Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng gì đến VN?

Thứ Ba, 10 Tháng Bảy 20184:29 SA(Xem: 6859)
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng gì đến VN?
bbc.com
Ben Ngô BBC Tiếng Việt

việt Bản quyền hình ảnh XinHua
Image caption Công nhân tại công ty liên doanh chế tạo xe máy Lifan Việt Nam ở tỉnh Hưng Yên

Một chuyên gia nói "còn quá sớm" để nói về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đến Việt Nam, nhưng chuyên gia khác lại cho là Việt Nam "sẽ chịu sức ép rất lớn".

Quan ngại về hệ lụy của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tăng cao trong bối cảnh chỉ số VN-Index đang ở ngưỡng 930 điểm và có tin các khu vực biên giới Việt-Trung sắp tới có thể là nơi "trú ẩn" cho các công ty sản xuất Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi mức thuế quan nặng nề của Mỹ.

Tờ South China Morning Post cho hay, giới chức tỉnh Quảng Tây hiện đang thúc đẩy ý tưởng hình thành các khu "khu vực phát triển kinh tế biên mậu", nơi các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể lắp ráp sản phẩm và dán nhãn "made in Vietnam" để né thuế của Hoa Kỳ.

Đây là một phần của kế hoạch hợp tác rộng lớn hơn được ký kết giữa Bắc Kinh và Hà Nội năm ngoái, thuộc chiến lược đầy tham vọng "Vành đai, Con đường".

'Một trật tự mới'

Hôm 10/7, trả lời BBC Tiếng Việt, Tiến sĩ Giang Lê, chủ nhân blog KinhteTaichinh nói: "Chỉ số VN-Index trong vài năm gần đây đã biến động cùng với thị trường thế giới và khu vực hơn trước đây rất nhiều. Do vậy khó có thể xác định chỉ số này tăng hay giảm vì một lý do nào đó. Tất nhiên cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung làm tăng mức độ rủi ro của thị trường các nước mới nổi, đặc biệt các nước châu Á có liên hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc, dẫn đến một làn sóng rút vốn khỏi các thị trường đó."

"Nhưng nhìn rộng hơn làn sóng này đã bắt nguồn từ đầu năm nay khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) và Ngân hàng trung ương châu Âu (Ecb) khẳng định sẽ quay về cách điều hành tiền tệ truyền thống , có thể coi đây là một đợt "taper tantrum" (sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền) thứ hai."

"Thêm vào đó các quỹ đầu tư quốc gia (SWF) cũng đang bán bớt phần đầu tư cổ phiếu của họ ở các thị trường mới nổi nên luồng tiền chảy ra cũng là một yếu tố quan trọng làm suy giảm các chỉ số chứng khoán chứ không chỉ bởi chiến tranh thương mại."

Đề cập về suy đoán chỉ số VN-Index "thủng đáy" trong những tuần qua có nguyên do từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, ông Giang Lê nói: "Chỉ số chứng khoán trong ngắn hạn không bao giờ là thước đo tốt cho sức khỏe của một nền kinh tế. Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vào nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ leo thang của hai bên."

"Với mức độ đánh thuế vài chục tỷ USD hiện tại, tác động thực tế không lớn, nếu có chỉ là rủi ro các nhà đầu tư nước ngoài hoãn lại các dự án đầu tư và các khách hàng của doanh nghiệp Việt Nam giảm đơn hàng đợi tình hình lắng xuống. Tuy nhiên số liệu PMI tháng 6 cho thấy điều này chưa xảy ra, hoặc còn quá sớm để đánh giá tác động cuộc chiến thương mại vào nền kinh tế Việt Nam."

"Nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và các căng thẳng thương mại khác tiếp tục leo thang, tác động trong dài hạn sẽ rất xấu vì không chỉ các hoạt động kinh tế bị gián đoạn mà trật tự thương mại quốc tế có thể bị đảo lộn."

"Có thể nói sau hơn 10 năm gia nhập WTO và trải qua một số sóng gió ban đầu, Việt Nam đang gặt hái nhiều lợi ích của hệ thống này trong vài năm gần đây. Hiện tại, Việt Nam đã trở thành quốc gia có độ mở kinh tế hàng đầu thế giới, đang hội nhập vào hệ thống cung ứng toàn cầu, đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc."

"Tất cả những thuận lợi này có thể bị đảo lộn nếu các trật tự/thể chế kinh tế chính trị thế giới (Wto, Nafta, Imf, Wb, Eu) tan vỡ chỉ vì một vài chính sách thiển cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngay cả nếu điều này không xảy ra mà chỉ cần Mỹ quay lưng lại với thế giới, Việt Nam sẽ dễ dàng rơi vào một trật tự mới do Trung Quốc xác lập, nhiều phần sẽ tồi tệ hơn hệ thống hiện tại."

p06bpmt2

Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem

'VN: Thị trường chứng khoán sụt giảm do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung'

'Hệ lụy sẽ khó lường'

Trong khi đó, từ Đại học Strasbourg, Pháp, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú, một chuyên gia kinh tế khác, nhận định với BBC: "Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ gây ảnh hưởng xấu đến các nền kinh tế liên quan trực tiếp (Mỹ, Trung Quốc), nhưng cũng sẽ gây ảnh hưởng lên các nước khác, như trường hợp của Việt Nam."

"Trước hết, phải hiểu về cuộc chiến mậu dịch như sau. Hàng hóa là nguyên vật liệu sản xuất (như nhôm và hàng nông nghiệp dùng trong công nghiệp chế biến) bị áp dụng thuế cao hơn sẽ làm cho các mặt hàng tiêu dùng (được sản xuất dựa trên các nguyên vật liệu này) sẽ đắt hơn. Như vậy, nói sơ qua thì cuộc chiến thương mại sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu mà các sản phẩm bị đánh thuế, các doanh nghiệp nhập khẩu vì hàng hóa đắt hơn, người tiêu dùng của các nước liên quan sẽ phải trả tiền cao hơn trước kia."

"Nếu chỉ đơn giản như thế, các nước khác như Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy. Vì sao? Vì Mỹ và Trung Quốc sẽ có các biện pháp trả đũa khác nhau, mà hệ lụy sẽ khó lường đối với các nước thứ ba, nhất là Việt Nam."

trung quốc Bản quyền hình ảnh XinHua
Image caption Cửa hàng Mi Store đầu tiên của thương hiệu smartphone Trung Quốc Xiaomi mở cửa ở Hà Nội hồi tháng 5/2018

"Vì Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ nhưng rất mở (có nghĩa là phụ thuộc vào xuất nhập khẩu: năm 2017 xuất khẩu của VN là 214 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 211 tỷ USD, trong khi GDP của Việt Nam khoảng trên 220 tỷ USD). Do đó các biến động trên thị trường thế giới sẽ có tác động lên Việt Nam, nhất là các mặt hàng mà Việt Nam cạnh tranh."

"Phản ứng của thị trường tài chính ở Việt Nam vừa qua có lẽ phản ánh mối lo đó của các nhà đầu tư liên quan đến viễn cảnh kinh tế."

Sự rớt giá của đồng Nhân dân tệ mới đây làm dấy lên mối lo là chiến tranh thương mại lan rộng qua chiến tranh tiền tệ (mà các đồng tiền liên tục bị phá giá), sẽ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực hơn nữa cho các nền kinh tế."

"Vì hàng hóa Trung Quốc xuất qua Mỹ bị đắt hơn, các doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu qua các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Điều này sẽ tăng thâm hụt thương mại của Việt Nam đối với Trung Quốc. Ngoài ra, việc đồng tiền Nhân dân tệ rớt giá, hàng hóa của Trung Quốc sẽ rẻ hơn so với hàng Việt Nam trên thị trường thế giới, sẽ làm xuất khẩu Việt Nam gặp thêm khó khăn."

"Do vậy mà nhiều khả năng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ gây sức ép rất lớn lên kinh tế Việt Nam trong thời gian tới."

Đề cập về giải pháp ứng phó, ông Phú nói: "Tôi nghĩ là Việt Nam nên có các đối phó ngắn hạn và chuẩn bị kỹ các biện pháp trung và dài hạn."

"Về ngắn hạn, nên có các biện pháp về giá, có các chính sách thuế phù hợp. Ngoài ra Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi thị trường tiền tệ và tài chính để có chính sách hối đoái phù hợp, giảm ảnh hưởng tiêu cực lên xuất nhập khẩu."

"Về trung và dài hạn, tăng tốc cải cách kinh tế, nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt. Thúc đẩy các hiệp ước tự do thương mại với châu Âu và các nước khác, đó cũng là cách giảm thiểu rủi ro (khi mà nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào hai thị trường Mỹ và Trung Quốc)."

"Các hiệp ước thương mại này phải có các điều khoản tiến bộ (không chỉ đơn thuần về thương mại) nhằm gia tăng các ảnh hưởng tích cực lên nền kinh tế, như về môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ..."

"Về phương diện hoạch định chính sách, tôi không biết là chính phủ Việt Nam đã có chuẩn bị gì hay chưa, nhưng theo tôi, Hà Nội nên có những nghiên cứu định lượng về các tác động của chính sách thuế quan lên nền kinh tế Việt Nam, nhằm đề ra các tình huống và chính sách ứng phó kịp thời."

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn