gái và cảm thấy cái chết đang đến gần.

Anh ta nằm trên một chiếc cáng trắng, từ đầu đến chân ăn mặc theo kiểu thời trang những năm 1980 điển hình, gồm chiếc quần dài màu vàng và chiếc áo sơ mi mở banh nút. Trên một cánh tay anh ta là dây tiêm vào mạch máu và các bác sỹ đang lảng vảng xung quanh. Người đàn ông đó trông giống như một bệnh nhân trong bệnh viện.


Nhưng không, khoảnh khắc sau cùng của anh ta là ở trong phòng xử tử ở một nhà tù của bang Texas, Mỹ. Đó là vào năm 1982 và đó là lần đầu tiên hình thức tiêm thuốc độc được sử dụng để hành quyết một tử tù ở Mỹ.

Chết trong đau đớn

Trước khoảnh khắc tiên phong này, phương thức tử hình được ưa chuộng ở Mỹ là ghế điện vốn ngày này được nhìn nhận rộng rãi là một hình thức tra tấn.

Cách làm đó bạo lực đến nỗi đôi lúc tròng mắt của nạn nhân văng ra trên má. Nó thường khiến cho tóc bốc hỏa, khiến cho các bảo vệ phải cất bình cứu hỏa ở gần đó để phòng ngừa.

Tiêm thuốc độc được ca ngợi là phương thức tử hình nhân từ hơn và tân tiến về kỹ thuật hơn khi không có máu và không có tiếng la hét. Một nhân chứng trong thời khắc cuối cùng của Brooks cho biết anh ta chỉ ngáp và bụng trướng lên. Vài phút sau, một bác sỹ lên tiếng: "Tôi tuyên bố người này đã chết."

Cho đến ngày nay, phương pháp này vẫn là lựa chọn số một ở tất cả các tiểu bang của Mỹ nơi vẫn duy trì án tử hình.

Nhưng thật ra nó không phải yên bình như vẻ bên ngoài. Vấn đề, không ai thật sự đã kiểm tra. Không có bất kỳ nghiên cứu hay thử nghiệm nào.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Betty Lou Beets bị kết tội đã giết chết người chồng thứ năm của mình vào năm 1985, và đã bị tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc vfo năm 2000

Cho đến năm 2005, khi đã có trên một ngàn trường hợp tử hình bằng cách tiêm thuốc độc, một nhóm các nhà khoa học quyết định nghiên cứu.

Dự án do Leonidas Koniaris, một nhà phẫu thuật ở Indiana, dẫn đầu, đã nghiên cứu các hồ sơ hành hình ở Texas và Virginia và phát hiện rằng 44% có thể vẫn có nhận thức khi họ họ chết - và có khả năng là chết trong đau đớn dày vò. Họ không thể quằn quại hoặc kêu la bởi vì trong hỗn hợp thuốc độc đã có chất làm tê liệt cơ.


Những cách dã man thời cổ đại

Các nghiên cứu thêm cho thấy một trong các loại thuốc được sử dụng, vốn được dùng để làm cho tim ngưng hoạt động, không có tác dụng.

"Điều mà các nhà khoa học rút ra được dựa trên số liệu là kết luận rất, rất phiền lòng rằng cơ chế dẫn đến cái chết là ngộp thở," ông cho biết. "Đó là một kịch bản ác mộng. Nếu anh lùi lại một bước, anh có thể nói rằng à chúng ta vừa mới từ bỏ phương thức giết người mà nhìn vào thì thấy tàn bạo." Mặc dù đa số người dân Mỹ đồng tình với án tử hình, nhưng rất ít người nghĩ rằng hành quyết phải khiến cho tử tù đau đớn.

Giờ đây tình trạng thiếu thuốc độc để tử hình đang tiếp diễn đã khiến cho một số tiểu bang thử nghiệm các cách làm khác. Chính vì vậy, một số vụ hành quyết đã trở nên vấp váp, trong đó một vụ mà tử tù được cho là mất hai tiếng đồng hồ và há họng thở đến 640 lần trước khi ông ta chết.

Nói rằng việc tử hình bằng cách tiêm thuốc độc đang gặp khủng hoảng thì quả không sai.

Liệu có cách làm nào nhân đạo hơn không?

Trong hàng ngàn năm, hành quyết là quanh cảnh được công chúng đón chờ để xem. Từ việc để cho tội nhân bị ngộp trong bao cùng với động vật cho đến móc phổi ra từ sau lưng, nhân loại dường như không thiếu ý tưởng tưởng tượng - và ít dằn vặt về đạo đức khi thực hiện chúng.

Ở Ba Tư cổ đại có phương pháp 'kẹp thuyền', tức là tử tù sẽ bị kẹp vào giữa hai chiếc thuyền chèo - một chiếc nằm trên một chiếc nằm dưới - còn tay chân thì đưa ra ngoài - sau đó người ta trét sữa và mật ong lên để cho chuột bọ ăn sống.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Trong hàng ngàn năm, các vụ hành quyết thường được tổ chức nơi công cộng cho dân chúng xem

Trong khi đó, một du khách đến Delhi, Ấn Độ vào thế kỷ thứ 14 kể lại rằng người ta đã huấn luyện voi dùng những lưỡi dao gắn vào ngà của chúng để xẻ tù nhân ra thành từng mảnh.

Máy chém

Tuy nhiên, sự quan tâm đến các hình thức xử tử nhân đạo hơn đã có quá trình hình thành qua hàng trăm năm. Phong trào này bắt đầu vào năm 1789, với sự ra mắt của máy chém.

Vào lúc đó, Cách mạng Pháp chỉ mới vừa bắt đầu và đầu của giới quý tộc Paris bắt đầu rơi. Sau một loạt những cuộc hành quyết đầy máu me và kéo dài - đôi khi chiếc rìu cần phải chặt đến mấy lần - rõ ràng là sự hành hình cần phải được hiện đại hóa.

Có một người tên là Joseph-Ignace Guillotin, một bác sỹ, đã quyết tâm cho rằng các cuộc hành quyết nên được tiến hành một cách nhân đạo hơn.

Ông đề xuất sử dụng máy chém và khoe trong một bài diễn văn rằng: "Giờ đây, với cỗ máy của tôi, tôi có thể chặt đầu chỉ trong nháy mắt và anh không bao giờ cảm nhận được nó." Mọi người sau đó đã đặt tên cỗ máy chém này là 'guillotine' - tức là theo tên ông ấy mặc dù ông ấy không thật sự là người phát minh ra nó.

Máy chém này có một lưỡi dao xiên, được treo trên một khung gỗ lơ lửng trên đầu nạn nhân. Một số mô hình máy chém còn có chiếc rổ đựng thủ cấp. Nó chứng tỏ là nhanh và đáng tin cậy hơn chặt đầu bằng tay do sức nặng của lưỡi dao.

Vậy thì máy chém này nhân đạo đến mức nào? Chuột thí nghiệm có thể cho chúng ta một số manh mối, bởi vì việc chặt đầu là một cách giết chuột theo đúng tiêu chuẩn cho một số thí nghiệm bằng cách sử dụng máy chém nhỏ xíu.

Một nghiên cứu hồi năm 1975 cho biết các dấu hiệu về nhận thức có ý thức vẫn còn kéo dài trong khoảng từ chín đến 18 giây sau khi những con chuột này bị chặt đầu. Khung thời gian này cũng được thể hiện ở những loài động vật khác nữa, do đó nó có thể làm một vật thí nghiệm thay thế hợp lý cho con người.

Treo cổ

Hình thức chặt đầu vẫn còn được áp dụng cho đến ngày nay, nhất là ở Ả Rập Saudi nơi 146 người bị hành quyết bằng cách chặt đầu vào năm 2017.

Nhưng hình thức hành quyết phổ biến hơn rất nhiều vào ngày nay là treo cổ.

Có hai cách thực hiện việc treo cổ: 'khoảng ngắn' và 'khoảng dài'. Như cách gọi đã nói lên, cách treo cổ đầu tiên có nghĩa là thả nạn nhân từ một độ cao thấp và dẫn đến chết ngộp. Cách làm này nhìn chung được xem là cực kỳ đau đớn.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Hình thức xử tử được sử dụng rộng rãi nhất ngày nay la treo cổ

Treo cổ 'khoảng dài' được cho là lựa chọn nhân đạo hơn. Trong tình huống 'tốt nhất', dây thừng sẽ làm gẫy chiếc xương thứ hai trên cổ của nạn nhân. Vết gãy này cũng làm đứt dây thần kinh tủy sống khiến cho huyết áp tụt xuống còn 0 trong vòng chưa tới một giây. Nạn nhân thường mất nhận thức ngay lập tức, mặc dù có thể mất đến 20 phút để tim ngừng đập.

Vấn đề tiềm ẩn ở đây là phương pháp này đòi hỏi phải tính toán tỉ mỉ. Nếu khoảng cách quá xa, đầu nạn nhân sẽ không bị sao cả. Còn nếu quá ngắn, nạn nhân sẽ bị ngộp chết.

"Theo kinh nghiệm của tôi thì có rất nhiều lỗi trong việc xử lý khiến cho ngay cả khi phương pháp này có hiệu quả trên lý thuyết thì sai lầm vẫn xảy ra bởi vì hoặc là sai sót hoặc là không đủ năng lực," Megan McCracken từ Viện thực hành Án tử hình ở Đại học UC Berkeley, nói.

Kể từ năm 1996 không còn ai bị treo cổ ở Mỹ nữa.

Đội bắn

Mặc dù biện pháp này thường được gắn liền với các tội ác chiến tranh hay tội quân sự, xử tử bằng đội bắn gần đây đã được bang Utah sử dụng trở lại như một biện pháp dự phòng và nó cũng đã được áp dụng thường xuyên ở Bắc Triều Tiên.

Cách thực hiện điển hình là tội phạm bị buộc vào ghế với chiếc mũ trùm đầu. Sau đó năm tay súng vô danh sẽ nã đạn vào ngực hắn ta. Một khẩu súng sẽ không được nạp đạn.

Vào năm 1938, cũng chính tiểu bang này đã đưa đội bắn để hành quyết một người đàn ông 40 tuổi có tên là John Deering vốn bị kết tội giết người.

Ông ta đã có quyết định khác thường là kết nối cơ thể mình với một máy đo điện tim trong khi vụ hành quyết xảy ra, nhờ đó mà chúng ta biết rằng cách hành quyết này có tác dụng nhanh như thế nào. Màn hình cho thấy tim của Deering đã ngừng đập chỉ 15 giây sau khi bị trúng đạn.

Không thể biết chắc chắn ông ấy đã chịu đau đớn trong bao lâu, nhưng một lần nữa loài chuột có thể giúp ta biết được một chút manh mối.

Một nghiên cứu về sự ngưng nhịp tim của chuột hồi năm 2015 cho biết rằng thường sau đó có sự tăng cường hoạt động trên não bộ kéo dài trong khoảng 30 giây - điều này giải thích tại sao những người sống sót trở về từ cõi chết kể lại họ cảm nhận được sự tỉnh táo cao độ. Sau đó mọi thứ trở nên tối thui.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Việc xử tử bằng một đội hành quyết bắn súng đã được áp dụng trong vài trăm năm qua

Ghế điện

Ghế điện được phát minh ra lần đầu tiên như là một lựa chọn nhân đạo hơn để thay thế cho hình thức treo cổ. Cũng giống như máy chém và tiêm thuốc độc, hình thức này được xem là văn minh và khoa học.

Mọi việc bắt đầu với một bản phúc trình lạnh người do bang New York yêu cầu vào năm 1887 mà trong đó đánh giá 34 cách thức để giết chết một con người.

Một trong những tác giả của nó, một nha sỹ, nhớ lại ông đã nghe câu chuyện về một công nhân bến cảng say xỉn đã đụng phải một cái máy phát điện một vài năm trước đó và chết ngay lập tức. Ông nghĩ ra ý tưởng về ghế điện, mà chỉ ba năm sau đó đã được sử dụng để xử tử một kẻ dùng rìu để giết người.

Tuần trăng mật không kéo dài lâu. Chẳng lâu sau mọi việc đã rõ ràng trước công chúng rằng những cái chết này thường lộn xộn và kéo dài với những chiếc ghế điện được đặt những biệt danh như là 'Gertie đáng sợ' và 'Sally bốc khói'.

Chín tiểu bang của Mỹ vẫn sử dụng phương pháp này để dự phòng, mặc dù đây là vấn đề gây tranh cãi.

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Ghế điện ban đầu được cho là một hình thức xử tử khoa học và nhân đạo

Làm ngộp bằng nitơ

Do đó mà chúng ta có ý tưởng mới nhất: 'Làm ngộp bằng khí nitơ', tức là thay thế không khí bình thường bằng một loại khí trơ như ni-tơ hay hê-li.

Nó lần đầu tiên được thúc đẩy sau một phim tài liệu của BBC do cựu dân biểu thuộc đảng Bảo thủ Michael Portillo trình bày. Trong 'Làm cách nào để giết một con người', ông đã tuyên bố rằng cách làm này là một 'phương cách giết người hoàn hảo'.

Để bắt đầu, không khí dù sao cũng có có 78% là nitơ, cho nên nó dễ dàng kiếm được. Cách làm này cũng dẫn đến cái chết nhanh đến bất ngờ. Một nghiên cứu từ những năm 1960 cho thấy những tình nguyện viên mất nhận thức trong vòng 17-20 giây. Dựa trên các nghiên cứu trên động vật, người ta cho rằng chúng sẽ ngừng thở trong vòng ba giây.

Và do bất ngờ sinh học mà nó trở nên không hề đau đớn gì cả. Đó là do cơ thể không thật sự phát hiện ra sự thiếu ôxy - chỉ là lượng carbon dioxide quá mức, vốn a-xít hóa máu và gây ra cảm giác đau ở chân như sau khi tập thể dục. Điều đó có nghĩa là nó không hề có cảm giác như bị ngộp.

Vậy thì nó có cảm giác như thế nào?

Ông John Levinson, một nhà nghiên cứu về tim và là một phi công ở Boston, Massachusetts, có đôi chút hiểu về nó.

Hồi cách đây vài năm, ông bay trên chiếc máy bay Mooney mà ông yêu quý ở độ cao 23.000 feet (7km) - một độ cao mà bầu khí quyểnTrái Đất trở nên loãng và phi công bắt buộc phải dùng ô-xy bổ sung.

Bản quyền hình ảnh Getty Images

Lúc đó ông đã có hành động liều lĩnh: ông nghiêng một góc của mặt nạ lên và tiếp tục thở. "Sau khoảng 30 giây, tôi thật sự cảm thấy rất lạ," ông nói. "Tôi không có ảo giác, đau đớn hay lú lẫn. Tôi chỉ cảm thấy lạ. Nó không giống như bia rượu hay bất cứ chất gì khác như thế."

Những triệu chứng tinh vi của chứng thiếu ô-xy khiến nó đặc biệt gây tử vong cho các phi công ở độ cao lớn vốn có thể không nhận ra bất cứ điều gì không ổn.

Nó được cho là khiến một phi công mất mạng hồi đầu năm 2018 - người dường như đã trở nên bất tỉnh trong chiếc máy bay nhỏ của ông trước khi bị mất tích trên Vịnh Mexico.

Ba tiểu bang của Mỹ giờ đây đã cho phép sử dụng phương pháp này để dự phòng. Nhưng liệu đây có phải là một sai lầm nữa?

Robert Dunham, một luật sư và là giám đốc điều hành của Trung tâm Thông tin về Án Tử hình, chắc chắn nghĩ rằng như vậy. "Hiệp hội Thú y Hoa Kỳ và Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới đều cho rằng việc gây ngộp bằng khí nitơ là không phù hợp để gây mê trong thú y," ông cho biết.

"Biện pháp này không có tác dụng nhanh chóng như được quảng cáo - chó mèo có thể cảm nhận được cái chết đang đến gần trước khi chúng mất ý thức và phải mất ít nhất bảy phút mới khiến cho một con lợn chết."

Một trong những vấn đề cơ bản là phương pháp tử hình này dựa trên sự hợp tác của tù nhân: nếu họ nín thở, hoặc nếu hơi thở họ không đủ sâu thì sẽ mất thời gian hơn để khiến cho họ chết. "Đương nhiên tôi hiểu lý thuyết đằng sau phương pháp này vốn cho rằng đó là một phương pháp nhân đạo," ông McCracken nói. "Nhưng nó cách rất xa so với thực tế được thực hiện trong phòng hành quyết."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn