Những tác động có thể hủy diệt một hành tinh

Thứ Năm, 12 Tháng Bảy 20189:00 SA(Xem: 6311)
Những tác động có thể hủy diệt một hành tinh

Việc va chạm mạnh với thiên thể khác hoặc chịu tác động nhất định từ bên ngoài có thể khiến một hành tinh vỡ vụn.

Thành phần cấu tạo của Trái đất bao gồm: sắt, niken, magie, silicon và các nguyên tố khác. Chúng khá ổn định nên chúng ta không cần lo Trái đất sẽ đột nhiên phát nổ. Những hành tinh khác không như vậy.

Sao Mộc là hành tinh khí khổng lồ cấu tạo chủ yếu từ hydro. Hydro có thể rất dễ gây cháy khi kết hợp với oxy và một nguồn năng lượng như lửa. Phản ứng này tạo ra một chút nước nhưng cũng gây nổ lớn.

Nếu một đội quân ngoài hành tinh tìm được cách thích hợp để đưa vào lượng lớn oxy, họ có thể tạo ra vụ nổ lớn hủy diệt sao Mộc.

Va chạm mạnh với tiểu hành tinh có thể khiến Trái đất bị phá hủy.
Va chạm mạnh với tiểu hành tinh có thể khiến Trái đất bị phá hủy.

Một hành tinh còn có thể bị phá hủy theo cách nào khác? Đó là va chạm cực mạnh với tiểu hành tinh.

Các nhà khoa học cho rằng, tiểu hành tinh Chicxulub đâm xuống Trái đất 65 triệu năm trước dẫn đến sự tuyệt chủng của loài khủng long, tiểu hành tinh này đáp xuống nơi là bán đảo Yucatan, Mexico ngày nay và để lại một chiếc hố lớn, nhưng nó không đủ sức phá hủy Trái đất.

Tiểu hành tinh này có đường kính khoảng 9km và lao về phía Trái đất với vận tốc 64.000km/h. Với sức mạnh như vậy, nó vẫn chỉ tạo ra được một hố sâu 20km.

Các tiểu hành tinh lớn, đặc hơn hoặc có thành phần cấu tạo khác có thể va chạm đủ mạnh để phá tan Trái đất. Tuy nhiên, con người chưa rõ chính xác tiểu hành tinh cần có những đặc điểm gì mới đủ khả năng hủy diệt Trái đất.

Nếu va chạm với tiểu hành tinh có thể khiến Trái đất bị xóa sổ, chuyện gì sẽ xảy ra nếu đâm phải hành tinh khác? Kỳ lạ là trong một số trường hợp, hai hành tinh va chạm sẽ không vỡ vụn.

Nếu một trong hai hành tinh còn trẻ và đang trong giai đoạn phôi thai, chúng có thể hợp nhất thành một hành tinh khổng lồ. Một số nhà khoa học cho rằng đó là những gì xảy ra khi Trái đất va chạm với hành tinh rất trẻ Theia khoảng 4,5 tỷ năm trước.

Theo nghiên cứu của đại học California, Davis, khi hai hành tinh thực sự va chạm, chúng có thể tạo ra synestia, đám mây hình vòng gồm đá bị bốc hơi. Chúng sẽ giữ trạng thái này vài trăm năm, rất ngắn so với thời gian trong vũ trụ, sau đó co lại, nguội đi và hình thành hành tinh mới.

Có thể bạn cho rằng Hệ Mặt trời đã hình thành ổn định nên Trái đất sẽ không bao giờ va chạm với hành tinh khác. Tuy nhiên, điều này có thể không đúng.

Năm 2008, các nhà thiên văn quan sát hệ sao có tuổi tương đương Mặt trời và chỉ cách Trái đất 300 năm ánh sáng. Họ thấy hai hành tinh va chạm với lực rất mạnh, gây nên sự kiện đại tuyệt chủng hoàn toàn nếu có bất kỳ dạng sống nào tồn tại trên đó.

Trước phát hiện này, giới khoa học từng cho rằng các hệ sao tồn tại lâu tương đương Hệ Mặt trời sẽ tránh được kiểu va chạm như vậy nhưng có vẻ điều này không chính xác.

Những viễn cảnh tận thế như hành tinh bị hủy diệt dễ mang lại cảm giác bi quan. Tuy nhiên, các sự kiện trên gần như không thể xảy ra trong thời đại của chúng ta. Vì vậy, hãy tận hưởng cuộc sống trên Trái đất, mái nhà của con người.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn